Chế độ Sở Hữu Toàn Dân Về đất đai Là Gì? - Luật Hoàng Phi
Có thể bạn quan tâm
Mục lục bài viết
- Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai
- Cơ sở của việc xây dựng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam
- Một số luận điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về tính tất yếu khách quan của việc quốc hữu hoá đất đai
- Cơ sở thực tiễn của việc xây dựng chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai
Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai
Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ rõ vấn đề sở hữu đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bất cứ cuộc cách mạng xã hội nào.
C. Mác khẳng định: “Và thật vậy, tất cả những cuộc cách mạng gọi là những cuộc cách mạng chính trị, từ cuộc cách mạng đầu tiên đến cuộc cách mạng cuối cùng, đều được tiến hành để bảo hộ sở hữu thuộc một loại nào đó…”.
Trong lĩnh vực đất đai, vấn đề sở hữu cũng đóng vai trò trung tâm, giữ vị trí hạt nhân chi phối toàn bộ quá trình quản lý và sử dụng đất đai ở nước ta.
Chế định sở hữu đất đai là một chế định cơ bản không thể thiếu được trong hệ thống pháp luật đất đai. Chính vì vậy việc nghiên cứu, tìm hiểu về chế định sở hữu đất đai là hết sức cần thiết.
– Tất cả các quốc gia trên thế giới dù xác lập đất đai theo hình thức sở hữu tư nhân, hình thức sở hữu tập thể hay hình thức sở hữu nhà nước hoặc hình thức sở hữu toàn dân… cũng đều dựa trên những cơ sở lí luận và thực tiễn nhất định phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội mang tính đặc thù của mỗi nước.
Việc hình thành chế độ sở hữu đất đai ở Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này.
Cơ sở của việc xây dựng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở Việt Nam
Trước đây, Việt Nam cũng giống với các nước khác trên thế giới đều thừa nhận sự tồn tại nhiều hình thức sở hữu khác nhau về đất đai.
Sau khi Hiến pháp năm 1980 ra đời với quy định đất đai là của Nhà nước thuộc sở hữu toàn dân (Điều 19), pháp luật chỉ thừa nhận một hình thức sở hữu đất đai duy nhất: Sở hữu toàn dân về đất đai.
Hình thức sở hữu đất đai này tiếp tục được Hiến pháp năm 1992 khẳng định tại Điều 17 và Hiến pháp năm 2013 khẳng định tại Điều 53. Như vậy ở Việt Nam, quan hệ đất đai mang những nét đặc thù nhất định.
Vậy dựa vào những cơ sở lí luận và thực tiễn nào mà Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 lại quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lí.
Việc nghiên cứu một số luận điểm khoa học của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin và thực tiễn xây dựng chế độ sở hữu toàn dân về đất đai thời gian qua cũng như tìm hiểu một số đặc trưng của chế độ chiếm hữu ruộng đất ở Việt Nam thời phong kiến sẽ đưa ra lời giải cho câu hỏi trên đây.
Một số luận điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về tính tất yếu khách quan của việc quốc hữu hoá đất đai
Học thuyết Mác-Lênin cho rằng nhân loại cần phải thay thế hình thức sở hữu tư nhân về đất đai bằng cách “xã hội hoá” đất đai thông qua việc thực hiện quốc hữu hoá đất đai.
Quốc hữu hoá đất đại là một việc làm mang tính tất yếu khách quan và phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội loài người. Bởi lẽ:
Thứ nhất, xét trên phương diện kinh tế, việc tích tụ, tập trung đất đai đem lại năng suất lao động và hiệu quả kinh tế cao hơn so với việc sản xuất nông nghiệp trong điều kiện duy trì hình thức sở hữu tư nhân về đất đai.
Khi nghiên cứu vị trí và tầm quan trọng của đất đai trong sản xuất nông nghiệp, các học giả tư sản chia sẻ quan điểm với C. Mác rằng hình thức sở hữu tư nhân về đất đai dẫn đến việc chia nhỏ, manh mún đất đai.
