Chỉ Số Giá Tiêu Dùng, Chỉ Số Giá Vàng Và Chỉ Số Giá đô La Mỹ Tháng 8 ...

Giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng chống dịch Covid-19 là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020.

Tính chung 8 tháng năm 2021, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016[1]. Lạm phát cơ bản 8 tháng tăng 0,9%.

I. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG THÁNG 8/2021

So với tháng trước, CPI tháng 8/2021 tăng 0,25%, trong đó khu vực thành thị tăng 0,34%, cao hơn mức tăng 0,14% của khu vực nông thôn, nguyên nhân chủ yếu do chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm của khu vực thành thị có mức tăng cao[2]. Tháng Tám, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 4 nhóm tăng giá so với tháng trước, 4 nhóm giảm giá, 3 nhóm giữ giá ổn định (nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng hóa và dịch vụ khác).

Trong 4 nhóm hàng tăng giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 8/2021 có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 0,74% (làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm) do việc vận chuyển và phân phối hàng hóa thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. Trong khi đó, nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm tăng cao tại các khu vực thực hiện giãn cách xã hội[3]. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22% so với tháng trước, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát khi thời tiết nắng nóng tăng cao và giá thuốc lá tăng do nguồn cung giảm[4]. Nhóm giáo dục tăng 0,04% do giá văn phòng phẩm tăng 0,34%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02%, trong đó giá thuốc các loại tăng 0,08%.

Trong 4 nhóm hàng giảm giá, nhóm giao thông giảm 0,06% so với tháng trước, chủ yếu do các hãng giảm giá ô tô mới và ô tô đã qua sử dụng (lần lượt giảm 0,09% và giảm 0,84%). Nhóm bưu chính, viễn thông tháng 8/2021 giảm 0,05% do giá điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm 0,16% và phụ kiện điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm 0,5%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 0,03% so với tháng trước, chủ yếu do giá thiết bị văn hóa giảm 0,22%; du lịch trọn gói giảm 0,04%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19.

Diễn biến giá tiêu dùng tháng 8/2021 so với tháng trước của một số nhóm hàng chính như sau:

1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+0,74%)

1.1. Lương thực (+0,69%)

Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 8/2021 tăng 0,69% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá gạo tăng 0,44% do nhu cầu tiêu dùng, dự trữ gạo của người dân và chi phí vận chuyển gạo giữa các địa phương tăng trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong tháng, giá gạo tẻ thường dao động từ 11.600-12.500 đồng/kg; giá gạo Bắc Hương từ 17.600-19.000 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon Nàng Thơm chợ Đào từ 17.900-19.500 đồng/kg; giá gạo nếp từ 24.700-34.500 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá bột mỳ và ngũ cốc khác tháng Tám tăng 3,98% so với tháng trước; giá lương thực chế biến như bún, phở, bánh đa, mỳ ăn liền, bánh mỳ tăng 0,82%.

1.2. Thực phẩm (+0,97%)

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giãn cách xã hội, người dân hạn chế tối đa ra ngoài nên nhu cầu dự trữ, tiêu dùng thực phẩm tăng, bên cạnh đó nguồn cung bị hạn chế, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao do các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách nên các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn trong quá trình lưu thông, theo đó chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 8/2021 tăng 0,97% so với tháng trước, cụ thể:

– Giá thịt gia cầm tăng 0,66% so với tháng trước , trong đó giá thịt gà tăng 0,74%; giá thịt gia cầm khác tăng 0,44%; giá thịt gia cầm đông lạnh tăng 0,57%.

– Giá trứng các loại tăng 10,28% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao trong bối cảnh nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, cùng với đó các doanh nghiệp đang thu mua để chế biến trứng vịt muối cho mùa Trung thu sắp tới.

– Giá thủy sản tươi sống tăng 2,24% so với tháng trước do chi phí vận chuyển, bảo quản và nhu cầu tiêu dùng, tích trữ tăng, trong đó giá cá tươi hoặc ướp lạnh tăng 2,48%; tôm tươi hoặc ướp lạnh tăng 2,01%; thủy hải sản tươi sống khác tăng 1,62%.

