Chị Em Lại Truyền Nhau Dùng Lá Vông, Lạc Tiên Chữa Mất Ngủ, Sự Thật ...

“Thần dược” trị mất ngủ bị vô tác dụng nếu dùng sai cách

Một tuần nay, chị Ngọc Giao (Hà Nội) khốn khổ vì bị mất ngủ. Vốn bị bệnh viêm mũi dị ứng, chị rất sợ mỗi khi thời tiết thay đổi. Mũi sụt sịt, hắt hơi liên tục, miệng thì ho như bổ củi. “Khổ nhất là vào buổi đêm, mũi ngứa, tắc rất khó đi vào giấc ngủ. Vừa thiu thiu ngủ được một lúc thì cơn ho lại kéo đến”, chị Giao kể.

Lên mạng tìm hiểu các bài thuốc trị mất ngủ, chị được biết lá vông, lá lạc tiên là một trong những loại lá có tác dụng an thần rất tốt. Tuy nhiên, do cơ địa dễ bị dị ứng, mẩn ngứa nên chị không dám sắc nước uống từ các loại lá này. Chị Giao đã “sáng tạo” bằng cách về quê hái lá vông, lá lạc tiên để nấu nước tắm. Bởi chị cho rằng, về mặt nào đó, nước lá có thể “thẩm thấu” chút qua bề mặt da đi vào trong cơ thể.

Cứ mỗi lần bị mất ngủ là chị Thạch Thảo (Vĩnh Phúc) lại phải sử dụng thuốc an thần. Mỗi đêm, chị Thảo chỉ ngủ được khoảng 2 – 3 tiếng đồng hồ. Chị rất dễ bị đánh thức bởi những tiếng động dù rất nhỏ. Thấy chị rất hay mua thuốc ngủ, người bán thuốc đã tư vấn chị nên sử dụng lá vông. Bởi uống quá nhiều thuốc ngủ rất có hại cho cơ thể mà còn gây tình trạng “nhờn thuốc”.

Trị mất ngủ bằng lá vông, lá lạc tiên kiểu này, người bệnh vẫn khổ sở “đếm cừu” mỗi đêm

Trong Đông y, lá vông có tính an thần nhưng chỉ có tác dụng qua đường uống. Ảnh minh họa. 

“Tôi không biết cách sử dụng lá vông để chữa mất ngủ thế nào. Nấu nướng uống hay tắm thì hiệu quả hơn? Bây giờ uống bất cứ thứ gì vào người, tôi cũng thấy ám ảnh”, chị Thảo lo lắng.

Giải đáp thắc mắc tắm lá lạc tiên, lá vông có giúp ngủ ngon, Thạc sĩ, Lương y đa khoa Vũ Quốc Trung khẳng định đây là hiểu nhầm về cách sử dụng lá.

“Theo Đông y, lá vông, lá lạc tiên, lá dâu có tác dụng an thần. Nhưng chỉ có tác dụng qua đường uống, không có tác dụng chữa mất ngủ bằng cách nấu nước tắm”, Lương y Vũ Quốc Trung khẳng định.

Cách “ru ngủ” bằng thứ nước dễ kiếm, rẻ tiền

Theo Lương y Vũ Quốc Trung, nếu bị mất ngủ, khó ngủ, người dân có thể nấu một nắm lá dâu, lá lạc tiên, lá vông, lấy nước uống vào buổi chiều hoặc trước khi đi ngủ. Lá khô hay lá tươi đều có thể sử dụng được.

Trị mất ngủ bằng lá vông, lá lạc tiên kiểu này, người bệnh vẫn khổ sở “đếm cừu” mỗi đêm

Lá lạc tiên cũng có tác dụng an thần rất tốt. Ảnh minh họa. 

Lá này có bán tại các tiệm thuốc Đông y, cửa hàng bán các loại lá để tắm, không khó để tìm mua. Ưu điểm của lá lạc tiên, lá vông, lá dâu là không kén người dùng, tất cả mọi người đều có thể sử dụng loại dược thảo này. Người cao tuổi, người làm công việc căng thẳng, người đang mất ngủ, khó ngủ uống lá tự nhiên này đều hữu ích”, Lương y Vũ Quốc Trung cho biết.

Với trẻ nhỏ, cha mẹ chỉ nên cho trẻ uống nước lá dâu, lá lạc tiên trị khó ngủ khi trẻ được 6 tháng tuổi trở ra. “Tuyệt đối không dùng lá có tác dụng an thần khi trẻ còn quá nhỏ!”, Lương y Quốc Trung khuyến cáo.

Cha mẹ nên chú ý liều lượng dùng cho trẻ chỉ dừng lại ở một chén nước nhỏ. Không nên cho trẻ uống quá nhiều vì việc làm này sẽ kích thích trẻ tiểu đêm, gây khó ngủ phản tác dụng.

Ngoài việc uống lá có tác dụng an thần, Lương y Vũ Quốc Trung khuyên nên đi một đôi tất mỏng cho trẻ khi đi ngủ. “Gan bàn chân có huyệt dũng tuyền, đây là huyệt có tác dụng giải độc, thoát khí nóng/lạnh rất tốt cho cơ thể. Vì vậy, đi tất mỏng khi đi ngủ nhằm giữ ấm huyệt dũng tuyền, tạo giấc ngủ ngon cho người khó ngủ”, Lương y Vũ Quốc Trung nói.

Thu Hà

Từ khóa » Cây Lạc Tiên Tắm Cho Bé