Chè Dây | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương

Chè dây là một trong những dược liệu lành tính từ núi rừng, có tác dụng kháng viêm, giải độc, thanh thử nhiệt. Được áp dụng trong rất nhiều bài thuốc chữa bệnh mà thông dụng nhất chính là bài thuốc chữa bệnh dạ dày.

chè dây

Chè dây là dược liệu quen thuộc có dược tính cao nên được áp dụng trong nhiều bài thuốc

Mô tả dược liệu

1. Đặc điểm thực vật và hình ảnh cây chè dây

Chè dây là loại cây dây leo cao không quá 1m và dây leo dài khoảng 2 – 3m, thường bám vào thân của cây khác, mọc tự nhiên ở trong rừng. Cành hình trụ mảnh, tua cuốn mọc đối diện với lá và chia làm 2 – 3 nhánh.

Lá 2 lần kép dài khoảng 7 -10cm, có răng cưa hơi giống với lá kinh giới nhưng lại có viền màu tím. Mặt lá nhẵn, mặt phía dưới màu xanh nhạt và mặt phía trên có màu xanh thẫm. Lá khi còn non sẽ có màu xanh thiên đỏ và càng về già sẽ càng xanh.

Hoa của cây gần giống với nụ tam thất, mọc thành từng chùm và có màu trắng. Mùa hoa khoảng từ tháng 6 – 7. Quả chè dây có màu đỏ và nhỏ như quả si, mùa quả vào khoảng tháng 9 hằng năm.

Hình ảnh cây chè dây leo trong rừng

Hình ảnh cây chè dây leo trong rừng

Hình ảnh cây và hoa chè dây

Hình ảnh cây và hoa chè dây

2. Bộ phận dùng

Dây lá là bộ phận chính của cây được dùng làm dược liệu. Ngoài ra phần rễ cũng có thể được dùng trong một số bài thuốc.

3. Phân bố

Dược liệu được tìm thấy ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonexia và các nước Đông Dương. Ở nước ta cây mọc hoang dại ở rất nhiều nơi, nhất là ở vùng đồi núi, rừng. Điển hình nhất là ở các tỉnh như Hòa Bình, Lào Cai, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Ninh… cho tới tận Lâm Đồng, Đồng Nai.

4. Thu hái và sơ chế

Khoảng thời gian thích hợp nhất để thu hái dược liệu là từ tháng 4 tới tháng 10 hằng năm khi cây chưa ra hoa. Đem cắt cả phần thân cây và lá mang về rồi tiến hành rửa sạch bụi bẩn. Tiếp đến đem thái nhỏ rồi phơi hay sấy cho khô để bảo quản dùng dần.

5. Bảo quản

Dược liệu nếu đã qua sơ chế khô cần để ở trong túi kín và bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát. Trường hợp dùng chưa hết thì thỉnh thoảng nên đem ra phơi lại để tránh ẩm mốc hoặc mối mọt.

6. Thành phần hóa học

Sau đây là một số thành phần chính có trong dược liệu chè dây:

  • Flavonoid

  • Tamin

  • Glucose

  • Rhamnese

Vị thuốc chè dây

1. Tính vị

Dược liệu có vị ngọt, hơi đắng và tính mát, không độc, có mùi thơm dịu nhẹ.

2. Quy kinh

Hiện chưa tìm thấy tài liệu ghi nhận.

3. Tác dụng dược lý của chè dây

Theo y học cổ truyền:

  • Công dụng: Tiêu viêm, giải độc, thanh thử nhiệt.

  • Chủ trị: Mụn nhọt, tê thấp, nhũ ung, vị thống, giúp chữa viêm loét dạ dày tá tràng, cảm mạo phong nhiệt, viêm kết mạc, viêm họng.

Theo y học hiện đại:

  • Hàm lượng Flavanoid dồi dào trong dược liệu giúp chống lại sự oxy hóa. Đồng thời ức chế sự phát triển của các tế bào xấu và giúp kháng viêm cũng như dập tắt sự phát triển của các gốc tự do.

  • Đẩy lùi các triệu chứng ợ hơi, đau rát thượng vị, ợ chua… liên quan đến bệnh đau dạ dày.

  • Cành lá dược liệu còn giúp làm liền sẹo, an thần, đồng thời ức chế xoắn khuẩn Helicobacter pylori.

  • Dùng nước sắc dược liệu để súc miệng hằng ngày có thể giúp chống viêm rất tốt, từ đó đẩy lùi tình trạng viêm răng lợi.

  • Dược liệu còn giúp giải độc gan, trị mẩn ngứa, mụn nhọt hay nổi rôm nóng ở trong người.

