Chỉ Số Hạnh Phúc Quốc Gia – Chỉ Số đánh Giá Mới Trong “quản Trị Nhà ...

(Quanlynhanuoc.vn) – Hạnh phúc là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ không ngừng của xã hội loài người. Với mức sống ngày càng được nâng cao, việc mưu cầu hạnh phúc của con người ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Bài viết phân tích vai trò của chỉ số hạnh phúc trong quản trị nhà nước tốt, từ đó đề xuất các giải pháp cải thiện chỉ số hạnh phúc quốc gia ở nước ta hiện nay.
Ảnh minh họa (internet)
Đặt vấn đề

Từ thế kỷ XXI, các nước phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Hà Lan, Nhật Bản… đều bắt đầu nghiên cứu về chỉ số hạnh phúc (CSHP) và đã tạo ra các mô hình CSHP khác nhau. Trong số những nghiên cứu định lượng đã công bố được cộng đồng thế giới và giới khoa học quan tâm, đáng chú ý hơn cả là Báo cáo CSHP hành tinh (Happy Planet Index – HPI) thuộc Quỹ Kinh tế mới (New Economics Foundation), Báo cáo của Hiệp hội điều tra và nghiên cứu thị trường Win/Gallup International thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và Báo cáo Hạnh phúc thế giới (World Happiness Report) của mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững (SDSN) thuộc Liên hiệp quốc phối hợp với Viện Nghiên cứu Trái đất thuộc Đại học Columbia, Hoa Kỳ thực hiện. Theo đó, CSHP là mô hình giúp đánh giá khách quan mức độ hạnh phúc theo nhiều khía cạnh khác nhau. Những khía cạnh này được gọi là các CSHP thành phần. Về tổng thể, có 7 chỉ số thành phần định hình nên CSHP chung đó là: (1) Hạnh phúc về mặt cảm xúc; (2) Hạnh phúc về mặt thể chất; (3) Hạnh phúc về mặt xã hội; (4) Hạnh phúc về mặt nghề nghiệp; (5) Hạnh phúc về mặt trí tuệ; (6) Hạnh phúc về mặt môi trường; (7) Hạnh phúc về mặt tinh thần.

CSHP là định hướng về những gì mà người ta thường gọi là “hạnh phúc”; là sự đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với điều kiện sống của họ dựa trên một tiêu chuẩn nhất định. CSHP được chia thành hai dạng: một là, CSHP cá nhân, gồm mức sống của chính con người, tình trạng sức khỏe, thành tựu trong cuộc sống, mối quan hệ giữa các cá nhân, tình trạng an toàn…; hai là, CSHP quốc gia, bao gồm đánh giá của người dân về tình hình kinh tế hiện tại của đất nước, điều kiện môi trường tự nhiên, điều kiện xã hội, chính phủ, điều kiện kinh doanh và điều kiện an ninh quốc gia.

CSHP là chỉ số đo lường mức độ phán đoán chủ quan về giá trị và ý nghĩa của sự hài lòng trong cuộc sống. CSHP là chỉ số phản ánh mức độ hạnh phúc của người dân, là “chỉ số” có thể đo lường trên “khuôn mặt hạnh phúc của người dân”. Trong mô hình quản trị nhà nước tốt, CSHP cá nhân có mối quan hệ biện chứng với CSHP quốc gia. Bởi, một quốc gia hạnh phúc gồm những người dân hạnh phúc. Xã hội tốt đẹp hơn bắt đầu từ việc tạo ra các cá nhân hạnh phúc và gia đình hạnh phúc. Khi mỗi người dân hạnh phúc với công việc mình làm, thái độ tích cực có thể tạo ra hiệu quả và năng suất cao hơn và khi đó GDP sẽ tự nhiên tăng trưởng.

Vai trò của chỉ số hạnh phúc quốc gia

Một quốc gia khi lấy CSHP quốc gia làm chỉ số quan trọng để đo lường sự phát triển xã hội sẽ cho thấy, hầu hết các thành viên trong xã hội đã bắt đầu thoát khỏi những ràng buộc của nhu cầu sinh tồn cơ bản và có mức độ nhu cầu cao hơn, đánh dấu sự phát triển xã hội của đất nước đã bước vào giai đoạn lịch sử mới.

Theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2021 của Liên hiệp quốc, Việt Nam tăng hạng từ thứ 83 lên 79. Đây là thứ hạng tương đối cao với một đất nước có mức thu nhập trung bình thấp. Kết quả nghiên cứu được tiến hành năm 2015 cho thấy, Việt Nam là quốc gia mà người dân sống khá lạc quan, yêu đời. Đó là lý do dẫn đến CSHP chung đạt mức 6,457 điểm trên thang điểm 10. CSHP trong lĩnh vực đời sống kinh tế – vật chất, môi trường tự nhiên (5,780 điểm) thấp hơn đáng kể so với CSHP ở lĩnh vực quan hệ gia đình – xã hội (7,182 điểm) và đời sống cá nhân (6,122 điểm)1. Điều này cho thấy, đời sống kinh tế – vật chất hiện tại chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân, nhất là người nghèo, người sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mặt khác, cũng phản ánh điều kiện xã hội khách quan để phát triển kinh tế còn có nhiều rào cản và hạn chế.

