Chát đắng Nghề Chè - Báo Nhân Dân

"Lượng cao, chất thấp, giá bèo"

Ðó là nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Nguyễn Hữu Tài về vấn đề sản xuất, chế biến và xuất khẩu chè ở nước ta. Ðiều này có thể dễ dàng nhận thấy tại Thái Nguyên - một trong những vùng chè trọng điểm. Toàn tỉnh có gần 21 nghìn ha chè nhưng bị "xé lẻ" cho 91 nghìn hộ nông dân. Với sản lượng chè chế biến các loại hằng năm đạt hơn 39 nghìn tấn nhưng 80% sản lượng chè ở đây lại được chế biến bằng phương pháp bán công nghiệp, quy mô hộ gia đình dẫn đến sản phẩm thiếu đồng đều và kém chất lượng, kéo theo giá thành thấp và bấp bênh. Trung bình, một ki-lô-gam chè búp thành phẩm được bán từ 150 đến 250 nghìn đồng - một mức giá khá thấp. Theo anh Lê Văn Toán, một hộ trồng chè lâu năm ở thôn Hồng Thái 2, xã Tân Cương (TP Thái Nguyên), giá chè thấp bởi vì gần 50% diện tích trồng chè là giống chè trung du cũ, cho năng suất thấp, chất lượng kém. Trong khi đó, quá trình sao chè thủ công bằng máy sao chè tôn quay đun củi đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng. Khi được hỏi tại sao các hộ dân không dùng máy sao chè tôn quay đun ga để cải thiện chất lượng sản phẩm, anh Toàn cho biết: "Cái khó bó cái khôn cả thôi. Ðầu tư một chiếc máy đun ga lên tới hàng trăm triệu đồng, mấy hộ sắm được?" Thực tế, xã Tân Cương có 347 ha chè với gần 1.200 hộ sản xuất nhưng chỉ vài ba hộ trang bị loại máy sao chè mới này.

Thực trạng sản xuất manh mún, lạc hậu làm mất giá trị của sản phẩm chè ngay trên "vựa chè" cả nước là một nghịch lý buồn. Trong khi người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về kỹ thuật và nguồn vốn đầu tư công nghệ hiện đại, sự can thiệp của các ngành chức năng chỉ được thực hiện nửa vời.

Trên đường từ UBND xã Tân Cương (TP Thái Nguyên) về xóm Hồng Thái 2, thấy vườn chè có đề biển: "Mã hộ 08 Trần Văn Thái, lô 8.2, diện tích 7.000 m2", nổi bật giữa những vạt chè rộng, chúng tôi dừng lại hỏi thăm, anh Thái chia sẻ: Cách đây ba năm, cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về hướng dẫn trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhưng sau đợt tập huấn ấy, chưa thấy ai quay lại lấy mẫu kiểm định tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm hay nghiệm thu sản phẩm. Chính vì vậy, sau mấy lứa canh tác không hiệu quả, giá không cao hơn cách trồng thông thường, lại tốn công chăm sóc, ghi nhật ký nhà nông... cho nên hầu hết các hộ giờ đã quay trở lại kinh nghiệm truyền thống. "Chỉ có tấm biển này tôi giữ lại, vì nó cho cảm giác về một quy trình sản xuất chè chuyên nghiệp hơn"- anh Thái cười nói với chúng tôi.

Cùng nói về câu chuyện trên, chị Hà Thị My - cán bộ khuyến nông xã Tân Cương cho biết: Chương trình VietGAP với một số diện tích chè trên địa bàn là có nhưng không hiệu quả, phần vì khuyến nông xã còn mỏng, phần vì hạn chế trong các công cụ kiểm nghiệm chất lượng.

