Chảy Máu Chân Răng Khi Mang Thai: Mẹ Bầu Hãy Lưu ý! - YouMed

Nội dung bài viết

  • Thời điểm thường xảy ra chảy máu chân răng?
  • Nguyên nhân chảy máu chân răng khi mang thai
  • Một số triệu chứng đi kèm
  • Xử lý khi chảy máu chân răng
  • Phòng ngừa chảy máu chân răng khi mang thai
  • Khi nào chảy máu chân răng khi mang thai sẽ hết?
  • Điều trị chảy máu chân răng khi mang thai

Mang thai là thời điểm nhạy cảm của phụ nữ. Khi mang thai, cơ thể của phụ nữ xảy ra nhiều thay đổi cả về ngoại hình và sức khỏe. Những thay đổi này có thể khiến các mẹ trở nên lo lắng và nhất là lo cho sự an toàn, khỏe mạnh của con yêu. Chảy máu chân răng khi mang thai là một trong những vấn đề mà nhiều mẹ thường hay than phiền. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng, tình trạng này có thể phòng ngừa và điều trị tốt ngay cả khi mang thai. Các vấn đề về nướu, răng sẽ quay trở lại bình thường sau thời gian thai kỳ.

Thời điểm thường xảy ra chảy máu chân răng?

Thông thường 60 – 70% phụ nữ khi mang thai sẽ bắt đầu thấy nướu sưng lên và rớm máu khi bước vào 3 tháng giữa thai kỳ hoặc có thể sớm hơn. Ở giai đoạn này, sự gia tăng các hormone trong thai kỳ khiến niêm mạc sưng lên và nghẽn tắc các mạch máu, khiến nướu bị viêm và dễ chảy máu. Triệu chứng này thường gặp khoảng tuần thứ 15 của thai kỳ.

Nguyên nhân chảy máu chân răng khi mang thai

Có nhiều nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng chảy máu chân răng của các mẹ trong quá trình mang thai như:

1. Sự biến đổi của nồng độ nội tiết tố

Khi mang thai, nồng độ progesteron tăng khiến các vi khuẩn gây viêm nướu dễ dàng phát triển hơn. Đồng thời gia tăng lượng hocmon cũng làm mô nướu nhạy cảm hơn và gây phản ứng quá mức với mảng bám. Đặc biệt nếu trước đó người mẹ đã mắc viêm nướu, viêm nha chu, thì tình trạng sẽ càng tệ hơn.

2. Thay đổi của môi trường miệng và thói quen ăn uống

Khi mang thai có thể miệng sẽ tiết ít nước bọt hơn. Nước bọt có vai trò cân bằng môi trường miệng, rửa trôi mảng bám và vi khuẩn. Việc giảm tiết nước bọt sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh sâu răng, viêm nướu.

Mang thai cũng làm thói quen ăn uống hằng ngày của bạn thay đổi. Nhiều người sẽ cảm thấy thèm ăn ngọt và tinh bột hơn. Đây là môi trường yêu thích của vi khuẩn phát triển trong mảng bám gây viêm nướu.

3. Phản ứng muộn với nghén

Đối với những người biểu hiện nghén sớm trong thai kỳ, răng nướu dễ chịu ảnh hưởng bởi các tác động của thai kỳ. Khi ói thường xuyên, răng nướu sẽ phải liên tục chịu môi trường axit có hại. Điều này thật không mấy dễ chịu đối với các mẹ trong những tháng đầu thai kỳ.

4. Tăng nhạy cảm các giác quan

Khi mang thai bạn có thể trở nên vô cùng nhạy cảm với tất cả mọi thứ. Những thứ trước đây bạn rất thích hoặc không hề để ý, bỗng trở nên vô cùng khó chịu. Bạn cảm thấy khó chịu với mùi vị của bạc hà trong kem đánh răng hay của các chất khác trong sản phẩm chăm sóc răng miệng.

Điều này là lý do khiến một số mẹ bầu lười chăm sóc răng miệng. Thường mẹ sẽ cảm thấy buồn nôn và tránh chải răng hay súc miệng.