Trong quản trị nhà nước tốt, việc nghiên cứu CSHP quốc gia thông qua các cuộc điều tra và thống kê khác nhau sẽ giúp hiểu được những thay đổi trong cảm xúc và mức độ nhu cầu của người dân; nắm bắt chính xác phương hướng và yêu cầu phát triển xã hội, xây dựng các chính sách khoa học nhằm hướng đến mục tiêu phát triển của xã hội. CSHP là một chỉ số quan trọng để đánh giá sự phát triển xã hội trong quản trị nhà nước tốt. Bởi, CSHP không chỉ phản ánh mức độ hài lòng của người dân đối với sự phát triển xã hội mà còn ngày càng trở thành cơ sở quan trọng cho việc ra quyết định của các cấp chính quyền. Do đó, có thể thấy vai trò của CSHP thể hiện trên các phương diện:

Thứ nhất, CSHP là cơ sở để cân bằng các chính sách phát triển kinh tế – xã hội.

CSHP là một yếu tố tham chiếu quan trọng để chính phủ các nước xây dựng kế hoạch điều chỉnh và phát triển các chính sách xã hội cho phù hợp với nhu cầu của người dân và xã hội. Vì vậy, cần nhận định mối quan hệ biện chứng giữa CSHP và GDP. GDP là một chỉ số cứng và CSHP là một chỉ số mềm trong việc thực hiện sự thống nhất giữa phát triển kinh tế – xã hội và phát triển tổng thể của con người một quốc gia.

Từ việc đơn giản theo đuổi các chỉ số phát triển kinh tế, đặc biệt là GDP, đến việc tập trung vào các chỉ số môi trường xã hội và nhân văn bao gồm CSHP, những trải nghiệm và cảm xúc bên trong của từng cá nhân xã hội. Hay có thể nói, GDP là một chỉ tiêu định lượng tập trung vào khía cạnh vật chất. Nhưng, tăng trưởng phúc lợi quốc gia, sức khỏe thể chất và tình trạng tinh thần không thể được phản ánh đầy đủ trong số liệu GDP. Do đó, CSHP quốc gia có thể bù đắp những thiếu sót, khiếm khuyết của chỉ số GDP ở một mức độ nhất định, từ đó, làm cho chỉ số đo lường sự phát triển và tiến bộ của xã hội trở nên toàn diện, khoa học và đầy đủ hơn. Điều này được minh chứng rõ nét trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2019 đã xếp hạng CSHP của 156 quốc gia. Trong đó, một số điểm đáng chú ý sau: Phần Lan đã vượt qua Đan Mạch, Na Uy và Ai-len đứng đầu bảng xếp hạng hạnh phúc toàn cầu năm thứ hai liên tiếp. Viện Nghiên cứu Hạnh phúc có trụ sở tại Copenhagen chỉ ra rằng, Phần Lan đứng đầu danh sách hạnh phúc mặc dù không có GDP cao nhất trong số các quốc gia Bắc Âu, nhưng là nơi có thiên nhiên đẹp, dịch vụ trông trẻ giá cả phải chăng, giáo dục miễn phí, y tế được trợ cấp nhiều, mạng lưới an toàn xã hội kết hợp với tự do cá nhân, cân bằng cuộc sống và công việc2.

Tất cả những vấn đề trên đều là một chỉ số đánh giá mới về hiệu quả hoạt động quản lý của Chính phủ. Do đó, trong quản trị nhà nước tốt CSHP là cơ sở quan trọng để điều chỉnh chính sách xã hội. Các nhà hoạch định chính sách sẽ theo đuổi lợi ích cơ bản của đông đảo người dân, ngoài ra họ không có lợi ích cá nhân nào cho riêng mình. Vì vậy, tiêu chuẩn để kiểm tra các chính sách chỉ có thể là người dân có ủng hộ hay không, có đồng ý hay không đồng ý, có hài lòng hay không?

Thứ hai, CSHP là công cụ để đo lường sự tiến bộ xã hội.

Cảm xúc cá nhân của người dân là cơ sở để xây dựng và điều chỉnh các chính sách khác nhau. Đặc biệt, khi quốc gia vẫn đang trong thời kỳ chuyển đổi kinh tế – xã hội, cần hết sức lưu ý tác động của nhiều chính sách lớn đến hạnh phúc chung của người dân, chú ý đến sự khác biệt và xu hướng hạnh phúc giữa cư dân thành thị và nông thôn, cũng như hạnh phúc của các nhóm lợi ích khác nhau trong xã hội. Đồng thời, cần xem xét đầy đủ sự phối hợp và thống nhất giữa tốc độ phát triển, cường độ cải cách và hạnh phúc của người dân. Đan Mạch luôn là quốc gia xếp thứ hạng cao trong Báo cáo Hạnh phúc. Tại đất nước này, giáo dục và y tế được miễn phí cho toàn dân, tỷ lệ tội phạm thấp, mạng lưới an sinh xã hội bảo đảm, dân số có trình độ tương đồng và cuộc sống tương đối sung túc. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nước này luôn ưu tiên sự cân bằng – được xem là “công thức của hạnh phúc”3.