– Giá rau tươi, khô và chế biến tăng 5,12% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, nguồn rau về chợ bán lẻ giảm tại một số địa phương đã đẩy giá rau tăng so với tháng trước. Giá tăng cao nhất ở rau dạng củ quả với 9,44%; rau bắp cải tăng 8,78%; khoai tây tăng 6,88%; rau muống tăng 5,64%; rau gia vị tươi hoặc khô tăng 4,25%; rau tươi khác tăng 4,08%…

– Giá quả tươi và chế biến tăng 0,52% so với tháng trước do trong tháng có ngày rằm tháng Bảy âm lịch. Trong đó, giá xoài tháng 8/2021 tăng 4,47% so với tháng trước; chuối tăng 2,36%; quả có múi tăng 1,67%; táo tăng 1,19%.

– Giá đồ gia vị tăng 0,34% so với tháng trước; giá bơ, sữa phô mai tăng 0,19%; giá bánh, mứt, kẹo tăng 0,11% do nhu cầu tiêu dùng tăng.

– Riêng giá thịt lợn giảm 1,81% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,06 điểm phần trăm). Giá thịt lợn giảm do dịch tả lợn châu Phi ở các địa phương được kiểm soát tốt, nguồn cung thịt lợn tăng[5]. Theo đó, giá thịt quay, giò, chả tháng Tám giảm 0,37% so với tháng trước; mỡ động vật giảm 4,13%.

1.3. Ăn uống ngoài gia đình (+0,19%)

Chỉ số giá nhóm ăn uống ngoài gia đình tháng 8/2021 tăng 0,19% so với tháng trước, trong đó ăn ngoài gia đình tăng 0,18% do giá lương thực, thực phẩm đầu vào tăng; uống ngoài gia đình tăng 0,14% do thời tiết nắng nóng nhu cầu đồ uống tăng cao; thêm vào đó do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hàng ăn chủ yếu bán đồ ăn mang đi nên giá đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,31%.

2. Đồ uống và thuốc lá (+0,22%)

Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 8/2021 tăng 0,22% so với tháng trước do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nước uống giải khát tăng, trong đó giá nước khoáng tăng 0,1%; nước giải khát có ga tăng 0,05%. Giá thuốc hút tăng 0,6% so với tháng trước do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung giảm.

3. Nhà ở và vật liệu xây dựng (0%)

Chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 8/2021 tính chung không đổi so với tháng trước. Diễn biến giá một số mặt hàng trong nhóm như sau:

– Giá điện sinh hoạt tăng 0,35% so với tháng trước[6] (làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm) chủ yếu tăng ở các địa phương không được hỗ trợ giảm giá tiền điện. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ giảm giá điện theo Công văn số 4748/BCT-ĐTĐL ngày 06/8/2021 của Bộ Công Thương về hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đợt 4 .

– Giá gas tăng 2,95% so với tháng trước do từ ngày 01/8/2021, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 12.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 37,5 USD/tấn (từ mức 620 USD/tấn lên mức 657,5 USD/tấn).

– Giá dầu hỏa giảm 1,71% so với tháng 7/2021 do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giá ngày 27/7/2021, 11/8/2021 và 26/8/2021 làm giá dầu hỏa giảm 630 đồng/lít so với tháng trước.

– Tiền thuê nhà giảm 1,7% so với tháng trước chủ yếu do nhiều hộ gia đình giảm giá để chia sẻ khó khăn với người dân, đồng thời khuyến khích cho thuê lâu dài trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

– Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,2% so với tháng trước do giá thép, giá cát, giá xi măng đã tăng cao ở các tháng trước, từ giữa tháng Bảy giá thép, cát, xi măng giảm giá khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu vật liệu xây dựng và dịch vụ sửa chữa nhà ở giảm.

– Giá nước sinh hoạt giảm 0,3% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở các địa phương thực hiện điều chỉnh giảm giá nước sinh hoạt hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

4. Thiết bị và đồ dùng gia đình (0%)

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và bước vào tháng Bảy âm lịch, các siêu thị điện máy giảm giá hàng loạt sản phẩm để kích cầu tiêu dùng. Chỉ số giá máy điều hòa nhiệt độ giảm 0,3% so với tháng trước; tủ lạnh giảm 0,22%; máy giặt giảm 0,03%.

