Chất Lượng Dân Số Là Gì? Các Chỉ Tiêu đo Lường & Yếu Tố ảnh Hưởng

1,3K Mục lục ẩn 1. Một số khái niệm về chất lượng dân số 2. Các chỉ báo chủ yếu đánh giá chất lượng dân số 3. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dân số

1. Một số khái niệm về chất lượng dân số

Khái niệm “chất lượng dân số” xuất hiện từ thế kỷ 18, khoa học tư sản nghiên cứu chất lượng dân số một cách hạn hẹp chỉ dựa trên cơ sở gen. Điển hình là thuyết chủng tộc xuất hiện ở cuối thế kỷ 19. Nội dung cơ bản của thuyết này là: Có chủng tộc thượng đẳng và chủng tộc hạ đẳng. Điều này dựa trên cơ sở tự nhiên, mang tính di truyền và bất biến. Vì vậy, bất bình đẳng xã hội cũng có cơ sở tự nhiên. Đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, tạo dựng văn minh, chủng tộc “thượng đẳng” đi trước, còn chủng tộc “hạ đẳng” không làm được việc đó, hoặc nếu có thì rất ít. Vì vậy, chủng tộc “thượng đẳng” đẻ ít và chủng tộc “hạ đẳng” đẻ nhiều sẽ làm xấu đi chất lượng dân số. Tuy nhiên, các nhà nhân khẩu học Nga trong cuốn Giáo trình Dân số học do nhà xuất bản thống kê và tài chính Mat-xcơ-va ấn hành năm 1985 lại cho rằng: “những nghiên cứu tinh tế nhất không tìm thấy sự khác nhau nào trong bộ não người giữa các chủng tộc. Khả năng và tri thức của con người có được nhờ quá trình chăm sóc, giáo dục và các hoạt động cụ thể khác”.

Ăng-ghen cho rằng: “Chất lượng dân số là khả năng của con người thực hiện các hoạt động một cách hiệu quả nhất”.

Theo quan điểm của các nhà nhân khẩu học Nga, chất lượng dân số là “khái niệm trung tâm của hệ thống tri thức của dân số” được phản ánh bởi các chỉ tiêu:

  • Trình độ giáo dục
  • Cơ cấu nghề nghiệp, xã hội
  • Tính năng động của tình trạng sức khỏe

Chất lượng dân số hình thành nhờ chăm sóc y tế, giáo dục và đào tạo nghề cũng như các hoạt động cụ thể khác như văn hóa thể thao, du lịch… Nó tương ứng với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

Pháp lệnh dân số Việt Nam năm 2003 đã định nghĩa: “Chất lượng dân số phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số”.

Như vậy, chất lượng dân số là một phạm trù rộng, được hiểu là tổng thể các thành tố tạo nên thể lực, trí lực và tinh thần của con người nói chung. Một dân số cụ thể, dân số của mỗi nước hoặc mỗi vùng và vào những thời kỳ nhất định sẽ có một chất lượng nhất định. Chất lượng dân số được nhìn nhận liên quan biện chứng đến số lượng dân. Chất lượng dân số bao hàm chất lượng người từ lúc mới sinh cho đến khi chết, cả nam và nữ. Chất lượng dân số không chỉ được đánh giá về nhân trắc học (chiều cao, cân nặng, các số đo cơ bản về vòng ngực, bụng, tay, chân, sự cân đối của cơ thể với từng lứa tuổi…), tố chất, sức chịu đựng dẻo dai… mà còn được nhìn nhận thông qua cuộc sống tinh thần, con người quan hệ với nhau như thế nào, họ có cơ hội bình đẳng không trước sự lựa chọn việc làm, giáo dục, phúc lợi, hôn nhân gia đình…, có được tôn trọng và tự do cá nhân không, họ có môi trường để phát huy khả năng sáng tạo hay không trong thực tế. Chất lượng dân số bao hàm các khái niệm về chất lượng nguồn nhân lực, khái niệm chất lượng lao động.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học đã nêu ra vấn đề là nếu nói về chất lượng dân số mà không đề cập đến quy mô, phân bố và cơ cấu dân số là chưa đầy đủ. Có hàng loạt câu hỏi được đặt ra là:

