Chất Liệu Acrylic Là Gì, Có Tốt Không?

Một trong những vật liệu trang trí nội ngoại thất khá phổ biến hiện nay là Acrylic, khách hàng thường băn khoăn, không biết đây là chất liệu gì, có tốt hay không? Để trả lời câu hỏi trên, Trangtrinoithatxinh.vnsẽ cung cấp 1 số thông tin liên quan đến chất liệu Acrylic như sau:

1. Lịch sử phát triển của Acrylic

Acid acrylic được tổng hợp lần đầu tiên vào năm 1843, phải mất gần 100 năm sau, vào năm 1933, dựa trên kiểu tổng hợp sợi xơ Cellulose tự nhiên ở thực vật, Otto Rohm, nhà hóa học người Đức mới tìm được công thức kết nối các phân tử acid acrylic với nhau thành chuỗi, gọi tên là Acrylic.

Từ phát kiến này, khoảng năm 1940s, công ty ELF Atochem lần đầu tiên ứng dụng Acrylic trong sản xuất loại vật liệu mới, bán ra thị trường dưới dạng tấm phẳng, có tên thương mại là "kính dẻo" (plexiglass) vì tính chất trong suốt và có thể uốn cong của sản phẩm này.

Đến khoảng năm 1960s, Acrylic bắt đầu được sử dụng trong sản xuất vật dụng, trang trí nội ngoại thất và tiếp tục phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay.

2. Cấu tạo Acrylic

Acrylic thuộc họ nhựa tổng hợp nhân tạo, thông qua phản ứng tạo chuỗi (polyme hóa) một hoặc nhiều loại dẫn xuất Acid Acrylic, trong đó chiếm tỉ trọng cao nhất là polymethyl methacrylate (PMMA).

Mỗi phân tử PMMA có công thức hóa học là C5H8O2, chứa 1 liên kết đôi trong khung Carbon. Phản ứng polyme hóa diễn ra ở vị trí liên kết đôi, Carbon của 2 phân tử PMMA sẽ bỏ 1 liên kết cũ trong liên kết đôi để tạo liên kết mới cộng hóa trị với nhau. Do cộng hóa trị là liên kết có mức năng lượng tự do cao nhất trong tất cả các liên kết hóa học, nên Acrylic có tính chất bền vững, rất dẻo và dai.

Vật liệu Acrylic có độ trong suốt cao, bền với tác động của thời tiết và có khả năng chống bức xạ của tia cực tím. Do tính chất dễ nhuộm màu, dập khuôn, cắt gọt, khoan lỗ và uốn tạo hình, nên Acrylic ngày nay được ứng dụng rất nhiều trong sản xuất, như kính chắn gió máy bay, vỏ xe ô tô, đèn ngoại thất ...

3. Ưu điểm của Acrylic

3.1. Đa dạng màu sắc và kiểu dáng

Acrylic nguyên liệu có thể ở dạng tấm, dạng sợi hoặc dạng bột, ưu điểm lớn nhất của vật liệu này là sự đa dạng về màu sắc, do bản chất trong suốt và dễ bắt màu nên Acrylic có thể bổ sung bất cứ công thức màu nào, với khả năng hiển thị sắc thái màu rất chính xác.

 

màu sắc acrylic

 

Hình 1. Acrylic rất đa dạng về màu sắc

 

Do tính dễ tạo hình, sản phẩm từ Acrylic rất đa dạng về kích thước và hình dạng, dễ dàng hiệu chỉnh theo đơn đặt hàng. Với ưu điểm có thể uốn cong, gập mí, vuốt cạnh vuông góc mà không đứt gãy, nên sản phẩm có độ sắc nét cao, đặc biệt phù hợp với các căn nhà trang trí theo Phong cách hiện đại.

 

acrylic

 

Hình 2. Sản phẩm Acrylic có độ sắc nét cao

 

3.2. Khả năng giữ nhiệt

Bề mặt Acrylic trơn mịn, sờ vào thấy ấm ở điều kiện nhiệt độ thường (không phải cảm giác mát lạnh như kim loại), do chất liệu này có khả năng giữ nhiệt cao, đặc biệt ưu thế trong chế tạo bồn tắm nằm, giúp gia tăng thời gian giữ ấm nước khi ngâm mình (Tham khảo sản phẩm). 