Một số triệu chứng đi kèm

Thường khi chải răng, chị em sẽ chú ý đến việc chảy máu nhiều hơn. Vì báo hiệu sự trầm trọng của tình trạng răng miệng. Tuy nhiên kèm theo sự chảy máu, nướu cũng sẽ có các biểu hiện như:

  • Sưng.
  • Đỏ.
  • Tụt nướu.
  • Hơi thở hôi.
  • Nhạy cảm khi sờ chạm.

Đây đều là biểu hiện của viêm nướu thai kỳ. Viêm nướu sẽ thường gặp từ tháng 2 đến cuối thai kỳ. Tăng biểu hiện trong những tháng cuối của thai kỳ. Bên cạnh viêm nướu, mẹ bầu cũng có nguy cơ đối mặt với sâu răng, viêm nha chu. Do đó việc thăm khám nha sĩ trong những tháng thai kỳ là hết sức quan trọng, các mẹ không được bỏ quên.

Xử lý khi chảy máu chân răng

Đầu tiên, bạn cần hiểu đây là tình trạng thường gặp ở phụ nữ mang thai. Do đó không phải quá lo lắng. Có một số bước đơn giản bạn có thể thực hiện ngay để đối phó với tình trạng này:

Đến nha sĩ kiểm tra

Khi mang thai, bạn nên đến khám nha sĩ ít nhất 1 lần để kiểm tra và vệ sinh răng miệng. Bạn cần báo cho bác sĩ biết về tình trạng mang thai của mình. Điều này giúp nha sĩ lưu ý hơn các phương pháp che chắn khi chụp phim X-quang hay trì hoãn các điều trị cần gây mê.

Tăng cường chăm sóc răng miệng

Nguyên tắc chăm sóc răng miệng thông thường là chải răng ít nhất 2 lần/ngày, mỗi lần 2 phút với kem đánh răng chứ fluor và dùng chỉ nha khoa, bàn chải kẽ hằng ngày. Giai đoạn này nướu rất nhạy cảm, bạn nên dùng bàn chải mềm, không quá cứng, chải nhẹ nhàng. Có thể dùng bàn chải điện nhưng thao tác phải nhẹ nhàng.

chảy máu chân răng khi mang thai
Mẹ bầu nên chú ý vệ sinh răng miệng đúng cách để phòng ngừa chảy máu chân răng khi mang thai

Bạn có thể thay đổi loại kem đánh răng nếu thấy khó chịu. Nhiều hương vị trái cây của kem đánh răng trẻ em sẽ đem lại cảm giác dễ chịu hơn. Dành nhiều thời gian chăm sóc răng miệng hơn sẽ giúp bạn giảm các triệu chứng của viêm nướu, sâu răng.

1. Vệ sinh lưỡi

Không chỉ răng của bạn cần chăm sóc, mà thậm chí lưỡi, nướu, mô miệng khác cũng cần được chải rửa nhẹ nhàng mỗi ngày. Việc chải lưỡi sẽ giúp làm giảm bớt mảng bám và lượng vi khuẩn có trong miệng.

2. Súc miệng với nước muối ấm hoặc nước súc miệng không chứa cồn

Điều này sẽ giúp bạn có được hơi thở thơm tho hơn, tăng cường sự khỏe mạnh của răng miệng. Nước muối ấm sẽ làm dịu cơn đau, sưng đỏ của nướu khiến bạn dễ chịu hơn. Đồng thời cũng phòng ngừa các bệnh đường hô hấp, viêm họng.

3. Súc miệng sau khi nôn

Thời gian nghén sẽ vô cùng khó chịu, bạn phải chịu hành hạ bởi nhiều lần nôn trong ngày. Nhưng chúng ta nên chịu khó chải răng hoặc có thể là súc miệng sau mỗi đợt nôn. Điều này giúp bạn bớt vị chua, khó chịu trong miệng. Đồng thời giúp loại bỏ vi khuẩn và axit gây hại cho miệng.

Xây dựng chế độ ăn hợp lý

Đảm bảo cung cấp đủ các vitamin và chất cần thiết cho quá trình thai kỳ. Đặc biệt là bổ sung vitamin C để có răng nướu khỏe mạnh. Việc quan tâm đến hàm lượng canxi trong khi mang thai cũng vô cùng quan trọng, giúp bạn có được hệ xương và răng chắc khỏe hơn.

