Chế độ Khảo Khóa Quan Lại Qua Các Triều đại Phong Kiến ở Việt Nam ...
Có thể bạn quan tâm
1. Chế độ khảo khóa quan lại trong các triều đại phong kiến ở Việt Nam
Chế độ khảo khóa ở Việt Nam bắt đầu từ triều đại nhà Lý (thế kỷ XI) và tiếp tục thực hiện qua nhiều triều đại về sau. Khảo khóa được tiến hành nhằm đánh giá quan lại theo từng hạng, bậc, từ đó thực hiện các chế độ sử dụng đối với quan lại. Tùy thuộc vào kết quả của kỳ khảo khóa mà các quan lại có thể sẽ được thăng quan, thăng thưởng hay giáng chức; được tuyển bổ hoặc bị luân chuyển đến vùng khác hay giản thải cho phù hợp với năng lực thực tế của các quan lại. Tháng 02/1478, vua Lê Thánh Tông ra Sắc chỉ cho ba ty Đô, Thừa, Hiến các xứ rằng: “Xét các quan lại trong bộ thuộc của mình, người nào liêm khiết hay tham ô, chuyên cần hay lười biếng, cùng các quan nho học dạy dỗ nhân tài, hàng năm có người được sung cống sĩ hay không, nhiều hay ít, đều ghi tên tâu lên để định việc thăng hay giáng”(1).
Mặt khác, việc thực hiện khảo khóa giúp nâng cao đạo đức của hàng ngũ quan lại. Phép khảo khóa được thực hiện nghiêm ngặt theo nguyên tắc không phải cứ được phong quan thì sẽ làm quan suốt đời, mà quan lại luôn đứng trước nguy cơ bị bãi chức nếu như tài năng và đức độ không đáp ứng được yêu công việc. Trong Đại Việt sử ký toàn thư ghi rõ: “Các quan viên lười biếng, bỉ ổi, đê tiện, yếu hèn, nếu là con cháu công thần thì bãi chức bắt về làm dân, nếu là con cháu thường dân thì bãi chức sung quân”(2). Việc thực hiện khảo khóa vừa là động lực, vừa là áp lực kích thích sự rèn luyện thường xuyên của quan lại cả về khả năng và đức hạnh; hạn chế sự tha hóa, xây dựng đội ngũ quan lại thực sự vững mạnh từ trung ương đến địa phương. Do vậy, “phép khảo khóa cốt để phân biệt người hay kẻ dở, nâng cao hiệu quả trị nước”(3).
Mỗi triều đại phong kiến định ra những tiêu chí đánh giá quan lại khác nhau, nhưng đều xoay quanh hai vấn đề cơ bản là tài năng và đức độ, tập trung vào đánh giá việc hoàn thành trách nhiệm (thuế hộ đủ hay thiếu, cuộc sống của nhân dân nơi cai quản có ấm no, đầy đủ không, có để xảy ra mất mùa, đói kém không, dân có bỏ đi xứ khác không); năng lực cai trị (việc kiện tụng ít hay nhiều, tệ nạn tăng hay giảm); tín nhiệm của dân chúng (nhân dân yêu mến hay kêu ca); phẩm chất đạo đức (mắc lỗi hay không mắc lỗi, thanh liêm hay tham nhũng)…
Vào thời Lê sơ, nội dung khảo khóa chú trọng vào thành tích công việc đã đạt được và sự tín nhiệm của người dân nơi cai quản. Năm 1470, vua Lê Thánh Tông có chỉ dụ: “Trưởng quan các nha môn trong ngoài khi khảo khóa các quan viên trong phạm vi cai quản thì phải xét kỹ thành tích trong công việc mà viên đó đã làm. Nếu quả là có lòng chăm nom yêu thương, được nhân dân yêu mến và trong nơi cai quản ít kẻ trốn tránh, thì mới là xứng chức. Nếu vơ vét, quấy nhiễu, gây tệ riêng tư và trong nơi cai quản có nhiều người trốn tránh thì là không xứng chức”(4). Đến triều Nguyễn, việc thực hiện khảo khóa rất bài bản. Vua Minh Mạng quy định: phàm xét thành tích các quan cứ ba năm làm một khóa, lấy năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi làm hạn, cứ năm ấy, văn võ trưởng quan ở trong kinh, quan tỉnh ở ngoài, đều chiểu sự công lao, lầm lỗi trong chức sự ba năm, làm một bản tự trình bày, những đốc, phủ, bố, án có ba việc: gọi quân, thu tiền lương, xét hỏi hình án, kiện tụng.
