Chí Linh: Vùng đất "địa linh nhân kiệt" Thứ bảy - 27/06/2020 21:056.8420 Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương là nơi địa linh nhân kiệt, nơi có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng gắn với nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử dân tộc. 1. VÙNG ĐẤT ĐỊA LINHChí Linh là vùng đất cổ, được hình thành và có lịch sử từ lâu đời. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Chí Linh có nhiều tên gọi và quy mô địa giới hành chính khác nhau:- Năm 981 vua Lê Đại Hành đã chọn An Lạc (nay là phường An Lạc, thành phố Chí Linh) là cơ sở chỉ huy chống quân xâm lược Tống.- Từ thời Trần về trước, Chí Linh có tên gọi là Bàng Châu hay Bàng Hà, sau đó gọi là Phượng Sơn, từ thế kỷ 15 vùng đất này chính thức có tên gọi là Chí Linh cho đến ngày nay. Trải qua nhiều thời kỳ thay đổi hệ thống hành chính, thời Lý – Trần, Chí Linh thuộc lộ Nam Sách; thời thuộc Minh, Chí Linh thuộc phủ Lạng Giang, sau đó thuộc phủ Tân An; thời Lê sơ, Chí Linh thuộc về Đông Đạo; dưới thời Mạc và suốt thời kỳ Trịnh – Nguyễn cho hết triều Tây Sơn, Chí Linh thuộc trấn Hải Dương. Trải qua các thời kỳ phong kiến Chí Linh đã được nhiều triều đại chọn là nơi xây dựng cung thành, tỉnh lỵ như thành Phao (Phả Lại), thành Vạn (Tân Dân).- Tháng 06/1886, thực dân Pháp thành lập Nha Chí Linh thuộc phủ Nam Sách.- Ngày 01/5/1947, Chí Linh được sát nhập về liên tỉnh Quảng – Hồng.- Ngày 22/02/1955, Chí Linh chính thức trở thành một huyện của tỉnh Hải Dương.- Ngày 12/02/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP về việc thành lập thị xã Chí Linh và các phường thuộc thị xã Chí Linh trên cơ sở huyện Chí Linh cũ. - Ngày 10/01/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH14 nhập 02 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 06 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương, Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01/3/2019. Theo Nghị quyết, hiện nay Chí Linh có 14 phường, là: Bến Tắm, Phả Lại, Sao Đỏ, Chí Minh, Cộng Hòa, Hoàng Tân, Thái Học, Văn An, Cổ Thành, Tân Dân, Đồng Lạc, Văn Đức, An Lạc, Hoàng Tiến và 05 xã: Hưng Đạo, Lê Lợi, Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Nhân Huệ.Lần theo sử sách thì địa danh Chí Linh được ghi chép đầu tiên là vào thế kỷ XIII trong Đại Việt sử ký toàn thư. Lúc đó Chí Linh vốn chỉ là một vùng đất bãi và được gọi là châu Chí Linh. Châu Chí Linh là đất riêng của quan Thượng tướng quân Trần Phó Duyệt, thân phụ Trần Khánh Dư. Nên khi bị bãi quan, ông đã về đây sinh sống và hành nghề kiếm củi, đốt than.Châu Chí Linh chính là vùng đất của tổng Cổ Châu sau này. Cổ Châu là vùng đất bãi cổ, tại đây cũng còn một làng mang tên gọi là làng Chí Linh. Thời nhà Minh đô hộ nước ta (đầu thế kỷ XV) có xây dựng trên núi Phao Sơn, thuộc châu này một thành lớn. Vì thành xây trên đất của châu Chí Linh nên mới gọi là thành Chí Linh. Trong Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi, thành Chí Linh còn được gọi là thành Đại Than (có nghĩa là bãi lớn ven sông ). Thành Chí Linh vừa là một căn cứ quân sự nhưng đồng thời cũng là một trung tâm hành chính trong vùng. Có lẽ từ chức năng hành chính của thành này mà Chí Linh, đã trở thành tên huyện Chí Linh sau này.Bản đồ huyện Chí Linh trong sách Đồng Khánh dư địa chíTrong cuốn sách Đồng Khánh dư địa chí giới thiệu một tấm bản đồ huyện Chí Linh và ghi chú bằng chữ Hán. Theo đó, Chí Linh thời đó nằm cả hai bên sông Kinh Thày: phần phía bắc sông gọi là Bắc Hà, phần phía nam sông gọi là Nam Hà. Tấm bản đồ cho thấy huyện Chí Linh thời ấy bao gồm phần đất của gần như toàn bộ thành phố Chí Linh và gần phân nửa huyện Nam Sách và một phần thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương ngày nay.Trong sách Chí Linh phong vật chí có một bài diễn ca viết bằng chữ Hán được Nguyễn Huy Đại và Nguyễn Thanh Giản dịch ra như sau:Chí Linh trăm dặm cõi bờGhi trong địa chí từ xưa rõ ràngCách sông, đông giáp Hiệp SơnTây Thanh Lâm huyện đồng bằng bao laNam Thanh Lâm với Thanh HàLạng Giang phía Bắc nhìn qua bản đồGiữa bẩy tổng có sông toHà Nam, Hà Bắc từ xưa còn truyềnSáu nhăm (65) thôn xã cách liềnNửa miền đồng ruộng nửa miền núi cao.Chí Linh nằm trong cánh cung Đông Triều với hệ thống núi đồi chạy từ Đông Bắc sang Tây Nam, địa hình xen lẫn giữa núi đồi và đồng bằng, với