'Chảy Máu' Rừng đặc Dụng Cham Chu - 'Cụ' Nghiến Nghìn Năm Tuổi ...

Chảy máu rừng đặc dụng Cham Chu - Cụ nghiến nghìn năm tuổi bị xẻ thịt - Ảnh 1.

Những khúc gỗ nghiến bỏ lại ở cánh rừng thôn Lăng Đán, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang - Ảnh VŨ TUẤN

Lâm tặc dùng cưa máy lì lợm "tạc" cả khúc gỗ nghiến cổ thụ thành lộc bình, rồi cõng xuống núi. Những khúc gỗ nghiến to vài người ôm, có dấu kiểm lâm vẫn bị cắt mang đi.

Loại gỗ rừng quý hiếm nhóm IIA đang nguy cấp được bán thành phẩm trên thị trường với giá hàng trăm triệu, thậm chí tiền tỉ.

Chúng tôi lần theo đường ống dẫn nước của người dân khu vực thôn Lăng Đán, xã Phù Lưu (huyện Hàm Yên) leo ngược lên núi. Hết những nương cam là rừng đại ngàn với toàn nghiến, chai - những loại cây gỗ mọc trên đá tai mèo.

Cây nào cây nấy to cỡ một người ôm. Người dẫn đường tên Luận (đã đổi tên) cho biết đây chỉ là những cây "con cháu", vì những cây "ông bà" đã bị chặt hạ.

Lâm tặc lấy cả gỗ kiểm lâm đã đánh dấu

"Ngày trước còn cưa tay, họ đốt quanh gốc nghiến cho cây đổ rồi dùng cưa tay, rìu đẵn gỗ mang về. Làm một cây mất cả tháng trong rừng. Ngày nay có cưa xăng, tiện lắm. Họ cưa vài tiếng đồng hồ là thành từng khúc rồi. Có khi giấu sẵn cưa trong rừng, kiểm lâm không tìm được" - Luận nói.

Đi chừng non một cây số, Luận ngẩng mặt nhìn đám tán cây le lói ánh mặt trời khẳng định: "Sắp đến chỗ có cây bị chặt rồi". Kinh nghiệm cậu thanh niên biết đi rừng từ năm học lớp 7 mách bảo chỗ nào tán rừng bị thưa, chỗ đó có cây đổ. Một "cụ" nghiến đổ xuống sẽ đè nát một vùng.

Trước mắt chúng tôi là một "cụ" nghiến chỉ còn phần gốc và đám mùn cưa vẫn thơm lừng. Tôi đo đường kính phần ngọn còn lại được gần năm gang tay, chiều dài chừng 30m.

Khoảng cách từ gốc cây đến phần bị bỏ lại hơn 20m chứng tỏ đoạn thân to nhất, thẳng nhất đã bị lấy đi cũng dài ngót nghét 20m, nhân với đường kính khủng thì lâm tặc đã lấy cả chục khối gỗ quý từ "cụ" nghiến.

Chảy máu rừng đặc dụng Cham Chu - Cụ nghiến nghìn năm tuổi bị xẻ thịt - Ảnh 2.

Phần ngọn cây nghiến lâm tặc bỏ lại có đường kính khoảng 90cm - Ảnh: V.TUẤN

Cách "cụ" nghiến bị hạ này khoảng ba chục bước chân là một "cụ" nghiến khác cũng bị cưa đổ. Vết cưa xích tươi rói, đỏ ối. Phần thân cây còn lại cũng tới bốn người ôm không xuể. Luận thốt lên: "Mấy cục lộc bình ở đây bị lấy đi rồi.

Trước tết em gặp cây mới đổ, họ cắt khúc và "tạc" thành cái lộc bình nhưng chưa mang đi. Kiểm lâm còn mang sơn vào đánh dấu. Bây giờ cả dấu của kiểm lâm cũng bị mất".