Điều này không phù hợp với sự phát triển không ngừng của lực lượng sản xuất với phương thức sản xuất “đại cơ khí” trong nông nghiệp; cản trở việc áp dụng máy móc và các thành tựu khoa học – kĩ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, kìm hãm sự phát triển của sản xuất nông nghiệp.
Để khắc phục những nhược điểm này, cần phải tích tụ, tập trung đất đại thông qua việc “quốc hữu hoá” đất đai:
“Tất cả các phương tiện hiện đại như tưới nước, tiêu nước, cấy cày bằng hơi nước, bón phân hoá học, thuốc trừ sâu bằng máy bay… phải được áp dụng rộng rãi trong nông nghiệp. Nhưng những tri thức khoa học mà chúng ta nắm được và những phương tiện kĩ thuật để canh tác mà chúng ta có được chỉ có thể đem lại kết quả nếu được dùng trong việc canh tác đại quy mô”.
Nếu như việc canh tác đại quy mô (ngay cả bằng cái phương thức tư bản chủ nghĩa ngày nay đang làm cho bản thân người sản xuất trở thành trâu ngựa) xét theo quan điểm kinh tế vẫn có lợi hơn nhiều so với một nền “sản xuất tiểu nông” (C. Mác – Ph. Ăngghen – Quốc hữu hoá đất đai).
Mặc dù các học giả tư sản đồng tình với quan điểm trên đây của C. Mác cần phải quốc hữu hoá đất đai song một câu hỏi đặt ra là tại sao ở các nước tư bản, giai cấp tư sản không tiến hành quốc hữu hoá đất đai hoặc tiến hành quốc hữu hoá đất đai một cách “nửa vời”.
Điều này được lí giải như sau: nếu giai cấp tư sản tiến hành quốc hữu hoá đất đai triệt để sẽ dẫn đến việc thủ tiêu quyền tư hữu về tư liệu sản xuất, mà đây lại là cơ sở kinh tế, điều kiện vật chất để hình thành chế độ tư bản chủ nghĩa.
Trong khi đó, quyền tư hữu về tư liệu sản xuất lại được giai cấp tư sản ra sức bảo vệ. Hiến pháp của các nước tư bản đã tuyên bố: “Quyền sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất là thiêng liêng và bất khả xâm phạm”.
Như vậy, khó có thể tin rằng vì lợi ích phát triển chung của xã hội, giai cấp tư sản sẽ tiến hành việc quốc hữu hoá đất đai. Ngược lại, họ tìm mọi biện pháp và thủ đoạn để bảo vệ lợi ích của chính họ gắn liền với quyền tự hữu về đất đai.
Chính vì vậy, C. Mác đã chỉ ra rằng, nhà nước tư sản xét cho cùng cũng chỉ là đại diện cho quyền lợi của giai cấp tư sản mà thôi: “ngay cả nhà nước, lấy cớ là chỉ quan tâm đến của cái quốc gia và tài nguyên của nhà nước, trên thực tế họ tuyên bố rằng quyền lợi của giai cấp các nhà tư bản và việc làm giàu nói chung là mục đích cuối cùng của nhà nước”.
Thứ hai, tìm hiểu về nguồn gốc phát sinh, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin nhận thấy: đất đai không do bất cứ ai tạo ra, có trước con người và là “tặng vật” của thiên nhiên ban tặng cho con người, mọi người đều có quyền sử dụng.
Không ai có quyền biến đất đai – tài sản chung của con người – thành của riêng mình. C. Mác đã khẳng định: “Quyền tư hữu ruộng đất là hoàn toàn vô lí. Nói đến quyền tư hữu về ruộng đất chẳng khác gì nói đến quyền sở hữu cá nhân đối với người đồng loại của mình. Trong chế độ tự hữu về tư liệu sản xuất thì chế độ tư hữu về ruộng đất là vô lí nhất”.
