Chỉ Số Bạch Cầu Bất Thường Có đáng Lo Ngại Không? - Hello Bacsi
Có thể bạn quan tâm
Chỉ số bạch cầu cho biết số lượng bạch cầu trong một thể tích máu. Dựa vào chỉ số này, bác sĩ có thể xác định được tình trạng sức khoẻ của người bệnh.
Bạch cầu là một thành phần không thể thiếu với vai trò bảo vệ cơ thể bằng cách phát hiện, đồng thời tiêu diệt các tác nhân gây hại cho máu. Do đó, khi chỉ số bạch cầu bất thường là dấu hiệu cho thấy một vấn đề về máu và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy chỉ số bạch cầu là gì và số lượng bạch cầu bình thường là bao nhiêu?
Hãy cùng theo dõi những chia sẻ của Bác sĩ Nguyễn Thị Lê Hương trong bài viết dưới đây để tìm lời giải đáp cho những thắc mắc này.
1. Bạch cầu là gì? Bạch cầu có quan trọng không?
Bác sĩ Lê Hương: Bạch cầu là một thành phần không thể thiếu trong cấu tạo của máu. Có nhiều loại bạch cầu khác nhau, thực hiện những nhiệm vụ khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng của chúng là bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại. Vì vậy, bạch cầu rất quan trọng với cơ thể.
Bạch cầu được chia làm 3 loại, bao gồm:
- Bạch cầu hạt (gồm bạch cầu đa nhân trung tính, bạch cầu ưa axit, bạch cầu ưa kiềm)
- Bạch cầu đơn nhân
- Bạch cầu lympho
2. Số lượng bạch cầu bình thường là bao nhiêu?
Bác sĩ Lê Hương: Tổng số lượng bạch cầu bình thường dao động trong khoảng từ 4.000 cho đến 11.000 tế bào bạch cầu trên 1 microlit máu. Chỉ số bình thường của một số loại bạch cầu cụ thể như:
- Bạch cầu đa nhân trung tính (Neutrophils): 2.000 – 7.500 bạch cầu/ microlit
- Bạch cầu lympho (Lymphocytes): 1.500 – 4.500 bạch cầu/ microlit
- Bạch cầu đơn nhân (Monocytes): 200 – 800 bạch cầu/ microlit
3. Các triệu chứng nào báo hiệu chỉ số bạch cầu bất thường?
Bác sĩ Lê Hương: Thông thường, tình trạng bạch cầu bất thường ít khi có biểu hiện triệu chứng. Trong một số trường hợp có thể có biểu hiện như:
- Tình trạng nhiễm trùng (có thể tăng hoặc giảm bạch cầu): sốt, viêm họng, viêm nhiễm răng miệng, rối loạn tiêu hóa,…
- Tình trạng dị ứng: hắt hơi, sổ mũi, ngứa da, đỏ da,…
- Tình trạng ác tính: mệt mỏi, chán ăn, sụt cân nhanh, nổi hạch bất thường, sưng đau nướu răng không do viêm nhiễm, chảy máu dưới da hoặc niêm mạc (nếu có kết hợp giảm tiểu cầu),…
4. Làm thế nào để kiểm tra chỉ số bạch cầu?
Bác sĩ Lê Hương: Chỉ số bạch cầu hay còn gọi là chỉ số WBC (White Blood Cell) thường được kiểm tra bằng cách xét nghiệm công thức máu toàn bộ. Người bệnh sẽ được rút máu từ tĩnh mạch ngoại vi để phục vụ cho các xét nghiệm. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định kiểm tra lại số lượng và hình dạng bạch cầu dưới kính hiển vi nếu nghi ngờ có bất thường.
5. Những rủi ro nào có thể gặp phải khi thực hiện kiểm tra chỉ số bạch cầu?
Bác sĩ Lê Hương: Những rủi ro có thể gặp khi thực hiện xét nghiệm để kiểm tra chỉ số bạch cầu bao gồm:
- Đau, chảy máu, bầm da tại vị trí lấy máu. Nếu bạn có tình trạng dễ chảy máu hoặc máu khó đông nên cho bác sĩ hoặc kỹ thuật viên xét nghiệm biết trước khi thực hiện xét nghiệm.
- Kết quả xét nghiệm sai lệch. Các yếu tố như ăn uống, thuốc đang dùng, hoạt động thể chất, tình trạng có thai, độ tuổi, giới tính, chủng tộc,… cũng có thể ảnh hưởng lên chỉ số bạch cầu.