Kỳ hạn khảo khóa thay đổi theo từng triều đại và triều vua (có thể từ 01 đến 15 năm một lần). Năm 1162, vua Lý Anh Tông định ra thông lệ 09 năm làm khảo khóa một lần. Thời nhà Trần thực hiện khảo khóa theo lệ: “Xét quan văn võ trong ngoài, 15 năm một lần xét, định 10 năm gia tước một cấp, 15 năm gia chức một bực”(5). Năm 1488, vua Lê Thánh Tông định ra “Lệ khảo khóa”, trong đó quy định: “Cứ 03 năm tiến hành một lần sơ khảo, 06 năm thì tái khảo và 09 năm thì thông khảo mới thi hành thăng chức người có công và truất chức kẻ có tội”(6). Đến thời Lê Trung Hưng, sau khủng hoảng chính trị, triều đại Lê - Trịnh được thiết lập ở Đàng ngoài vẫn tiếp tục thực hiện lệ khảo khóa. Trong Lịch triều hiến chương loại chí ghi rõ: “Từ Trung Hưng về sau, lệ khảo khóa thăng giáng, niên hạn không giống nhau. Như từ đời Đức Long, Cảnh Trị trở về trước, cứ đến cuối năm xét công kỳ hạn cấp bách quá. Đầu đời Chính Hòa mới định 03 năm làm một khóa. Từ năm thứ 06 về sau lại theo phép thăng giáng 09 năm của đời Hồng Đức. Đến thời Vĩnh Thịnh, Bảo Thái lại lấy 03 năm mà định đoạt. Đại khái là theo chính sách đương thời rộng hay ngặt mà đặt ra niên hạn khảo khóa”(7).
Để thực hiện chế độ khảo khóa, các triều đại phong kiến Việt Nam đã chú trọng xây dựng và hoàn thiện các cơ quan thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát quan lại trong triều - đội ngũ trực tiếp chịu trách nhiệm thi hành khảo khóa. Từ thời nhà Trần đã đặt Ngự sử đài là cơ quan làm nhiệm vụ giám sát các hoạt động của quan lại triều đình. Sau cuộc chiến tranh chống quân Nguyên - Mông lần thứ ba (năm 1288), nhà Trần còn đặt thêm các Ty liêm phóng ở các phủ, lộ.
Thời Lê Thánh Tông, Ngự sử đài được đặt ở vị trí quan trọng, có đủ các chức: Đô ngự sử, Thiêm đô ngự sử, thường do những người có học vị tiến sĩ nắm giữ. Thời Nguyễn, Ngự sử đài được thay thế bằng Viện Đô sát, đứng đầu là tả, hữu đô ngự sử, tương đương với thượng thư. Ngoài Ngự sử đài, từ năm 1471, nhà nước phong kiến Việt Nam còn đặt ra Lục khoa (gồm Lại khoa, Lễ khoa, Hộ khoa, Binh khoa, Hình khoa, Công khoa) là cơ quan thanh tra ở sáu bộ, đứng đầu mỗi khoa có Cấp sự trung và Đô cấp sự trung, hàm chánh ngũ phẩm. Ở địa phương (trấn, đạo, xứ - thời Lê; tỉnh - thời Nguyễn) có giám sát ngự sử (chức quan có hàm chánh thất phẩm, giám sát quan lại ở cấp đạo trở xuống). Mỗi đạo (hoặc tỉnh) lại có cơ quan giám sát là Hiến sát sứ ty với chức trách thanh tra quan lại. Đứng đầu cơ quan này là Hiến sát sứ và Hiến sát phó sứ. Các cơ quan này tạo thành một hệ thống đánh giá quan lại liên quan, ràng buộc lẫn nhau. Sách Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi: “Không có người ăn hại mà trách nhiệm lại có nơi quy kết, khiến cho quan to, nhỏ cũng đều ràng buộc với nhau, chức trọng, chức khinh cùng kiềm chế nhau. Uy quyền không bị lợi dụng, thế nước vậy là khó lay. Hình thành thói quen giữ đạo lý, theo pháp luật mà vứt bỏ tội lỗi khinh nhân nghĩa, phạm ngục hình”(8).
