Chào Mừng 74 Năm Ngày Bác Hồ đến Vịnh Cam Ranh (18/10/1946 ...
Có thể bạn quan tâm
Chào mừng 74 năm ngày Bác Hồ đến Vịnh Cam Ranh (18/10/1946-18/10/2020)
Ý nghĩa lịch sử của sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Vịnh Cam Ranh
Miền Nam sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công đã có một nơi được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghé thăm - đó là vịnh Cam Ranh. Lần ấy Bác đi dự hội nghị Phông-ten-nơ-blô (1946) trở về. Khi con tàu Đuy-mông Đuya-vin đến hải phận miền Nam nước ta, Bác nhận được một bức điện từ Sài Gòn của Đô đốc Đắc-giăng-li-ơ, Cao ủy Pháp xin gặp Bác. Bác nhận lời và hẹn gặp ở Cam Ranh vào ngày 18-10-1946.
Vịnh Cam Ranh hôm đó trời nhiều mây, nước biển xanh thẫm. Tuần dương hạm Xáp-phơ-rơn chở Đắc-giăng-li-ơ đã chờ sẵn, kéo hết các loại cờ, giương hết các loại súng theo nghi lễ đón tiếp nguyên thủ các nước. Nhìn thấy vậy Bác mỉm cười. Người xách cây can và đội mũ màu kem với bộ quần áo giản dị quen thuộc. Đắc-giăng-li-ơ, Ủy viên Cộng hòa Pháp, Cao ủy tại Đông Dương tổ chức đón tiếp Bác thật trọng thể. Có cả một đoàn tùy tùng ăn mặc lễ phục sặc sỡ với những kiếm, gù vàng, bạc và hai người lính vác kích sáng loáng đi hai bên. Giữa những thứ ấy, sự giản dị và phong độ ung dung thư thái của Bác càng tôn vẻ vĩ đại của Người. Trong bữa tiệc, Đắc-giăng-li-ơ để Bác ngồi giữa viên Đô đốc Hải quân và viên Thống soái Lục quân Pháp ở Viễn Đông. Đắc-giăng-li-ơ cười, nói bóng gió:
- Monsieur le Président, vous voilà bien encadré par L’Armée et la Marine. (Có nghĩa là: Ngài Chủ tịch đang bị đóng khung giữa lục và hải quân). Viên Cao ủy Pháp nhấn mạnh những tiếng “đang bị”, “đóng khung” tỏ ý như Chủ tịch nước Việt Nam đang bị bao vây bởi hải quân và lục quân Pháp. Bác thản nhiên cười và trả lời bằng tiếng Pháp:
- Mais, vous savez, Monsieur L’Amiral, e’ est le tableau qui fait la valeur du cadre… (Có nghĩa: Nhưng, Đô đốc biết đó, chính bức tranh mới mang lại giá trị cho cái khung).
Các tướng lĩnh thực dân có mặt hôm đó bị một cú bất ngờ, ngồi lịm đi.
Lời nói bóng gió của viên Cao ủy Cộng hòa Pháp một lần nữa biểu hiện ý đồ thực dân của Đắc-giăng-li-ơ, nhưng lập tức đã bị Bác bẻ gãy một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên, ngay sau đó Bác đã chuyển câu chuyện sang một thế mở cho các quan Pháp để cuộc gặp gỡ trở nên vui vẻ. Bác đã ăn trưa trên tàu với Đắc-giăng-li-ơ. Trong báo cáo của Đắc-giăng-li-ơ gửi Chính phủ Pháp về cuộc gặp có xác định rõ: “Trước bữa ăn điểm tâm, tôi đã có cuộc gặp đặc biệt đầu tiên với Chủ tịch. Sau bữa ăn sáng lại diễn ra cuộc gặp thứ 2 giữa Chủ tịch Hồ và tôi. Tiếp đó là một cuộc họp có các ông Pignon và Longeaux tham gia”.
Chiều hôm đó, Đắc-giăng-li-ơ có cuộc gặp gỡ với một số ký giả Pháp và Việt Nam do Đắc-giăng-li-ơ tổ chức đưa từ đất liền ra. Bác Hồ và Đắc-giăng-li-ơ chủ trì cuộc họp báo. Trong lúc Đắc-giăng-li-ơ nghiêm nghị, cau có thì Bác nhẹ nhàng, vui vẻ ngồi nói chuyện với các ký giả bằng tiếng Pháp và thoải mái như những người bạn. Nhiều báo Pháp trong đó có ký giả của tờ Le Monde đã ghi lại “Cuộc gặp gỡ Cam Ranh”, “Sự kiện Cam Ranh” và hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được mô tả rất sinh động. Hôm đó Bác đã xác định rằng: “Hai nước phải làm tất cả để chấm dứt cuộc chiến ở Việt Nam, phải làm tất cả để nguội các cái đầu đang nóng. Tôi tin rằng hai bên cùng thực hiện bản “tạm ước” đã ký. Làm được như vậy, chúng ta sẽ cải thiện được tình hình, quan hệ hai nước sẽ phát triển tốt hơn… Sẽ còn rất nhiều trở ngại, nhưng nếu chúng ta cùng khắc phục vượt qua, chúng ta sẽ đạt được mục đích của mình là hòa bình”. Chiều hôm sau, 19-10-1946, tàu Đuy-mông Đuya-vin nhổ neo đưa Bác về Hải Phòng. Như vậy, Bác Hồ đã ở Cam Ranh gần 2 ngày 1 đêm. Người đã chào thân mật những thuyền đánh cá của ngư dân Cam Ranh gần đó. Bác nhìn rất kỹ cảnh người dân đánh cá và vui cười, vẫy tay chào mọi người khi con tàu quay mũi rời Cam Ranh. Bác đứng trên boong nhìn chăm chú đất trời Cam Ranh, Bác nói với những người cùng đi:
- Đất nước ta có nhiều vịnh lớn và đẹp, nhưng Cam Ranh là vịnh đẹp và có thế chiến lược vào bậc nhất.