Tìm xung quanh, tôi thấy có ba cái bát sứ với vài đôi đũa bỏ lại ở gốc cây. Trong hốc đá gần đó là hai chiếc can nhựa, toàn mùi xăng. Tiếp tục đi thêm vài trăm mét nữa, chúng tôi gặp xác hai "cụ" nghiến khác bị hạ xuống trong rừng. Những mảnh gỗ to như bao thóc nằm vương vãi giữa những hốc đá tai mèo nhọn hoắt.

Ngoài phần gốc cả năm người ôm, các khúc gỗ còn lại là phần "vỏ" còn rõ dòng chữ viết bằng sơn đỏ "KLKT". Đây là những cây nghiến được lực lượng kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu phát hiện, lập biên bản.

Tuy nhiên, trên mặt khúc gỗ được đánh dấu vết sơn đã cũ, rêu mốc đã phủ một phần. Ngổn ngang xung quanh là những khúc gỗ lớn, vết cưa còn rất mới, chứng tỏ lâm tặc đã lấy đi...

Chảy máu rừng đặc dụng Cham Chu - Cụ nghiến nghìn năm tuổi bị xẻ thịt - Ảnh 3.

Gỗ nghiến rất quý hiếm, có giá cao nên bị lâm tặc săn lùng - Ảnh: V.TUẤN

Lâm tặc dựng lán, luộc gà trong rừng đặc dụng

Lần theo các mảnh ván bìa (phần vỏ cây), chúng tôi leo lên được gốc của "cụ" nghiến bị đốn hạ này. Phần gốc còn lại rộng như manh chiếu trên một mỏm đá tai mèo.

Bên dưới, cả một khúc thân to như chiếc thùng phuy đè rạp cả một vùng cây cối bên dưới. Khúc thân này bị rỗng nên lâm tặc bỏ lại, chúng chỉ lựa phần gỗ đẹp nhất mang đi.

Nhìn vết cưa xăng ngọt xớt cách nhau cỡ chục phân và đều tăm tắp, Luận giải thích phần gỗ này được xẻ ván dày - loại ván người dân trong vùng làm khuôn cửa.

Tôi thử vác một mảnh ván dày, cao ngang ngực tôi mà lâm tặc bỏ lại. Miếng ván quá nặng khiến tôi phải quẳng lại xuống đất, tiếng gỗ va vào nhau chan chát như đá.

Cánh đi rừng nhiều như Luận không ít lần bắt gặp người đi "làm gỗ". Họ mang theo gạo, muối và một ít thực phẩm, vào rừng chặt cây dựng lán. Đa số họ đi từ chiều hôm trước, ngủ lại trong rừng hoặc cắt gỗ trong đêm, rồi hôm sau cõng ra khỏi rừng, rất nhanh gọn.

Chảy máu rừng đặc dụng Cham Chu - Cụ nghiến nghìn năm tuổi bị xẻ thịt - Ảnh 4.

Gốc cây bị cưa nham nhở - Ảnh: V.TUẤN

Đặng Văn Tình (đã đổi tên), một người dẫn đường khác, cho hay: "Chúng em là dân gánh cam thuê, chuyện cõng hộp nghiến nặng 80kg đi chục cây số đường rừng là chuyện thường. Dân "làm gỗ" cũng thế, cứ xẻ ra, giấu nhiều chỗ trong rừng, mỗi lần cõng ra một hộp, 80 cân bán cũng được tiền triệu".

Gỗ nghiến vừa cứng vừa nặng. Khi chưa có cưa xăng, lâm tặc mất cả tuần, thậm chí cả tháng để xẻ một cây gỗ. Chúng dựng lán, cắt cử người đi nấu cơm, mua thực phẩm tiếp tế. Ngày nay, những chiếc cưa xăng khiến việc đốn hạ một "cụ" nghiến chỉ mất vài tiếng đồng hồ.