Sau mỗi kỳ khảo khóa, đội ngũ quan lại được chia làm các loại tương ứng với những gì đã thể hiện sau khi thực hiện khảo thí, khảo khóa. Thời nhà Lý, xếp các quan chức thành các hạng người có văn học, người có nết tốt, người siêng năng; thời Lê sơ chia thành 3 loại: xứng chức, bình thường và không xứng chức; thời Hậu Lê chia thành 3 bậc: thượng (tốt), trung (trung bình), hạ (xấu); thời Nguyễn chia thành 4 hạng: thượng khảo, trung khảo, hạ khảo và hạng kém. Căn cứ vào kết quả xếp loại mà quyết định thưởng phạt với các hình thức: thăng chức (từ 1 đến 2 bậc), thưởng tiền, biếm giảng (từ 1 đến 2 bậc), đổi đến nơi ít việc, buộc về hưu, bãi chức... Trường hợp có công hay phạm tội lớn thì không cần phải đợi đến niên hạn.
Như vậy, bắt đầu từ thời nhà Lý, trải qua các triều đại khác nhau, chế độ khảo khóa quan lại từng bước được tiến hành một cách quy củ bằng việc quy định thành lệ với mục đích, đối tượng, tiêu chí và niên hạn thực hiện cụ thể, rõ ràng, đã góp phần tích cực xây dựng đội ngũ quan lại mẫn cán, trong sạch, bảo đảm cho sự cai trị của các triều đại phong kiến.
2. Bài học kinh nghiệm với công tác đánh giá cán bộ hiện nay
Từ chế độ khảo khóa quan lại trong các triều đại phong kiến ở Việt Nam, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác đánh giá cán bộ ở nước ta hiện nay, cụ thể như sau:
Một là, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác đánh giá cán bộ.
Các triều đại phong kiến luôn coi trọng việc tuyển chọn, phân công, sắp xếp, bố trí, luân chuyển, giản thải đến kiểm tra, giám sát và đãi ngộ, thưởng phạt. Những quy định về khảo khóa không ngừng được bổ sung và hoàn thiện. Bộ máy thực hiện kiểm tra, đánh giá quan lại từ Trung ương đến địa phương được tổ chức chặt chẽ, nghiêm ngặt. Điều đó cho thấy sự coi trọng đặc biệt của các triều đại phong kiến đối với việc đánh giá quan lại, nhằm lựa chọn ra những người tài đức vẹn toàn, cống hiến cho đất nước.
Trong giai đoạn hiện nay, cần đổi mới tư duy và nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác đánh giá cán bộ. Theo đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục để mọi cán bộ, công chức nắm vững các quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước về cán bộ và công tác cán bộ. Trong đó, trọng tâm là thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 132-QĐ/TW ngày 08/3/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị…, trên cơ sở đó nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đánh giá cán bộ, làm cơ sở để quy hoạch, bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt và thực hiện chính sách đối với cán bộ một cách đúng đắn.
Đồng thời, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy về đánh giá cán bộ. Tổ chức đánh giá cán bộ bằng nhiều phương pháp, hình thức, đa kênh, đa chiều như cấp trên đánh giá cấp dưới, cấp dưới đánh giá cấp trên, ngang cấp đánh giá chéo nhau; kết hợp đánh giá nội bộ và đánh giá bên ngoài, đánh giá của cơ quan cán bộ, của tổ chức quần chúng nơi cán bộ công tác, của chi bộ nơi cán bộ cư trú và tự đánh giá của cán bộ một cách tự giác, trung thực, cụ thể, sâu sát, thực chất.
Đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, có sự so sánh về kết quả công tác, chất lượng công việc của các chức danh tương đương gắn với kết quả lấy phiếu tín nhiệm, gắn cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; kết hợp đánh giá thường xuyên với đánh giá định kỳ; không chỉ căn cứ vào những biểu hiện trong công tác, ở cơ quan, đơn vị, của cá nhân cán bộ, mà còn phải xem xét cả trong sinh hoạt, trong các quan hệ xã hội, ở mọi nơi, mọi lúc và cả gia đình của cán bộ. Vấn đề này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhận xét cán bộ không nên chỉ xét ngoài mặt, chỉ xét một lúc, một việc mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ”(9).
Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống tiêu chí đánh giá cán bộ toàn diện, rõ ràng, cụ thể, dễ đo lường, kiểm chứng.
Các triều đại phong kiến thực hiện khảo khóa dựa trên những tiêu chí cụ thể về năng lực và phẩm hạnh. Tiêu chí thứ nhất và cơ bản nhất để đánh giá quan lại là năng lực hoạt động thực tiễn, mức độ hoàn thành và những thành tích đạt được trong công việc được giao, tức là có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Tiêu chí thứ hai là đánh giá về tư cách đạo đức, trong đó lấy tư tưởng thương yêu dân, đức thanh liêm, chính trực trong công việc làm tiêu chuẩn để nhận xét. Các tiêu chí khảo khóa đều rất rõ ràng, cụ thể, dễ dàng kiểm chứng, xác nhận bằng thực tế, khó có thể đánh giá sai lệch bởi được phản ánh rất rõ ràng qua sự ổn định, phát triển của nơi mà quan viên đang cai quản và sự phản hồi từ nhân dân.
