Châu Thành: Mô Hình Nuôi Vịt Xiêm Tăng Thêm Thu Nhập Cho Nông Hộ

Chị Trương Cẩm Thúy ở ấp Đông Phú, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, sinh ra trong một gia đình nông dân, nguồn thu của gia đình chủ yếu dựa vào vườn ăn trái. Tuy nhiên bản thân chị Thúy, từ nhỏ đã “mê” nghề chăn nuôi, bởi theo lý giải của chị, chăn nuôi không nặng nhọc như làm vườn, tận dụng được diện tích xung quanh nhà và diện tích vườn cây ăn trái, nhưng lời khá cao. Chính vì vậy, sau khi lập gia đình, chị tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ những người xung quanh để tiến hành nuôi vịt xiêm thịt. Lúc này, chị đã xây chuồng trại rồi chính thức khởi nghiệp bằng nghề chăn nuôi vịt xiêm thịt.

Theo chị Thúy, ban đầu gia đình chị chỉ nuôi nhỏ lẻ hơn chục con vịt xiêm thịt theo hình thức kinh tế hộ, để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Sau khi xuất bán lứa vịt đầu tiên, thấy hiệu quả mang lại khá, chị tiếp tục đầu tư, mở rộng chăn nuôi với quy mô lớn hơn. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi gia súc, gia cầm và học hỏi kinh nghiệm thông qua sách báo, chị quyết định đầu tư áp dụng mô hình nuôi vịt xiêm theo quy trình khép kín, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp.

Chị Thúy cho biết: Lúc đó khoảng năm 2017, chị tiến hành xây dựng thêm khu chuồng nuôi vịt đẻ, để tự sản xuất con giống tạo nguồn cung cấp giống ổn định cho trại của gia đình và những người xung quanh có nhu cầu. Khi vịt sinh sản, chị tiếp tục gây nuôi thành vịt thương phẩm. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do phân vịt thải ra, chị xây dựng đệm lót nuôi vịt, vừa hạn chế dịch bệnh có thể gây hại cho đàn vịt, vừa tận dụng đệm lót ủ làm phân bón cho vườn cây ăn trái, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ ban đầu, hiện nay trong chuồng của gia đình chị Thúy lúc nào cũng có trên 20 con vịt đẻ và hơn 150 con vịt xiêm thịt. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi cộng thêm kinh nghiệm tích lũy được qua nhiều năm mà đàn vịt của gia đình chị Thúy luôn tăng trưởng, phát triển tốt. Những thành công đó đã tạo động lực để chị Thúy tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

Cũng theo chị Thúy, trong quá trình nuôi Vịt, chị cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt khi dịch bệnh cúm gia cầm hoành hành tại ĐBSCL. Lúc này, nhiều hộ phải ôm nợ vì đàn vịt nuôi mắc bệnh chết hàng loạt. Tuy nhiên do chăn nuôi khép kính, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, đặc biệt mít sơ đen, giảm lượng thức ăn công nghiệp, nên phần nào cũng giảm được chi phí đầu tư, nên đàn vịt của chị lúc nào cũng cho thu nhập cao.

Hơn nữa muốn nuôi vịt xiêm hiệu quả, đạt lợi nhuận cao trước hết không mua giống trôi nổi, cần phải lựa chọn con giống tốt, khỏe mạnh từ các hộ dân tự gây nuôi hoặc các lò ấp có uy tín. Khi nuôi với quy mô lớn cần thường xuyên kiểm tra, chăm sóc tốt đàn vịt. Đặc biệt phải tiêm phòng vắc xin định kỳ đầy đủ nhằm chủ động phòng ngừa các loại bệnh vịt hay mắc phải, nhất là phòng bệnh cúm gia cầm. Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y, giữ cho nhiệt độ chuồng nuôi hợp lý theo điều kiện thời tiết. Tránh trường hợp để chuồng trại chăn nuôi ẩm thấp, mưa ngập dễ phát sinh mầm bệnh.

Hiện nay, với giá bán 75.000đ/kg vịt xiêm thịt, mô hình nuôi vịt xiêm theo quy trình chăn nuôi khép kín sử dụng giống tự sản xuất, giúp gia đình chị Thúy lời trên 60 triệu đồng mỗi năm từ bán vịt giống, vịt thịt. Có thể nói, nhờ tính chuyên cần, không ngại khó mà kinh tế gia đình của chị Thúy nay đã được vươn lên khá giàu.

Từ khóa » Hình ảnh Về Vịt Xiêm