4. Cách dùng – liều lượng

Có thể dùng dược liệu cả ở dạng tươi hay sấy khô với cách phổ biến nhất là hãm trà hay sắc lấy nước uống. Liều lượng hiện vẫn chưa có khuyến cáo cụ thể. Tuy nhiên, giới hạn dùng cần ước lượng ở phạm vi dưới 70g/ngày.

tác dụng của chè dây

Chè dây thường được sơ chế khô để bảo quản sử dụng dần

7 bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu chè dây

Sau đây là thông tin về các bài thuốc có dùng được liệu chè dây:

1. Bài thuốc chữa viêm đau dạ dày tá tràng

  • Chuẩn bị: 10 – 15g lá chè dây ở dạng khô hoặc đã sao vàng.

  • Thực hiện: Cho dược liệu vào ấm pha trà rồi cho vào 1 ít nước sôi lắc nhẹ và đổ nước đi. Tiếp tục cho thêm 100ml nước sôi vào hãm trong khoảng 15 phút. Uống khi trà còn ấm và duy trì liên tục trong khoảng 15 – 20 ngày cho 1 đợt điều trị.

2. Bài thuốc chữa đau nhức, tê thấp

  • Chuẩn bị: Lá chè dây tươi với lượng tùy ý.

  • Thực hiện: Đem dược liệu đi giã nát rồi hơ trên lửa nóng. Sau đó gói vào một miếng vải mỏng và đắp trức tiếp lên khu vực bị đau nhức.

3. Bài thuốc phòng bệnh sốt rét

  • Chuẩn bị: 60g chè gây, 12g rễ cỏ xước, 60g lá hồng bì, 12g lá đại bì, 12g tía tô, 12g lá hoặc vỏ cây vối, 12g rễ xoan rừng.

  • Thực hiện: Các dược liệu trên đem đi thái nhỏ rồi phơi kho. Sau đó cho hết vào ấm sắc chung với 400ml nước trên lửa nhỏ. Khi lượng nước còn khoảng 100ml thì đem ra uống lúc còn ấm. Bài thuốc có tác dụng hỗ trợ phòng bệnh nên chỉ dùng với liều 3 ngày 1 thang.

4. Bài thuốc chữa cảm mạo, hầu họng sưng đau

  • Chuẩn bị: 15 – 60g chè dây.

  • Thực hiện: Cho dược liệu vào ấm sắc chung với nửa thăng nước ở trên lửa nhỏ trong 15 phút. Có thể chia thuốc làm nhiều lần uống trong ngày, uống khi còn ấm. Chỉ dùng 1 ngày đúng 1 thang thuốc.

5. Bài thuốc chữa trúng độc thực vật do vi khuẩn

  • Chuẩn bị: 50g rễ chè dây tươi, 15g gừng.

  • Thực hiện: Cho dược liệu vào ấm sắc chung với 2 chén nước đến khi còn 1 chén. Uống khi thuốc còn ấm với liều lượng 1 thang/ngày. Trường hợp bệnh nhẹ hoặc dùng cho trẻ em hay nguồi già thì cần giảm bớt liều lượng.

6. Bài thuốc chữa áp xe

  • Chuẩn bị: 15g chè dây.

  • Thực hiện: Cho vào nồi rồi thêm nửa rượu nửa nước vào sắc trên lửa nhỏ lấy nước uống. Cách khác là cho thêm thịt heo nạc vào hầm ăn khi còn ấm nóng.

7. Bài thuốc chữa đau dây thần kinh tọa

  • Chuẩn bị: 15 – 30g phần rễ hoặc thân chè dây.

  • Thực hiện: Cho dược liệu vào ấm sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang. Kết hợp với dùng lá chè tươi giã nát, sao nóng để đắp vào chỗ đau nhức.

Lưu ý khi sử dụng chè dây để chữa bệnh

Mặc dù đem lại tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh rất tốt nhưng nếu dùng chè dây không đúng cách thì người bệnh có thể gặp phải những rắc rối. Cần lưu ý đến các vấn đề sau:

  • Không dùng quá 70g dược liệu/ngày bởi có thể khiến cơ thể khó chịu do chè dây có dược tính khá cao.

  • Tránh dùng nước sắc đã để qua đêm bởi sẽ dễ gây đầu bụng, tiêu chảy.

  • Những người huyết áp thấp không nên sử dụng dược liệu này, nhất là trong lúc đói.

Bài viết đã tổng hợp một số thông tin có giá trị tham khảo về dược liệu chè dây. Nếu có ý định sử dụng dược liệu làm vị thuốc, người bệnh cần hỏi kỹ ý kiến bác sĩ. Sử dụng dược liệu đúng cách và liều lượng được khuyến cáo để tránh gặp phải vấn đề không mong muốn.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Cao Lá Chè Dây