C. Mác cũng cho rằng: “toàn thể một xã hội, một nước và thậm chí tất thảy các xã hội cùng sống trong mọi thời đại hợp lại, cũng đều không phải là kẻ sở hữu đất đai. Họ chỉ là những người có đất đai ấy, họ chỉ được phép sử dụng đất đai ấy và phải truyền lại cho các thế hệ tương lại sau khi đã làm cho đất ấy tốt hơn lên như những người cha hiến vậy”.
Thứ ba, nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp, C. Mác đưa ra kết luận: “mỗi một bước tiến của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa là một bước đẩy nhanh quá trình kiệt quệ hoá đất đai.
Bởi lẽ, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp được xác lập và vận hành dựa trên ba chủ thể cơ bản là:
– Chủ đất (người sở hữu đất đai nhưng không trực tiếp thực hiện việc kinh doanh trong nông nghiệp);
– Nhà tư bản (người tiến hành việc kinh doanh trong nông nghiệp, có vốn nhưng không có tư liệu sản xuất là đất đai và không có sức lao động);
– Người lao động (là những người có sức lao động nhưng không có vốn để kinh doanh, không có đất đai để canh tác).
Trong phương thức sản xuất nông nghiệp tư bản chủ nghĩa, nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp muốn tiến hành hoạt động sản xuất – kinh doanh, họ phải thuê lại đất của chủ đất và thuê người lao động (người công nhân) để thực hiện việc sản xuất.
Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp hàm chứa trong nó mâu thuẫn về lợi ích giữa nhà tư bản; chủ đất và người công nhân làm thuê.
Nhằm đạt được mục đích thu lợi nhuận tối đa, nhà tư bản có xu hướng muốn giảm tiền thuê đất đồng thời kéo dài thời gian thuê và tìm mọi cách khai thác tối đa các thuộc tính có ích của đất đai; giảm chi phí bồi bổ cải tạo đất đi đôi với việc bóc lột thậm tệ sức lao động của người công nhân làm thuê và tìm cách cắt giảm tiền lương trả cho họ.
Ngược lại, chủ đất lại muốn rút ngắn thời hạn cho thuê đất để quay vòng thuê và tăng giá đất cho thuê nhằm thoả mãn các nhu cầu của bản thân và gia đình.
Để đạt được các mục đích này, nhà tư bản và chủ đất cấu kết với nhau tìm mọi cách bóc lột tối đa sức lao động của người công nhân làm thuê và làm giàu bằng mồ hôi, công sức của người lao động.
Như vậy, xét dưới góc độ kinh tế, hiệu quả kinh tế mà phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp mang lại dựa trên sự khai thác tối đa có xu hướng dẫn đến “kiệt quệ hoá” đất đai.
Mặt khác xét về phương diện xã hội, sở hữu tư nhân về đất đai vô hình trung trở thành phương tiện để giai cấp tư sản (giai cấp chiếm hữu đất đai) thực hiện việc khai thác, bóc lột sức lao động của người lao động để làm giàu cho chính bản thân mình.
Muốn giải phóng người lao động thoát khỏi ách áp bức, bóc lột, xây dựng một xã hội bình đẳng, tiến bộ và công bằng thì cần phải thủ tiêu hình thức sở hữu tư nhân về đất đai của giai cấp tư sản chiếm thiểu số trong xã hội.
Ph. Ăngghen đã chỉ rõ: “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xoá bỏ chế độ sở hữu nói chung mà là xoá bỏ chế độ sở hữu tư sản”. “Chủ nghĩa cộng sản không tước bỏ của ai cái khả năng chiếm hữu những sản phẩm xã hội cả. Chủ nghĩa cộng sản chỉ tước bỏ quyền dùng sự chiếm hữu ấy để nô dịch lao động của người khác”.
Đồng thời, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác cũng chỉ ra rằng sứ mạng thủ tiêu chế độ tư hữu về ruộng đất của giai cấp tư sản được lịch sử giao phó cho những người lao động tập hợp xung quanh bộ tham mưu lãnh đạo là giai cấp công nhân thực hiện: “Sở hữu ruộng đất, nguồn gốc đầu tiên của mọi của cải đã trở thành một vấn đề lớn, mà việc giải quyết sẽ quyết định tương lai của giai cấp công nhân”.