Ở chiều ngược lại, nhu cầu sử dụng các loại vật phẩm tiêu dùng gia đình tăng làm cho giá xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,11%; thuốc diệt côn trùng tăng 0,17%. Do đó, tính chung chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình không đổi so với tháng 7/2021.

5. Thuốc và dịch vụ y tế (+0,02%)

Chỉ số giá thuốc và dịch vụ y tế tháng Tám tăng nhẹ 0,02% so với tháng trước, chủ yếu do dịch Covid-19 diễn biến nhanh và phức tạp, các địa phương đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng chống dịch nên nhu cầu mua các loại thuốc, dụng cụ y tế tăng, trong đó giá thuốc chống dị ứng tăng 0,15%; thuốc đường tiêu hóa tăng 0,11%; thuốc giảm đau, hạ sốt tăng 0,1%; thuốc chống nhiễm, điều trị ký sinh trùng tăng 0,07%; thuốc tác dụng trên đường hô hấp tăng 0,07%; thuốc vitamin và khoáng chất tăng 0,03%; dụng cụ y tế tăng 0,13%.

6. Giao thông (-0,06%)

Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 8/2021 giảm 0,06% so với tháng trước chủ yếu do nhiều đại lý ô tô tung các gói ưu đãi, giảm giá xe hấp dẫn nhằm kích thích sức mua của người tiêu dùng trong tháng Bảy âm lịch làm cho giá ô tô mới giảm 0,09% và giá ô tô đã qua sử dụng giảm 0,84%. Bên cạnh đó, giá vận tải đường sắt giảm 0,37% khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm giá.

7. Văn hóa, giải trí và du lịch (-0,03%)

Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng 8/2021 giảm 0,03% so với tháng trước, chủ yếu do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương khiến du lịch bị hạn chế làm cho giá dịch vụ du lịch trọn gói tháng 8/2021 giảm 0,04% so với tháng trước; khách sạn, nhà khách giảm 0,01%. Bên cạnh đó, giá thiết bị văn hóa như ti vi màu giảm 0,23% so với tháng trước; đầu DVD giảm 0,19%.

8. Chỉ số giá vàng (-0,49%)

Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới.

Giá vàng thế giới tháng 8/2021 giảm so với tháng trước sau khi số liệu thị trường việc làm Mỹ tháng 7/2021 vượt kỳ vọng của các chuyên gia. Theo đó, đồng đô la Mỹ tăng giá, thị trường chứng khoán tăng điểm và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh khiến cho nhu cầu đối với vàng giảm. Tính đến ngày 25/8/2021, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.789,57 USD/ounce, giảm 0,9% so với tháng 7/2021.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 8/2021 giảm 0,49% so với tháng trước; giảm 1,65% so với tháng 12/2020 và giảm 3,02% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 13,8%.

9. Chỉ số giá đô la Mỹ (-0,44%)

Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới tăng giá sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo số lượng việc làm tại Mỹ tháng 7/2021 tăng cao nhất kể từ tháng 8/2020. Tính đến ngày 25/8/2021, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 92,81 điểm, tăng 0,3 điểm so với tháng trước.

Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.050 VND/USD. Trong điều kiện giãn cách xã hội kéo dài, nhu cầu mua bán ngoại tệ hạn chế, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2021 giảm 0,44% so với tháng trước; giảm 0,67% so với tháng 12/2020 và giảm 0,92% so với cùng kỳ năm 2020; bình quân 8 tháng năm 2021 giảm 0,82%.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 8/2021 tăng 2,82%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.

Nhóm giao thông tăng cao nhất 13,63% so với tháng 8/2020, chủ yếu do từ tháng 9/2020 đến nay giá xăng A95 tăng 6.020 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.490 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.700 đồng/lít. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,34% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 8,88% so với cùng kỳ năm trước theo giá nguyên vật liệu đầu vào. Nhóm giáo dục tăng 3,98% do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.

Ở chiều ngược lại, nhóm văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,92% do giá du lịch trọn gói và giá khách sạn, nhà khách giảm khi chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,85% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.

So với tháng 12/2020, CPI tháng Tám tăng 2,51%, trong đó có 9 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm hàng giảm giá (Nhóm bưu chính, viễn thông và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm lần lượt 0,63% và 0,38%).

