Chắp Lẹo Và Cách điều Trị - Thầy Thuốc Việt Nam

Chắp lẹo là tên gọi tắt chung của hai bệnh về mắt là chắp mắt và lẹo mắt. Dưới đây là một số những điều về chắp mắt và lẹo mắt mà mọi người nên biết để có thể phòng tránh và điều trị đúng cách, kịp thời.

Nội dung bài viết

Toggle
  • 1. Lẹo mắt
  • 2. Chắp mắt
  • 3. Một số lưu ý khi bị chắp, lẹo
  • 4. Một số cách chữa chắp lẹo bằng mẹo
  • 5. Cách ngăn ngừa lẹo trên mí mắt

1. Lẹo mắt

Biểu hiện của lẹo mắt (nguồn: internet) Biểu hiện của lẹo mắt (nguồn: internet)

Lẹo hay còn gọi là mụn lẹo, là tình trạng nhiễm trùng tuyến nhờn ở bờ mi mắt,một bệnh khá phổ biến ở nước ta. Nguyên nhân gây ra lẹo thường  là do tụ cầu vàng Staphylococcus aureus. Có hai loại lẹo là lẹo trong và lẹo ngoài. Tuy nhiên biểu hiện lâm sàng của hai loại lẹo trên là tương tự nhau.

Ở cả hai tình trạng, bệnh nhân đều xuất hiện một vùng lồi đỏ ấn đau ở vùng rìa của mi mắt. Trong quá trình lên lẹo, bệnh nhân thường cảm thấy khó chịu vùng mắt, thỉnh thoảng đau và thường xuất hiện nhiều gỉ mắt vào sáng sớm sau khi ngủ dậy. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi.

Lẹo có thể tự khỏi sau một thời gian mà không cần điều trị. Mặc dù vậy, lẹo rất hay tái phát, lan từ mi này sang mi khác, có khi sưng to cả mí mắt và gây ứ phù màng tiếp hợp. Để đẩy nhanh tốc độ lành của bệnh, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt để vệ sinh mắt hằng ngày.

Ngoài ra, sử dụng biện pháp chườm nóng tại vị trí lên lẹo cũng giúp ích rát nhiều cho điều trị. Trong trường hợp lẹo có mưng mủ, bệnh nhân có thể tiến hành tiểu phẫu rạch lẹo để tháo mủ và tiến hành nạo tổ chức viêm. Đối với trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân có thể sử dụng thêm kháng sinh toàn thân, hoặc có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần kháng sinh. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh nên theo sự hướng dẫn của bác sỹ và dược sỹ có chuyên môn tư vấn, không nên tự mua kháng sinh về điều trị.

2. Chắp mắt

Biểu hiện của chắp (nguồn: internet) Biểu hiện của chắp (nguồn: internet)

Chắp là tên gọi một bệnh của mí mắt do nghẽn tắc tuyến sụn mí mắt. Chất bã ứ đọng xâm nhập các mô lân cận và gây viêm hạt mạn tính. Ở bệnh nhân bị chắp thường xuất hiện nốt đỏ rắn ở mí mắt như hạt đậu trong một số trường hợp còn có thể thấy đầu mủ trắng của chắp.

Nhiều trường hợp đa chắp, tức là có rất nhiều đầu chắp trên một mí hay cả hai mí, thậm chí hai mắt. Tuy nhiên, không có tình trạng xung huyết kết mạc mắt.

Khác với lẹo, chắp thường không đem lại cảm giác đau, hoặc nếu có thì đau nhẹ hơn so với lẹo. Tổn thương gây ra ở chắp có thể tự tiêu đi sau vài tháng. Điều trị chắp có thể dùng biện pháp chườm nóng nhằm giảm đau với các tổn thương sớm. Sử dụng cortioid, chích chắp đối với chắp to hoặc chắp dai dẳng (có chỉ định của bác sĩ điều trị) hoặc kết hợp cả hai phương pháp.

Tuy nhiên, do chắp ở mi thường nằm sâu trong sụn nên khi chích phải nạo thật sạch các chất nhầy để tránh tái phát. Còn khi chắp mắt tái phát nhiều lần hoặc có nghi ngờ cần phải lấy khối chắp sau chích để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh lý.