thế đất, hình sông, theo thuyết phong thủy đã được các bậc tiền nhân tổng kết thành câu ca:“Đông hướng Sài Sơn thiên lĩnh hộiTây lai vụ thủy lục long chầu”.Tạm dịch là:“Phía Đông là dãy Sài Sơn có hàng nghìn ngọn núi chầu về.Phía Tây tụ thủy sáu con rồng chầu lại”.Về địa thế, mạch núi Đông Bắc từ Tổ sơn Yên Tử muôn ngọn đổ về Chí Linh quần tụ nên tạo ra nhiều huyệt mạch linh thiêng. Người xưa đã đặt các huyệt mạch này theo tên gọi của 4 linh vật quý như: Long (đó là núi Rồng ở đền Kiếp Bạc), Ly (núi Kỳ Lân ở chùa Côn Sơn), Quy (núi Quy ở chùa Thanh Mai), Phượng (núi Phượng Hoàng ở đền Chu Văn An). Kỳ lạ thay, ở mỗi huyệt mạch linh thiêng này lại là những danh lam thắng cảnh và đều là những nơi các danh nhân, bậc kỳ tài về sinh sống và nay đều trở thành các di tích nổi tiếng của vùng đất Chí Linh.Về hình thế sông, ở phía Tây của vùng đất Chí Linh có 6 con sông tụ về và được người xưa gọi bằng những tên mang ý nghĩa lớn lao như có 4 con sông được đặt theo 4 đức gồm: Sông Lục Nam trước đây được gọi là sông Minh Đức (có nghĩa là đức sáng), sông Thương gọi là sông Nhật Đức (đức của mặt trời), sông Cầu gọi là sông Nguyệt Đức (đức của mặt trăng), sông Đuống gọi là Thiên Đức (đức của trời). Còn 2 con sông khác cũng đều mang ý nghĩa tốt đẹp như sông Thái Bình còn gọi là sông Phú Lương có nghĩa là thái bình thịnh vượng và sông Kinh Thầy có nghĩa đường kinh lý của Đức Vua cha - Đức Thánh Trần.Có thể nói, vùng đất Chí Linh nơi có sông núi hòa hợp, hữu tình, nơi hội tụ khí thiêng của đất, đức của trời, tụ thụy, tụ nhân mang đến thái bình thịnh vượng. Chính vì vậy mà qua các triều đại các danh nhân, kỳ tài kiệt xuất đều lựa chọn vùng đất Chí Linh làm nơi sinh sống, di dưỡng tinh thần.2. VÙNG ĐẤT HỘI TỤ NHÂN TÀIChí Linh là vùng đất thiêng, là nơi sản sinh và hội tụ nhiều danh nhân, danh tướng, danh sư cùng nhiều truyền thuyết về nhân thần, thiên thần đã tạo lên một hệ thống di tích linh thiêng với sự đa dạng trong tín ngưỡng thờ Phật, thờ Mẫu, thờ Thánh. Đất Chí Linh còn lưu giữ biết bao truyền thuyết thần kỳ, nơi đây Phật hiển hiện, Tiên dạo chơi, Huyền Thiên giáng lâm, Phi Bồng tái thế, Nam Tào xuất hiện, Bắc Đẩu về trời... Bởi vậy dưới chân núi Phật Tích có chùa Thanh Mai, trên đỉnh núi Côn Sơn có Bàn Cờ Tiên, trong núi Phượng Hoàng có động Huyền Thiên, dưới chân núi Ngũ Nhạc có tảng đá thờ Phi Bồng nguyên soái, đền Kiếp Bạc tả hữu có đền thờ quan Nam Tào, Bắc Đẩu,... Truyền thuyết về nhân thần và thiên thần đã tạo ra sự huyền bí, linh thiêng của vùng đất Chí Linh khiến du khách ngưỡng vọng, luôn muốn về để thành kính chiêm bái.Vùng đất Chí Linh có các danh nhân trên nhiều lĩnh vực: Về quân sự có các võ tướng Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Chẩn; lĩnh vực giáo dục có thầy giáo Chu Văn An, Nguyễn Thị Duệ, Nguyễn Thị Lộ; lĩnh vực văn hóa có Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán; lĩnh vực tôn giáo đạo Phật Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có Đệ nhị tổ Pháp Loa, Đệ tam tổ Huyền Quang. Có nhiều danh nhân thuộc hàng kiệt xuất trong từng lĩnh vực như: Về quốc tế tôn vinh Danh tướng Thế giới, Danh nhân Văn hóa Thế giới, Chí Linh có 2 danh nhân, đó là Danh tướng Thế giới có Trần Hưng Đạo, Danh nhân Văn hóa Thế giới có Nguyễn Trãi. Cả nước từ cổ chí kim đến hiện đại có 14 Anh hùng Dân tộc thì Chí Linh có 2 danh nhân được tôn vinh Anh hùng Dân tộc là Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi. Về giáo dục có Vạn thế sư biểu Chu Văn An - được tôn vinh người thầy muôn đời của đạo học Việt Nam; Tinh phi Nguyễn Thị Duệ - nữ tiến sĩ khoa bảng đầu tiên và duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Trong Tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thì Chí Linh có 2 vị Tổ là Đệ nhị Tổ Pháp Loa và Đệ tam Tổ Huyền Quang. Hiếm có vùng đất nào (trong phạm vị đơn vị hành chính cấp huyện, thị) lại hội tụ được nhiều anh tài, nhân kiệt tầm cỡ như vậy. Chí Linh tuy không phải quê ông và ông cũng không sinh ra ở đây nhưng vùng đất Chí Linh đã gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Vùng đất Vạn Kiếp (nay là xã Hưng Đạo) là Thái ấp của ông. Phần lớn cuộc đời ông sống ở đây, chỉ khi nào triều đình có việc triệu hồi ông về triều để bàn chuyện chính sự của đất nước hoặc những lúc ông đi kinh lý, vi hành để nắm bắt tình hình nhân dân, tìm người hiền tài ông mới rời Chí Linh. Sau khi xong việc triều đình, xã tắc ông lại về sinh sống ở Thái ấp Vạn Kiếp.