Chỉ Số Glucose Trong Nước Tiểu Là Bao Nhiêu? Lưu ý Khi Làm Xét ...

Chỉ số glucose trong nước tiểu phản ánh sự bình thường hoặc bất thường của hàm lượng đường có trong nước tiểu. Từ đó giúp chẩn đoán bệnh tiểu đường và theo dõi hiệu quả của quá trình điều trị. Vậy giá trị của chỉ số glucose niệu khi nào là bình thường, khi nào là bất thường và cần lưu ý những gì khi làm xét nghiệm glucose trong nước tiểu? Mọi thắc mắc sẽ được đội ngũ Dược sĩ MyPharma giải đáp thông qua bài viết dưới đây.

Nội dung bài

  • 1. Xét nghiệm chỉ số glucose trong nước tiểu là gì?
  • 2. Ý nghĩa chỉ số glucose niệu trong nước tiểu
  • 3. Những điều cần chuẩn bị trước khi xét nghiệm chỉ số glucose trong nước tiểu
  • 4. Các bước xét nghiệm chỉ số glucose nước tiểu
  • 5. So sánh xét nghiệm chỉ số glucose trong nước tiểu với xét nghiệm chỉ số glucose trong máu
  • 6. Giải đáp thắc mắc về chỉ số glucose trong xét nghiệm nước tiểu
    • 6.1. Chỉ số glucose trong nước tiểu khi mang thai bao nhiêu là bình thường
    • 6.2. Đường trong nước tiểu cao khi mang thai có nguy hiểm không

1. Xét nghiệm chỉ số glucose trong nước tiểu là gì?

Xét nghiệm glucose nước tiểu

Xét nghiệm glucose nước tiểu giúp đánh giá nồng độ đường niệu đang ở mức bình thường hay cao bất thường

Glucose là một monosaccarit, loại đường được sử dụng để tạo năng lượng cung cấp cho cơ thể. Xét nghiệm chỉ số glucose nước tiểu (Glucose urine test) còn gọi là xét nghiệm glucose niệu. Đây là biện pháp đơn giản và nhanh chóng để định lượng glucose trong nước tiểu, giúp đánh giá nồng độ đường niệu đang ở mức bình thường hay cao bất thường.

Điều này góp phần chẩn đoán bệnh tiểu đường và theo dõi hiệu quả điều trị bệnh. Tuy nhiên, hiện nay vai trò của xét nghiệm glucose nước tiểu trong sàng lọc đái tháo đường đã bị giảm đi, thay vào đó, xét nghiệm glucose máu được xem là “tiêu chí vàng” để chẩn đoán bệnh tiểu đường.

2. Ý nghĩa chỉ số glucose niệu trong nước tiểu

xét nghiệm chỉ số glucose trong nước tiểu

Chỉ số glucose trong nước tiểu liên quan chủ yếu đến nồng độ glucose trong máu và chức năng hoạt động của thận.

Nguyên nhân dẫn tới sự có mặt của glucose trong nước tiểu chủ yếu liên quan tới hai yếu tố: Nồng độ glucose trong máu và chức năng hoạt động của thận.

Trường hợp thứ nhất, thận hoạt động bình thường, nhưng lượng đường trong máu quá cao khiến thận không giữ được glucose. Trường hợp thứ hai, glucose trong máu bình thường, nhưng chức năng thận suy giảm, do đó glucose không được giữ lại trong máu. Hệ quả của cả hai trường hợp đều là sự xuất hiện glucose trong nước tiểu.

Do đó, xét nghiệm chỉ số glucose trong nước tiểu đóng vai trò phát hiện các bất thường về chức năng thận và chẩn đoán bệnh tiểu đường.

Kết quả xét nghiệm đường niệu được đánh giá là bình thường khi:

  • Với mẫu nước tiểu tại một thời điểm: Không có glucose trong nước tiểu, tức là glucose âm tính.
  • Với mẫu nước tiểu 24 giờ: Nồng độ glucose trong mẫu thử nước tiểu đo được nằm trong khoảng 0.3-7 mmol/ngày (50-300 mg/ngày).

