Chảy Nước Mũi Trong: Cùng Bác Sĩ Giải đáp Nguyên Nhân

Nội dung bài viết

  • Chảy nước mũi trong có nguy hiểm không?
  • Những nguyên nhân chảy nước mũi trong thường gặp
  • Chảy nước mũi trong có nên điều trị?
  • Phương pháp ngăn ngừa chảy nước mũi

Chảy nước mũi trong là vấn đề xảy ra với hầu hết mọi người ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bản chất của hiện tượng này vẫn còn là một dấu chấm hỏi đối với nhiều người. Nguyên nhân của nó là gì? Chữa trị như thế nào? Hãy cùng bác sĩ Lê Dương Linh điểm qua những thông tin cần thiết về vấn đề này qua bài viết sau nhé.

Chảy nước mũi trong có nguy hiểm không?

Chảy nước mũi trong là hiện tượng lượng nước mũi dư thừa chảy ra bên ngoài. Đây thường là kết quả của sự tăng tiết dịch nhầy trong mũi. Thông thường, hiện tượng này sẽ tự biến mất.

Trong một số trường hợp, tình trạng chảy mũi có thể kéo dài trên 10 ngày. Đây là dấu hiệu cho thấy có một nguyên nhân bệnh lí cần được can thiệp y khoa cẩn trọng hơn. Đối với người lớn, đa số trường hợp chảy nước mũi trong không cảnh báo cho một vấn đề nguy hiểm. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, cần lưu ý nếu trẻ chảy nước mũi trong kéo dài và kèm theo các dấu hiệu sau:

  • Sốt cao từ 39 độ C trở lên.
  • Trẻ lừ đừ.
  • Bỏ bú hoặc biếng ăn.
  • Thở nhanh.
  • Ho kéo dài trên 2 tuần.1
Chảy nước mũi trong kéo dài đi kèm với các triệu chứng khác có thể là một dấu hiệu nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ
Chảy nước mũi trong kéo dài đi kèm với các triệu chứng khác có thể là một dấu hiệu nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ

Những nguyên nhân chảy nước mũi trong thường gặp

Mũi và xoang thường tiết ra chất nhầy giúp giữ ẩm cho mũi. Lượng dịch nhầy này thường đi vào họng sau. Khi nước mũi tiết ra quá nhiều, nó sẽ có xu hướng tắc nghẽn nếu đặc hoặc chảy ra ngoài nếu loãng. Có nhiều lý do gây ra tình trạng chảy nước mũi trong bao gồm các nguyên nhân sau.

Nguyên nhân không do bệnh lí

  • Khóc: Khi bạn khóc, nước mắt chảy qua ống tuyến lệ, vào khoang mũi, rồi chảy vào mũi gây chảy nước mũi.
  • Thời tiết lạnh: Thời tiết lạnh đôi khi có thể gây ra phản ứng tạo chất nhầy. Tình trạng này như một phản ứng với thời tiết. Vì vậy thường thoáng qua và ít khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bị mắc phải. 
  • Môi trường ô nhiễm: Chảy nước mũi trong còn có thể xảy ra khi bạn sống trong môi trường ô nhiễm khói bụi, khói thuốc lá. Đôi khi đó là một phản ứng thoáng qua khi ăn thực phẩm quá cay nóng.1 2 

Nguyên nhân bệnh lí

Cảm lạnh và chảy nước mũi

Dịch nhầy do cảm lạnh có thể lấp đầy khoang mũi và gây nghẹt mũi tạm thời.

Viêm xoang

Viêm xoang là một bệnh lí rất phổ biến ở Việt Nam. Khi bị viêm mũi xoang, lớp tế bào lót trong các xoang cạnh mũi phù nề và tăng tiết dịch. Hậu quả là dẫn đến chảy mũi và tắc nghẽn xoang gây đau đầu.

Viêm xoang là nguyên nhân thường gặp gây chảy nước mũi trong
Viêm xoang là nguyên nhân thường gặp gây chảy nước mũi trong

Viêm mũi dị ứng

Chất nhầy có thể tăng tiết do phản ứng dị ứng khi người bệnh bị viêm mũi dị ứng. Những tác nhân gây dị ứng thường gặp là lông thú cưng, phấn hoa,…

Polyp mũi

Bệnh polyp mũi là các túi mô mềm hình dạng như các quả nho nhỏ phát triển bên trong mũi. Chúng có thể gây tắc nghẽn hay viêm nhiễm. Từ đó làm tăng tiết dịch nhầy mũi.

U nang hoặc khối u ác tính ở mũi

Hiện tượng khối u phát triển ở mũi khá hiếm gặp. Triệu chứng thường xảy ra ở một bên mũi, nơi phát triển của khối u.