Đây là nơi hội tụ của 6 con sông thông với các ngả trong khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và nhất là vùng Đông Bắc, với tầm nhìn của một thiên tài quân sự, ông “nhìn” thấy nơi đây có một vị trí địa chiến lược về quân sự quốc phòng. Ví trí án ngữ vùng Đông Bắc, là phên dậu, lá chắn bảo vệ kinh thành Thăng Long cả trên đường bộ, lẫn đường thủy. Cũng chính vì vậy, trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2, lần 3 vùng Vạn Kiếp, Chí Linh vừa là đại bản doanh nơi ông điều binh khiển tướng, vừa là chiến trường tổ chức các trận đánh tiêu diệt quân Nguyên Mông xâm lược. Với công lao to lớn với đất nước, Trần Hưng Đạo được Vua Trần cho lập Sinh từ ngay lúc ông còn sống. Khi ông mất, với công lao và đức độ ông được nhân dân phong Thánh và gọi là Đức Thánh Trần. Di tích đền Kiếp Bạc rất linh thiêng, nên hằng năm vào mùa xuân và mùa thu, chính quyền và nhân dân địa phương mở hội truyền thống để du khách thập phương về trảy hội, chiêm bái. Đặc biệt là lễ hội mùa thu là lễ hội chính của đền Kiếp Bạc, tưởng nhớ ngày mất của Đức Thánh Trần đã có hàng chục vạn du khách nô nức trảy hội về đền Kiếp Bạc để cầu mong Đức Thánh Trần phù hộ cho quốc thái dân an, nhân dân làm ăn mùa màng bội thu, khỏe mạnh, hạnh phúc.Côn Sơn là thái ấp của Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, tôn thất nhà Trần. Ông là người có tài, hiền từ, nho nhã có phong cách của bậc quân tử. Tuy nhiên, nói đến Côn Sơn nhiều người biết tên tuổi cháu ngoại Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán là Nguyễn Trãi hơn. Nguyễn Trãi con của Nguyễn Phi Khanh, quê gốc ở Chi Ngãi, phường Cộng Hòa, thành phố Chí Linh. Ông đỗ Thái học sinh thời nhà Hồ. Sau khi giặc Minh sang xâm lược đã bắt thân phụ ông về Trung Quốc, ông theo xe tù cha đến biên giới Ải Chi Lăng. Sau khi nghe lời thân phụ dặn trở về để đền nợ nước trả thù nhà. Để thực hiện lời dạy của cha ông vào Thanh Hóa gia nhập nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi để thực hiện cuộc kháng chiến chống quân Minh và góp công lớn vào sự thành công của cuộc khởi nghĩa. Nhà hậu Lê được thành lập, ông là khai quốc công thần và được phong đến chức Nhập nội hành khiển. Những năm cuối đời, ông trở về sinh sống tại Côn Sơn. Ông và toàn bộ gia tộc mắc vào án oan và bị kết án tru di tam tộc. Hơn 20 năm sau ông được vua Lê Thánh Tông minh oan và tôn vinh “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”. Trong cuộc đời ông, ngoài việc đóng góp công sức to lớn trong việc đấu tranh chống ngoại xâm thông nhất đất nước, ông còn là một nhà chính trị, văn hóa kiệt xuất. Ông để lại nhiều tác phẩm thơ, văn chính luận, sách khoa học về địa chí,… Đặc biệt ông được đánh giá là nhà tư tưởng lớn của nước ta. Trong mọi hành động từ đấu tranh giải phóng dân tộc hay tham mưu cho vua về các chính sách trị nước, an dân, ông đều lấy tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng nhân dân đặt lên hàng đầu là kim chỉ nam của cuộc đời ông. Ông được tôn vinh là Anh hùng Dân tộc và được thế giới tôn vinh là Danh nhân Văn hóa Thế giới.Trong lịch sử giáo dục Việt Nam, người thầy của muôn đời Vạn thế sư biểu Chu Văn An là một tượng đài vĩ đại, một tấm gương lớn về đạo đức khiến cho nhiều thế hệ làm giáo dục noi theo. Trong suốt cuộc đời dạy học, ông đã đào tạo hàng nghìn học trò, trong đó có nhiều học trò đỗ đạt làm quan to trong triều như: Phạm Sự Mệnh, Lê Quát,… Ông là người tiết tháo, đức cao vọng trọng nên từ Vua đến các quan trong triều đều kính trọng. Ông quê ở Thanh Trì, Hà Nội nhưng vùng đất Chí Linh lại được ông lựa chọn để sống những năm tháng cuối đời. Việc ông chọn núi Phượng Hoàng thuộc huyện Chí Linh xuất phát từ việc sau khi ông dâng “Thất trảm sớ” dâng Vua Trần Dụ Tông xin chém 7 tên quan nịnh thần. Không được Vua chấp nhận ông bèn trả mũ áo từ quan đi chu du thiên hạ. Đi đến vùng đất Chí Linh thấy núi Phượng Hoàng có cảnh đẹp nên ông đã ở lại dựng nhà ven sườn núi để ở gọi là tiểu ẩn cổ bích sống cuộc đời thanh bạch, dạy học, làm thơ cho đến khi mất.Khi ông mất Vua Trần ban cho tên thụy Văn Trinh Công, cho thờ ở Văn Miếu. Ông được tôn vinh là “Người thầy của muôn đời”. Nơi ông sống