3. Một số lưu ý khi bị chắp, lẹo

Khi bị chắp lẹo phải làm sao? Đầu tiên đó là không trang điểm mắt cho đến khi chắp, mụn lẹo ở mí mắt đã lành hẳn. Áp dụng chườm ấm cho mắt để giúp chữa lành nhanh hơn. Rửa tay sạch sẽ trước khi bạn áp dụng nén ấm cho mắt. Sử dụng một miếng vải sạch hoặc miếng gạc làm ẩm với nước rất ấm. Đặt miếng nén trên mắt sau khi đã nhắm mắt cho đến khi miếng nén bắt đầu mát (thường là 5-10 phút). Để tăng tốc độ quá trình chữa bệnh, cũng có thể sử dụng dung dịch muối loãng ấm thay vì nước ấm. Nên để cho những lẹo và chắp trên mí mắt tự vỡ, tuyệt đối không được ép hoặc nặn chúng.

Sử dụng thuốc điều trị lẹo mí mắt theo chỉ định của bác sĩ. Luôn rửa tay trước khi tra thuốc cho mắt. Phải bảo quản các thuốc này sạch sẽ, lọ thuốc mới sử dụng (không dùng thuốc dùng dở và để lâu), không để thuốc chạm vào mắt, mí mắt. Nếu phải tra thuốc mỡ kháng sinh cho mắt thì nên thoa một lớp mỏng trên mụn lẹo ở mí mắt trước khi đi ngủ.

Chú ý: Không nên tự rạch chắp lẹo nặn mủ, tra thuốc không theo hướng dẫn, vì những phương pháp này dễ làm cho tổn thương lan rộng hoặc tái phát, để lại sẹo xấu gây mi quặp, những tổn thương này đều tồn tại dai dẳng, khó chữa trị.

4. Một số cách chữa chắp lẹo bằng mẹo

Chắp lẹo thường không tiến triển quá nghiêm trọng, nên người bệnh thường ngại tới bệnh viện khám chuyên khoa. Vậy cách chữa chắp lẹo tại nhà như thế nào?Trong trường hợp bị chắp lẹo có thể tiến hành châm cứu để chữa trị, một số huyệt vẫn thường được châm trong điều trị chắp lẹo là Thâm Châu, Phế Du, Tình Minh, Toán Trúc, Hành Gian… Hầu hết việc chữa trị chắp, lẹo bằng châm cứu là dựa trên kinh nghiệm.

Ngoài ra, có thể sử dụng một số loại thảo dược có tính kháng khuẩn, thanh nhiệt , giải độc trong điều trị bệnh chắp lẹo như Kim Ngân Hoa, Cúc hoa, Liên Kiều, Cát Cánh, Hoàng Cầm,…

Bệnh nhân có thể dùng đơn lẻ các dược liệu trên hoặc phối hợp chúng theo các thang thuốc cổ truyền, ví dụ như bài thuốc Ngân Kiều Tán: Kim Ngân Hoa 16g, Trúc diệp 8g, Ngưu Bàng Tử 8g, Liên Kiều 16g, Cam Thảo 6g, Lô Căn 12g, Cát Cánh 8g, Kim Giới Tuệ 8g, Bạc Hà 8g, Đạm Xậu Xị 8g. sắc cùng nước đem uống.

5. Cách ngăn ngừa lẹo trên mí mắt

Tuyệt đối không dụi hay chà mắt vì điều này có thể gây kích ứng mắt và nhiễm khuẩn lây lan. Bảo vệ mắt khỏi khói bụi và ô nhiễm không khí bằng cách đeo kính an toàn mỗi khi đi đường. Tránh đến những nơi bụi bẩn hoặc nơi bị ô nhiễm không khí nặng nề. Nếu bạn là người thường xuyên trang điểm, cần tẩy trang cho mắt sạch sẽ hàng ngày. Khi thấy mắt bị lộm cộm hay khó chịu hoặc cảm giác có tình trạng viêm hoặc nhiễm khuẩn mí mắt, thì cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời. Nếu không xử lý ngay tình trạng viêm nhiễm ở mắt, thì sự lây nhiễm có thể lây lan sang các tuyến dầu của mí mắt và gây ra một mụn lẹo ở mí mắt.

Rửa tay thường xuyên và luôn để tay rời xa khỏi tầm mắt của bạn, đặc biệt là khi chăm sóc cho một người khác với một mụn lẹo ở mí mắt hay bất kỳ loại nhiễm khuẩn nào khác.

DS. HOÀNG XUÂN QUANG

Từ khóa » Cây Thuốc Trị Lẹo Mắt