Lâm tặc cũng chỉ mất một đến hai ngày là xẻ xong một cây nghiến cổ thụ khổng lồ. Khi lực lượng kiểm lâm phát hiện, đến nơi thì ván gỗ đã được giấu khắp nơi trong rừng.

Thậm chí, có những cây gỗ bị hạ xuống, nhưng cả năm sau người ta mới quay lại xẻ gỗ. Lúc đó gỗ đã khô, bớt nặng, dễ mang vác. Có những cây gỗ phần vỏ ngoài đã ải nhưng chất lượng gỗ bên trong không bị ảnh hưởng.

Nếu mang ra khỏi rừng mà bị phát hiện, lực lượng chức năng cũng không xác định được ai là người chặt phá mà chỉ xử lý được hành vi vận chuyển trái phép.

Chảy máu rừng đặc dụng Cham Chu - Cụ nghiến nghìn năm tuổi bị xẻ thịt - Ảnh 5.

Nhiều đồ vật lâm tặc bỏ lại tại hiện trường - Ảnh: V.TUẤN

Vụ án khai thác, vận chuyển gỗ trái phép mà cơ quan chức năng của huyện Hàm Yên đang thụ lý điều tra từ tháng 8-2020. Lâm tặc cử người xuống bản mua gà, mua rượu vào rừng. Ngày xẻ gỗ, đêm luộc gà, uống rượu ngay trong vùng lõi rừng đặc dụng.

Chúng tôi tiếp tục theo dấu những mảnh gỗ vương vãi đi sâu vào vùng lõi rừng đặc dụng. Người dẫn đường giục đi nhanh để kịp đến lán nghỉ trước khi trời tối. Gần một ngày luồn rừng, chỉ chỗ nào có cây nghiến bị đốn hạ chúng tôi mới nhìn thấy ánh mặt trời.

Đại ngàn âm u, khu vực lán nghỉ chỉ là vài tàu lá chuối rừng gác lên vài cái cây dựng tạm. Khu vực này thoáng hơn, gần suối, chúng tôi có chỗ nấu ăn và tránh được rắn rết.

"Đoàng!" - một tiếng súng vang lên. Cả nhóm giật mình, nháo nhác. Chúng tôi không phải là nhóm người duy nhất trong đại ngàn này. Luận vơ chiếc đèn pin soi vào đám tán cây hun hút...

Khu bảo tồn thiên nhiên Cham Chu có tổng diện tích trên 15.000ha nằm trên địa giới hành chính của 5 xã thuộc hai huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang).

Theo quy hoạch, khu bảo tồn này có 10.700ha, chiếm hơn 70% diện tích là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; khoảng 25% diện tích là phân khu phục hồi sinh thái và chỉ hơn 4% diện tích được quy hoạch là phân khu dịch vụ hành chính.

Hệ thực vật ở đây được đánh giá có trữ lượng khoảng 400m3/ha với nhiều loài gỗ quý như nghiến, chai, kháo, sồi, phay, kẹn, đinh. Hệ động vật có hơn 40 loài thú, hơn 100 loài chim và 38 loài bò sát.

Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu được giao quản lý bảo vệ trên 30.480ha rừng thuộc 2 huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, trong đó, gần 46,5% diện tích, trên 14.000ha là rừng đặc dụng. Cả hạt này chỉ có 18 cán bộ, viên chức và 8 nhân viên tuần rừng. Tính ra, mỗi kiểm lâm phải quản lý gần 2.000ha rừng đặc dụng.

(Còn tiếp)

Khởi tố 37 người tham gia phá rừng giáp ranh Đắk Lắk - Phú Yên Khởi tố 37 người tham gia phá rừng giáp ranh Đắk Lắk - Phú Yên

TTO - Công an huyện Ea Kar (Đắk Lắk) đã khởi tố bị can và bắt tạm giam 18 người tham gia phá rừng quy mô lớn khu vực giáp ranh hai tỉnh Đắk Lắk - Phú Yên.

Từ khóa » Gỗ Sồi Có Mấy Loại