  • Chất lượng dân số sẽ như thế nào nếu tốc độ tăng dân số nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế, hoặc ngược lại quy mô dân số giảm ?
  • Chất lượng dân số sẽ như thế nào nếu mức sinh quá cao, làm cho tỷ lệ trẻ em 0-14 tuổi trong dân số quá cao (xấp xỉ 50%) hoặc mức sinh quá thấp làm cho tỷ trọng người già trong dân số quá cao (từ 30% trở lên)?

– Chất lượng dân số sẽ như thế nào nếu toàn xã hội chỉ lựa chọn sinh con trai?

Khi dân số rơi vào các tình trạng như đã nêu trong các câu hỏi trên, liệu có thể gọi dân số đó là có chất lượng cao được không mặc dù chăm sóc y tế, giáo dục và đào tạo nghề nghiệp rất tốt?

Vì vậy, chất lượng dân số phản ánh đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số.

Người ta có thể nhận biết chất lượng dân số một cách tổng thể định tính. Các nước phát triển thường được coi là có chất lượng dân số cao hơn các nước đang phát triển, mà không kể dân số của nước này hay nước khác có đông về số lượng hay không. Một khi kinh tế phát triển cao sẽ là tiền đề vật chất để cải thiện về mặt tinh thần và xã hội của dân cư. Đồng thời, khi có một môi trường xã hội tốt, con người được coi là trung tâm của sự phát triển, họ sẽ có điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong thực tế khi đánh giá chất lượng dân số người ta thường thông qua hệ thống các chỉ tiêu và có thể phân tổ các chỉ tiêu này như sau:

1/ Về thể lực: gồm nhiều yếu tố khác nhau trong đó có các số đo về chiều cao, cân nặng, sức mạnh, tốc độ, sức bền, sự khéo léo… dinh dưỡng, bệnh tật, tuổi thọ, các yếu tố giống nòi, đến di truyền như tật nguyền bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, nhiễm chất độc da cam… của người dân.

2/ Về trí lực: gồm các yếu tố trình độ văn hóa, thẩm mỹ, trình độ khoa học kỹ thuật, tay nghề…, thể hiện qua tỷ lệ biết chữ, số năm bình quân đi học/ đầu người, tỷ lệ người có bằng cấp, được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật,…

3/ Về Tinh thần: thái độ cần cù yêu lao động và lao động có kỷ luật, có tổ chức, tính gắn bó cộng đồng, tính sáng tạo… thể hiện qua mức độ tiếp cận và tham gia các hoạt động văn hóa, thông tin, vui chơi, giải trí, các phong trào xã hội…

Tuy nhiên ở đây theo cách tiếp cận hệ thống và có thể lượng hóa, so sánh, ngoài các chỉ tiêu nhân khẩu học, người ta đưa ra các chỉ tiêu khái quát tính chung cho toàn bộ dân số như thu nhập quốc dân bình quân trên đầu người năm, các chỉ số phát triển con người HDI… các chỉ báo cụ thể phản ánh từng mặt của mức sống dân cư để bổ sung.

2. Các chỉ báo chủ yếu đánh giá chất lượng dân số

2.1. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc tổng sản phẩm quốc dân (GNP) bình quân đầu người

Như đã biết, GDP bình quân đầu người là một chỉ tiêu khái quát, một phạm trù kinh tế học phản ánh trình độ phát triển kinh tế-xã hội của một nước trong một năm nào đó. Nó được xác định bằng tổng số sản phẩm của một quốc gia làm ra trong một năm chia cho tổng dân số của quốc gia đó (Tham khảo cách tính trong các sách dịch như: Kinh tế vĩ mô của N. Gregory Mankiw; Kinh tế học của David Begg, Stanley Fischer, Rudiger Dornbussch…). Do vậy, đồng thời trực tiếp biểu thị chất lượng dân số, mức sống dân cư.

