Chế độ Kế Toán Hộ Kinh Doanh Mới Nhất - Thông Tư 88

CHẾ ĐỘ SỔ SÁCH KẾ TOÁN HỘ KINH DOANH MỚI NHẤT HIỆN NAY THEO THÔNG TƯ 88

Hộ kinh doanh là loại hình kinh doanh không có tư cách pháp nhân, tổ chức đơn giản với quy mô nhỏ lẻ. Nhưng từ năm 2022, với quy định về hộ kinh doanh sử dụng phương pháp kê khai đã gây ra không ít “hoang mang” cho các hộ kinh doanh đang hoặc sắp ra kinh doanh.

Vậy, đối tượng hộ kinh doanh nào phải sử dụng phương pháp kê khai, các loại sổ sách kế toán của hộ kinh doanh cá thể là gì?...

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh muốn sử dụng hóa đơn, kê khai thuế phải làm sổ sách kế toán theo phương pháp kê khai thông tư 88

Thông tư số 88/2021/TT-BTC về chế độ sổ sách kế toán hộ kinh doanh

Kế Toán Thành Khang TKC sẽ tư vấn tận tình chi tiết về nội dung Thông tư số 88/2021/TT-BTC và cung cấp file sổ sách kế toán miễn phí đến khách hàng.

1. Căn cứ pháp lý về chế độ kế toán của hộ kinh doanh cá thể

Thông tư 88/2021/TT-BTC Hướng dẫn chế độ kế toán cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Quý khách hàng vui lòng xem nội dung TẠI ĐÂY Luật kế toán 2015 số 88/2015/QH13. Thông tư 40/2021/TT-BTC Hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

2. Các lưu ý về việc áp dụng Thông tư 88/2021 của Bộ Tài chính

2.1 Có bắt buộc áp dụng thông tư 88/2021 của Bộ Tài chính cho tất cả hộ kinh doanh?

Trước tiên, cần khẳng định, chế độ kế toán theo hướng dẫn tại Thông tư 88/2021 của Bộ Tài chính không áp dụng chung cho tất cả các hộ kinh doanh như quy định hiện hành (Quyết định 169/2000/QĐ-BTC).

Thay vào đó, đối tượng áp dụng Thông tư mới là các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai (tức là hộ kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa).

Do đó, khoản 2 Điều 3 Thông tư 88 quy định, hộ kinh doanh được lựa chọn thực hiện chế độ kế toán theo Thông tư này hoặc chế độ kế toán doanh nghiệp siêu nhỏ sao cho phù hợp với nhu cầu quản lý cũng như đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Mặt khác, các hộ kinh doanh khác không thuộc diện phải thực hiện chế độ kế toán nhưng có nhu cầu thì được khuyến khích áp dụng theo Thông tư này

2.2 Chế độ kế toán theo phương pháp thuế khoán và phương pháp kê khai khác nhau ở chỗ nào?

Nội dung Phương pháp kê khai Phương pháp khoán
Chế độ kế toán Có, yêu cầu sổ sách kế toán (Sổ doanh thu, sổ kho, sổ chi phí.v.v.) Không yêu cầu sổ sách kế toán
Hóa đơn Sử dụng không giới hạn số lượng, xuất ngay khi có yêu cầu khách hàng Chỉ được sử dụng 1 tờ hóa đơn do cơ quan thuế cấp từng lần
Thuế khoán Không áp dụng thuế khoán Áp dụng thuế khoán
Thuế trên mỗi lần suất hóa đơn Không nộp thuế trên mỗi lần xuất hóa đơn Ngoài thuế khoán, phải nộp thêm thuế GTGT, TNCN... trên mỗi lần xuất hóa đơn
Thuế trên tỷ lệ doanh thu thực tế kê khai Áp dụng kê khai doanh thu thực tế phát sinh trong kỳ Không áp dụng
Kỳ kê khai thuế Tháng/ quý Năm hoặc từng lần phát sinh
Quyết toán thuế năm Không Không
Mức thuế phải nộp Tỷ lệ trên doanh thu kê khai Tỷ lệ trên mức khoán
2.3 Chủ hộ kinh doanh tự quyết định người làm kế toán

Khoản 1 Điều 3 Thông tư 88 năm 2021 của Bộ Tài chính quy định rõ, việc bố trí người làm kế toán của hộ kinh doanh do người đại diện hộ kinh doanh quyết định. Có thể bố trí: Cha, mẹ đẻ, cha, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của mình làm kế toán hoặc bố trí người làm quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản kiêm nhiệm làm kế toán. Còn hiện nay, Quyết định 169/2000/QĐ-BTC chỉ nêu các hộ kinh doanh phải bố trí người có hiểu biết nghiệp vụ kế toán để giữ và ghi sổ kế toán.

