Chàng Trai Bỏ Nghề Kỹ Sư Xây Dựng Về Quê Nuôi ốc - Kenh14

Hành trình khởi nghiệp gian nan

Tốt nghiệp kỹ sư xây dựng, có công việc ổn định ở thành phố nhưng anh Phạm Viết Sỹ (33 tuổi, trú tại thôn Văn Minh, xã Thường Nga, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) lại chọn quay về quê hương để xây dựng mô hình làm nông nghiệp. Với anh, nuôi con vật, làm nông nghiệp ngoài thực hiện theo đam mê còn muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Anh kể, trước đây, ngoài công việc xây dựng, ở quê anh cũng làm mô hình nhỏ như nuôi lươn không bùn, dúi, nuôi dế mèn. Tuy nhiên chỉ làm được một thời gian rồi buộc phải dừng lại vì không thể chăm sóc, thất bại liên tiếp.

Chàng trai bỏ nghề kỹ sư xây dựng về quê nuôi ốc - Ảnh 1.

Anh Sỹ giới thiệu mô hình nuôi ốc bươu đen

Đến năm 2020, anh bị tai nạn lao động buộc phải ở nhà nghỉ ngơi. Vì muốn về quê phát triển kinh tế, anh bàn với gia đình nghỉ công việc kỹ sư để tập trung vào đam mê chính là làm mô hình nông nghiệp và được người thân ủng hộ. Từ nuôi lươn, nuôi dúi không thành, nhận thấy mô hình nuôi ốc bươu đen có tiềm năng nên bắt đầu tìm tòi, học hỏi mối để tìm nguồn giống tốt và thị trường tiêu thụ.

“Thời điểm đó mô hình nuôi ốc bươu đen ở các tỉnh lân cận như Thanh Hoá, Nghệ An nổi lên rất rầm rộ. Thị trường tiêu thụ ốc bươu ở Hà Tĩnh rất tiềm năng mà mô hình này còn ít nên tôi quyết định nghỉ công việc xây dựng để chú tâm vào mô hình nuôi ốc bươu đen”, anh Sỹ chia sẻ.

Chàng trai bỏ nghề kỹ sư xây dựng về quê nuôi ốc - Ảnh 2.

Ốc bươu đen được anh Sỹ nuôi tại các hồ lớn

Vốn kiến thức về con giống, kỹ năng chăm sóc chưa có nên anh Sỹ đi tìm tòi, học hỏi các mô hình nuôi ốc bươu đen tại các tỉnh lân cận như Thanh Hoá, Nghệ An, ngoài ra tham khảo cách nuôi trồng trên mạng. Khi có kiến thức, anh mạnh dạn thuê lại mảnh đất bỏ hoang rộng 4.000m2 gần nhà để đào ao nuôi ốc. Với nguồn vốn trong tay hơn 150 triệu đồng, anh Sỹ bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất, thả nuôi hơn 15.000 con giống. Tuy nhiên, bước đầu lại không dễ dàng như anh nghĩ, toàn bộ số ốc giống thả đợt đầu chết sạch, thiệt hại hơn 50 triệu đồng.

“Tôi không để tâm quá nhiều đến việc thất bại lần đầu vì như vậy sẽ rất nản chí. Tôi xem đó là một bài học đắt giá để mình có kinh nghiệm hơn sau này. Lần đó ốc bị bệnh do việc xử lý nước chưa hiệu quả nên những lứa ốc sau tôi rất xem trọng việc thay nước thường xuyên”, anh Sỹ tâm sự.

Làm không đủ bán

Khi lứa ốc đã được xuất bán, anh Sỹ quyết tâm lấy thêm giống và mở rộng ao hồ để nuôi ốc. Đến nay sau 2 năm, mô hình của anh đã phát triển mở rộng với 5 hồ nuôi ốc giống, 4 hồ ốc nuôi thương phẩm và gần 20 vạn con ốc giống. Dù nuôi và nhân giống thường xuyên nhưng số lượng cung cấp cho khách không đủ để bán.

Anh Sỹ chia sẻ, một lý do khiến anh chọn nuôi loài đặc sản này là vì rất dễ nuôi mà cho hiệu quả kinh tế lại rất cao. Bình thường một cặp ốc bố mẹ có thể nở ra từ 80-120 con giống, bán giá từ 300-350 đồng/con. Ước tính mỗi năm xuất bán ra thị trường từ 200-300 vạn con giống. Riêng đối với ốc thương phẩm nuôi từ 4-6 tháng sẽ xuất bán 90-100 ngàn đồng/kg, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chàng trai bỏ nghề kỹ sư xây dựng về quê nuôi ốc - Ảnh 3.

Ốc thương phẩm của anh Sỹ đang được bán với giá từ 90-100 ngàn đồng/kg

“Nuôi ốc bươu kỹ thuật cũng khá đơn giản, đầu tư chỉ một lần, nhàn hơn rất nhiều so với nghề khác. Mỗi ngày tôi chỉ dành 3-5 tiếng ở trại để kiểm tra, thay nước cho ốc, khi phát hiện bất thường phải tìm cách xử lý ngay”, anh Sỹ chia sẻ về kỹ thuật nuôi trồng.

Đối với ốc bươu đen, thức ăn chủ yếu là bèo, sắn, rau củ mềm. Vì thế tận dụng những ngày rảnh rỗi anh Sỹ sẽ ra đồng vớt bèo về thả cho ốc ăn. Bên cạnh đó những thức ăn như rau củ, mướp, bí… gia đình anh tự trồng được nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí.

Chàng trai bỏ nghề kỹ sư xây dựng về quê nuôi ốc - Ảnh 4.

Tận dụng những ngày rảnh rỗi anh Sỹ sẽ ra đồng vớt bèo về thả cho ốc ăn

Nhìn vào hồ nuôi ốc giống, anh Sỹ tiết lộ, mô hình nuôi ốc bươu để ổn định và sinh lời nhiều phải từ 2-3 năm trở lên. Loài ốc này nói cũng không quá khó nuôi, ngoài phải tìm được đầu ra thì quá trình chăm sóc cần phải có kỹ thuật.

Tâm sự với Tiền Phong, anh Sỹ nói, biết đến mô hình nuôi ốc bươu đen cũng nhờ chữ duyên. Trong tương lai anh mong muốn sẽ mở rộng được số lượng ao hồ để phát triển mô hình cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Từ khóa » Bỏ Nghề Kỹ Sư Xây Dựng