Thứ tư, quốc hữu hoá đất đai do giai cấp vô sản thực hiện phải gắn với vấn đề giành chính quyền và thiết lập chuyên chính vô sản.
– Kế thừa các luận điểm cách mạng, khoa học của C. Mác và Ph. Ăngghen về quốc hữu hoá đất đai, V.I. Lênin đã phát triển học thuyết này trong điều kiện chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa.
Người cho rằng một trong những nhiệm vụ chủ yếu của chính quyền công – nông là phải xác lập chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong phạm vi toàn quốc nhằm đem lại ruộng đất cho người nông dân: “Ruộng đất phải là sở hữu của toàn dân và một chính quyền có tính chất toàn quốc phải quy định điều đó”.
Nhưng V.I. Lênin cũng chỉ ra rằng: “Người nông dân muốn sử dụng có hiệu quả đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì phải có điều kiện, như phải có vốn và tư liệu sản xuất khác, phải có chuyên gia kĩ thuật và cuối cùng phải có tổ chức”.
Bên cạnh đó, V.I. Lênin cũng nhấn mạnh rằng muốn thực hiện thành công việc quốc hữu hoá đất đai thì giai cấp vô sản phải thiết lập cho được chính quyền của mình.
Hay nói cách khác, việc thiết lập chuyên chính vô sản là điều kiện tiền đề vô cùng quan trọng để giai cấp vô sản tiến hành quốc hữu hoá đất đai, bởi lẽ, không bao giờ giai cấp tư sản lại dễ dàng “tự nguyện” từ bỏ các quyền lợi của mình gắn liền với chế độ tư hữu đất đai.
Vì vậy, việc tiến hành quốc hữu hoá đất đai tất yếu sẽ gặp phải sự chống trả quyết liệt và dữ dội của giai cấp tư sản thống trị.
Việc thiết lập chuyên chính vô sản giúp cho giai cấp vô sản có đủ sức mạnh cần thiết để đập tan mọi sự chống trả, phản kháng đó: “Quốc hữu hoả đất đai do giai cấp vô sản thực hiện sau khi cách mạng thành công luôn gắn liền với vấn đề chính quyền, với việc thiết lập chuyên chính vô sản.
Nếu không giải quyết được vấn đề chính quyền; không thiết lập được chuyên chính vô sản thì quốc hữu hoá đất đai cũng chỉ là một hình thức tư sản mà thôi…” (V.I. Lênin).
Thứ năm, việc xoá bỏ chế độ tư hữu về ruộng đất của giai cấp tư sản phải là một quá trình tiến hành lâu dài, gian khổ.
Mặc dù các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin khẳng định rằng việc tiến hành quốc hữu hoá đất đai là một tất yếu khách quan. Song các ông cũng chỉ ra rằng không thể xoá bỏ ngay lập tức chế độ tư hữu về ruộng đất; việc xoá bỏ chế độ này phải là một quá trình lâu dài.
Theo Ph. Ăngghen: “Liệu có thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được không? Trả lời: Không, không thể được, cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu.
Cho nên, cuộc cách mạng của giai cấp vô sản đang có tất cả những triệu chứng là sắp nổ ra, sẽ chỉ có thể cải tạo xã hội hiện nay một cách dần dần và chỉ khi nào đã tạo nên được một khối lượng tư liệu sản xuất cần thiết cho việc cải tạo đó thì khi ấy mới thủ tiêu được chế độ tư hữư”
Tư tưởng này của Ph. Ăngghen cũng trùng hợp với quan điểm của V.I. Lênin. Người chỉ rõ: “Quốc hữu hoá đất đai là một quy luật tất yếu khách quan đối với bất kì nước nào làm cách mạng vô sản nhưng không nhất thiết phải tiến hành ngay lập tức sau khi giai cấp vô sản giành chính quyền mà có thể dần dần từng bước từ thấp đến cao, từ tập thể hoá đến xã hội hoá” (V.I. Lênin).