Xem thêm: Ung thư vòm mũi họng và những điều bạn cần biết

Vẹo vách ngăn mũi

Hai bên mũi trái và phải được ngăn cách bởi một vách ngăn bằng xương và sụn gọi là vách ngăn mũi. Đôi khi, vách ngăn có thể nghiêng về một bên nhiều hơn, gây hẹp một bên mũi. Vì vậy bên mũi này dễ bị tắc nghẽn và viêm nhiễm, tăng tiết dịch. Đa phần vẹo vách ngăn mũi xuất hiện từ khi mới sinh. Đôi khi nó là hậu quả của một chấn thương mũi mắc phải.1

Covid-19

Trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, chảy nước mũi trong đã được xem xét như một trong các triệu chứng tai mũi họng phổ biến. Một nghiên cứu được thực hiện trên 1773 người dương tính với Covid-19 cho kết quả như sau:

  • Đau họng (11,3%) và đau đầu (10,7%).
  • Ban đỏ hầu họng (5,3%), nghẹt mũi (4,1%).
  • Chảy nước mũi (2,1%).
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên (1,9%).
  • Sưng amidan (1,3%).3

Xem thêm: Hướng dẫn F0 cách ly tại nhà và 5 đối tượng cần chú ý theo dõi sát

Chảy nước mũi trong có nên điều trị?

Đa số tình trạng này thường nhẹ nhàng và thoáng qua. Chúng có thể là một phản ứng của cơ thể trước sự thay đổi của môi trường, thời tiết. Hoặc đa phần chúng là hậu quả của sự viêm nhiễm đường hô hấp trên với các tác nhân gây bệnh thông thường. Vì vậy, tình trạng này thường đáp ứng với các biện pháp chăm sóc đơn giản. 

Tuy nhiên khi chảy nước mũi trong kéo dài trên 10 ngày, đặc biệt ở trẻ nhỏ, thì cần đến sự can thiệp y khoa cẩn thận hơn.1

Một số bệnh lí gây chảy mũi có thể tái phát lặp đi lặp lại. Và tình trạng chảy nước mũi kéo dài có thể gây bất tiện và khó xử trong sinh hoạt hằng ngày. 

Sự tắc nghẽn đường thở do tăng tiết dịch nhầy trong mũi và các xoang cạnh mũi còn ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc ngủ. Tình trạng này xảy ra ở cả trẻ em và người lớn.

Vì những lí do trên, bạn không nên chủ quan và thờ ơ với tình trạng chảy nước mũi trong. Đặc biệt trong các trường hợp kéo dài không dứt hoặc kèm theo các bất thường khác.

Phương pháp ngăn ngừa chảy nước mũi

Giữ ấm cơ thể

Như đã đề cập, chảy nước mũi trong có thể là phản ứng của cơ thể khi nhiễm lạnh. Vì vậy, giữ ấm cơ thể, đặc biệt với trẻ nhỏ, có thể giúp phòng ngừa hiện tượng này. Đối với các phòng ở có máy lạnh, nên tăng cường độ ẩm cho không khí phòng. 

Giữ ấm cơ thể cho bé giúp phòng ngừa chảy nước mũi trong do cảm lạnh
Giữ ấm cơ thể cho bé giúp phòng ngừa chảy nước mũi trong do cảm lạnh

Tăng cường vận động

Vận động hợp lí có nhiều tác dụng tốt trong việc phòng ngừa các vấn đề hô hấp đơn giản ở cả trẻ em và người lớn:

  • Như một hình thức giữ ấm cơ thể đơn giản.
  • Tăng cường sức khỏe giúp chống chọi với các tác nhân gây cảm cúm thông thường.

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng hợp lí theo độ tuổi rất quan trọng đối với trẻ em trong việc xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh. Ăn uống đủ chất và đa dạng thành phần là nguyên tắc quan trọng nhất. Đối với các trẻ có dấu hiệu thiếu cân hoặc béo phì, gia đình nên tìm đến sự trợ giúp của các bác sĩ nhi khoa để được tư vấn chế độ ăn thích hợp cho trẻ. 

Xem thêm: Dinh dưỡng cho trẻ từ 2 đến 13 tuổi: Con khoẻ mạnh – Mẹ yên tâm

Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng chảy nước mũi trong. Đa phần đây là hiện tượng thoáng qua và ít nguy hiểm. Chúng sẽ tự giảm bớt với các biện pháp thông thường như giữ vệ sinh, giữ ấm, và dinh dưỡng đầy đủ. Tuy nhiên, khi kéo dài không dứt và đi cùng với các bất thường khác. Bạn hãy nhanh chóng tìm đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị dứt điểm nhé.

Từ khóa » Chảy Nước Mũi Trong Như Nước