Chảy Máu Mũi - Tuổi Trẻ Online

Chảy máu mũi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: slideshare.net

Mũi là một bộ phận của cơ thể có chứa nhiều mạch máu nhỏ (hoặc động mạch) dễ vỡ. Chảy máu mũi có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất ở trẻ em 2-10 tuổi và ở người lớn 50-80 tuổi. Chảy máu mũi được chia thành hai loại, dựa vào điểm chảy máu là ở phía trước hay phía sau của mũi.

Chảy máu mũi trước là gì?

Hầu hết chảy máu mũi (chảy máu điểm mạch) bắt đầu ở phần thấp của vách ngăn, là vách phân chia mũi thành 2 lỗ mũi. Vách ngăn mũi có chứa các mạch máu có thể bị vỡ bởi một cú đấm vào mũi hay do va chạm với các cạnh sắc của móng tay. Chảy máu từ phía trước mũi (chảy máu mũi trước) thường là một dòng máu chảy ra từ lỗ mũi khi bệnh nhân đang đứng hoặc ngồi.

Chảy máu mũi trước thường phổ biến trong mùa khí hậu khô hoặc trong những tháng mùa đông khi mà không khí khô và nóng ở trong nhà làm cho niêm mạc mũi bị mất nước. Sự khô có thể dẫn đến tạo vảy, bong tróc niêm mạc và chảy máu. Điều này có thể được ngăn chặn bằng cách phủ một lớp mỏng mỡ bôi trơn hoặc thuốc mỡ kháng sinh vào phần cuối của một ngón tay và sau đó chà xát nó bên trong mũi, đặc biệt là ở phần giữa mũi (vách ngăn).

Làm sao để cầm máu khi chảy máu mũi trước?

- Bình tĩnh, hoặc trấn an đứa trẻ, giúp trẻ bình tĩnh. Một người bị kích động có thể bị chảy máu nhiều hơn một người được làm cho yên tâm và được hỗ trợ.

- Giữ cho đầu cao hơn tim. Ngồi dậy.

- Nghiêng nhẹ về phía trước để máu không chảy xuống thành sau của họng.

- Nhẹ nhàng hỉ bất kỳ cục máu đông ra khỏi mũi. Xịt thuốc co mạch vào mũi.

- Sử dụng ngón tay cái và ngón trỏ, bóp 2 cánh mũi ép vào nhau. Không nhét gạc hoặc bông vào bên trong mũi.

- Giữ yên vị trí trong năm phút. Nếu mũi vẫn còn chảy máu, giữ nó thêm 10 phút nữa.

Thế nào là chảy máu mũi sau?

Tình trạng hiếm hơn là chảy máu mũi có thể bắt nguồn từ trên cao và sâu bên trong mũi và chảy xuống phía sau của miệng và họng, ngay cả khi bệnh nhân đang ngồi hoặc đứng.

Khi ở tư thế nằm, chảy máu mũi trước cũng chảy xuống thành sau họng, đặc biệt là nếu có ho hay hỉ mũi. Điều quan trọng là cố gắng phân biệt được chảy máu mũi sau và chảy máu mũi trước, chảy máu mũi sau thường nặng hơn và hầu như luôn luôn cần sự can thiệp của bác sĩ.

Chảy máu mũi sau thường xảy ra ở người lớn tuổi, những người có huyết áp cao, và trong những trường hợp chấn thương vùng mũi hay mặt.

Các nguyên nhân gây chảy máu mũi tái phát là gì?

- Dị ứng, nhiễm trùng, hoặc khô gây ngứa và dẫn đến ngoáy mũi.

- Hỉ mũi mạnh dẫn đến vỡ mạch máu bề mặt niêm mạc mũi.

- Rối loạn đông máu do bệnh di truyền hoặc do thuốc.

- Sử dụng thuốc (thuốc chống đông máu, thuốc kháng viêm).

- Gãy xương mũi hoặc vỡ nền sọ. Chấn thương đầu gây chảy máu mũi nên được lưu ý kỹ.

- Bệnh di truyền: Xuất huyết do giãn mao mạch, một rối loạn liên quan đến sự phát triển mạch máu tương tự như một vết chàm ở phía sau của mũi.

- Khối u, cả u ác tính và u lành tính, phải được xem xét, đặc biệt là ở những người hút thuốc hoặc bệnh nhân lớn tuổi.

Khi nào nên đến gặp bác sĩ tai mũi họng?

Nếu chảy máu mũi xảy ra thường xuyên thì đó là một vấn đề quan trọng cần được đánh giá bởi bác sĩ tai mũi họng. Bác sĩ tai mũi họng hoặc bác sĩ phẫu thuật đầu cổ sẽ kiểm tra mũi cẩn thận bằng sử dụng ống nội soi (là một ống với ánh sáng để quan sát phía trong mũi) trước khi đưa ra một khuyến cáo điều trị. Hai trong số các phương pháp điều trị phổ biến nhất là đốt điện và nhét gạc trong mũi. Đốt điện là một kỹ thuật trong đó mạch máu được đốt bằng dòng điện, nitrat bạc hoặc laser. Đôi khi, bác sĩ có thể nhét trong mũi một miếng gạc đặc biệt (miếng gạc sẽ nở rộng khi thấm chất lỏng) hoặc một bóng cao su có thể bơm phồng lên qua đó gia tăng áp lực lên mạch máu để cầm máu.

Những lời khuyên ngăn ngừa chảy máu mũi

Giữ cho niêm mạc mũi luôn ẩm bằng cách sử dụng một ít dầu dạng gel hoặc thuốc mỡ kháng sinh cho vào tăm bông bôi vào mặt trong của mũi, đặc biệt vách ngăn, một ngày làm 3 lần, kể cả khi đi ngủ. Sản phẩm thường được sử dụng bao gồm Bacitracin, thuốc mỡ vitamin A và D, Eucerin, Polysporin và Vaseline.

- Giữ cho móng tay của trẻ em ngắn để ngăn ngừa việc ngoáy mũi.

- Chống lại những ảnh hưởng của không khí khô bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm.

- Sử dụng nước muối sinh lý xịt rửa mũi để làm ẩm niêm mạc mũi bị khô.

- Bỏ hút thuốc, vì hút thuốc làm khô mũi và kích ứng niêm mạc mũi.

Lời khuyên để ngăn ngừa chảy máu tái phát ngay sau khi đã được cầm máu

- Không ngoáy và không hỉ mũi.

- Không được cố gắng hoặc cúi xuống để nhấc bất cứ vật nặng gì.

- Giữ cho đầu cao hơn tim.

Nếu chảy máu mũi tái phát sau cầm máu ban đầu thì cần phải làm gì?

- Cố gắng làm sạch những cục máu đông trong mũi.

- Dùng thuốc co mạch xịt vào lỗ mũi đang chảy máu 4 nhát.

- Lặp lại các bước cầm máu mũi trước.

- Gọi cho bác sĩ nếu chảy máu vẫn còn kéo dài hơn 30 phút hoặc nếu chảy máu mũi xảy ra sau một chấn thương đầu./.

Từ khóa » Vỡ Mạch Máu Trong Mũi