Thực tiễn cách mạng vô sản nổ ra ở một số nước trên thế giới trong thế kỉ XX đã chứng minh tính đúng đắn của những dự báo thiên tài và sáng suốt trên đây của C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin – những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác-Lênin.
Tuỳ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh riêng của mỗi nước mà giai cấp vô sản sau khi giành được chính quyền có thể thực hiện ngay hoặc thực hiện từng bước một tiến trình quốc hữu hoá đất đai.
Cơ sở thực tiễn của việc xây dựng chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai
Vận dụng sáng tạo những nguyên lí khoa học của học thuyết Mác-Lênin về quốc hữu hoá đất đai vào thực tiễn cách mạng Việt Nam; quá trình quốc hữu hoá đất đai ở nước ta được thực hiện qua các giai đoạn lịch sử đánh dấu bằng các sự kiện chủ yếu sau đây:
– Ngay từ khi mới thành lập (ngày 03/02/1930), Đảng ta luôn luôn quan tâm đến vấn đề ruộng đất, coi việc giải quyết vấn đề ruộng đất là một nội dung quan trọng của cách mạng dân tộc, dân chủ. Trong Luận cương chính trị năm 1930, Đảng ta đã xác định rõ chính sách đối với ruộng đất: “Quyền sở hữu ruộng đất thuộc về chánh phủ công nông”.
Quan điểm thu hồi hết ruộng đất của đế quốc, phong kiến làm của công, thực hiện quyền ruộng đất về Nhà nước (cấm mua, bán ruộng đất) là tiền đề quan trọng và là nền tảng của chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai ở nước ta trong giai đoạn này.
– Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền nhân dân tuyên bố bãi bỏ các luật lệ về ruộng đất của chế độ cũ;
– Năm 1946, Hồ Chủ tịch kí Sắc lệnh về giảm tô; bãi bỏ thuế thổ trạch ở thôn quê;
– Năm 1953, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thông qua Luật cải cách ruộng đất, tịch thu ruộng đất của địa chủ, phong kiến, cường hào… chia cho nông dân, thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng”;
– Tiếp đó, Hiến pháp năm 1959 quy định: “Nhà nước chiều theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân…” (Điều 14);
– Trong những năm 1960, miền Bắc thực hiện phong trào “hợp tác hoá” vận động nông dân đóng góp ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác vào làm ăn tập thể trong các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất.
Ở giai đoạn này, “Mặc dù Hiến pháp 1959 quy định rõ Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất của người nông dân nhưng trong quá trình vận động nông dân đi vào làm ăn tập thể, tiến hành hợp tác hoá nông nghiệp và thực hiện việc “cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội”, về cơ bản đất đai ở nước ta từng bước đã được xã hội hoá toàn bộ”.
– Sau khi đất nước thống nhất (ngày 30/4/1975); ngày 18/12/1980, Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam thông qua bản hiến pháp mới (Hiến pháp năm 1980) quy định rõ: “Đất đại, rừng núi, sông hồ, hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, ở vùng biển và thềm lục địa…là của Nhà nước – đều thuộc sở hữu toàn dân” (Điều 19).
Và “Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch chung, nhằm bảo đảm đất đai được sử dụng hợp lí và tiết kiệm” (Điều 20). Đây là cơ sở pháp lí cao nhất xác định rõ toàn dân là chủ sở hữu đối với toàn bộ vốn đất quốc gia;
– Sau đó, Hiến pháp năm 1992 ra đời thay thế Hiến pháp năm 1980 cũng tiếp tục khẳng định: “Đất đai, rừng núi, sông hồ; nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời… là của Nhà nước đều thuộc sở hữu toàn dân” (Điều 17).
Hiến pháp năm 2013 – Hiến pháp của thời kì đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại – được ban hành long trọng tuyên bố: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lí là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lí” (Điều 53).
