Chế Tạo Giày Từ Bã Cà Phê - Tuổi Trẻ Online

Chế tạo giày từ bã cà phê - Ảnh 1.

Bảo Khánh (trái) và Hoàng Sơn với dự án khởi nghiệp giày từ bã cà phê của mình - Ảnh: JESSE

Khởi nghiệp là để đóng góp một điều gì đó cho xã hội đang cần, bên cạnh thế mạnh của bản thân. Chúng tôi khởi nghiệp là vì niềm đam mê giày và mong muốn giúp ích cho môi trường.

Bảo Khánh

Đó là Trần Bảo Khánh (27 tuổi) và Chu Hoàng Sơn (23 tuổi). Hai bạn đã chế tạo giày từ bã cà phê và vỏ chai nhựa. Tháng 6-2019, hiệu giày Rens của hai bạn lên kickstarter - một trong những trang web gọi vốn cộng đồng lớn nhất thế giới.

Phải làm việc cật lực

* Từ đâu hai bạn nảy ra ý tưởng dùng bã cà phê làm giày?

- Hoàng Sơn: Hai chúng tôi có đam mê khá lớn với giày. Ở Phần Lan, chúng tôi có cơ hội làm việc cho một số công ty sản xuất giày nên phần nào cũng có kinh nghiệm liên quan.

Ngành công nghiệp thời trang để lại một số tác hại đến môi trường nên chúng tôi muốn tìm sản phẩm thân thiện môi trường nhưng vẫn theo được "mốt".

Chúng tôi khảo sát rất nhiều loại vật liệu, mất sáu tháng thử nghiệm cotton hữu cơ nhưng không đạt chất lượng. Trong giai đoạn mò mẫm đó, may mắn chúng tôi thử bã cà phê.

Trước đây cũng đã có nhiều ý tưởng dùng bã cà phê nhưng chưa thể áp dụng làm giày vì công nghệ quá khó.

Chúng tôi bắt tay pha trộn bã cà phê với nhựa tái chế theo tỉ lệ nhất định, cuối cùng cho ra các sợi chỉ polyester có thể may giày. Phải mất một năm chúng tôi mới cho ra chiếc giày đầu tiên nhìn tạm được để mang đi gọi vốn.

* Quá trình gọi vốn diễn ra như thế nào?

- Bảo Khánh: Từ khi chỉ mới có một chiếc giày mẫu, một số nhà đầu tư đã tin tưởng hỗ trợ chúng tôi. Ba lần chúng tôi suýt cạn túi đều gặp được các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng và rót vốn.

Mới đây, chúng tôi gọi được thêm một vòng vốn mới từ nhiều nhà đầu tư từ Mỹ, Đức, Malaysia... ngay trước khi dịch COVID-19 tràn đến châu Âu làm mọi thứ trì trệ.

Tuy nhiên, mọi thứ không phải tự nhiên mà đến. Tôi nghĩ do khi mới ra trường, chúng tôi làm việc cật lực, nghiêm túc trong công ty, từ đó mở rộng được mối quan hệ và để lại thiện cảm với một số nhà đầu tư. Do đó, họ rất sẵn lòng tin tưởng rót vốn ngay buổi ban đầu.

Du học sinh Việt Nam có lợi thế riêng

* Người địa phương nói gì khi hai du học sinh từ Việt Nam lên Forbes?

- Bảo Khánh: Không phân biệt là người bản địa hay dân nhập cư, họ đều tự hào khi Phần Lan được nhiều người biết đến. Người Phần Lan rất vui khi chúng tôi được lên Forbes châu Âu, cũng là đại diện cho cộng đồng người nhập cư ở Phần Lan đang đóng góp cho nước họ.

Tôi sang Phần Lan du học ngành kinh tế cuối năm 2011, còn Sơn chuyên về công nghệ thông tin. Thật ra, những năm tháng trên giảng đường, chúng tôi chỉ mong muốn có kết quả thật tốt, tìm được việc làm ổn định, chứ không dám mơ xa hơn do không nghĩ có thể cạnh tranh được với người bản địa.

Cho đến một ngày, tôi nhận ra du học sinh Việt Nam cũng có những lợi thế của... du học sinh Việt Nam. Chẳng hạn, mình biết được thị trường châu Á và Việt Nam. Từ đó xem xét những mặt mạnh, mặt yếu của từng nơi để tìm ra hướng đi mới cho mình.

Đây là điều mà các sinh viên bản địa khó so bằng. Tóm lại, luôn có khoảng trống cho mình thể hiện và đóng góp những gì bên đó chưa có.

* Hiện tại, tình hình công ty các bạn như thế nào?

- Bảo Khánh: Chúng tôi đang duy trì ổn định. Phần lớn đơn hàng lấy nguyên liệu và sản xuất tại nhà máy Trung Quốc, sau đó lưu kho ở Hong Kong trước khi xuất đi thị trường Bắc Mỹ, châu Âu và Úc...

Trong năm đầu mở bán (2019), chúng tôi xuất được khoảng 6.000 đôi giày trên toàn cầu. Theo khảo sát, hầu hết khách hàng đều rất thích, đúng với cam kết ban đầu chúng tôi đề ra là sản phẩm phải thật "ngầu" và mang giá trị môi trường. Một số sản phẩm chúng tôi chưa ưng ý nên cải tiến cho giày nhẹ nhàng và tốt hơn trong đợt sản xuất kế tiếp.

- Hoàng Sơn: Khi hợp tác với Khánh, tôi vẫn phải nhận thêm việc để có tiền nuôi dự án. Hầu như ngày nào chúng tôi cũng làm từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều cho công việc được trả lương, sau đó tiếp tục với dự án riêng từ 6 giờ tối đến 12 giờ đêm mới về.

Các nhân viên trong công ty thấy "founder" làm việc siêng năng thì như được truyền cảm hứng.

Hiện tại công ty có 14 nhân viên, tất cả là dân nhập cư từ Trung Quốc, Czech, Hungary, Nepal... đều tài năng và luôn mang trong mình ý chí vươn lên khẳng định bản thân.

Truyền cảm hứng ở Phần Lan

"Khánh và Sơn đã trải qua một hành trình dài trên con đường khởi nghiệp của mình. Ý tưởng và sản phẩm của các bạn được những nhà đầu tư đánh giá cao, trong đó có chúng tôi.

Đặc biệt, các bạn - những du học sinh từ một đất nước xa xôi - đã để lại một câu chuyện truyền cảm hứng ở Phần Lan" - Oskari Tempakka, CEO của Quỹ đầu tư Wave Ventures, chia sẻ.

Du học sinh ở lại Nhật thường làm phiên dịch, buôn bán Du học sinh ở lại Nhật thường làm phiên dịch, buôn bán

Các công việc chủ yếu của du học sinh ở lại Nhật Bản làm việc là biên phiên dịch - chiếm 23,6%; buôn bán, kinh doanh 13,4%; hoạt động liên quan tới nước ngoài 9 %

Từ khóa » Giày Làm Từ Bã Cà Phê