những năm tháng cuối đời “Tiểu Ẩn cổ bích” nay đã được hậu thế xây dựng đền thờ mang tên ông và thờ phụng suốt hơn 6 thế kỷ qua và trở thành khu di tích mang tên Phượng Hoàng hằng năm thu hút hàng vạn khách du lịch, nhất là các đoàn giáo giới học sinh về dâng hương báo công với thầy.Khu di tích Phượng Hoàng không chỉ có đền thờ thầy giáo muôn đời Chu Văn An mà nơi đây còn có một đền thờ, thờ bậc kỳ tài thiên hạ, một người con ưu tú của vùng đất học Văn An, Chí Linh. Đó chính là Nữ Tiến sĩ Khoa bảng đầu tiên và duy nhất của nền giáo dục khoa bảng phong kiến Việt Nam Nguyễn Thị Duệ (1574 – 1654). Bà có số phận khá đặc biệt, sinh ra ở Kiệt Đặc, Văn An (Chí Linh), lớn lên bà theo gia đình lên Cao Bằng sinh sống. Tại đây để được đi thi bà phải giả trai để đi thi do nhà Mạc ở Cao Bằng tổ chức để tuyển chọn người tài. Kết quả bà đỗ đầu kỳ thi được gọi là Tiến sĩ, bà đỗ cao hơn thầy dạy học của mình. Sau khi nhà Mạc bị quân triều đình Lê - Trịnh diệt, bà bị bắt đưa về kinh thành Thăng Long, cảm phục tài năng đức độ, Vua Lê – Chúa Trịnh đã trọng dụng bà phong cho bà chức quan và giao cho bà việc dạy học trong cung. Bà còn có nhiều đóng góp cho nền giáo dục và tuyển chọn người tài cho đất nước.Đến những năm tháng cuối đời bà về quê Văn An sinh sống và mất tại đây. Nhân dân xây dựng tháp mộ bà gọi là Tinh phí Cổ tháp và xây dựng đền thờ hương khói. Bà còn được hậu thế ghi nhận và đánh giá rất cao bằng việc được thờ trong Văn Miếu Mao Điền (Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) cùng với Khổng Tử và 7 vị đại khoa bảng của Việt Nam gồm: Chu Văn An, Phạm Sự Mệnh, Mạc Đĩnh Chi, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đền Sinh – đền Hóa (thôn An Mô, xã Lê Lợi, thành phố Chí Linh) là một di tích gắn với tín ngưỡng thờ Thiên Thần Phi Bồng Hiệu Thiên và thờ Mẫu Thạch Linh. Ở di tích này gắn với truyền thuyết về Đức Thánh Mẫu Thạch Linh hạ sinh Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên trên một tảng đá lớn. Đây là một di tích linh thiêng, luôn được vua quan các triều đại phong kiến và lãnh đạo nhà nước, địa phương thời nay cầu đảo quốc thái dân an, người dân cầu mùa màng tươi tốt, bội thu, sinh sôi nảy nở. Đền Cao (phường An Lạc, thành phố Chí Linh, Hải Dương) gắn với truyền thuyết về 5 đức Thánh họ Vương là những dũng tướng giúp Vua Lê Đại Hành đại phá quân Tống xâm lược năm 981.Truyền thuyết kể rằng, năm 980 để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược, Vua Lê Đại Hành đã chuẩn bị lực lượng, bài binh bố trận để sẵn sàng thực hiện cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Vua dẫn đại quân về vùng Chí Linh, khi qua Dược Đậu Trang thấy địa thế phù hợp cho việc điều binh khiển tướng cho các cánh quân thủy, bộ. Vua cho đóng đại bản doanh tại đây và tuyển chọn người tài cho cuộc kháng chiến. 5 anh em họ Vương lúc này đã khôn lớn, bèn ra ứng tuyển. Thấy 5 anh em họ Vương tướng mạo trai khôi ngô, tuấn kiệt, gái xinh đẹp lại có tài thao lược văn võ tinh thông, am hiểu binh pháp liền phong tướng cho 5 anh em họ Vương.Mùa xuân năm 981, quân Tống sang xâm lược nước ta, Vua Lê Đại Hành từ tổng hành dinh ở Dược Đậu Trang đã chỉ huy các cánh quân thủy, bộ nghênh tiếp địch. Trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, 5 vị tướng họ Vương đã lập nhiều chiến công. Khi cuộc kháng chiến chống quân Tống giành thắng lợi, ca khúc khải hoàn 5 vị tượng họ Vương xin nhà Vua cho ở lại quê nhà để chịu tang cha mẹ. Vào một đêm mưa gió, 5 vị tướng họ Vương đã hóa về trời. Tưởng nhớ công đức lao của 5 vị tướng họ Vương, nhà Vua đã cử quan triều đình về dự tang và chỉ đạo bản xã và nhân dân lập đền thờ 5 vị tướng quân và tôn xưng gọi là 5 đức Thánh họ Vương thờ phụng cho đến ngày nayChí Linh cùng với Yên Tử (Quảng Ninh) được Phật Hoàng Trần Nhân Tông cùng các đệ tử lựa chọn làm trung tâm của Thiên phái Trúc Lâm Yên Tử. Tại đây, các vị tổ khai lập và phát triển Thiền phái đã cho xây dựng hệ thống các chùa triền, giáo lý của Thiền phái để tu tập. Đây là dòng thiền độc đáo mang đậm văn hóa, bản sắc dân tộc Việt. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có 3 vị tổ gồm: Đệ nhất tổ Phật Hoàng Trần Nhân Tông; đệ nhị tổ Pháp Loa tôn giả; đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả. Trong 3 vị tổ này, có đệ nhị tổ Pháp Loa và đệ tam tổ Huyền Quang tu tập, đắc đạo ở các chùa Thanh Mai (xã Hoàng Hoa Thám) và Côn Sơn (phường Cộng Hòa) của Chí Linh.