6. Bạch cầu tăng cao cảnh báo bệnh gì?
Bác sĩ Lê Hương: Bạch cầu có thể tăng nhẹ (trên 11.000 bạch cầu/ microlit) trong một số trường hợp viêm nhiễm, ăn uống, dùng thuốc điều trị bệnh khác,… Nếu bạch cầu tăng cao (trên 50.000 bạch cầu/microlit) là dấu hiệu cho thấy cơ thể có nguy cơ gặp nhiễm trùng rất nặng hoặc mắc các bệnh lý ác tính.
Do đó, người bệnh cần tái khám và theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên cũng như làm theo hướng dẫn của bác sĩ để sớm phát hiện và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng của bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
7. Bạch cầu giảm nguyên nhân do đâu?
Bác sĩ Lê Hương: Tình trạng giảm bạch cầu (thấp hơn 4.000 bạch cầu/microlit) có thể do một số nguyên nhân như:
- Giảm bạch cầu bẩm sinh
- Tình trạng viêm nhiễm
- Bệnh tự miễn
- Lupus ban đỏ hệ thống
- Suy tủy xương
- Một số bệnh lý ác tính (như ung thư máu)
- Hóa trị gây ảnh hưởng đến tủy xương
- Dùng thuốc điều trị các bệnh lý khác
8. Xét nghiệm có bạch cầu trong nước tiểu, liệu có nguy hiểm không?
Bác sĩ Lê Hương: Thông thường, chỉ số bạch cầu có thể được ghi nhận với số lượng ít trong nước tiểu, nhưng nếu nó tăng cao thì bạn có thể đang gặp các nguy cơ sau:
- Nhiễm trùng đường tiểu: Người bệnh có thể không cảm giác gì, hoặc có cảm giác gắt, buốt nhẹ khi đi tiểu, nếu nhiễm trùng nặng hơn có thể gây sốt, tiểu ra mủ.
- Sỏi thận: Bệnh nhân có thể không hoặc có cảm giác đau dọc vùng hông lưng khi đi tiểu, có thể tiểu ra máu.
- Một số bệnh lý khác cũng gây ảnh hưởng đến số lượng bạch cầu trong nước tiểu như lupus ban đỏ hệ thống, một số loại ung thư liên quan thận và đường tiết niệu,…
9. Cần làm gì khi khi chỉ số bạch cầu tăng hoặc giảm đột ngột?
Bác sĩ Lê Hương: Nếu chỉ số bạch cầu đột ngột tăng hoặc giảm bất thường thì cần đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị kịp thời. Trong trường hợp nghi ngờ có bệnh lý chuyên biệt về máu, bạn cần đến bệnh viện có chuyên khoa huyết học cũng như trình bày rõ tiền sử bệnh, các loại thuốc đang dùng, lý do xét nghiệm máu, các triệu chứng (nếu có) nhằm hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân chính xác nhất.
Những bệnh nhân có chỉ số bạch cầu bất thường, nếu đã có tình trạng bệnh lý trước đó hoặc đang được theo dõi, thì cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ đã tư vấn.
Từ khóa » Chỉ Số Huyết Học Wbc
-
Chỉ Số Xét Nghiệm WBC Cao Có Nguy Hiểm Không?
-
Tế Bào Máu WBC Là Gì Và ý Nghĩa Của Chỉ Số Xét Nghiệm WBC?
-
Chỉ Số Xét Nghiệm WBC 15,9 Có Cao Không? - Vinmec
-
Chỉ Số WBC Là Gì? WBC Tăng Hoặc Giảm Cảnh Báo Bệnh Gì?
-
Hướng Dẫn Cách đọc Kết Quả Xét Nghiệm Tổng Phân Tích Tế Bào Máu ...
-
Ý Nghĩa Của Chỉ Số Xét Nghiệm WBC
-
Chỉ Số WBC Là Gì? Ý Nghĩa Của Việc Xét Nghiệm WBC đối Với Sức Khỏe
-
Xét Nghiệm Máu WBC Là Gì? Chỉ Số WBC Phản ánh Sức Khỏe Thế Nào?
-
Xét Nghiệm Máu WBC Là Gì? Tại Sao Cần Xét Nghiệm WBC?
-
Các Chỉ Số Xét Nghiệm Tổng Phân Tích Tế Bào Máu | BvNTP
-
Ý Nghĩa Các Chỉ Số Xét Nghiệm Tổng Phân Tích Tế Bào Máu
-
Top 15 Chỉ Số Huyết Học Wbc Là Gì
-
Thắc Mắc Về Kết Quả Xét Nghiệm Máu - Bệnh Viện Từ Dũ
-
18 Chỉ Số Xét Nghiệm Máu Bạn Cần Biết Khi đọc Kết Quả - Dr.Labo