2.2. Chỉ số phát triển con người (HDI)

HDI bổ sung cho GDP bình quân đầu người trong việc đánh giá vị trí của một quốc gia về phát triển con người hay sự tiến bộ của quốc gia đó về động thái phát triển con người theo thời gian. Của cải của một quốc gia có thể là điều kiện tạo mở khả năng lựa chọn của người dân, nhưng cũng có thể không. Việc quốc gia đó sử dụng của cải của mình như thế nào, chứ không phải là bản thân của cải là điều quyết định. Nếu chỉ tập trung vào việc làm thế nào để tạo ra nhiều của cải có thể làm mờ nhạt mục tiêu cuối cùng là làm cho cuộc sống con người ngày càng tốt hơn.

Bắt đầu từ năm 1990 “Báo cáo phát triển con người” của Liên hợp quốc đưa ra chỉ tiêu HDI để đánh giá sự phát triển bằng phương pháp tính kết hợp các chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người, tuổi thọ bình quân của dân cư và trình độ dân trí. GDP được tính theo sức mua tương đương-PPP (Purchasing Power Parities), nghĩa là theo thực tế chi phí cho cuộc sống của dân cư tại địa phương. Trình độ dân trí đo bằng cách kết hợp tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên (với trọng số 2/3) và số năm đến trường bình quân (với trọng số 1/3). Tuổi thọ trung bình phản ánh khả năng sống của dân cư qua số năm sống trung bình tính cho một năm nào đó. HDI cho biết một giới hạn cận trên và cận dưới cho từng nội dung trên và chỉ ra vị trí hiện tại của mỗi quốc gia trong giới hạn đó thông qua hệ số trong khoảng từ 0 đến 1. Thí dụ, trình độ biết chữ tối thiểu là 0% và tối đa là 100%. Một quốc gia nào đó có trình độ biết chữ là 75% thì hệ số sẽ là 0,75. Tương tự, tuổi thọ trung bình tối thiểu là 25 và tối đa là 85, do đó một quốc gia có tuổi thọ bình quân là 55 sẽ có điểm là 0,5. Đối với thu nhập mức tối thiểu là 100$ và tối đa là 40.000$ (tính theo sức mua tương đương-PPP (Purchasing Power Parities). Chỉ số tổng hợp sẽ là giá trị kết hợp các điểm số của 3 yếu tố trên.

Phương pháp tính toán chỉ tiêu HDI đang ngày càng hoàn thiện, đặc biệt khi cơ sở số liệu dần dần đầy đủ hơn và có độ tin cậy cao hơn thì khả năng so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia vào những thời gian nhất định càng có ý nghĩa hơn. Thậm chí, khi áp dụng chỉ tiêu này cho mỗi quốc gia có thể thay thế hoặc bổ sung các chỉ tiêu có mức độ ưu tiên cao hơn, khác với ba chỉ tiêu trên. Chẳng hạn, nếu lựa chọn tỷ lệ có việc làm là một bộ phận cấu thành của HDI, nếu tất cả mọi người đều có việc làm thì tỷ lệ này là 100% và tỷ lệ tối thiểu là 0%, khi đó một quốc gia có tỷ lệ việc làm là 75% sẽ có giá trị là 0,75.

2.3. Các chỉ báo về sức khỏe và dinh dưỡng

Tuỳ mục đích và sự sẵn có của các cơ sở dữ liệu mà người ta tính các chỉ báo cụ thể, thông thường được xác định theo các nội dung sau: Chiều cao theo tuổi của trẻ em, cân nặng theo chiều cao của trẻ em, cân nặng theo tuổi trẻ em, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sức khỏe sinh sản, cơ hội tiếp nhận các dịch vụ y tế… Các thông số về chiều cao và cân nặng phản ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng kéo dài của trẻ em trong quá khứ. Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra mức sống dân cư 1997-1998 (ĐTMS 1998) trong số trẻ em từ 0-5 tuổi, có 41,5% có chiều cao thấp so với tuổi, 40,1% có cân nặng theo tuổi thấp hơn chuẩn. Tỷ lệ này đã giảm xuống còn 29,2% và 17,5% vào năm 2010 (Thống kê y tế, 2010).

Chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) = Cân nặng/chiều cao2 và tỷ lệ người béo/gầy là một vấn đề liên quan tới sức khỏe và bệnh tật đang được nhiều người quan tâm hiện nay. Chỉ có 48,2% có chỉ số BMI bình thường. Nước ta chỉ có 5,2% người béo, 18,4% người gầy và 3,5% quá gầy, chưa kể đến 24,1% số người hơi gầy.

Tỷ lệ trẻ sơ sinh thấp cân là 5,5% và 9,6% trẻ em từ 0-10 tuổi không được tiêm bất cứ loại văc-xin nào. Chi tiêu thực tế bình quân một đầu người cho chăm sóc y tế là 714,6 nghìn đồng/ năm, chiếm 5,4% tổng chi tiêu (Điều tra mức sống 2010, TCTK).

2.4. Các chỉ báo về giáo dục

Trình độ dân trí của người dân được đánh giá bằng những chỉ báo như tỷ lệ biết chữ, tỷ lệ đi học ở các bậc học, số năm đi học bình quân chia theo nhóm tuổi. Tỷ lệ phần trăm người biết chữ được tính bằng số người từ 10 tuổi trở lên biết chữ so với dân số từ 10 tuổi trở lên. Tỷ lệ đi học ở một cấp học bằng số người đang học ở cấp học đó so với dân số trong độ tuổi thuộc cấp học đó…

Theo ĐTMS 2010, tỷ lệ đi học tiểu học chung của dân số Việt Nam là 101,2%, trung học cơ sở là 94,1% và trung học phổ thông là 71,9%. Chi phí cho việc đi học phân hoá theo giàu nghèo rõ rệt: chi tiêu cho giáo dục đối với nhóm các hộ nghèo nhất là 1.019 nghìn đồng và nhóm giàu nhất là 6.722 nghìn đồng (gấp 6 lần).

2.5. Qui mô, cơ cấu dân số và phân bố dân số

Qui mô dân số ổn định và cơ cấu dân số hợp lý sẽ tạo điều kiện cho kinh tế – xã hội phát triển. Đảm bảo tỷ lệ tăng dân số không quá cao và không làm cho dân số giảm sút là định hướng chính sách mà nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đều hướng tới. Cơ hội vàng của dư lợi dân số nếu được tận dụng sẽ tạo ra lực lượng lao động dồi dào, tỷ số phụ thuộc giảm mức thấp nhất đồng nghĩa với cơ hội tăng tiết kiệm, tích luỹ và tái đầu tư cả của cải vật chất lẫn sức lao động. Đảm bảo cân bằng tỷ số giới tính khi sinh làm sao để đất nước không rơi vào tình trạng thiếu dân số nam hoặc nữ trong tương lai. Nếu rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính thì cân đối cơ cấu hôn nhân gia đình, tình trạng nam thanh niên không “tìm” được vợ, tình trạng buôn bán trẻ em, phụ nữ được dự báo trở thành các vấn đề xã hội nan giải. Phân bố dân cư hợp lý giữa các vùng miền kích thích sản xuất phát triển và đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

3. Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dân số

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng dân số, tài liệu này tập trung phân tích các nhóm yếu tố chủ yếu sau:

3.1. Yếu tố sinh học và di truyền

Như đã phân tích, yếu tố về di truyền và sinh học tác động đến chất lượng dân số. Trong thực tế nhiều nghiên cứu đã cho thấy, yếu tố di truyền có nhiều tác động đến chất lượng dân số, do vậy ngay từ khi triển khai chương trình nâng cao chất lượng dân số Việt Nam, một trong những mục tiêu là giảm tỷ lệ mắc di tật bẩm sinh. Những đứa trẻ sinh ra từ các bà mẹ chưa thành niên (dưới 18 tuổi) và những bà mẹ quá lớn tuổi (trên 40 tuổi) có nguy cơ cao về chậm phát triển thể chất. Vì vậy, những yếu tố sinh học và di truyền cần được nghiên cứu để đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số.