Trường hợp glucose niệu dương tính (nồng độ glucose trong nước tiểu cao hơn mức bình thường) có thể gặp khi:

  • Mang thai: Sự thay đổi hormone thai kỳ ảnh hưởng tới sự sản xuất insulin, dẫn tới sự tăng nồng độ glucose niệu ở phụ nữ mang thai.
  • Tiểu đường: Bình thường, glucose sẽ không có hoặc có rất ít trong nước tiểu. Nhưng nếu bệnh nhân bị tiểu đường, lượng đường trong máu quá cao, thận sẽ giải phóng glucose vào nước tiểu.
  • Đường niệu do thận: Trường hợp này ít khi gặp. Nguyên nhân là do thận bị tổn thương thực thể, dẫn tới đào thải glucose trong đường tiết niệu mặc dù nồng độ đường máu ở mức bình thường.
  • Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc có khả năng làm tăng hàm lượng glucose trong máu và nước tiểu như nhóm thuốc Glucocorticoid, thuốc ngừa thai Estrogen. Do đó, nếu bạn đang sử dụng những loại thuốc trên thì nên nói với bác sĩ trước khi làm xét nghiệm chỉ số glucose trong nước tiểu.

3. Những điều cần chuẩn bị trước khi xét nghiệm chỉ số glucose trong nước tiểu

Để đảm bảo kết quả xét nghiệm chỉ số glucose trong nước tiểu có độ chính xác cao, trước khi tiến hành xét nghiệm, bạn cần:

  • Nhịn ăn tối thiểu 3 giờ: Chỉ số đường huyết sau ăn thường tăng nhẹ do các chất dinh dưỡng chuyển hóa thành glucose tạo năng lượng. Bởi vậy, nếu làm xét nghiệm trong vòng 2 giờ sau khi ăn thì kết quả thu được sẽ thiếu chính xác. 
  • Không hút thuốc, sử dụng chất kích thích: Lượng đường trong máu và nước tiểu có thể bị dao động do ảnh hưởng của thuốc lá và chất kích thích.
  • Thông báo các thuốc đang sử dụng: Một vài loại thuốc gây tác dụng không mong muốn là làm tăng đường huyết. Do đó, thông báo đầy đủ các loại thuốc đang dùng sẽ giúp bác sĩ đánh giá kết quả xét nghiệm khách quan hơn.

4. Các bước xét nghiệm chỉ số glucose nước tiểu

Các bước xét nghiệm chỉ số glucose trong nước tiểu

Xét nghiệm glucose trong nước tiểu sẽ được tiến hành tại các cơ sở y tế như phòng khám hoặc bệnh viện

Xét nghiệm glucose trong nước tiểu sẽ được tiến hành tại các cơ sở y tế như phòng khám hoặc bệnh viện. Quy trình thực hiện xét nghiệm đường niệu được triển khai theo thứ tự như sau:

  • Bước 1: Đăng ký làm xét nghiệm và tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế: Sau khi khai báo thông tin, bạn sẽ được phát một lọ đựng nước tiểu có nắp và nhãn ghi mã số hoặc tên.
  • Bước 2: Tới khu vực dành riêng lấy mẫu: Rửa tay và dùng giấy ẩm lau sạch bộ phận sinh dục.
  • Bước 3: Tiến hành lấy mẫu nước tiểu: Bỏ phần nước tiểu đầu, lấy nước tiểu giữa vào lọ đựng nước tiểu (lấy khoảng ½ lọ) rồi đậy nắp lại.
  • Bước 4: Mang lọ đựng nước tiểu xếp trên giá hoặc đưa cho nhân viên y tế.
  • Bước 5: Đợi kết quả: Xét nghiệm chỉ số glucose trong nước tiểu thường trả kết quả nhanh, chỉ trong vòng 15 phút.
  • Bước 6: Đưa kết quả cho bác sĩ.  

Đọc thêm: Xét nghiệm đường huyết bao lâu có kết quả? Lưu ý để sớm có kết quả

5. So sánh xét nghiệm chỉ số glucose trong nước tiểu với xét nghiệm chỉ số glucose trong máu

xét nghiệm chỉ số glucose trong nước tiểu với xét nghiệm chỉ số glucose trong máu

chỉ số glucose trong nước tiểu với xét nghiệm chỉ số glucose trong máu

Xét nghiệm chỉ số glucose trong nước tiểu và xét nghiệm chỉ số glucose trong máu đều được sử dụng để sàng lọc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, xét nghiệm đường niệu dùng để chẩn đoán đái tháo đường cho kết quả kém chính xác hơn xét nghiệm glucose máu.