Từ những kinh nghiệm đó, để nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ hiện nay, cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá rõ ràng, cụ thể, thống nhất cho từng loại hình cán bộ ở mỗi cấp, ngành, lĩnh vực khác nhau; đồng thời bổ sung những yếu tố định lượng để thuận lợi trong đánh giá, xếp loại, bảo đảm lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao làm thước đo chủ yếu.
Ba là, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tổ chức cán bộ và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Dưới thời phong kiến, các quan Ngự sử - người làm công tác khảo khóa được tuyển chọn rất kỹ càng. Tiêu chuẩn tuyển chọn các chức quan Ngự sử thường cao hơn các chức quan khác. Các quan Ngự sử giữ “phong hóa, pháp độ, chức danh rất trọng” nên đều được tuyển dụng trong số các quan có tiếng là tài giỏi, chính trực, thanh liêm. Thời vua Lê Thánh Tông, các quan Ngự sử phải là những quan lại đã giữ chức đủ 04 lần khảo khóa (nghĩa là đã làm quan được 12 năm). Đây là một kinh nghiệm đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
Đánh giá cán bộ là một công việc hệ trọng, liên quan đến danh dự, uy tín, sinh mệnh chính trị của từng cán bộ và trực tiếp tác động đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Do vậy, phải coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tổ chức cán bộ và người đứng đầu các cấp - những người có thẩm quyền chi phối trong đánh giá cán bộ. Đội ngũ này phải thật sự là những người hội đủ đức và tài, phải có tầm trí tuệ và tâm trong sáng, biết xem người, xét việc, thực sự quan tâm và yêu thương cán bộ; vô tư, trong sáng, công tâm, khách quan; phải có năng lực toàn diện, nhất là kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về nghiệp vụ, là những chuyên gia thật sự để có thể đánh giá người khác chính xác, khách quan; tiến hành công việc một cách công phu, thận trọng, khoa học.
Bốn là, phát huy vai trò của Nhân dân trong công tác đánh giá cán bộ.
Khi khảo xét phẩm hạnh của quan lại, các triều đại phong kiến ở Việt Nam thường coi trọng tư tưởng thương yêu dân làm tiêu chuẩn nhận xét, đánh giá. Điều 284 Bộ luật Hồng Đức quy định: “Các quan ty làm việc ở ngoài, nếu không biết làm việc lợi, trừ việc hại để trăm dân họ phải phiêu bạt đi nơi khác, hộ khẩu bị hao hụt, thì xử tội bãi chức hay tội đồ”(10). Một trong ba tiêu chí chính mà vua Lê Thánh Tông định ra năm 1470 khi lệnh cho các trưởng quan phụ trách ty, viện thực hiện khảo khóa là có được dân yêu mến không. Thời vua Minh Mạng tiến hành khảo khóa quan lại trong mối quan hệ với đời sống nhân dân nơi họ phụ trách, coi trọng sự đánh giá của dân đối với quan hơn là giữa các quan với nhau. Từ kinh nghiệm này, trong công tác đánh giá cán bộ hiện nay cần công khai các thông tin, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục về cán bộ và công tác cán bộ để Nhân dân tiếp cận và tham gia vào công tác đánh giá cán bộ với nhiều hình thức, phương pháp và nhiều kênh khác nhau; nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân gắn với đối thoại, hướng dẫn để người dân nắm được các quy định, nguyên tắc, thủ tục cũng như quyền, trách nhiệm trong đánh giá cán bộ. Xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế về sự tham gia của người dân vào công tác đánh giá cán bộ.
Năm là, kết hợp chặt chẽ đánh giá cán bộ với các khâu khác của công tác cán bộ trong nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Các triều đại phong kiến, nhất là thời vua Lê Thánh Tông đã xây dựng một hệ thống quan chế nghiêm minh và cụ thể, trong đó định rõ chế độ khảo khóa quan lại và xếp thành 03 bậc khác nhau. Kết quả xếp loại sau khảo khóa là cơ sở để triều đình thực hiện thăng thưởng hay giáng chức, luân chuyển, giản thải hoặc bổ nhiệm vị trí phù hợp với năng lực, trình độ và phẩm hạnh thực tế của quan lại. Việc sử dụng kết quả khảo khóa như vậy đã trở thành mục tiêu, động lực cho đội ngũ quan lại phấn đấu và rèn luyện bản thân, ngày càng hoàn thiện về cả đức và tài của mỗi quan viên.
