Chảy Máu Mắt Liệu Có đáng Lo? Tìm Hiểu Ngay! • Hello Bacsi
Có thể bạn quan tâm
Chảy máu mắt không phải là một tình trạng hiếm gặp. Tuy nhiên, vấn đề này luôn khiến người bệnh lẫn gia đình của họ lo lắng không hiểu tại sao mắt bị chảy máu và có ảnh hưởng gì đến thị lực không?
Bài viết này sẽ thảo luận về một số dạng chảy máu mắt và nguyên nhân nào có thể gây ra chúng, cũng như việc điều trị như thế nào là hiệu quả nhất.
Tìm hiểu chung
Chảy máu mắt là gì?
Chảy máu mắt là hiện tượng chảy máu bên trong buồng trước của mắt, không phải từ mí mắt hoặc xung quanh mắt. Khác với vết thương ngoài da, máu bên trong mắt khi chảy ra khỏi lòng mạch không tạo thành dòng hay nhỏ giọt ra ngoài không khí. Thay vào đó, chúng len vào khoảng không giữa kết mạc và củng mạc tạo một vệt như vết dầu loang. Do đó, khi quan sát có thể thấy những đốm màu đỏ trong mắt hoặc toàn bộ phần lòng trắng của mắt bị đỏ ngầu.
Tình trạng này thường không có triệu chứng nào báo trước, cũng không gây đau đớn hay khó chịu cho người bệnh. Chỉ một số người có cảm giác hơi vướng cộm hoặc hơi nhói ở mắt bị chảy máu. Còn lại đa số bệnh nhân phát hiện ra tình trạng này là do vô tình thấy mắt khi đỏ soi gương hoặc do người khác mách bảo.
Phân loại
Các dạng chảy máu mắt
Hiện tượng chảy máu mắt được phân thành 3 dạng chính, bao gồm:
- Xuất huyết kết mạc. Lớp màng trong suốt ở trên cùng, che phủ toàn bộ phần lòng trắng của mắt được gọi là kết mạc. Trên kết mạc có nhiều sợi thần kinh và mạch máu rất nhỏ mà mắt thường không quan sát được. Xuất huyết kết mạc là hiện tượng xảy ra khi một mạch máu bị nứt hoặc vỡ ra, dẫn đến mắt bị tụ máu đỏ ở lòng trắng. Loại chảy máu mắt này thường rất phổ biến, không gây đau đớn và cũng không ảnh hưởng gì đến thị lực.
- Xuất huyết tiền phòng. Là hiện tượng có máu tích tụ ở giữa mống mắt và giác mạc, thường xảy ra khi có chấn thương khiến mống mắt bị tổn thương hoặc rách. Khác với xuất huyết kết mạc không gây đau, xuất huyết tiền phòng thường sẽ gây đau nhẹ. Chảy máu tiền phòng tuy ít phổ biến nhưng lại nghiêm trọng hơn, đặc biệt ở những người mắc thiếu máu hồng cầu hình liềm. Nó có thể làm mất đi một phần hoặc toàn bộ thị lực nếu không được điều trị.
- Các loại xuất huyết sâu hơn. Thường sẽ không nhìn thấy được mắt chảy máu trên bề mặt, nhưng đôi khi có thể gây đỏ mắt. Các loại chảy máu sâu ở bên trong mắt bao gồm: xuất huyết thuỷ tinh thể, xuất huyết dưới võng mạc và xuất huyết dưới hoàng điểm (điểm vàng).
Nguyên nhân
Chảy máu mắt là bệnh gì?