Đệ nhị tổ Pháp Loa, tên thật là Đồng Kiên Cương, sinh năm 1284 tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, huyện Nam Sách (nay là phường Ái Quốc, thành phố Hải Dương). Thuở nhỏ ông có thiên tư đạo nhãn. Năm 1304, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đến thăm hương Cửu La, Đồng Kiên Cương ra bái yết và được Trần Nhân Tông thu nhận cho theo tu hành, học đạo và đặt tên mới là Hỉ Lai. Hỉ Lai thông minh, hiếu học có nhiệt tâm với đạo nên chỉ một năm sau ông được Điều Ngự Đầu Đà Trần Nhân Tông ban cho pháp hiệu là Pháp Loa. Tháng 2 năm Hưng Long 15 (1306), Phật hoàng Trần Nhân Tông đã trao cho Pháp Loa các bảo bối và đến ngày mồng 1 tháng Giâng năm Hưng Long 16, trước khi viên tịch Phật hoàng đã trao quyền thừa kế sự nghiệp của Thiền phái Trúc Lâm cho ông. Từ đó ông trở thành vị Tổ thứ 2 của Thiền phái này. Trong giai đoạn hơn 20 năm đứng đầu Thiền phái, Pháp Loa đã cùng với các đệ tử, chư tăng trong Thiền phái ra sức phát triển, đưa dòng thiền này phát triển, lan tỏa sâu rộng trong dân gian. Nhiều ngôi chùa đã được xây dựng, nhiều tượng được đúc, Pháp Loa cùng các đệ tử đi giảng kinh khắp nơi. Trong thời gian tuy không dài những ông đã tạo lên sự nghiệp lớn cho sự phát triển của Thiền phái nói chung và cho bản thân nói riêng. Đệ nhị tổ Pháp Loa đã đào tạo một thế hệ học trò xuất sắc với hơn 30 người, nuôi dạy 15000 tăng ni, đúc trên 1300 pho tượng lớn nhỏ, xây dựng hàng trăm chùa tháp, tiêu biểu là các trung tâm tôn giáo Yên Tử, Côn Sơn, Thanh Mai và viện nghiên cứu phật giáo Quỳnh Lâm. Những công trình này bây giờ đều trở thành những trung tâm tâm linh, tín ngưỡng, văn hóa quý báu của đất nước.Chùa Côn Sơn lại gắn với đệ tam tổ Huyền Quang. Ông tên thật là Lý Đạo Tái thuộc dòng dõi quan lại nhà Lý, sinh năm 1254 tại hương Vạn Tư, nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Năm 21 tuổi, Ông đỗ đầu khoa Giáp Tuất, niên hiệu Bảo Phù (năm 1274). Đương thời, Huyền Quang là một trong những trí thức tài năng, nổi tiếng thơ văn, đã làm việc tại Viện Hàn lâm nhà Trần và được giao tiếp sứ Bắc Triều. Không mặn mà với chốn quan trường, ông đã từ quan tìm đến với tôn giáo, kiên trì học đạo và biên soạn kinh sách. Huyền Quang cùng với Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi đến mọi miền đất nước để thuyết pháp, giảng kinh và trở thành vị tổ thứ ba của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm. Những năm tháng cuối đời, ông đã về trụ trì tại chùa Côn Sơn, hoằng dương phật pháp, lập đài Cửu Phẩm Liên Hoa, biên soạn kinh sách để truyền lại cho đời sau. Ngày 23 tháng Giêng năm 1334, ông viên tịch tại chùa Côn Sơn, thọ 80 tuổi. Ngày viên tịch của Ông đã trở thành ngày giỗ tổ của chùa Côn Sơn hàng năm.3. TỰ HÀO CHÍ LINH BÁT CỔNgười dân Chí Linh không chỉ tự hào là vùng đất địa linh nhân kiệt mà còn tự hào về những giá trị văn hóa được bồi đắp trải qua nhiều thế kỷ. Đó là những danh nhân được sinh ra và hội tụ về Chí Linh đã bồi đắp, dựng xây hoặc khi mất đã được người dân yêu mến tưởng nhớ và trở thành các công trình di tích cổ. Theo bia “Chí Linh Bát cổ” hiện còn tại Văn chỉ Nam Sách, nay thuộc thôn Linh Khê, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, thì vào thời Vĩnh Thọ (1658 - 1661) đến Cảnh Hưng (1740 - 1786), nhiều nhân sĩ đương thời đã có các tác phẩm viết về những cảnh đẹp của Chí Linh, coi thắng cảnh và cổ tích của Chí Linh là cảnh đẹp nổi tiếng của thiên hạ, tương tự như Quế Lâm bát cảnh của Quảng Đông (Trung Quốc), trong đó có sách Thanh Hiên Khải Phủ Nguyễn Chí Hoà cẩn án các sách thành Bát cổ. Vào dịp tiết Trung thu, năm Ất Mão (1795), Thanh Hiên nhân chuyến đi du ngoạn những cổ tích của Chí Linh, cẩn thận mà ghi lại, tặng các nho sĩ địa phương. Các vị thượng lão và quan chức của huyện bàn định, kính cẩn lập bia để ghi những bài thơ ca ngợi Bát cổ do Thanh Hiên cẩn chí. Tháng Giêng năm Mậu Ngọ (1798), lấy đá ở Động Dương Nham để tạo bia, tháng 11 năm Canh Thân, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) bắt đầu dựng bia ở Gò Hạc, xã Linh Khê gần nhà học, nhưng việc khắc bia đến ngày rằm tháng 6 năm Nhâm Tuất, Gia Long nguyên niên (1802) mới hoàn thành.