Một số trường hợp glucose xuất hiện trong nước tiểu ngay cả khi lượng glucose trong máu đang ở mức bình thường. Nguyên nhân là do khả năng tái hấp thu của thận suy giảm, làm thận giải phóng glucose vào đường tiết niệu.

Bên cạnh đó, xét nghiệm glucose niệu sẽ không định lượng được hàm lượng glucose trong máu tại thời điểm thực hiện và không chẩn đoán được tình trạng hạ đường huyết (nồng độ glucose trong máu thấp). Xét nghiệm glucose trong nước tiểu thường được chỉ định trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ bạn bị tăng glucose niệu do bệnh ở thận.

Mời bạn tham khảo kỹ hơn:

  • Xét nghiệm glucose nước tiểu và xét nghiệm chỉ số hba1c trong máu khác nhau như thế nào?
  • Chỉ số HbA1c máu tăng trong trường hợp nào? 5 trường hợp thường gặp nhất

6. Giải đáp thắc mắc về chỉ số glucose trong xét nghiệm nước tiểu

6.1. Chỉ số glucose trong nước tiểu khi mang thai bao nhiêu là bình thường

Thực chất trong nước tiểu không có glucose, tuy nhiên, khi mang thai, glucose có thể xuất hiện trong nước tiểu. Khi đó, chỉ số đường niệu được đánh giá là bình thường khi kết quả đo được nằm trong khoảng 50-100 mg/dL (2.5-5 mmol/L) và xét nghiệm máu của thai phụ không phát hiện bất thường. Một số trường hợp xét nghiệm glucose niệu cho kết quả dương tính giả có thể do mẹ bầu ăn, uống đồ ngọt hoặc căng thẳng trước khi tiến hành xét nghiệm.

6.2. Đường trong nước tiểu cao khi mang thai có nguy hiểm không

Đường trong nước tiểu cao khi mang thai có nguy hiểm không

Nếu không kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, để nồng độ glucose trong máu tăng cao thì có thể dẫn tới những hậu quả nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi

Trường hợp kết quả xét nghiệm đường niệu cho thấy nồng độ glucose trong nước tiểu cao trên mức bình thường, mẹ bầu cần làm thêm xét nghiệm glucose trong máu để chẩn đoán tiểu đường thai kỳ. Tiểu đường thai kỳ chỉ xuất hiện khi phụ nữ mang thai và thường tự hết sau khi sinh.

Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, để nồng độ glucose trong máu tăng cao thì có thể dẫn tới những hậu quả nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi như: Tiền sản giật, sinh non, sảy thai, dị tật thai nhi, trẻ sinh ra có nguy cơ cao bị tiểu đường…

Do đó, trước và trong khi mang thai, bạn nên áp dụng các biện pháp để phòng ngừa tiểu đường thai kỳ như: Kiểm soát cân nặng, tuân thủ chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường vận động thích hợp…

Xét nghiệm chỉ số glucose trong nước tiểu giúp phát hiện sự có mặt bất thường của glucose trong nước tiểu. Nhờ vậy, bác sĩ có thể biết được bệnh nhân có nguy cơ bị tiểu đường hay không và nguyên nhân nào khiến sự dung nạp glucose bị rối loạn. Hiện nay, xét nghiệm glucose niệu ít mang ý nghĩa trong chẩn đoán tiểu đường, nhưng trong một số trường hợp, bác sĩ vẫn sẽ chỉ định bạn làm xét nghiệm này.

Để được Dược sĩ của MPSUNO hoặc siêu thị thuốc MPG tư vấn về tiểu đường, độc giả vui lòng liên hệ tổng đài 18002004 (miễn cước cuộc gọi)/ DĐ: 0962666744 (ZALO/VIBER) hoặc đặt câu hỏi TẠI ĐÂY.

0/5 (0 Reviews)

Từ khóa » định Tính Glucose Trong Nước Tiểu