3.2. Chất lượng cuộc sống

Chất lượng cuộc sống có nội dung rất phong phú liên quan đến mọi mặt của cuộc sống con người. Nó thể hiện thông qua mức độ thỏa mãn nhu cầu về vật chất, cũng như tinh thần của cá nhân, cộng động và toàn thể xã hội. Chất lượng cuộc sống là một khái niệm động, không ngừng thay đổi từ thấp đến cao phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế, chế độ chính trị, quan niệm về văn hóa và truyền thống của mỗi dân tộc ở từng giai đoạn phát triển của xã hội. Vì vậy, cần phải sử dụng nhiều chỉ tiêu đánh giá mới phản ánh hết bản chất của chất lượng cuộc sống. Theo nhà nghiên cứu Wiliam Bell, chất lượng cuộc sống có thể được đánh giá thông qua 12 chỉ báo: (1) An Toàn; (2) Sung túc về kinh tế; (3) Công bằng về pháp luật; (4) An ninh quốc gia; (5) Bảo hiểm lúc tuổi già, ốm đau; (6) Hạnh phúc về tinh thần; (7) Sự tham gia vào đời sống xã hội; (8) Bình đẳng về giáo dục, nhà ở và nghỉ ngơi; (9) Chất lượng đời sống văn hóa; (10) Quyền tự do công dân; (11) Chất lượng môi trường kỹ thuật (giao thông, nhà ở, thiết bị sinh hoạt, thiết bị giáo dục, thiết bị y tế…; (12) Chất lượng môi trường sống.

Như vậy, có thể hiểu là chất lượng cuộc sống phản ánh sự thỏa mãn nhu cầu, trước hết là nhu cầu cơ bản tối thiểu của con người. Mức độ đáp ứng sự thỏa mãn càng cao thì chất lượng cuộc sống càng cao. UNDP đã từng thống kê tới 168 nhu cầu cơ bản của con người khi đánh giá chất lượng cuộc sống.

Chất lượng cuộc sống càng cao sẽ giúp cho con người phát triển cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Điều này làm cho chất lượng dân số được cải thiện. Ngược lại, nếu mức độ thỏa mãn nhu cầu, đặc biệt là các nhu cầu cơ bản của cuộc sống con người không được đáp ứng đầy đủ, là một nhân tố làm cho con người không phát triển về thể lực; trí lực và tinh thần. Đây là nguyên nhân làm cho chất lượng dân số giảm sút.

3.3. Kinh tế

Có thể phân chia ảnh hưởng của kinh tế đến chất lượng dân số thành hai cấp độ: Cấp độ kinh tế vĩ mô (sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia) và ở cấp độ vi mô (kinh tế của hộ gia đình).

Nếu xét ở cấp độ kinh tế vĩ mô, với một nền kinh tế phát triển, Chính phủ sẽ có điều kiện đầu tư cho phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí cho người dân, từ đó cải thiện trí lực của dân số. Thứ hai, với một nền kinh tế phát triển, Chính phủ sẽ có điều kiện để đảm bảo an ninh xã hội, thực hiện xóa đói giảm nghèo, nâng cao sức khỏe về thể lực cho người dân. Mặt khác, nếu kinh tế phát triển, Chính phủ sẽ có điều kiện để đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở y tế, tăng cường đào đạo cán bộ y tế và mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ cho công cuộc chăm sóc sức khỏe của người dân từ đó nâng cao chất lượng dân số.