“Chí Linh bát cổ” bao gồm các di tích: Trạng Nguyên cổ đường, Tiều Ẩn cổ bích, Dược Lĩnh cổ viên, Thượng Tể cổ trạch, Nhạn Loan cổ độ, Vân Tiên cổ động (hay còn gọi Huyền Thiên cổ tự), Chí Linh cổ thành (hay còn gọi Phao Sơn cổ thành), Tinh Phi cổ tháp. Trạng Nguyên cổ đường có nghĩa là nhà giảng đường dạy học của quan Trạng nguyên. Trạng nguyên Cổ đường thời xưa thuộc xã Linh Khê, huyện Chí Linh, nay thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, đây là giảng đường nơi dạy học của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Ông sinh năm 1272 – 1346, tự là Tiết Phu, hiệu là Tích Am là một quan đại thần của triều nhà Trần. Ông thông minh có tài hơn người nhưng tướng mạo xấu xí. Năm 1304, dưới triều Vua Trần Anh Tông, triều đình mở khoa thi Cống sĩ lấy 44 người đỗ Thái học sinh. Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên. Đến thời Vua Trần Hiến Tông ông làm chức Nhập nội hành khiển sau được thắng chức Tả bộc xạ. Những năm cuối đời ông về chí sĩ tại quê nhà, Tại đây, năm 1342, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi mở trường dạy học để đào tạo, tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Hiện nay, đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi được chính quyền và nhân dân địa phương trông nom giữ gìn thờ phụng chu đáo nhưng rất tiếc di tích này bây giờ không còn thuộc về thành phố Chí Linh.Tiều Ẩn cổ bích tức là bức tường cổ bao quanh nhà Tiều Ẩn. Tiều Ẩn có nghĩa là người tiều phu ở ẩn nơi núi rừng. Đây là tên hiệu của thầy giáo Chu Văn An đặt sau khi về ở ẩn trên núi Phượng Hoàng. Việc thầy Chu Văn An đến núi Phượng Hoàng ở xuất phát từ sau khi sự kiện ông dâng “Thất trảm sớ” xin Vua chém 7 tên quan nịnh thần nhưng không thành. Khi đi về vùng núi Phượng Hoàng thấy cảnh sắc núi đồi, rừng thông bao phủ cảnh sắc đẹp ông đã quyết định ở lại sinh sống. Tại đây, ông đã đổi tên hiệu là Tiều Ẩn và dựng nhà ở, sống cuộc sống thanh bạch làm bạn với người dân nơi sơn dã, làm bạn với thiên nhiên, cây cỏ, chim muông núi rừng và dạy học cho học trò trong vùng làm vui. Khi ông mất, học trò và nhân dân trong vùng an táng ông ngay trên núi và khói hương thờ phụng. Trải qua thời gian, Tiều Ẩn Cổ bích không còn dấu tích. Từ những năm 1990 trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương, thành phố Chí Linh và ngành giáo dục, di tích đền Chu Văn An được xây dựng mới trên nền dấu tích của “Tiều Ẩn Cổ bích”. Hằng năm, đền Chu Văn An thu hút rất đông khách du lịch, đặc biệt là giáo giới và học sinh trong cả nước về đây tham quan, dâng hương báo công thành tích học tập, công tác. Những năm gần đây, Ban Quản lý Di tích Chí Linh đã cho phụng dựng và phát triển lễ khai bút đầu xuân và lễ hội về nguồn vào tháng 11 đã trở thành những hoạt động văn hóa đặc sắc và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc ở đền thầy giáo Chu Văn An thu hút đông đảo du khách, học sinh, sinh viên và thầy cô giáo về tham quan.Dược Lĩnh cổ viên có nghĩa là vườn cổ Dược Lĩnh, nơi trồng thuốc nam của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tương truyền, xưa vùng Vạn Kiếp (nay là xã Hưng Đạo) là thái ấp của Hưng Đạo Đại Vương, nơi đây cũng là đại bản doanh để Hưng Đạo Vương điều binh khiển tướng và cũng là chiến trường nơi diễn ra các trận đánh Vạn Kiếp nổi tiếng trong lịch sử kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2 và lần 3 của vua tôi quân dân nhà Trần thế kỷ 13. Vì vậy, việc ba quân tướng sĩ trong lúc tập luyện, đánh trận không thể tránh khỏi thương vong, trong khi đó thuốc thang thiếu thốn không đủ chưa bệnh cho tướng sĩ khiến Hưng Đạo Đại Vương rất lo lắng. Một đêm ông nằm mơ Ngọc Hoàng sai Nam Tào hóa thành tiên ông tên là Dược Lĩnh đến tặng thuốc cho ông. Hưng Đạo Đại Vương nhận túi cói trong có mấy cây thuốc giống và cúi đầu cám ơn. Hôm sau, trên đường từ xưởng đóng thuyền về vương phủ khi đi ngang một quả đồi, ngựa của ông không đi mà cứ đứng tung vó, hí vang. Thấy có sự lạ, ông xuống ngựa kiểm tra, lạ thay dưới chân ngựa có nhiều cây giống với cây thuốc mà tiên ông Dược Lĩnh tặng ông trong giấc mơ. Lập tức Hưng Đạo Đại Vương sai quân lính đánh những cây thuốc này đem trông khắp núi để có thuốc chữa bệnh cho ba quân tướng sĩ và nhân dân trong vùng. Dược Lĩnh cổ viên ra đời từ đó. Ngày nay, tuy không còn dấu tích của Dược Lĩnh cổ viên song trên núi Nam