Nhóm giao thông tháng 8/2021 tăng cao nhất với 11,65% do giá xăng, dầu trong nước từ đầu năm đến nay đã điều chỉnh 14 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 4.660 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 4.380 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.290 đồng/lít. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,35% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,84% so với tháng 12 năm trước theo giá nguyên vật liệu đầu vào. Nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 1,59% do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán và trong những tháng hè có thời tiết nắng nóng kéo dài.

II. CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG 8 THÁNG NĂM 2021

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất kể từ năm 2016.

1. Một số nguyên nhân làm tăng CPI trong 8 tháng năm 2021

– Trong 8 tháng, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 14 đợt làm cho giá xăng A95 tăng 4.660 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 4.380 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 3.290 đồng/lít. So với cùng kỳ năm trước, giá xăng dầu trong nước bình quân 8 tháng năm nay tăng 22,86%, làm CPI chung tăng 0,82 điểm phần trăm.

– Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới. Trong 8 tháng năm 2021, giá bán lẻ gas trong nước được điều chỉnh tăng 6 đợt và giảm 2 đợt, bình quân 8 tháng giá gas tăng 20,26% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm.

– Giá dịch vụ giáo dục 8 tháng tăng 4,44% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm) do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020-2021 theo lộ trình của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.

– Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao làm cho giá gạo 8 tháng năm 2021 tăng 6,68% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,17 điểm phần trăm).

– Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 8 tháng năm nay tăng 6% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, góp phần làm CPI chung tăng 0,12 điểm phần trăm.

2. Một số nguyên nhân làm giảm CPI trong 8 tháng năm 2021

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước như sau:

– Giá các mặt hàng thực phẩm 8 tháng giảm 0,38% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm, trong đó giá thịt lợn giảm 6,49%; giá thịt gà giảm 1,34%.

– Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II (bắt đầu giảm từ tháng 5/2020), quý IV năm 2020 (được thực hiện vào tháng 1/2021) và giảm giá điện, tiền điện cho người dân tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại kỳ hóa đơn tháng 8/2021. Do đó, giá điện sinh hoạt bình quân 8 tháng năm 2021 giảm 0,83% so với cùng kỳ năm 2020, tác động làm CPI chung giảm 0,03 điểm phần trăm.

– Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người dân hạn chế đi lại, theo đó giá vé tàu hỏa 8 tháng giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; giá vé máy bay giảm 19,85%; giá du lịch trọn gói giảm 2,76%.

– Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành các cấp đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định giá cả thị trường.

III. LẠM PHÁT CƠ BẢN

Lạm phát cơ bản[7] tháng 8/2021 giảm 0,02% so với tháng trước, tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,79%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu, điện và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng Tám và 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.

[1] Tốc độ tăng CPI bình quân 8 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2016-2021 lần lượt là: tăng 1,91%; tăng 3,84%; tăng 3,52%; tăng 2,57%; tăng 3,96%; tăng 1,79%.

[2] Tháng 8/2021, chỉ số giá lương thực khu vực thành thị tăng 0,94% so với tháng trước và khu vực nông thôn tăng 0,5%; chỉ số giá thực phẩm khu vực thành thị tăng 1,88% và khu vực nông thôn tăng 0,18%.

[3] Tốc độ tăng chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng Tám so với tháng trước của một số địa phương: Cần Thơ tăng 3,99%; Vũng Tàu tăng 3,22%; Đà Nẵng tăng 2,65%; Bình Dương tăng 2,62%; Hà Nội tăng 2,21%; Vĩnh Long tăng 1,82%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,68%; Đồng Nai tăng 1,47%; Bến Tre tăng 1,09%.

[4] Chỉ số sản xuất sản phẩm thuốc lá điếu tháng 8/2021 ước tính giảm 3,1% so với tháng trước, giảm 23,8% so với tháng 8/2020, 8 tháng năm 2021 giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

[5] Ước tính tổng số lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 8/2021 tăng 4,5% so với cùng thời điểm năm 2020.

[6] Chỉ số giá điện sinh hoạt tháng 8/2021 được tính dựa trên doanh thu và sản lượng điện tiêu dùng từ ngày 01-31/7/2021, do đó phản ánh biến động trễ một tháng so với các mặt hàng khác.

[7] CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục.

Từ khóa » Chỉ Số Giá Năm 2011 Là 140 Có Nghiã Là