Mặc dù có nhiều lý do, nhưng đôi khi bạn có thể bị chảy máu mắt mà không biết tại sao. Nguyên nhân không phải lúc nào cũng rõ ràng, đó có thể là kết quả của một trong các yếu tố sau đây:
- Các mạch máu ở mắt bị vỡ khi ho hoặc hắt hơi mạnh, căng thẳng, nôn mửa, rặn, nâng nhấc vật nặng, giật mình bất ngờ, bị tăng huyết áp, sử dụng kính áp tròng, dị ứng,…
- Chấn thương ở mắt, mặt hoặc đầu: do dụi hoặc gãi mắt quá mạnh, có vật sắc nhọn đâm vào mắt, do tai nạn, ngã hoặc bị bóng đập vào…
- Dùng thuốc ngăn ngừa cục máu đông có thể làm tăng nguy cơ chảy máu mắt chẳng hạn như warfarin, dabigatran, rivaroxaban, heparin. Các thuốc NSAID không kê đơn và một số thực phẩm chức năng bổ sung cũng có thể làm loãng máu. Hãy thông báo với bác sĩ nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc sau: aspirin, ibuprofen, naproxen, vitamin E, tỏi, gingko biloba, hoa anh thảo, cây cọ,…
- Liệu pháp miễn dịch interferon được sử dụng để điều trị một số bệnh nhiễm trùng do virus, cũng có liên quan đến chảy máu mắt.
- Các nguyên nhân khiến mắt chảy máu khác ít gặp hơn bao gồm: nhiễm trùng mắt, đặc biệt là do virus herpes, mống mắt có các mạch máu bất thường, các vấn đề liên quan đến đông máu, biến chứng sau phẫu thuật mắt, ung thư tại mắt.
Ngoài ra, một số tình trạng bệnh cũng có thể làm tăng nguy cơ bị chảy máu mắt hoặc làm suy yếu các mạch máu ở mắt:
- Bệnh võng mạc tiểu đường
- Rách võng mạc
- Xơ cứng động mạch
- Phình động mạch
- Thoái hoá điểm vàng liên quan đến tuổi tác
- Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm
- Tắc nghẽn tĩnh mạch võng mạc trung tâm
- Đa u tuỷ
- Hội chứng Terson
- Sa kết mạc
- Bong dịch kính sau
- Nhiễm trùng
Một số bệnh nhiễm trùng có thể khiến mắt bạn trông giống như bị chảy máu, trong đó đau mắt đỏ hay còn gọi viêm kết mạc là những tình trạng phổ biến và rất dễ lây lan ở trẻ em và người lớn. Tuy đau mắt đỏ không gây chảy máu mắt, nhưng trong một số trường hợp, nó có thể làm vỡ các mạch máu vốn đã mỏng manh, gây ra xuất huyết dưới kết mạc.
Chẩn đoán & Điều trị
Chẩn đoán chảy máu mắt
Để chẩn đoán tình trạng chảy máu mắt, bác sĩ sẽ nhìn vào mắt của bạn để kiểm tra các dấu hiệu cũng như tìm vị trí bị chảy máu. Sau đó, bạn có thể được yêu cầu thực hiện các biện pháp khác như:
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt để làm giãn đồng tử
- Siêu âm kiểm tra bên trong và phía sau của mắt
- Chụp CT để tìm vết thương quanh mắt
- Xét nghiệm máu để phát hiện bất kỳ tình trạng tiềm ẩn nào liên quan
- Kiểm tra huyết áp
Làm thế nào để điều trị chảy máu mắt?
Việc xác định người bệnh có cần điều trị hay không sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây chảy máu mắt. Xuất huyết kết mạc thường không nghiêm trọng nếu thị lực của bạn vẫn bình thường, không bị đau mắt và chỉ chảy máu mắt ở một phần nhỏ của lòng trắng; nó tự biến mất sau khoảng 2-3 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ cần thiết nếu nguyên nhân là do bệnh lý tiềm ẩn.
Đối với các dạng chảy máu mắt còn lại, có thể điều trị bằng các phương pháp sau:
- Dùng thuốc nhỏ mắt để kiểm soát các triệu chứng viêm, sưng đau… Loại thuốc nhỏ mắt mà bác sĩ kê đơn sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây chảy máu, có thể là thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, thuốc làm tê, steroid hoặc nước mắt nhân tạo.