Tào, Bắc Đẩu thuộc khu di tích Kiếp Bạc có nhiều loại cây thuốc chữa được nhiều loại bệnh khác nhau.Thượng Tể cổ trạch có nghĩa là nhà cổ của quan Quốc Phụ Thượng Tể, Huệ Vũ Đại Vương Trần Quốc Chẩn, ông vừa làm quan và là hoàng thân của triều đại nhà Trần. Ông là con trai thứ của Vua Trần Nhân Tông và là em Vua Trần Anh Tông là cháu ngoại của Trần Hưng Đạo. Ông được ban Thái ấp ở xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh (nay là khu dân cư Nẻo, phường Chí Minh, thành phố Chí Linh), tại đây ông xây dựng một ngôi nhà (sau này được gọi là Thượng Tể cổ trạch) để ở và thường xuyên đi lại giữa kinh sư và thái ấp ở Chí Linh để lo công việc đất nước. Ông được đánh giá là một nhân vật chính trị kiệt xuất, tướng giỏi và là trụ cột của triều đại nhà Trần và lập công lớn trong việc đánh Chiêm Thành lấn chiếm đất Đại Việt. Năm 1324, dưới triều Trần Minh Tông ông được phong đến chức Nhập Nội Quốc Phụ Thượng Tể, chức quan đứng đầu triều nắm giữ Lục Bộ Thượng Thư. Sau ông bị mắc oan do kẻ xấu hãm hại từ việc liên quan đến lập thái tử và bị vua Trần Minh Tông (vừa là cháu ruột, vừa là con rể) tống giam vào ngục và bị bắt phải tuyệt thực đến chết. Sau đó, vụ việc bị bại lộ, những kẻ xấu bị bắt và xử tội, còn Trần Quốc Chẩn được minh oan. Bị ám ảnh bởi vì oan khuất, Vua Trần Minh Tông đã khôi phục lại chức tước, sai lập đền thờ thờ ông bên tả ngạn sông Kinh Thầy. Đến năm 1344, Vua Trần Dụ Tông (cháu ngoại) minh oan hoàn toàn cho ông và Thượng Hoàng Minh Tông phục chức Nhập Nội Quốc Phụ Thượng Tể. Ngày nay, đền Quốc Phụ được chính quyền, nhân dân địa phương chăm lo hương khói, thờ phụng.Nhạn Loan cổ độ có nghĩa là bến cổ Nhạn Loan. Nay có nhiều người cho rằng đó là bến Triều Dương thuộc xã Nhân Huệ bây giờ. Bến đò này có từ lâu đời gắn với tích An Dương Vương sau khi bị Triệu Đà đánh bại trên đường chạy ra biển đã chạy qua bến đò này. Nhưng đến thời Trần, sau khi Trần Khánh Dư bị bãi quan, ông đã về thái ấp của cha là Thượng tướng Trần Phó Duyệt ở Chí Linh ở ẩn và làm nghề buôn bán than trên sông. Bến đò Nhạn Loan không chỉ giúp Trần Khanh Dư thuận tiện trong việc buôn bán trên sông mà còn giúp nhân dân trong vùng đi lại thuận tiện. Trong 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần 2, lần 3, vùng Vạn Kiếp diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, bến Nhạn Loan cũng nằm trong vùng chiến sự và giúp quân ta trong việc xuất quân và rút quân khi đánh giặc. Ngày nay, nơi đây vẫn còn bến đò nhỏ nối liền Chí Linh với hai huyện Lương Tài và Gia Bình.Vân Tiên cổ động có nghĩa là động cổ Vân Tiên (hay Huyền Thiên cổ tự). Nơi đây thuộc khu dân cư Trại Sen, phường Văn An, thành phố Chí Linh. Đây là một công trình kiến trúc nằm trong tổng thể kiến trúc chùa Huyền Thiên, một ngôi chùa cổ nổi tiếng được xây dựng vào thời nhà Lý. Tương truyền sư Huyền Thiên về đây tu và luyện thuốc Linh Đan trường sinh. Đương thời, nhà sư Kiều Bản Tịnh (1100 – 1176), cùng các vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm như Đệ nhị tổ Pháp Loa, Đệ tam tổ Huyền Quang đều đã từng tu tập ở đây. Trải qua thời gian, các di tích của Vân Tiên cổ động hay Huyền Thiên cổ tự đã bị mai một không còn. Hiện nay, chính quyền thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương và Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương đang có kế hoạch quy hoạch, kêu gọi đầu tư xây dựng chùa Huyền Thiên bề thế tương xứng với vị thế chùa xưa.Chí Linh cổ thành (hay Phao Sơn cổ thành). Đây là thành cổ được xây từ thời nhà Trần có tên thành Chí Linh, nay thuộc phường Phả Lại, thành phố Chí Linh. Đến thời nhà Mạc thế kỷ XVI, thành được gia cố và đổi tên gọi là Phao Sơn. Thời Pháp thuộc chúng biến nơi đây thành khu quân sự, có trường đào tạo sĩ quan. Năm 1978, khi xây dựng nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, dân cư phải chuyển đi, thành đã bị phá để lấy mặt bằng cho công trình Nhiệt điện Phả Lại. Dấu tích hiện còn từng đoạn thành nằm dưới tầng đất trong vườn nhà dân. Tinh Phi cổ tháp có nghĩa là tháp mộ cổ của bà Tinh Phi, nằm trên địa phận khu dân cư Trại Sen, phường Văn An, thành phố Chí Linh. Bà Tinh Phi tên là Nguyễn Thị Duệ (1574 – 1654), quê ở xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh (nay là phường Văn An, thành phố Chí Linh). Thuở nhỏ, bà xinh đẹp, thông