Ở cấp độ kinh tế gia đình, những gia đình giàu có thường có tiền đầu tư về giáo dục cho con cái để nâng cao trình độ học vấn. Đối với những gia đình này vấn đề bình đẳng nam nữ về giáo dục (giữa con trai và con gái cũng được chú ý). Đồng thời những gia đình này thường có điều kiện sống tốt (nhà ở và môi trường gần cận gia đình: Công trình vệ sinh, nước sạch). Đây cũng là điều kiện để giúp con người ít mắc bệnh hơn đặc biệt là các bệnh thường gặp ở nước nghèo như: Giun sán, bệnh phổi, thấp khớp, lao… Do điều kiện kinh tế gia đình khá giả họ có điều kiện tận hưởng dịch vụ y tế hiện đại nhằm bảo vệ sức khỏe và đẩy lùi cái chết. Tuy nhiên, khi nói đến điều kiện kinh tế ở cấp độ gia đình có ảnh hưởng đến nâng cao chất lượng dân số là phải nói đến điều kiện kinh tế của đại bộ phận dân cư chứ không phải là điều kiện kinh tế của một vài hộ gia đình đơn lẻ. Vì vậy, công cuộc cải cách kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống chung của toàn xã hội chính là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới cải thiện chất lượng dân số.

3.4. Y tế và chăm sóc sức khỏe

Sức khỏe là vốn quý của con người. Giữ gìn sức khỏe, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe là nhiệm vụ của mỗi người và toàn xã hội. Sức khỏe của mỗi người lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Sinh học, điều kiện sống, trình độ phát triển kinh tế – xã hội của từng nước, môi trường và chính sách chăm sóc sức khỏe quốc gia.

Ngày nay, trình độ phát triển y học và phương tiện phòng trị bệnh ngày càng cao, nhưng lại không đồng đều giữa các quốc gia. Điều đó làm cho tỷ lệ người có sức khỏe tốt ở các nước nghèo thấp hơn các nước giàu. Tại các nước nghèo tỷ lệ người mắc các bệnh như: lao, sốt rét, suy nhược cơ thể ở người lớn, suy dinh dưỡng trẻ em, bệnh giun sán rất cao. Do sự tiến bộ về y học trên thế giới, loài người đã không còn khiếp sợ các loại bệnh trên. Tuy nhiên, thế giới lại xuất hiện một số bệnh khác, các bệnh này lại lan truyền rất nhanh ở cả các nước đang phát triển và phát triển như: HIV/AIDS; bệnh căng thẳng thần kinh (stress); H1N1…

Các chỉ báo đánh giá sự chăm sóc bảo vệ sức khỏe của nhân dân, nâng cao chất lượng dân số là:

– Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em: Tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng các loại vác-xin; số nhà hộ sinh trên tổng số dân; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng…

– Chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng: Số cơ sở y tế; số giường bệnh; số nhân viên y tế (y sỹ, bác sỹ, y tá…) trên 10.000 dân; tỷ lệ các loại bệnh đặc trưng theo vùng địa lý; tỷ lệ người nhiễm HIV…

– Sàng lọc trước sinh và sơ sinh: Tỷ lệ các cơ sở y tế có cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm sàng lọc khi mang thai; Tỷ lệ trẻ sơ sinh được xét nghiệm xác định dị tật; Tỷ lệ trẻ em được điều trị sớm các dị tật bẩm sinh…

3.5. Giáo dục

Những chỉ báo phản ảnh tình trạng của giáo dục là: Tỷ lệ người đi học; số lượng học sinh ở các cấp (nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học, trung học, cao đẳng, đại học), tỷ lệ đi học đúng tuổi ở các cấp học… Giáo dục ảnh hưởng tới chất lượng dân số thông qua cơ chế sau:

Giáo dục ảnh hưởng tới chất lượng dân số về mặt trí tuệ. Nhờ phát triển giáo dục, người dân được nâng cao hiểu biết và kiến thức giúp cho họ có đủ trình độ tiếp thu khoa học – kỹ thuật mới, tiên tiến. Trình độ học vấn cao giúp con người có tính năng động và sáng tạo, lao động tự giác, có kỷ luật và có năng suất cao.

Giáo dục để nâng cao chất lượng dân số là quốc sách của mỗi quốc gia. Tùy theo điều kiện kinh tế – xã hội của các quốc gia đó mà Chính phủ quyết định mức đầu tư cho giáo dục thích hợp.