 

bon tam acrylic

 

Hình 3. Chất liệu Acrylic giữ nhiệt rất tốt

 

3.3. Tuổi thọ kéo dài

Acrylic được cấu tạo từ chuỗi hàng ngàn phân tử PMMA liên kết cộng hóa trị với nhau nên rất bền vững, chất liệu này ít bị lão hóa bởi thời tiết như các vật liệu nhựa thông thường, không bị rỉ sét như kim loại, không bị mối mọt, mục rữa do thấm nước như gỗ, không bị bong tróc, co ngót, nứt vỡ như bê tông, do đó tuổi thọ của sản phẩm Acrylic rất cao.

>> Xem thêm: Ứng dụng vật liệu Nano trong trang trí nội thất

 

tấm che nắng acrylic

 

Hình 4. Acrylic ít chịu tác động của thời tiết

 

4. Nhược điểm của Acrylic

Bên cạnh ưu điểm, Acrylic cũng có 1 số nhược điểm như sau:

4.1. Dễ trầy xước

Mặc dù dẻo và dai nhưng bề mặt Acrylic lại khá mềm và dễ trầy xước trong quá trình sử dụng, đây là mặt hạn chế của sản phẩm này, trừ khi được nhà sản xuất tăng cường các lớp màng bảo vệ bề mặt phụ trợ, ví dụ phủ bóng ACK, phủ bóng trong suốt có bổ sung tinh thể Galaxy, phủ bóng mặt đá ...

 

be mat acrylic de tray xuoc

 

Hình 5. Bề mặt Acrylic mềm, dễ trầy xước

 

4.2. Khả năng chịu lực kém

Khả năng chịu lực của Acrylic không cao, sản phẩm có thể bị cong vẹo, biến dạng theo chiều lực tác động. Để hạn chế nhược điểm này, sản phẩm Acrylic thường được gia cường bằng cốt gỗ, khung kim loại hoặc lớp sợi thủy tinh đan chéo làm khung xương nâng đỡ.

 

sơi thủy tinh

                   

Hình 6. Các kiểu khung xương bằng sợi thủy tinh

 

4.3. Biến dạng nhiệt

Nhiệt độ nóng chảy của Acrylic là 130 độ C, tới ngưỡng 90 độ C chất liệu này bắt đầu bị biến dạng, mềm khi tiếp xúc, do đó hạn chế sử dụng cho khu vực bếp nấu, bồn chứa nước nóng, chỉ nên áp dụng cho nội thất phòng ngủ, toilet, vật liệu ốp tường, ốp trần ...

 

tù nhựa acry;ic

 

Hình 7. Sản phẩm Acrylic đặc biệt phù hợp với khu vực ẩm ướt, nhiệt độ thấp

 

5. Ứng dụng Acrylic trong vật liệu nội ngoại thất

Khác với Polycarbonate, là hợp chất chứa Bisphenol A (BPA), có khả năng giải phóng từ từ vào nước và gây độc cho cơ thể, Acrylic là hợp chất không chứa BPA (Non - BPA) nên là vật liệu thân thiện với môi trường, hoàn toàn phù hợp trong trang trí nội ngoại thất.

Acrylic trong suốt, có độ xuyên sáng cao, không bị ngả vàng theo thời gian, nhẹ hơn kính 50% và khả năng chịu lực tác động trên 1 đơn vị diện tích bề mặt cao hơn kính từ 6 đến 17 lần (sciencing.com), nên có thể sử dụng thay thế kính trong nhiều trường hợp, đặc biệt là kết cấu mái lấy sáng, cửa trượt, tấm lấy sáng trong các tòa nhà ... vừa đảm bảo an toàn lại giúp giảm chi phí gia cố hệ khung nâng đỡ

 

thay the kinh

 