Giữa lúc người trồng chè, ngành chức năng "đánh vật" với bài toán nâng cao giá trị thì các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu lại phát triển ồ ạt, cạnh tranh thiếu lành mạnh khiến ngành chè thêm rối loạn. Và hệ quả là giá chè Việt Nam rơi vào vùng trũng, ở mức thấp nhất thế giới. Ðể gỡ khó, doanh nghiệp xuất khẩu lại quay lưng với người trồng chè, không mua hoặc mua nguyên liệu với giá rẻ khiến nông dân thiệt đơn thiệt kép, lợi nhuận thấp, thậm chí lỗ vốn sau từng vụ chè, không còn khả năng tái đầu tư. Vòng luẩn quẩn ấy lộ rõ từ nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Cạnh tranh hỗn loạn, "đói" nguyên liệu giữa "vựa" chè

Theo thống kê của Hiệp hội Chè Việt Nam, diện tích chè của cả nước hiện vào khoảng 130 nghìn ha. Với hơn 400 nhà máy chế biến chè đang hoạt động, số nguyên liệu cần sẽ phải nhiều gấp đôi sản lượng hiện có. Chưa kể với hàng vạn lò chè thủ công hoạt động với quy mô nhỏ ở khắp các vùng trồng chè thì bài toán nguyên liệu đang ngày càng nan giải. Khi cầu lớn hơn cung, tại nhiều vùng nguyên liệu, người dân không tuân thủ việc hái chè theo tiêu chuẩn quy định, mà cắt dài cả cành lá già. Thị trường chè tươi trở nên hỗn loạn, người nông dân chỉ biết sản xuất theo phong trào, thậm chí bị tư thương lợi dụng làm "chè bẩn" để xuất khẩu tiểu ngạch, ảnh hưởng đến thương hiệu và uy tín của chè Việt Nam.

Theo tính toán của Hiệp hội Chè Việt Nam, tình trạng "quá tải" cơ sở chế biến chè khiến mỗi năm ngành chè thiệt hại hơn năm trăm tỷ đồng do không hoạt động đủ công suất. Không ít nhà máy thiếu nguyên liệu, làm ăn thua lỗ đã phải hoạt động cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa.

Huyện Ðại Từ (Thái Nguyên) là một trong những huyện có diện tích chè tương đối lớn nhưng có tới hơn 10 cơ sở chế biến chè xuất khẩu phải ngừng sản xuất hoặc chuyển hướng kinh doanh vì không thể thu mua đủ nguyên liệu. Không chỉ những doanh nghiệp nhỏ mà các doanh nghiệp lớn cũng đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu ngay trên vựa chè. Giám đốc Công ty CP chè Tân Cương - Hoàng Bình (xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên) Ðỗ Thị Ðức Lý than thở: "Ở giữa vùng chè mà nhiều khi không có nguyên liệu sản xuất. Dù trước đó đã có liên kết bao tiêu sản phẩm với người nông dân, nhưng khi chè tươi bị "đôn" giá tạo nên tình trạng khan hiếm ảo, không ít nông dân sẵn sàng bán cho thương lái khiến công ty rất khó khăn tìm nguồn hàng".

Trước thực trạng này, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Nguyễn Hữu Tài cho rằng: Hiện nay, các chính sách phát triển cây chè tại các địa phương gần như không đạt được hiệu quả. Người dân vẫn trồng tự phát, manh mún, theo kinh nghiệm là chính mà chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đồng bộ. Chính quyền cơ sở cũng chưa thật sự sát sao trong tiến trình đưa cây chè trở thành cây xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu của bà con nông dân. Ðiều quan trọng nhất hiện nay là phải quy hoạch lại sản xuất và chế biến trên cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Ðặc biệt là cần có lộ trình cụ thể xây dựng vùng nguyên liệu chè gắn với chế biến và xuất khẩu một cách bài bản.

Năm 2014, sản lượng xuất khẩu chè của nước ta đạt hơn 130 nghìn tấn, với kim ngạch hơn 230 triệu USD. Ðây là một con số khá khiêm tốn so với tiềm năng và lợi thế của ngành chè Việt Nam. Chung tay trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ giữa người nông dân, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất để ngành chè phát huy hết nội lực của mình.

Từ khóa » Tôn Sao Chè