Chặng đường Xây Dựng Bệnh Viện Trung ương Quân đội 108

Một ngày đầu thu năm 2008, nhận nhiệm vụ Giám đốc BV TWQĐ 108, đứng nhìn toàn cảnh cơ ngơi từ sân thượng tòa nhà Chỉ huy, tôi cảm nhận rõ rệt sự bào mòn của thời gian và không gian lên cảnh quan và cơ sở vật chất trong toàn BV TWQĐ 108. Cũ nát, xuống cấp, kiến trúc chắp vá qua nhiều thời kỳ, công năng của các tòa nhà thiếu gắn kết, không gian giữa các khu xét nghiệm cận lâm sàng và khoa điều trị bị chia cắt rời rạc…, cơ sở vật chất không đủ điều kiện để ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật y học tiên tiến và triển khai nghiên cứu các đề tài khoa học công nghệ cao… Trước tình hình đổi mới của đất nước và từng bước hiện đại hóa của quân đội, đặc biệt là nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân, việc tiếp tục xây dựng phát triển BV sẽ phải triển khai như thế nào và bằng cách nào? Câu hỏi cấp bách ấy đã thôi thúc tôi suy nghĩ và hành động.

Một ngày đầu tháng 10/2008, khi đến thăm Bệnh viện TWQĐ 108, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, có trao đổi “Thời gian qua, quân đội đã đầu tư hiện đại hóa nhiều lực lượng, bảo đảm cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi của quân đội. Giờ là lúc nghĩ đến việc hiện đại hóa lực lượng quân y mà trước hết là BV TWQĐ 108”. Cùng thời gian đó, Nghị quyết chuyên đề số 259 của Quân ủy Trung ương về xây dựng và phát triển BV TWQĐ 108 tầm nhìn đến năm 2020 và quyết tâm xây dựng ngành quân y hiện đại, cũng vừa ra đời. Được lời như mở tấm lòng! Những ước mơ về ý định “xây dựng một BV mới hiện đại tầm cỡ khu vực và quốc tế” giữa lòng Hà Nội đã được chắp cánh bay cao. Chẳng bao lâu nữa, ngay tại trung tâm thủ đô nghìn năm văn hiến, một BV khang trang hiện đại sẽ mọc lên sừng sững tráng lệ. BV TWQĐ108 sẽ có bộ mặt mới, sẽ có đủ điều kiện tốt nhất để thực hiện thuận lợi các chức năng chuyên môn chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, đồng thời là viện nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng, cơ sở đào tạo sau đại học đáng tin cậy và tham gia chăm sóc hiệu quả sức khỏe các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội.

Trong những ngày đầu bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ mới mẻ này, tôi cùng BQL dự án đã lên gặp các cơ quan chức năng của BQP bàn bạc xác định nguồn vốn, đề xuất các mô hình xây dựng lại BV. Có 3 phương án được giới thiệu: Một là, tận dụng những tòa nhà sẵn có, khu nào xuống cấp thì nâng cấp cải tạo lại cho đáp ứng tình hình mới; hai là cải tạo xây dựng bệnh viện theo kiểu “xôi đỗ”, nghĩa là BV tận dụng những chỗ đất còn trống để xây thêm nhà mới vào đó, kết hợp với nâng cấp, cải tạo nhà cũ. Cả 2 cách làm này có ưu điểm dễ làm, thời gian xây dựng ngắn, ít gây xáo trộn hoạt động chuyên môn thường xuyên của bệnh viện và đầu tư kinh phí không lớn. Tuy nhiên lại có quá nhiều khiếm khuyết so với nhu cầu phát triển ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cao trong tương lai, BV vẫn rơi vào cảnh chắp vá, không đồng bộ, không căn cơ, diện tích chiếm đất lớn, không thuận tiện cho người bệnh và không giúp BV phát triển lâu dài, cơ bản, hiện đại. Sau khi trình bày 2 phương án đầu, tôi đã tập trung sự quyết tâm, mạnh dạn đề xuất với các đồng chí lãnh đạo của Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng Bộ phương án xây mới hoàn toàn BV TWQĐ108.

Vào thời điểm đó, đây là đề xuất rất liều lĩnh. Làm sao thuyết phục được chừng đó thành viên của Quân ủy Trung ương và các đ/c lãnh đạo Bộ cùng các cơ quan chức năng đồng ý về mặt chủ trương và cho phép xây dựng dự án khả thi với quy mô rất lớn, kinh phí vài nghìn tỷ… Thật may mắn, ý tưởng mạnh bạo đó lại được Bộ trưởng thấu hiểu và hết lòng ủng hộ, đồng ý cho xây dựng BV mới hoàn toàn. Khi được thông báo sơ bộ về chủ trương này, cả BV rất vui mừng và bầy tỏ lòng biết ơn đến sự quan tâm của Quận Ủy Trung Ương và của cá nhân đ/c Bộ trưởng.

Theo Luật định, muốn xây dựng dự án, bệnh viện phải có Quy hoạch mặt bằng tổng thể do Bộ chủ quản và UBND TP Hà Nội phê duyệt bằng bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/500. Thời điểm đó, BV TWQĐ 108 chưa làm qui hoạch mặt bằng. Phải tự mò mẫm từng bước, liên hệ với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và TP Hà Nội để được hướng dẫn làm Qui hoạch mặt bằng tổng thể BV đúng luật định. Thực hiện công việc mới mẻ, lạ lẫm này đụng vào rất nhiều các văn bản pháp qui hiện hành về xây dựng như Nghị định số 92/2005/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội; Nghị định số 29/2007/NĐ-CP về quản lý kiến trúc đô thị… Có nhiều vấn đề vướng mắc cần được tháo gỡ khá tốn công sức và thời gian mới vượt qua được.

Tóm lại, có 3 trở ngại lớn liên quan đến cấp phép xây dựng BV mới, một là Nghị định về cấm xây nhà cao tầng trong khu vực lõi của Hà Nội; hai là chủ trương đưa các BV Trung ương ra khỏi khu vực nội đô để giảm mật độ dân số và giao thông; ba là Luật Phòng cháy chữa cháy không cho phép xây bệnh viện cao quá 9 tầng. Dự án của ta thì xây 2 tòa cao 22 tầng và 1 tòa cao 10 tầng, tọa lạc ngay mặt đường phố cổ Hà Nội, toàn đụng vào điều cấm của chính quyền! Một đ/c Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội đã nêu gợi ý giới thiệu một địa điểm ưu tiên ngay tại đất Thủ Đô để xây mới BVTWQĐ108 tại Đặng Xá, gần nhà Thi đấu Gia Lâm với diện tích 30 Ha (giống như bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức có cơ sở 2 ở Hà Nam). Vậy là Dự án gần như tới chỗ bế tắc. Những buổi trao đổi, báo cáo, thuyết phục hàng chục lần trước nhiều cơ quan chức năng từ Trung ương tới TP, từ trong các cơ quan của Bộ Quốc Phòng tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền ngoài Quân đội. Kết quả là BV dần dần nhận được sự ủng hộ từ các Bộ, Ban, Ngành và UBND TP Hà Nội, lúc đầu chỉ một vài cơ quan và cuối cùng là tất cả cùng nhất trí ủng hộ với đề xuất xây mới BV. Khó khăn cơ bản nhất, lớn nhất đã vượt qua, phần hồ sơ đã hoàn tất, nhưng phải kéo dài thời gian hoàn thành tới 4 năm (vượt dự kiến 2 năm), làm cho ngày khởi công lùi lại 2 năm. Chúng tôi đã không thể hình dung phần thủ tục giấy tờ lại mất nhiều thời gian đến như vậy.

Có giấy phép rồi, vấn đề tiếp theo là chọn được nhà kiến trúc xứng tầm? Chúng tôi buộc phải nghĩ tới phương án mời Tư vấn kiến trúc xây dựng của nước ngoài. Như thế công trình đạt chuẩn quốc tế và các mục tiêu của dự án được giải quyết tốt nhất.

Được sự nhất trí của Bộ Quốc Phòng,BV đã viết thư gửi đến Tùy viên văn hóa của nhiều đại sứ quán các nước tại Hà Nội, mời tham gia cuộc thi vẽ ý tưởng phối cảnh kiến trúc Cụm công trình trung tâm gồm 3 tòa nhà cao tầng BV TWQĐ 108. Một tuần sau, 5 đại sứ quán có thư phúc đáp nhận lời sẽ giới thiệu một công ty tư vấn kiến trúc có kinh nghiệm tham gia cuộc thi (Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Đức). Đến ngày nộp hồ sơ thì chỉ có 2 đơn vị cử người đến thuyết trình là Đức và Hàn Quốc. Bệnh viện đã thành lập Hội đồng chấm thẩm định 2 phương án dự thi. Các thành viên Hội đồng đều là lãnh đạo các cơ quan chức năng của Bộ Quốc Phòng. Hội đồng đã bỏ phiếu kín và 90% thống nhất chọn phương án kiến trúc của Công ty tư vấn kiến trúc và xây dựng Heerim Hàn Quốc với hình tượng 2 cánh buồm no gió của con thuyền khổng lồ neo đậu bên bờ sông Hồng. Chính giữa 2 cánh buồm là đường cong tạo thành chữ H, biểu trưng cho 3 chữ H “Bệnh viện – Khách sạn – Chất lượng cao” (Hospital – Hotel – High Quality). Với 3 tòa nhà cao tầng, chung nhau 2 tầng hầm, 2 tòa cao 22 tầng nổi, 1 tòa cao 10 tầng nổi. Diện tích chiếm đất là 11.066m2. Tổng diện tích sàn xây dựng 143.721m2. Chiều cao tối đa 105,95m. Công trình có qui mô 1500 giường (tối đa 2000 G). Khám bệnh tối đa 5000 BN/ngày. Tổng mức đầu tư dự toán 4.700 tỷ đồng, công trình có kiến trúc độc đáo, kết cấu vững chãi, thân thiện với môi trường. Hiện đại hợp lý về qui hoạch, hài hòa với cảnh quan xung quanh, đáp ứng các tiêu chuẩn tiên tiến của Việt Nam và Quốc tế. Công trình có tầm cỡ quốc gia của BV hạng đặc biệt và tuyến cuối toàn quân. Thỏa mãn nhu cầu khám chữa bệnh của bộ đội, nhân dân và cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Công trình có hệ thống giao thông hợp lý, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.

Cảnh quan Cụm công trình có mặt tiền hướng Đông, nhìn thẳng ra sông Hồng, lưng quay hướng Tây, tạo thế “Tọa sơn, Hướng thủy” rất hợp phong thủy của một công trình lớn. Tuy nhiên, trong bản thiết kế ban đầu của công ty Heerim có vẽ cổng ra vào của Cụm tòa nhà trung tâm khá nặng nề và thiếu tính thẩm mỹ, cộng thêm không thiết kế môi trường cảnh quan xung quanh bên ngoài cụm tòa nhà. Tôi đã trao đổi và đề nghị sửa cái cổng vào Cụm công trình thành dáng “Búp sen” (parabol) cho nhất quán với Logo của BVTWQĐ108, bổ sung thêm hệ thống đài phun nước, bể nước chạy dài qua trước nhà Chỉ huy, tạo dáng như “dải lụa” trong một không gian thoáng đãng, mát mẻ, thư giãn. Cụm Công trình trung tâm thực sự là một điểm nhấn đẹp về kiến trúc của Thủ đô Hà Nội, được bao bọc bởi không gian cây xanh và mặt nước, mang nét hài hòa, thân thiện với môi trường xung quanh, được kết nối thuận lợi với hệ thống giao thông công cộng. Công trình có phối cảnh không gian độc đáo. Cụm công trình trung tâm đã thỏa mãn được mọi yêu cầu của chủ đầu tư đặt ra ở mức xuất sắc. Xứng đáng với lòng tin của Hội đồng tuyển chọn Bộ Quốc Phòng.

Sau hơn 5 năm xây dựng, ngày 17/12/2018, BV TWQĐ 108 đã tổ chức Lễ khánh thành Cụm Công trình trung tâm. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự lễ cắt băng khánh thành, đưa vào sử dụng Cụm Công trình trung tâm của BV TWQĐ 108. Đây là một sự kiện quan trọng, một bước ngoặt lịch sử ghi dấu thời kỳ phát triển mạnh mẽ của BV TWQĐ 108 vươn lên ngang tầm với các trung tâm y tế hàng đầu trong khu vực và thế giới.

*PGS.TS. Thầy thuốc Nhân dân Trần Duy Anh/ Nguyên Giám đốc BV 108

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 04-2020)

Từ khóa » Thiết Kế Bệnh Viện 108