Sự khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân của Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 dựa trên những cơ sở thực tiễn chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, về mặt chính trị, ở nước ta, vốn đất đai quý báu do công sức, mồ hôi, xương máu của các thế hệ người Việt Nam tạo lập nên, vì vậy nó phải thuộc về toàn thể nhân dân.
Điều này đã được khẳng định trong Báo cáo thẩm tra Dự án Luật đất đai năm 1993 của uỷ ban pháp luật của Quốc hội khoá IX được trình bày tại kì họp thứ ba ngày 13/6/1993: “Vì đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là thành quả của quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trải qua nhiều thế hệ, nhân dân ta đã tốn bao công sức và xương máu mới khai thác, bồi bổ, cải tạo và bảo vệ được vốn đất như ngày nay.
Hơn nữa, nước ta là một nước có mật độ dân số cao, bình quân đất canh tác theo đầu người thấp, người làm nghề nông chiếm hơn 85% dân số, vì lẽ đó việc xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lí là hết sức quan trọng nhằm bảo đảm sử dụng đất đai đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, vì lợi ích hiện tại và cho cả thế hệ mai sau của dân tộc cũng như lợi ích của mỗi người dân”.
Hơn nữa, hiện nay trong điều kiện nước ta “mở cửa”, chủ động hội nhập từng bước vững chắc vào nền kinh tế khu vực và trên thế giới và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì việc xác lập hình thức sở hữu toàn dân về đất đai là một trong những phương thức nhằm góp phần củng cố và bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc.
Thứ hai, về phương diện lịch sử, ở nước ta hình thức sở hữu nhà nước về đất đai (đại diện là nhà vua ở các nhà nước phong kiến) đã xuất hiện từ rất sớm và tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của dân tộc.
Sự ra đời hình thức sở hữu đất đai này xuất phát từ yêu cầu của công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm giành và giữ nền độc lập dân tộc.
Đạo lí của việc bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc chính là bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia chống lại mọi hình thức xâm lược của ngoại bang.
Mặt khác, việc xác định và tuyên bố đất đai thuộc về Nhà nước mà đại diện là nhà vua còn mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt đối với các nước láng giềng và với các nước khác trên thế giới.
Ở khía cạnh khác, nghề trồng lúa nước ra đời và tồn tại hàng nghìn năm ở nước ta và trở thành một ngành sản xuất chủ yếu của nền kinh tế quốc dân.
Trong đó, thuỷ lợi là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành công của nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước đã được ông cha ta tổng kết thành câu tục ngữ: “Nhất nước, nhà phân, tam cần, tứ giống”.
Chính vì vậy, việc xác lập hình thức đất đai thuộc sở hữu nhà nước sẽ tạo điều kiện để các nhà nước phong kiến huy động sức mạnh của toàn dân vào công tác đắp đê, làm thuỷ lợi trên quy mô lớn.
Bên cạnh đó, đối với một nước có đại đa số người dân sống chủ yếu bằng nghề nông như nước ta thì vấn đề đất đai có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ trên phương diện | kinh tế, xã hội mà còn cả trên khía cạnh chính trị.
Vì vậy, giai cấp phong kiến thống trị muốn củng cố và bảo vệ được quyền lực của mình thì tất yếu phải xác lập quyền sở hữu đối với đất đai.
Với ý nghĩa đó, việc ra đời hình thức sở hữu nhà nước về đất đai mà đại diện là nhà vua còn là một phương thức để các nhà nước phong kiến trong lịch sử thực hiện việc củng cố chính quyền nhà nước nói chung và xây dựng nhà nước trung ương tập quyền nói riêng.
Thứ ba, về mặt thực tế, hiện nay nước ta còn hơn 4,5 triệu ha đất tự nhiên chưa sử dụng (4.508.600 ha), chủ yếu là đất trống, đồi núi trọc.