Giáo dục có ảnh hưởng rất lớn đến mức sinh. Khi trình độ học vấn càng cao thì mức sinh càng thấp. Tuy nhiên, ảnh hưởng của giáo dục đến mức sinh chỉ dừng lại ở một giới hạn nhất định. Nếu trình độ học vấn vượt khỏi giới hạn trên thì tác động của giáo dục đến mức sinh không còn nữa. Cần chú ý rằng, chỉ có trình độ học vấn trung bình của toàn bộ phụ nữ cả một vùng, một tỉnh, một nước… mới có thể tác động làm giảm mức sinh của vùng, chứ không phải là trình độ học vấn của đơn lẻ một phụ nữ. Mức sinh giảm, số con trung bình của mỗi phụ nữ (mỗi gia đình) ít đi, người dân có điều kiện hơn trong việc chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe và giáo dục cho các con, không phân biệt con trai hay con gái. Qua đó, chất lượng dân số được nâng lên.

Giáo dục có tác động trực tiếp đến việc đẩy lùi cái chết. Những người có trình độ học vấn cao thường có kiến thức về cơ chế lây truyền bệnh tật để phòng và chữa bệnh kịp thời. Mặt khác, khi có trình độ học vấn cao, họ có điều kiện để làm những công việc đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật cao và do đó thu nhập cao. Khi thu nhập cao, người ta có điều kiện tận hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn và vì vậy sức khỏe của người dân được đảm bảo. Đó cũng là một nhân tố để nâng cao chất lượng dân số.

3.6. Môi trường

Thiên nhiên đã sinh ra con người, cung cấp tài nguyên và tạo nên môi trường sống cho con người. Mối quan hệ giữa con người và môi trường là mối quan hệ luôn gắn bó mật thiết với nhau. Ở những vùng khí hậu ôn hoà, tài nguyên phong phú, con người có điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngược lại, ở những nơi điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, con người khó có điều kiện để cải thiện cuộc sống, nâng cao chất lượng dân số.

Tuy nhiên, cần thấy rằng các thành tố của môi trường luôn không ổn định hoặc không hoàn toàn có lợi để con người có thể duy trì tốc độ tăng trưởng của phát triển như một hằng số. Một thành tố của môi trường trong những điều kiện nhất định có thể trở thành những nhân tố cản trở sự phát triển của con người. Ví dụ, thiên tai có thể làm người chết, mùa màng bị phá hoại, làm khó khăn rất nhiều cho việc nâng cao chất lượng sống của người dân. Mặt khác, trong mối quan hệ với môi trường, do mức sinh cao, dân số tăng nhanh, để nâng cao chất lượng cuộc sống con người đã không ngừng phát triển sản xuất và tăng cường khai thác tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, con người đã tàn phá môi trường, làm thay đổi hệ sinh thái, thay đổi môi trường sống của các sinh vật và của chính bản thân con người với xu hướng môi trường ngày càng xấu đi, gây tác hại đến sức khỏe của con người. Hiện nay, do tình trạng đất, nước, không khí bị ô nhiễm mà lương thực, thực phẩm mà con người sử dụng cũng bị ô nhiễm, bị nhiễm độc, chủ yếu do phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu.

Giữa gia tăng dân số và ô nhiễm môi trường có quan hệ chặt chẽ với nhau. Sự gia tăng dân số quá mức dẫn tới quá tải về môi trường gây ra những phản ứng không có lợi cho bản thân con người và qua đó làm cản trở quá trình nâng cao chất lượng dân số.

3.7. Các yếu tố khác

Các yếu tố khác như: Phong tục tập quán, văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, vui chơi giải trí, . . . cũng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và qua đó cũng góp phần nâng cao chất lượng dân số.

(Nguồn tài liệu: Tài liệu môn Dân số học cơ bản, Tổng cục dân số kế hoạch hóa gia đình, 2015)

5/5 - (2 bình chọn)Bài viết liên quan:
  1. Tháp dân số là gì? Các loại tháp dân số
  2. Dân cư là gì?
  3. Dân số là gì?
  4. Đô thị hóa là gì? Các ảnh hưởng của đô thị hóa
Dân số

Từ khóa » Chỉ Số đo Lường Chất Lượng Dân Số Là Gì