Hạn chế đồ ăn chứa nhiều đường và tinh bột

Khi mang thai, bạn sẽ được khuyến khích ăn nhiều để tốt cho mẹ và bé. Tuy nhiên, việc ăn vô tội vạ tất cả loại thức ăn nhất là thức ăn có lượng đường cao, sẽ đem lại những nguy cơ xấu. Việc dinh dưỡng không đúng có thể dẫn đến tiểu đường thai kỳ, các biến đổi sức khỏe khác và cả các vấn đề răng miệng.

Bạn nên cố gắng chọn những thực phẩm chứa ít đường nhất có thể. Nên tăng cường trái cây, thực phẩm chứa nhiều chất xơ. Nếu bắt buộc phải ăn, nên chải răng ngay sau ăn 30 phút. Một số mẹ có thói quen ăn trái cây sấy. Đây là thực phẩm chứa lượng đường cao, dai dính, dễ bám trên mặt nhai các răng. Do đó nên hạn chế sử dụng.

Phòng ngừa chảy máu chân răng khi mang thai

Mặc dù tỉ lệ viêm nướu khi mang thai khá cao, lên đến 60 – 70% ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng việc thăm khám nha khoa để chăm sóc răng miệng thường xuyên.

Thực tế một số trường hợp mẹ bầu có vấn đề răng miệng nhưng vẫn không muốn đi nha sĩ. Lý do vì việc nghén khiến họ cảm thấy khó chịu khi có bất cứ vật gì đưa vào miệng. Một số lại cho rằng việc điều trị nha khoa sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Điều này là hoàn toàn không có căn cứ.

Nếu bạn không điều trị nha khoa ngay khi có vấn đề thì sẽ ảnh hưởng lớn hơn tới thai nhi. Do vậy, cách tốt nhất để có sức khỏe tốt cho mẹ và bé là phải tăng cường sức khỏe bằng cách tăng cường chăm sóc răng miệng.

Khi nào chảy máu chân răng khi mang thai sẽ hết?

Đây là điều mà nhiều người thắc mắc. Tình trạng này sẽ hết ngay sau sinh, khi hocmon trở về ổn định. Nếu trước mang thai, răng nướu bạn hoàn toàn khỏe mạnh thì ngay khi sinh xong, việc duy trì vệ sing răng miệng tốt sẽ khiến bạn nhanh hồi phục hơn.

Điều trị chảy máu chân răng khi mang thai

Bên cạnh việc áp dụng các cách ngăn ngừa chảy máu chân răng kể trên, nếu tình trạng tệ hơn, có thể bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ của nha sĩ. Thông thường nha sĩ sẽ loại bỏ mảng bám và vôi răng bằng cạo vôi. Bạn có thể sẽ được kê đơn kháng sinh để loại bỏ nhiễm khuẩn. Một số loại nước súc miệng kháng khuẩn cũng được cân nhắc sử dụng thêm. Bạn phải báo với bạn sĩ tất cả các vấn đề sức khỏe, dị ứng, loại thuốc hoặc vitamin đang sử dụng.

Trong trường hợp viêm tiến triển nặng, có thể bắt buộc phải điều trị phẫu thuật. Thường thời điểm phù hợp để thực hiện điều trị này là 3 tháng giữa thai kỳ. Nha sĩ sẽ thực hiện điều trị dưới sự phối hợp kiểm soát của bác sĩ sản khoa. Nếu bạn đang ở những tháng cuối thai kỳ, điều trị phẫu thuật sẽ được trì hoãn đến sau sinh. Nha sĩ sẽ phối hợp các điều trị làm giảm nhẹ tình trạng viêm.

Mang thai là một quá trình gian nan nhưng đầy niềm vui . Để có một hành trình thật vui khỏe, các mẹ hãy biết quan tâm chăm sóc sức khỏe đúng cách. Những dấu hiệu như chảy máu chân răng sẽ không khiến mẹ phải quá lo lắng nếu biết cách điều trị phù hợp. Chăm sóc răng miệng tốt, thường xuyên thăm khám nha sĩ, chế độ ăn phù hợp sẽ giúp mẹ có một thai kỳ an vui.

Từ khóa » Cách Trị Chảy Máu Chân Răng Khi Mang Bầu