3. Mẫu chứng từ, sổ sách kế toán mới của hộ kinh doanh

Nội dung chứng từ kế toán, việc lập, lưu trữ và ký chứng từ kế toán/kế toán điện tử của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được vận dụng theo quy định tại Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19 Luật Kế toán.

Từ ngày 01/01/2022, hộ kinh doanh áp dụng 05 mẫu chứng từ kế toán mới và 07 mẫu sổ sách kế toán theo quy định tại Thông tư 88/2021/TT-BTC:

STT Tên chứng từ Ký hiệu
1 Phiếu thu Mẫu số 01-TT
2 Phiếu chi Mẫu số 02-TT
3 Phiếu nhập kho Mẫu số 03-VT
4 Phiếu xuất kho Mẫu số 04-VT
5 Bảng thanh toán tiền lương và các khoản thu nhập của người lao động Mẫu số 05-LĐTL
STT Tên sổ kế toán Ký hiệu
1 Sổ chi tiết doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ Mẫu số S1- HKD
2 Sổ chi tiết vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa Mẫu số S2-HKD
3 Sổ chi phí sản xuất, kinh doanh Mẫu số S3-HKD
4 Sổ theo dõi tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế với NSNN Mẫu số S4-HKD
5 Sổ theo dõi tình hình thanh toán tiền lương và các khoản nộp theo lương của người lao động Mẫu số S5-HKD
6 Sổ quỹ tiền mặt Mẫu số S6-HKD
7 Sổ tiền gửi ngân hàng Mẫu số S7-HKD
Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có nhiều địa điểm kinh doanh khác nhau thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải mở sổ kế toán để theo dõi chi tiết theo từng địa điểm kinh doanh.

4. Quy định về việc sử dụng hóa đơn cho hộ kinh doanh áp dụng phương pháp kê khai từ 2022

Căn cứ vào Điều 6 Thông tư 78/2021/TT-BTC, từ ngày 01/07/2022, hộ kinh doanh áp dụng phương pháp kê khai bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử. Trừ các trường hợp sau đây chưa áp dụng hóa đơn điện tử có mã:

  • Trường hợp hộ kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập hóa đơn điện tử để sử dụng hóa đơn điện tử và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan thuế.
  • Hộ kinh doanh thuộc diện trên được sử dụng hóa đơn giấy trong thời gian tối đa 12 tháng.
  • Đối với hộ kinh doanh đang hoạt động từ trước 01 tháng 7 năm 2022, thời gian 12 tháng được tính một lần kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2022.
  • Đối với hộ kinh doanh mới thành lập từ ngày 01 tháng 7 năm 2022 thì thời gian 12 tháng tính từ thời điểm đăng ký bắt đầu sử dụng hóa đơn.

Như vậy Nhà nước quy định hộ kinh doanh sử dụng phương pháp kê khai phải lập chứng từ và ghi sổ kế toán. Hệ thống sổ kế toán của hộ kinh doanh đơn giản và dễ sử dụng không yêu cầu cao về trình độ chuyên môn

5. Xác định doanh thu, chi phí, nghĩa vụ thuế

Việc xác định doanh thu, chi phí, nghĩa vụ thuế đối với từng lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế. Cụ thể, từ ngày 01/8/2021, việc xác định doanh thu, chi phí… của hộ kinh doanh được thực hiện theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.

Trên đây là một số điểm mới của Thông tư 88/2021 về chế độ kế toán hộ kinh doanh, cùng những lưu ý quan trọng. Nếu bạn không có thời gian hay gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục kể trên hãy liên hệ TKC để được hỗ trợ nhanh chóng.

Chia sẻ qua:

Từ khóa » Bộ Sổ Sách Kế Toán Theo Thông Tư 88