Cháo Sá Sùng - 'vị Thuốc Bổ' Của Người Hoa ở Sài Gòn

Trong đông y, sá sùng (còn được gọi là trùn nước, trùn biển, sâu cát...) có thể sử dụng như vị thuốc cường dương, tăng sinh lực. Vì thế, cháo sá sùng dù không quá phổ biến ở Sài Gòn, vẫn được nhiều người yêu thích và xem như một vị thuốc bổ, ăn cho khỏe. Tầm chiều tối, các hàng cháo sá sùng nườm nượp khách ghé ăn lẫn mua mang đi.

Cháo trùn biển - vị thuốc Bắc của người Hoa ở Sài Gòn

Bát cháo sá sùng thập cẩm.

Một trong những điều đặc biệt khi thưởng thức cháo sá sùng ở các khu người Hoa là thực khách không bao giờ ăn phải cháo cũ do mọi thứ đều được làm tại chỗ, nấu từng tô theo cách chế biến cháo Tiều của người Hoa. Các quán bán cháo sá sùng chỉ nấu sẵn một nồi cháo trắng. Toàn bộ nguyên liệu còn lại như thịt, cá, phèo, cật, sá sùng... đều để tươi, không ướp gia vị. Khi có khách gọi món đầu bếp mới bắt đầu nấu.

Chủ một tiệm cháo sá sùng có tiếng trên đường Âu Cơ (quận Tân Bình) cho biết khâu chọn nguyên liệu, nhất là sá sùng chính là điều quyết định hương vị món ăn. Sá sùng nấu cháo phải dùng con tươi, không mua sá sùng khô, sau đó làm thật sạch ruột để loại bỏ hết cát. "Công thức nấu cháo của các quán tương tự nhau. Nên muốn cháo ngon, quán phải tập trung chọn nguyên liệu tốt. Những con tươi, mình dày thì khi nấu sẽ không có mùi tanh, lại giúp nước cháo ngọt tự nhiên mà không cần thêm nhiều bột ngọt hay gia vị", chị nói thêm.

Cháo sá sùng - 'vị thuốc bổ' của người Hoa ở Sài Gòn Cháo sá sùng - 'vị thuốc bổ' của người Hoa ở Sài Gòn

Cách nấu cháo sá sùng. Video: Vi Yến

Cách nấu cháo trông đơn giản, tuy nhiên mỗi tiệm sẽ có một bí quyết nêm nếm gia vị để tạo điểm nhấn. Đầu tiên, người bán bắc một nồi cháo trắng nhỏ, đun sôi. Các nguyên liệu tùy khách chọn như cá, thịt bò, cật, phèo (lòng), gan... được cho thẳng vào nồi cháo, khuấy tới khi chín. Sá sùng nhanh chín nên được cho vào sau cùng. Khi các nguyên liệu khác đã chín thì sá sùng cũng vừa chín tới nên không bị dai và vẫn giữ được độ giòn sần sật.

Chủ quán làm lần lượt từng nồi, mỗi nồi chỉ vừa đủ một tô cho một người ăn nên đôi khi thực khách phải chờ hơi lâu, nhất là vào giờ ăn tối. Cháo chín đổ ra tô cho sẵn rau tần ô (cải cúc) đã rửa sạch, thêm hành lá. Cháo nóng khiến rau chín mà không cần trụng trước.

[Caption]a

Các nguyên liệu nấu cháo.

Để thưởng thức cháo sá sùng đúng vị cháo Tiều, thực khách phải tìm đến các khu người Hoa ở quận Tân Bình, Tân Phú hay quận 11. Cháo sá sùng thường ăn kèm gừng thái mảnh ngâm, ớt sừng ngâm giấm chua ngọt và hũ sa tế dành cho thực khách thích vị cay.

Khi ăn, thực khách khuấy đều bát cháo, mùi thuốc bắc dậy lên, thơm lừng xộc ngay vào mũi. Tô cháo cho vị ngọt tự nhiên của sá sùng chiếm cảm tình nhiều người. Đây cũng là món rất được ưa chuộng vào mùa mưa. Bát cháo nấu tại chỗ, nóng hổi, khoảng 50.000 đồng, lý tưởng để xì xụp húp vào những tối Sài Gòn trở gió.

[Caption]a

Những con sá sùng đã làm sạch, màu trắng được nhiều người ưa chuộng.

Bài và ảnh Vi Yến

Từ khóa » Cháo Sá Sùng Quận 11