minh được cha mẹ cho đi học. Tuy phận liễu yếu đào tờ nhưng tính cách bà mạnh mẽ, bà coi việc nữ nhi không được thi cử, học hành như nam nhi là một sự bất công. Sau khi gia đình theo nhà Mạc lên Cao Bằng, ở đây bà tiếp tục đi học. Khi nhà Mạc tổ chức khoa thi, bà đã giả trai đi thi và đỗ đầu Tiến sĩ. Sau khi phát hiện bà giả trai đi thi, Vua nhà Mạc không những không bắt tội mà còn cảm phục yêu mến và cưới làm vợ phong là Tinh Phi. Sau khi nhà Lê - Trịnh đánh bại nhà Mạc, bà bị bắt về Thăng Long. Một lần nữa Vua Lê, chúa Trịnh lại trọng dụng bà, phong chức quan cho bà, chuyên dạy học cho các cung tần. Bà có nhiều đóng góp cho nền giáo dục, khoa cử, nhất là giáo dục từ xa, khuyến học, khuyến tài,… Năm gần 80 tuổi bà về sinh sống tại quê hương Kiệt Đặc đến khi mất năm 1654. Lúc mất bà được nhân dân thương tiếc và xây tháp mộ bằng đất nung có nhiều tầng khác nhau, từ xa nhìn rõ màu hồng của ngôi tháp và thờ tự, gọi là Tinh Phi cổ tháp. Đến thế kỷ 19, tháp mộ sụp đổ chỉ còn phế tích. Hiện nay, đền thờ Nguyễn Thị Duệ đang tiếp tục được trùng tu tôn tạo để di tích xứng tầm với Nữ tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của nền giáo dục khoa bảng phong kiến Việt Nam.Là vùng địa linh nhân kiệt, nhiều danh lam thắng cảnh, Thành phố Chí Linh đã xác định xây dựng đô thị văn minh, văn hóa gắn với mục tiêu trở thành thành phố phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái trong tương lai.
Tác giả bài viết: Đồng Bá Tuyến
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết Tweet
Ý kiến bạn đọc
Sắp xếp theo bình luận mới Sắp xếp theo bình luận cũ Sắp xếp theo số lượt thích Bạn cần đăng nhập với tư cách là Thành viên chính thức để có thể bình luận
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Họ Đồng Văn, KDC Nam Đoài, phường Cổ Thành, thành phố Chí Linh
(27/06/2020)
Họ Đồng Văn, KDC Phao Sơn, phường Phả Lại, thành phố Chí Linh
(27/06/2020)
Họ Đồng Văn, KDC Khê Khẩu, phường Văn Đức, thành phố Chí Linh
(27/06/2020)
Thiền sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương (1284-1330)
(27/06/2020)
Họ Đồng Văn, thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh
(27/06/2020)
Họ Đồng Tố, phường Cổ Thành - Phả Lại, thành phố Chí Linh
(27/06/2020)
Họ Đồng Bá, KDC Khê Khẩu, phường Văn Đức, thành phố Chí Linh
(27/06/2020)
Họ Đồng Đăng, KDC Cổ Châu, phường Cổ Thành, thành phố Chí Linh
(27/06/2020)
Họ Đồng Thế, KDC Khê Khẩu, phường Văn Đức, thành phố Chí Linh
(27/06/2020)
Các chi họ Đồng ở thành phố Chí Linh
(27/06/2020)
Chùa Thanh Mai với thiền sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương
(29/05/2020)
Cuộc đời của thiền sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương- Vị Tổ thứ hai dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử
(29/05/2020)
Danh mục
Họ Đồng với vùng đất Chí Linh
Thông tin các chi họ
Danh nhân họ Đồng Chí Linh
Di tích lịch sử họ Đồng Chí Linh
Từ đường - Nhà thờ
Gia phả, tộc ước
Tin tức - Hoạt động
Tin tức Ban liên lạc
Thông báo
Đại hội đại biểu
Tin tức chi họ
CLB DN-DN, Thành viên ưu tú
Tin tức, hoạt động
Gương sáng dòng họ
Doanh nghiệp, doanh nhân
Họ Đồng Việt Nam
Tin tức họ Đồng Việt Nam
Gương sáng họ Đồng Việt Nam
Văn Hóa - Văn nghệ
Ca khúc truyền thống
Văn thơ họ Đồng
Thông báo
BÀI VIẾT ĐƯỢC XEM NHIỀU
Hội nghị Gặp mặt, giao lưu các thành viên ưu tú, tiêu biểu họ Đồng thành phố Chí Linh năm 2024
Ra mắt Hội Dâu gái họ Đồng Đăng, KDC. Cổ Châu, P. Cổ Thành, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương
Giấy mời Hội nghị gặp mặt các thành viên ưu tú họ Đồng Chí Linh năm 2024
Giấy mời Đại hội đại biểu họ Đồng TP. Chí Linh lần thứ II, nhiệm kỳ 2024-2029
Đại hội đại biểu họ Đồng TP. Chí Linh lần thứ II, nhiệm kỳ 2024-2029 thành công tốt đẹp
Chúc mừng sinh nhật 5 năm CLB họ Đồng hát cho nhau nghe
Thăng trầm Viên Thông bảo tháp
Danh sách xét trao thưởng Khuyến học năm 2024
Hội nghị lần thứ nhất Ban Liên lạc họ Đồng TP. Chí Linh nhiệm kỳ 2024-2029
Xây dựng họ Đồng thành phố Chí Linh đoàn kết, phát triển, lớn mạnh trường tồn cùng quê hương, đất nước.
Các kênh thông tin họ Đồng Chí Linh Thống kê truy cập
Đang truy cập4
Hôm nay289
Tháng hiện tại10,246
Tổng lượt truy cập670,747
Powered by NukeViet. Designed by Công ty TNHH Công nghệ và Truyền thông Bamboo Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây