Chàng Tía Lia "hai Ngón" - Tuổi Trẻ Online

SxoAjNki.jpgPhóng to

Minh họa: La Nguyễn Quốc Vinh

Nó nhẩm tính bỏ ra gần nửa tháng phụ bán hàng cho cô Tám, về ăn Tết trễ hơn một chút nhưng nó có thể san sẻ cho má phần nào lo lắng trong những ngày năm hết Tết đến. Hai đứa nhỏ có thêm bộ quần áo mới, má sắm được cặp dưa chưng ba ngày Tết, ba có thêm ấm trà ngon mỗi sáng cúng ông bà, nếu tiện tặn nó cũng còn đủ tiền qua Tết đóng lệ phí thi bằng B ngoại ngữ. Như vậy là quá lời rồi. Cho nên khi tụi bạn chung ký túc xá rục rịch khăn gói về quê từ trước bữa ông Táo về trời, có hơi chạnh lòng nhưng nó vẫn quyết tâm ở lại, không quên hẹn hò với má “Chiều giao thừa con về”.

Cửa tiệm tạp hóa của cô Tám mở ra đến mấy nhánh phụ, nhánh trong nhà lồng chợ và nhánh chỗ nó phụ bán nằm liền kề chợ hoa. Đêm xuống các dãy bóng đèn trang trí sáng rực trên đầu, dòng người nườm nượp đi dưới lòng đường, đèn đủ màu chớp tắt trong các chậu kiểng, đỗ quyên, vạn thọ, cúc mâm xôi… tươi rói mời gọi trên vỉa hè… Hai đứa em nó ở quê mà thấy cảnh này mê phải biết! Thôi, ráng Tết năm sau, Hai ra trường không đi làm thêm mấy ngày này nữa, Hai sẽ dẫn hai đứa xuống chơi chợ hoa xuân…

- Nhỏ, bán tui hai thùng nước yến. Bữa nay chưa về nữa hả?

Một giọng nói nhắc nó trở về nhiệm vụ. Là nhỏ bạn cùng lớp. Nó lấy hàng, tính tiền, trả lời nhỏ bạn mà như đang an ủi chính mình:

- Ừ, ráng tới chiều mai tui mới về. Nhà bồ sửa soạn xong hết chưa?

- Cũng xong rồi. Thôi buôn bán vui vẻ, về quê bình an nhe. Tui phải đem về, mẹ đang đợi.

Nhỏ bạn nhà ở ngay thành phố, sướng thật. Không phải tới lui vất vả, không phải nếm cái cảm giác nhớ nhà, nhớ quê muốn cháy ruột gan khi Tết đến chưa được về nhà mà cứ nghe loa phóng thanh giục giã “Ai xuôi ngược trên khắp nẻo quê hương, nhớ quay về vui đón mùa xuân yêu thương…”.

- Ê, bắt quả tang nhe, tui mét cô Tám. Buôn bán mà cứ nhìn xa xăm, suy nghĩ đâu đâu, không tập trung chuyên môn gì hết!

Nó quay lại, cười mím chi với “người phát ngôn của bộ… nhiều chuyện”:

- Nhìn gì, tui đang quan sát đón khách mà. Tố giác người ngay là trọng tội đó bạn!

“Người phát ngôn” trề môi:

- Xạo, không tập trung lỡ thối lộn tiền tội nghiệp cô Tám. Mà giờ này chưa về quê, chắc nhớ nhà dzữ lắm hả… Dạ, dạ… cặp dưa đó hai trăm cô ơi!

Chưa kịp nói hết câu, hắn đã vội vã quay lại sạp dưa hấu của mình vì có khách hỏi mua. Con trai gì đâu mà miệng mồm tía lia, bán buôn dẻo quẹo. Phải mà nó có được vài phần cái khả năng “chót lưỡi đầu môi” của anh ta thì hay biết mấy. Như vậy chắc cô Tám sẽ trả thêm tiền công cho một người phụ việc lanh lẹ, chắc rẫy dưa leo của ba má sẽ tăng thêm doanh thu vì có một nhà bán lẻ tài ba về ngồi chợ vào những ngày chủ nhật. Nghĩ tới rẫy dưa của ba má lại thấy xót, mùa trước trúng giá thì đám dưa ít trái, mùa này được mùa thì giá lại rớt thê thảm. Mà trồng gì cũng phải phập phồng lo sợ, từ sợ mưa, sợ nắng tới sợ thương lái ép giá; bởi vậy ba má mới biểu nó ráng học, đừng như ba má làm nông dân phụ thuộc trăm đường.

Đêm đã gần về khuya, cửa tiệm của cô Tám đã bớt khách, giờ này là giờ của những cửa hàng hoa, quần áo, giày dép… Nó tranh thủ sắp xếp lại cửa tiệm. Cô Tám kêu nó: “Con đi dạo thì đi một lát đi, coi có mua sắm quần áo gì cho mấy đứa em dưới quê”. Xin phép cô, nó đi. Dọc theo mấy lô quần áo, nó nghe ngóng giá cả, nhìn ngó, nhẩm tính trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Một cô nàng xinh ơi là xinh đang thử chiếc áo mới. Nàng quay lại hỏi ý chàng trai đang đứng đợi ngoài cửa hàng. Một đôi khác đang lựa giày cho nhau. Nhìn đâu cũng thấy đôi với cặp. Lại chạnh lòng! Dẫu gì cũng là sinh viên năm ba mà nó chưa có được mảnh tình vắt vai. Hồi năm nhất cũng mộng mơ để ý tới chàng bí thư của lớp. Âm thầm vậy thôi vì vốn biết chàng là trung tâm của lớp, bao nhiêu đứa con gái trong lớp, ngoài lớp để ý tới. Nó tự biết mình là dân quê “lòi gốc lúa” nên không dám biểu lộ, cạnh tranh. Bí thư rồi cũng chọn được một người. Nhỏ lớp phó học tập lớp kinh tế, đẹp gần như nhất khoa, là MC của trường, hát hay, múa giỏi, “nổi như cồn”. Là một cặp xứng đôi nhất trái đất! Từ dạo ấy nó cũng thôi để ý đến ai vì mặc cảm mình nghèo, lại xấu… Đang ngẩn ngơ suy nghĩ, nó giật mình vì một bàn tay vỗ nhẹ lên vai:

- Suy nghĩ gì mà đờ người ra nữa vậy bồ?

Nó quay lại, là anh chàng Tía Lia bán dưa. Không đợi nó trả lời, anh ta tiếp một hơi:

- Chợ đêm đông ì xèo vầy, dân “hai ngón” trà trộn dữ lắm. Thả hồn lên cột điện như bồ dễ mất tiền lắm. Coi lại cửa nẻo, ý lộn, coi lại cái túi tiền còn hông?

Chột dạ, nó thọt tay ngay vào túi kiểm tra. Phù, còn, hết cả hồn! Định thần lại sau lời nhắc nhở của Tía Lia, nó cười:

- Làm hết hồn! Ông giỏi nhất là hù người ta.

- Hù gì mà hù. Hổm rày ở đây mình thấy bao nhiêu vụ mất tiền rồi. Chợ đông, mấy anh bảo vệ cũng làm hết sức mà không xuể. Mà nhỏ ngộ thiệt, suốt ngày cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn.

- Ý ông là tui không bình thường à?

- Đâu phải. Ý tui là… Mà thôi, giải thích chi cho mệt. Đi dạo cho tui đi ké với!

Rồi thật hồn nhiên, Tía Lia nắm ống tay áo của nó, kéo nó hòa vào dòng người nhộn nhịp. Lạ thiệt, nó đang đi dạo phố xuân với một chàng trai. Lúc này bạn bè nhìn thấy, tụi nó sẽ nghĩ gì? Lỡ mà ai đó dưới quê nó xuống chơi chợ hoa, thấy vậy, họ sẽ nói gì? Tía Lia với nó biết nhau mới hơn mươi hôm, từ bữa rằm tháng chạp, nó phụ cô Tám, còn Tía Lia bán dưa ở sạp cạnh bên. Tía Lia có cái tên khá kêu: Phát Lộc. Nhưng nó thích gọi là Tía Lia hơn, vì đó là ấn tượng đầu tiên và sâu sắc nhất của nó với anh ta. Sạp dưa ấy của gia đình Tía Lia, ba trồng, mẹ bán, Tía Lia phụ. Cũng gốc nhà nông mà vì miệng mồm dẻo quẹo nên anh ta không giống nông dân cho lắm. Tranh thủ những lúc ngơi tay, Tía lia hay chạy qua tiệm cô Tám để tiếp tục “buôn dưa lê”, cái duyên hài của anh ta làm mọi người quên nhọc mệt. Biết rồi qua mùa Tết, nó với Tía Lia có còn gặp nhau khi mà cả hai hội ngộ tình cờ như “bèo nước”. Đi bên cạnh Tía Lia trong khí trời se se lạnh, nó chợt nghe lòng dâng lên một cảm giác mơ hồ khó tả. Chắc vì không khí rộn ràng của buổi giao mùa làm lòng người cũng nao nao…

oOo

Chiều 29, chuyến xe buýt cuối năm như cũng vội vàng, cuống quýt; hành khách trên xe cũng hối hả, nôn nao. Có lẽ ai cũng mong xe chạy nhanh hơn để kịp về nhà chuẩn bị đón thời khắc thiêng liêng cùng gia đình.

Xe về bến, bác tài quay lại chào thật to:

- Tới bến rồi bà con ơi! Về ăn Tết thôi. Năm mới hạnh phúc, bình an nhé bà con!

Đáp lại lời bác tài là những nụ cười thật tươi, những lời cảm ơn, những lời chúc tốt lành dành cho nhau. Những con người xa lạ trên chuyến xe cuối năm bỗng xích lại gần nhau như thân quen tự thuở nào. Nó xuống xe cuối cùng. Bác tài hỏi:

- Người nhà đón hay đi xe ôm hả con gái?

- Dạ, con đón xe ôm về bác ơi!

- Ừ, về khỏe, năm mới phát tài, phát lộc nhe con.

Cảm ơn bác xong, nó khệ nệ xách giỏ đồ, vác balô ra lộ đón xe ôm. Trong đầu nghĩ đến chữ “phát lộc” mà bác tài vừa nói. Ừ, Phát Lộc, biết rồi có còn gặp lại nhau? Giữa thế giới có biết bao cuộc gặp gỡ tình cờ để rồi mãi mãi chỉ là tình cờ? Có bao nhiêu phần trăm những cuộc gặp tình cờ trở thành những mối quan hệ khác nữa? Cuộc dạo phố đêm qua, cuộc gặp gỡ với Tía Lia… đã để lại trong lòng nó một cảm xúc rất lạ. Nó chỉ biết quê anh ta ở cồn Bình Thủy, vậy thôi. Lúc xế trưa, khi nó tạm biệt cô Tám, tạm biệt ba má Tía Lia và Tía Lia để về quê, Tía Lia chỉ cười chúc nó về quê ăn Tết vui vẻ, chỉ nhiêu thôi. Không hiểu tại sao, dù nôn nao về ăn Tết mà nó vẫn thấy một nỗi buồn mơ hồ, một cái gì bịn rịn không rõ. Nó mong Tía Lia sẽ nói gì đó với nó, chứ không phải chỉ mấy lời chúc mạnh giỏi, bình an như vậy. Có lẽ vì từ hôm thấy Tía Lia làm “hiệp sĩ đường phố” phụ mấy anh bảo vệ chợ bắt một tên “hai ngón” nó đã nghĩ Tía Lia là người tốt. Khi thấy Tía Lia giúp cô bán cam gom lại thúng cam đổ tràn ra lòng đường, nó đã nghĩ Tía Lia dễ thương… Chỉ vì cái tính nhút nhát, tự ti đã không cho nó mở lời hỏi thăm anh ta nhiều quá, để giờ, chắc gì đã còn gặp lại nhau khi mà chẳng có gì để gọi là cơ hội, thậm chí số điện thoại cũng không…

Nó ngồi xuống kiểm lại giỏ đồ. Này quà của hai đứa em, của ba, của má… Ủa, cái bao lì xì - tiền công mười mấy ngày phụ việc của nó đâu rồi? Nó lục tung giỏ đồ, lục tung balô. Điếng hồn! Đâu rồi? Sợ mất nên nó không dám để trong bóp, nó đã nhét vào mớ quần áo của hai đứa em; trong bóp chỉ chừa đủ tiền đi xe buýt, xe ôm về nhà. Mà sao bây giờ… Tiền của nó, mồ hôi nước mắt của nó… Bốn mươi mấy cây số từ Long Xuyên về đây… Chuyến xe buýt lúc nãy toàn những gương mặt hiền lành, lẽ nào…? Giọt nước mắt tràn trên khóe mắt nó, sắp rơi xuống... “Két… két”, tiếng thắng xe rất gấp làm nó giật mình nhìn lên. Không tin được! Tía Lia đang ở trước mặt nó, cười tinh quái:

- Sao chưa về nhà mà còn ở đây khóc? Lo suy nghĩ vớ vẩn, bị người ta móc bóp rồi phải không? Đã nói mà đâu có chịu nghe. Lúc nào cũng gửi hồn lên cột điện. Người như nhỏ mà học tài chính là trật chìa rồi…

Đúng là Tía Lia, thấy người ta khóc vui sướng lắm hay sao? Gặp đột ngột trong tình huống này nó cũng không biết nên cười hay nên khóc… Nó bí xị:

- Nói đúng rồi, mất hết tiền rồi…

Tía Lia bỗng cười thật to: “Ha ha ha” rồi đưa tay lên vuốt chòm râu tưởng tượng của mình:

- Hà hà hà, nhóc kia, thương con hiền lành chăm chỉ, ta cho con một điều ước. Con ước gì? Mà con không cần ước, ta cũng biết con muốn gì rồi. Con cần có lại số tiền đã bị mất, đúng hông con? Có ngay đây, có ngay đây… Hô biến!

Dứt lời, Tía Lia xòe ra trước mặt nó bao lì xì đỏ chót, in chữ “Lộc” vàng tươi. Lại một lần nữa nó không tin vào mắt mình. Đúng là bao lì xì cô Tám đã đưa cho nó với dòng chữ màu tím của cô: “Chúc gia đình con năm mới Vạn sự như ý”. Nó run run mở ra, mấy tờ polymer vẫn nằm im trong đó. Nó không hiểu chuyện gì đã xảy ra, Tía Lia lại nói Tía Lia:

- Hồi xế, lúc nhỏ đi rồi, tui mới thấy bao lì xì này nằm dưới đất… Ba má với cô Tám biểu tui chạy theo đưa cho nhỏ, mà nhỏ lên xe đi mất rồi, nên tui mới lấy xe chạy theo tới đây… Người gì mà lẩn thẩn.

Nó nhìn anh ta, nghi hoặc, nó nhớ rõ là mình đã sắp xếp cẩn thận, để bao lì xì vào trong bộ đồ của bé Út rồi mới chào tạm biệt, vậy rơi ra lúc nào? Bắt gặp cái nhìn dò xét của nó, Tía Lia chợt gãi đầu:

- Sao nhìn kỳ cục vậy? Người ơn mà nhìn như kẻ thù hà. Tui cũng biết tui đẹp trai, phong độ nhưng không cần dòm tui đắm đuối như vậy đâu…

- Giờ, tính vầy. Tui chạy tới đây rồi, nhỏ lên xe tui chở về nhà luôn, sẵn mời tui bữa cơm chiều…

Ôi, Tía Lia đúng là Tía Lia. Không cần biết người khác phản hồi như thế nào, anh ta giật lấy balô, túi xách chất lên xe. Nó thầm nghĩ, như vậy Tía Lia sẽ đưa mình về nhà thật sao? Chuyện này không tình cờ một chút nào. Hình như bao lì xì không tự dưng biến mất…

- Phát Lộc à, cho tui hỏi một câu: Làm sao ông biết tui đi về bến xe này? Sao biết tui học lớp tài chính? Tui nhớ đâu có nói cho ông nghe…

Tía Lia tỉnh rụi: “Khó gì đâu, cái gì mình muốn thì sẽ biết, để tâm tìm thì sẽ gặp thôi…”.

Có nên để Phát Lộc chở về nhà không nhỉ? Ba má sẽ nghĩ sao khi thấy nó về với người con trai xa lạ? Chắc ba má sẽ không rầy la gì đâu, Tết mà, với lại “phát lộc” đến nhà chắc ba má sẽ vui… Nó không biết Tía Lia đang ngoảnh mặt qua bên kia đường giấu một nụ cười vì kế sách đã thành công và đang thầm nhủ, đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng hắn thử làm dân “hai ngón”…

tE3XqQVI.jpgPhóng to

Áo Trắng số 3 ra ngày 01/02/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Từ khóa » Tía Lia Là Gì