Hình 8. Acrylic thay thế rất tốt cho các loại kính

 

Pha este của Acrylic có khả năng triệt tiêu photon ánh sáng của bước sóng 380 - 410 nm, thuộc vùng ánh sáng không nhìn thấy được, nên có tính năng chống tia cực tím (UV). Với các công trình thiết kế xanh (green - House), Acrylic thường được phủ 1 lớp mỏng trong suốt (30 µm) bên ngoài các khu vực lấy sáng, nhằm hạn chế sự xâm nhập của tia UV, tác nhân gây ung thư trên da người

 

 

green house

 

Hình 9. Acrylic có khả năng triệt tiêu tia cực tím gây ung thư da

 

>> Xem thêm: Ứng dụng chất liệu ABS trong trang trí nội thất

6. Một số lưu ý khi chọn mua và sử dụng sản phẩm Acrylic 

Từ các thông tin trên có thể thấy, Acrylic là vật liệu thân thiện, không gây độc, phù hợp với mục đích sử dụng trang trí nội ngoại thất. Khi chọn mua và sử dụng sản phẩm Acrylic, khách hàng nên cân nhắc các nhược điểm của sản phẩm này, để sử dụng đúng công năng, đảm bảo độ bền trong sử dụng.

Một số điểm cần lưu ý như sau:

Acrylic là vật liệu nhân tạo, màu sắc đồng nhất, độ phẳng tuyệt đối nên không mang lại cảm nhận về vẻ đẹp tự nhiên. Nếu quyết định chọn Acrylic, khách hàng nên tham khảo nguyên tắc trang trí nhà cửa theo 5 Phong cách hiện đạiPhong cách cổ điểnPhong cách trung hòaPhong cách đương đại và Phong cách công nghiệp, để đảm bảo sản phẩm phù hợp với vẻ đẹp tổng thể của căn nhà

Khi chọn mua sản phẩm Acrylic, cần lưu ý chất lượng hệ thống gia cường, ví dụ sử dụng khung gỗ hay kim loại, có chịu được nước hay không, có lớp sợi thủy tinh làm khung xương hay không, 1 lớp hay nhiều lớp, đan dày hay mỏng ...

Tương tự, để hạn chế trầy xước, lớp bảo bề mặt thêm vào cũng cần được xem xét kỹ lưỡng, ví dụ lớp phủ bóng ACK hay phủ bóng Galaxy, phủ Lamina hay phủ gỗ, phủ bề mặt đá nhân tạo hay phủ bề mặt giả inox ... mỗi loại chất phủ đều có ưu nhược điểm, độ bền khác nhau.

Nếu sử dụng Acrylic làm mặt bàn bếp, cần lót vải khi đặt vật nóng lên bàn để tránh biến dạng nhiệt. Luôn luôn dùng thớt kê, không cắt gọt trực tiếp trên mặt bàn

Không kéo vật nặng trên bề mặt sản phẩm Acrylic, chỉ dùng vải mềm và dung dịch tẩy rửa nhẹ, hạn chế tiếp xúc acid, ví dụ chanh và giấm, hoặc chất kiềm mạnh, ví dụ chất tẩy rửa công nghiệp.

Với sản phẩm bồn rửa, bồn tắm, lavabo acrylic, trước khi xả nước nóng, phải xả nước lạnh vào trước để trung hòa nhiệt

--------------------------------------------------

Từ các thông tin trong bài viết, Kính chúc quý khách dễ dàng chọn được vật liệu, sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu sử dụng của gia đình

 

 

 

 

Xem thêm:

Đặc điểm của vật liệu sứ vệ sinh phủ Aqua Ceramic

ABS là gì, có nên chọn mua sản phẩm sản xuất từ chất liệu ABS

Inox 201 là gì, khi nào nên sử dụng inox 201?

Inox 316 là gì, trường hợp nào nên sử dụng inox 316?

Inox 304 là gì, có phải inox 304 luôn là lựa chọn tốt nhất?

 

 

 

 

 

Từ khóa » Chất Liệu Ack Là Gì