Cam Ranh thay mặt cho miền Nam đón Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm ấy. Suốt đời mình, Bác vẫn mong ngày đất nước thống nhất để vào thăm miền Nam. Điều ước mong đó chưa đạt được thì chuyến ghé thăm Cam Ranh này là một sự kiện lịch sử, là một niềm an ủi đối với quân dân miền Nam - miền Nam đã một lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 35 năm Người rời Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước.
Nhớ câu nói của Bác với các chiến sĩ Hải quân: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài và tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn”, các chiến sĩ hải quân ở Cam Ranh đã lấy cát Cam Ranh đắp thành chân dung của Bác trong quân phục Hải quân và một cuộn dây neo mà Bác đã quấn theo kiểu số 8 (khi Bác về thăm binh chủng) đặt trong phòng truyền thống quay mặt ra nơi con tàu chở Bác đậu giữa vịnh Cam Ranh năm xưa.
- Ý nghĩa lịch sử của sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Vịnh Cam Ranh
Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Vịnh Cam Ranh gặp Cao ủy pháp Đắcgiăngliơ là một sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, đặc biệt trên lĩnh vực hoạt động đấu tranh ngoại giao. Sự kiện đó mãi mãi đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc ta.
- Từ việc ngăn chặn những hành động quá khích của quân Tưởng ở miền Bắc, hòa hoãn với Pháp để đẩy quân Tưởng về nước, ký hiệp định Sơ bộ 6/3 rồi Tạm ước 14/9 và gặp Cao ủy Pháp Đắcgiăngliơ trên Vịnh Cam Ranh trong năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và những học trò của Người đã góp phần xuất sắc bảo vệ chủ quyền và nền độc lập còn non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong khi thế và lực của ta còn yếu, đồng thời tạo điều kiện tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng cách mạng để đối phó với tình hình có thể xấu hơn; Nâng cao vị thế của nước ta lúc bấy giờ với các nước trên thế giới.
- Các hoạt động ngoại giao phong phú, sôi nổi nhưng cực kỳ phức tạp trong thời kỳ này (trong đó có cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cao ủy Pháp Đắcgiăngliơ trên Vịnh Cam Ranh) của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành mẫu mực về sách lược đấu tranh cùng một lúc với nhiều kẻ thù, lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương, hòa hoãn và tranh thủ những lực lượng có thể tranh thủ được dù là tạm thời để có thể bảo toàn và củng cố nền Dân chủ Cộng hòa, từng bước đưa cách mạng qua tình thế hiểm nghèo.
- Cuộc gặp Cao ủy Đắcgiăngliơ và các hoạt động ngoại giao trước đó trong năm 1946 cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta cố gắng đến tận cùng nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình, cố tránh một cuộc chiến tranh cho dân tộc, biết nhân nhượng thậm chí thụt lùi tạm thời ở thời điểm cần thiết để rồi tạo điều kiện tiếp tục đưa cách mạng Việt Nam tiến lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn luôn kiên trì nguyên tắc nắm vững đường lối chiến lược, quyết tâm theo đuổi mục tiêu cao nhất của dân tộc là độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội và khi kẻ thù không chấp nhận, muốn dùng chiến tranh để thủ tiêu nền độc lập thống nhất đất nước thì Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất kiên quyết lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đứng lên cầm súng kháng chiến chống lại kẻ thù xâm lược bảo vệ nền độc lập, tự do vừa mới giành được.
Lê Nguyễn
Từ khóa » Kế Hoạch đắc Giăng Li ơ
-
Kế Hoạch Đắc Giăng Li ơ
-
1975), Thắng Lợi Nào Của Quân Dân Miền Nam Buộc Mĩ Phải Tuyên Bố ...
-
Phần 2 - Chương 3 - Bài 19: Bước Phát Triển Mới Của Cuộc Kháng ...
-
Georges Thierry D'Argenlieu – Wikipedia Tiếng Việt
-
Thắng Lợi Của Chiến Dịch Điện Biên Phủ1954 đã Làm Thất Bại Kế ...
-
Nam Bộ Xứng đáng Là Bức Thành đồng Vững Chắc Của Tổ Quốc
-
Tướng Nào Thay Đác-giăng-li-ơ Làm Cao Uỷ Pháp ở Đông ... - Hoc24
-
[PPT] MÔN: LỊCH SỬ
-
Bác Hồ Với Chính Sách Ngoại Giao Thời Lập Nước - UBND QUẬN 11
-
Phong Cách ứng Xử Ngoại Giao Hồ Chí Minh
-
Kế Hoạch 'giăng Bẫy' Bắt Lê Văn Luyện ở Biên Giới
-
Cao Uỷ Pháp ở Đông Dương Trong Thời Kì Từ Cuối Năm 1945 đi Năm ...
-
Vừa Tới Hà Nội, Đô đốc Đắc-giăng-li-ơ đã đến Tiếp Kiến Hồ Chủ Tịch
-
Thắng Lợi Của Chiến Dịch Điện Biên Phủ 1954 đã Làm Thất Bại Kế ...