- Phẫu thuật laser để sửa chữa các mạch máu
- Phẫu thuật mắt để dẫn máu ra ngoài
- Phẫu thuật tuyến lệ
Bên cạnh đó, cần kết hợp với các biện pháp chăm sóc tại nhà để đẩy nhanh quá trình điều trị. Bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Đeo một tấm chắn hoặc miếng che mắt để bảo vệ mắt trong thời gian điều trị.
- Không đeo kính áp tròng cho đến khi bác sĩ cho phép.
- Thường xuyên kiểm tra huyết áp bằng máy theo dõi tại nhà
- Nghỉ ngơi nhiều, gối cao đầu để giúp thoát nước mắt
- Không hoạt động thể lực quá nhiều
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc các loại thuốc khác đầy đủ, đúng theo chỉ định của bác sĩ.
Biến chứng
Biến chứng của chảy máu mắt
Chảy máu mắt có thể là do chấn thương hoặc các bệnh lý khác, phụ thuộc vào vị trí chảy máu mà tình trạng này có thể sẽ vô hại hoặc dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và gây ra tổn thương vĩnh viễn nếu không được điều trị.
Sau khi nguyên nhân chảy máu trong mắt được chẩn đoán, người bệnh phải tuyệt đối tuân theo kế hoạch điều trị mà bác sĩ đưa ra để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các biến chứng tiềm ẩn, bao gồm:
- Viêm mãn tính và sẹo
- Bệnh tăng nhãn áp
- Suy giảm thị lực
- Mất thị lực và mù lòa
Các biến chứng có thể thay đổi từ hầu như không gây ảnh hưởng gì cho đến mất đi thị lực vĩnh viễn. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân và cách điều trị, chính vì vậy quan trọng nhất là bạn phải phát hiện được tình trạng chảy máu mắt kịp thời.
Như vậy, chảy máu mắt tuy không nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người bệnh nhưng có thể tiềm ẩn một số biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị. Do đó, hãy đến gặp bác sĩ trong trường hợp có bất kỳ dấu hiệu nào khiến bạn nghĩ rằng mình bị chảy máu mắt. Đồng thời cũng đừng quên thăm khám thị lực thường xuyên để đảm bảo sức khỏe cho đôi mắt.
Từ khóa » Trong Mắt Có Vệt Máu đỏ
-
Tia, Gân Màu đỏ Trong Mắt: Nguyên Nhân Là Gì? | Vinmec
-
Chảy Máu ở Lòng Trắng Mắt Có Nguy Hiểm Không? | Vinmec
-
Xuất Huyết Dưới Kết Mạc Có đáng Ngại? - Bệnh Viện Mắt Sài Gòn
-
Xuất Huyết Dưới Mắt: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Xử Lý | Medlatec
-
Lòng Trắng Mắt Có Nhiều Tia Máu đỏ Là Do Bệnh Gì?
-
Ai Có Nguy Cơ Xuất Huyết Mắt? - Bệnh Viện Hồng Ngọc
-
Đỏ Mắt (Xuất Huyết Dưới Kết Mạc) Có Nguy Hiểm Hay Không? - YouMed
-
Bị Nổi đốm đỏ Trong Tròng Trắng Mắt, Có Sao Không?
-
Hiện Tượng Chảy Máu ở Lòng Trắng Của Mắt Có Nguy Hiểm Không?
-
Xuất Huyết Dưới Kết Mạc: Máu Trong Mắt | All About Vision
-
Chảy Máu Mắt, Có đáng Sợ Không?
-
Xuất Huyết Dưới Kết Mạc Là Bệnh Gì? Triệu Chứng & Thuốc • Hello Bacsi
-
MÙA WORLD CUP: CẨN TRỌNG VỚI VẾT MÁU ĐỎ TRONG MẮT ...
-
Xuất Huyết Dưới Kết Mạc Có Nguy Hiểm? - Báo Sức Khỏe & Đời Sống