Việc xác lập đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lí sẽ giúp Nhà nước có điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng quy hoạch sử dụng đất đai theo kế hoạch phát triển chung nhằm quản lý chặt chẽ và từng bước đưa diện tích đất này vào khai thác, sử dụng hợp lí đi đôi với việc cải tạo, bồi bổ vốn đất đai quý giá của quốc gia với tư cách không chỉ là người quản lý nhà nước.
Đồng thời là người chủ sở hữu đất đai trong cả nước, Nhà nước mới có thể quy hoạch và có chính sách khai thác hợp lí, đầu tư thích đáng bảo vệ và bồi bổ đất đai trong cả nước cũng như ở từng vùng kinh tế, làm sao để toàn bộ đất đai được sử dụng hợp lí bảo đảm nuôi sống nói chung, bảo đảm thoả mãn các nhu cầu đa dạng của xã hội nói riêng đối với đất đai”
Bên cạnh đó, trong giai đoạn đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước hiện nay thì việc xác lập hình thức sở hữu toàn dân về đất đai sẽ tạo ưu thế và thuận lợi cho Nhà nước trong việc sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích chung của toàn xã hội:
Phải dứt khoát khẳng định rằng, quyền sở hữu nhà nước đối với đất đai trước đây và chính trong điều kiện đổi và là một điều kiện thuận lợi để phục vụ các nhu cầu khác nhau của phát triển xã hội.
Đây cũng chính là khả năng, điều kiện, phương tiện có sẵn trong tay Nhà nước đảm bảo cho phát triển xã hội dù trong môi trường xã hội phát triển nhiều thành phần kinh tế.
Thứ tư, việc duy trì và củng cố hình thức sở hữu toàn dân về đất đai trong giai đoạn hiện nay còn căn cứ vào lí do thực tiễn sau: Các quan hệ về quản lý và sử dụng đất đai ở nước ta được xác lập dựa trên cơ sở đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lí đã mang tính ổn định trong một thời gian khá dài (từ năm 1980 đến nay).
Nay nếu thay đổi hình thức sở hữu đất đai này sẽ dẫn đến những sự xáo trộn trong lĩnh vực đất đai, làm tăng tính phức tạp của các quan hệ đất đai, thậm chí dẫn đến sự mất ổn định về chính trị – xã hội của đất nước.
Từ khóa » Hình Thức Sở Hữu Toàn Dân Về đất đai
-
Chế độ Sở Hữu Toàn Dân Về đất đai Và Chính Sách Nâng Cao Hiệu ...
-
Chế độ Sở Hữu Toàn Dân Về đất đai - Luật Phamlaw
-
Chế độ Sở Hữu Toàn Dân Về đất đai Do Nhà Nước đại Diện Chủ Sở ...
-
Chế độ Sở Hữu Toàn Dân Về đất đai Do Nhà Nước đại Diện Chủ Sở ...
-
Chế độ Sở Hữu Toàn Dân Về đất đai- Lý Luận Và Thực Tiễn Trong Giảng ...
-
Sở Hữu Toàn Dân Về đất đai Là Gì? Quan Niệm Về ... - Luật Dương Gia
-
Chế độ Sở Hữu Toàn Dân Là Gì? Phân Tích Chế độ ... - Luật Dương Gia
-
Vận Hành Chế độ Sở Hữu Toàn Dân Về đất đai Trong Cơ Chế Thị Trường
-
Hiểu đúng Việc Sở Hữu Toàn Dân Về đất đai | Thời Sự
-
Chế độ Sở Hữu Toàn Dân Về đất đai - HILAW.VN
-
Quyền đại Diện Chủ Sở Hữu Toàn Dân Về đất đai - Luật Hồng Bàng
-
Vấn đề Sở Hữu đất đai Có ảnh Hưởng Gì đến Việc Phát Triển Kinh Tế ...
-
Hiểu đúng Quy định Về Chế độ Sở Hữu đất đai Tại Nước Ta Và Nhận ...
-
Chế độ Sở Hữu Toàn Dân Về đất đai được Quy định Thế Nào?