Chấn Thương Thủng Nhãn Cầu, Hỏng Mắt Do Tai Nạn Lao động

Ngày 14/01/2018, tại Quảng Bình, một người đàn ông bị cành cây đâm vào mắt trái khi đang chặt cành cây, hậu quả là bị vỡ thủy tinh thể.

Thủng nhãn cầu vì một mảnh gỗ

Bệnh nhân đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương trong tình trạng mắt trái đau nhức dữ dội, không nhìn thấy gì. Bác sĩ phát hiện mắt trái bệnh nhân bị thương rất nặng do mảnh vỏ cây xuyên thủng nhãn cầu, gây vỡ thủy tinh thể, dị vật nội nhãn; đường vào của dị vật từ giác mạc. Ngay lập tức, bệnh nhân đã được phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật nội nhãn là một mảnh gỗ.

Sau khi mảnh gỗ được lấy ra, các bác sĩ đã khâu giác mạc cho bệnh nhân, lấy thủy tinh thể vỡ và đặt thủy tinh thể nhân tạo một thì. Đến ngày 17/1/2018, mắt người bệnh ổn định, được điều trị dự phòng nhiễm trùng và kháng viêm. Các bác sĩ hy vọng thị lực bệnh nhân sẽ phục hồi dần.

2_07

Chấn thương mắt có thể xảy ra với bất kỳ ai. Ngoài việc gặp nạn do mảnh gỗ như trường hợp trên, mảnh kim loại, hạt thóc, đá răm… là những thứ có thể bất thình lình bắn vào mắt trong quá trình lao động, sinh hoạt. Các vật sắc nhọn như que, bút, đồ chơi góc cạnh… cũng có thể gây tai nạn cho mắt bất kỳ lúc nào, đặc biệt ở trẻ nhỏ do chưa ý thức được sự nguy hiểm.

Thủng nhãn cầu, vỡ thủy tinh thể là một chấn thương nặng. Trường hợp thủng nhãn cầu, ngoài hậu quả gây phòi tổ chức do áp lực dương tính trong nội nhãn, vết thương còn là đường vào của vi khuẩn khiến nhiễm trùng nội nhãn, đặc biệt khi có dị vật nội nhãn kèm theo.

Còn vỡ thể thủy tinh cũng gây rất nhiều biến chứng tùy vào mức độ tổn thương. Một số biến chứng có thể kể đến là: xẹp tiền phòng, tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào…, và việc điều trị đương nhiên là khó khăn, phức tạp.

Xử trí chấn thương mắt đòi hỏi chuyên môn cao

BS Ngô Thị Lan, Bệnh viện Mắt Sài Gòn – Hà Nội cho biết, trường hợp chấn thương gây vỡ thủy tinh thể, bác sĩ khám cần xác định đường vào của dị vật là xuyên qua giác mạc hay củng mạc, hay là phối hợp. Nếu vỡ thủy tinh thể, bệnh nhân gần như là mất thị lực, sau đó sẽ có phản ứng viêm (do các chất của thủy tinh thể vỡ ra kích hoạt phản ứng viêm màng bồ đào).

Không chỉ vấn đề cấp cứu xử trí ban đầu, bệnh nhân bị chấn thương đến vỡ thủy tinh thể, các xử trí hậu phẫu cũng phức tạp hơn, đòi hỏi chuyên môn cao của bác sĩ.

Khi tiếp nhận bệnh nhân chấn thương đến vỡ thủy tinh thể, thường bác sĩ sẽ phải xử trí làm nhiều đợt bao gồm: đầu tiên là khâu phục hồi giác mạc, sau đó khi ổn địnhh thì mổ lấy thể thủy tinh vỡ ra, tìm dị vật.

Với chấn thương mắt do cành cây, ngoài vấn đề vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm, cần đề phòng cả việc nhiễm nấm (do nấm hay ký sinh trên vỏ cây, cành cây). Nếu nhiễm nấm thì bệnh nhân phải dùng thuốc kháng nấm. Trong vấn đề này cần sự xử trí khéo léo của bác sĩ.

Vì bệnh nhân nhiễm trùng phải dùng kháng sinh, kháng viêm. Nhưng nếu nhiễm nấm, dùng corticoid lại gây bùng phát nấm… Khi đã xảy ra chấn thương, lại là chấn thương nặng, các biện pháp cấp cứu chỉ là bảo tồn mắt, cải thiện, phục hồi thị lực sau chấn thương chứ thị lực bệnh nhân sẽ không còn được như cũ.

Chấn thương mắt là nguyên nhân thứ 3 gây mù loà sau đục thể thủy tinh và glocom. Tổn thương do chấn thương mắt thường phức tạp đòi hỏi một thái độ xử trí đúng đắn và kịp thời mới có thể hạn chế được phần nào những hậu quả nặng nề do chấn thương gây ra.

Để phòng chấn thương mắt, mọi người nên đeo kính bảo hộ khi lao động (đặc biệt trong các nghề cơ khí, làm mộc, nông – lâm nghiệp) để tránh việc dị vật bất ngờ bắn vào mắt… Trẻ nhỏ cần được quản lý tốt, không để trẻ chơi các đồ sắc nhọn, không cho trẻ cầm đồ chơi vừa đi vừa chạy vì dễ tự gây sát thương cho mình.

Bệnh viện Mắt Sài Gòn

Biên tập TTT

Từ khóa » Thủng Nhãn Cầu