Theo đó, công tác đánh giá cán bộ hiện nay cần đưa ra kết quả chính xác để làm cơ sở thực hiện các khâu khác của công tác cán bộ. Tiến hành công khai và gắn kết chặt chẽ kết quả đánh giá cán bộ với thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ; bảo đảm đúng đắn, khách quan, công bằng; khắc phục tình trạng đánh giá cào bằng, không thực chất, dẫn đến bỏ sót cán bộ có phẩm chất, năng lực và có triển vọng… như vậy mới tạo được động lực phấn đấu cho cán bộ, làm cho công tác cán bộ và đánh giá cán bộ ngày càng khoa học, khách quan, có liên hệ mật thiết với nhau, từ đó xây dựng được đội ngũ cán bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Đổi mới công tác đánh giá cán bộ là khâu rất quan trọng mà Đảng ta xác định nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây là vấn đề khó khăn, phức tạp, cần được tiến hành thận trọng, vì vậy, cần nghiêm túc nghiên cứu kế thừa, tiếp thu những kinh nghiệm trong lịch sử. Chế độ khảo khóa - phương thức đánh giá quan lại của các triều đại phong kiến mặc dù có những hạn chế nhất định do điều kiện lịch sử, nhưng vẫn có giá trị tham khảo quý báu cho công tác đánh giá cán bộ hiện nay, cần được tiếp thu có chọn lọc, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
------------------------------------
Ghi chú:
(1), (2), (3), (4), (8) Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1998), Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch), tập 2, Nxb Khoa học xã hội, H.1998, tr.471, tr.475, tr.458, tr.447, tr.455.
(5), (7) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (Viện Sử học Việt Nam biên dịch và chú giải), tập 1, Nxb Sử học, H.1961, tr.692, tr.699.
(6) Viện Sử học, Lê triều quan chế, Nxb Văn hóa thông tin, H.1997, tr.109.
(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.318.
(10) Viện Sử học, Quốc triều hình luật, Nxb Tư pháp, H.1991, tr.112.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Quy định số 132-QĐ/TW ngày 08/3/2018 về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.
3. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí (Viện Sử học Việt Nam biên dịch và chú giải)
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb CTQG-ST, H.2016.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011.
6. Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại Việt sử ký toàn thư (bản dịch), tập 2, Nxb Khoa học xã hội, H.1998.
7. Viện Sử học, Quốc triều hình luật, Nxb Tư pháp, H.1991.
8. Viện Sử học, Lê triều quan chế, Nxb Văn hóa thông tin, H.1997.
Nguyễn Văn Thưởng - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
tcnn.vn
Từ khóa » Hệ Thống Quan Lại Thời Phong Kiến
-
Quan Chế Các Triều đại Quân Chủ Việt Nam - Wikipedia
-
Cấp Bậc Quan Lại Trong Xã Hội Phong Kiến - Ngô Tộc
-
Công Việc Nội Vụ Thời Phong Kiến ở Việt Nam Trước Năm 1945
-
Tuyển Dụng, Sử Dụng Quan Lại Thời Phong Kiến Việt Nam Và Một Số ...
-
Quan Lại Là Gì ? Khái Niệm Quan Lại được Hiểu Như Thế Nào ?
-
Phẩm Hàm Là Gì ? Khái Niệm Về Phẩm Hàm? Tìm Hiểu Về Tuyển Dụng ...
-
Nghĩa Vụ Của Quan Lại Thời Phong Kiến Trong Việc Thực Thi Công Vụ Và ...
-
Pháp Luật Thời Phong Kiến Việt Nam Về Phòng, Chống Tham Nhũng
-
Bảng Tra Các Chức Quan, Phẩm Tước, Học Vị Thời Phong Kiến Việt Nam
-
[PDF] Chế độ Quan Lại Triều Lê Sơ (1428-1527) Và Những Giá Trị ...
-
Việc Sử Dụng Nhân Tài Của Các Nhà Nước Phong Kiến Trong Lịch Sử ...
-
Lực Lượng Vũ Trang Nhà Nguyễn (1558 - 1945) - Bộ Quốc Phòng
-
[PDF] Tuyển Chọn Và Sử Dụng Quan Lại ở Nước Ta Thời Kỳ Trung đại