Vì vậy, CSHP quốc gia còn là “công cụ đo lường” cho sự tiến bộ chung của xã hội. Để đo lường sự tiến bộ của một xã hội, tiêu chí quan trọng nhất là nó có thể đáp ứng các yêu cầu cơ bản của sự phát triển toàn diện và hướng về con người hay không, có đáp ứng tốt các nhu cầu kinh tế, chính trị và văn hóa của đông đảo quần chúng hay không và liệu nó có thể phục vụ được nhiều người hay không? Đánh giá từ các tiêu chuẩn này, chỉ số GDP trước đây và các chỉ số khác chỉ phản ánh tăng trưởng kinh tế, khó có thể đo lường toàn diện trạng thái phát triển và tiến bộ xã hội và có thể dẫn đến các lựa chọn chính sách một chiều.

Thứ ba, CSHP đánh giá sự vận hành lành mạnh của xã hội.

CSHP quốc gia là một chỉ số đánh giá sự vận hành lành mạnh của xã hội. Xã hội lành mạnh là một xã hội luôn tồn tại sự bình đẳng, đặc biệt là bình đẳng giới4; là một xã hội đem lại cho chúng ta những lợi ích, như: cảm xúc, vật chất, sức khỏe. Vì vậy, chìa khóa của một xã hội lành mạnh là sự hài hòa và ổn định. Xã hội có đạt được sự hài hòa và ổn định hay không phụ thuộc rất nhiều vào hạnh phúc của đa số các thành viên xã hội. Nếu một xã hội đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh trong khi CSHP quốc gia không thể tăng lên, thậm chí giảm sút thì cần phải nghiêm túc xem xét lại xu hướng tổng thể và định hướng chính sách phát triển xã hội.

Quan sát CSHP quốc gia có thể cung cấp cơ sở để giải quyết các mâu thuẫn về vấn đề xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn xã hội có nhiều thay đổi và biến đổi, những phán đoán và lựa chọn của công dân phản ánh tác động của sự thay đổi và biến đổi xã hội ở mức độ lớn. Vì vậy, trong quá trình hội nhập và phát triển, cần sử dụng chỉ số hạnh phúc quốc gia như một chỉ số đo lường sự vận hành lành mạnh của xã hội. Niu Di-lân là một ví dụ điển hình trong việc coi hỗ trợ xã hội là một trong những yếu tố chính giúp người dân Niu Di-lân hạnh phúc. Vào tháng 5/2019, Thủ tướng Niu Di-lân, Jacinda Ardern đã giới thiệu “Ngân sách hạnh phúc quốc gia” đầu tiên trên thế giới. Ngân sách này sẽ cung cấp cho các dự án để giải quyết các vấn đề về: biến đổi khí hậu, chuyển đổi kỹ thuật số, nâng cao sức khỏe người dân, hỗ trợ nhà ở và ngăn chặn bạo lực gia đình5.

Thứ tư, CSHP quốc gia đo lường tư duy quản trị nhà nước của Chính phủ.

Để đổi mới quản trị quốc gia, đòi hỏi Chính phủ cần phải đổi mới tư duy quản trị. Theo đó, Chính phủ cần xây dựng các chiến lược quản trị cụ thể nhằm thực hiện tốt vai trò định hướng phát triển, tạo ra thể chế cho phát triển, kiến tạo ra luật chơi, sân chơi và cả người chơi phù hợp trong hành trình phát triển quốc gia. Sự tham gia của xã hội vào quá trình quản trị quốc gia như một tất yếu, mà ở đây là sự tham gia trực tiếp của người dân, của các tổ chức chính trị – xã hội vào quá trình hoạch định chính sách, thực hiện chính sách phát triển.

Chỉ số hạnh phúc quốc gia – định hướng cho sự phát triển của Việt Nam

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”6.

Nội dung nhiệm vụ đã khái quát tư tưởng lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn phát triển mới là: cải thiện CSHP quốc gia, cần phải hướng tới con người, đẩy mạnh xây dựng kinh tế, xây dựng chính trị, xây dựng văn hóa, xây dựng xã hội, xây dựng sinh thái, không ngừng nâng cao xã hội no ấm, dân chủ, văn minh. Theo đó, CSHP quốc gia có thể được định hình trên 3 khía cạnh sau:

(1) Phát triển kinh tế để không ngừng gia tăng của cải vật chất. Đây là yêu cầu cơ bản để cải thiện CSHP quốc gia. Các chuyên gia, học giả đã nhấn mạnh, điều kiện vật chất là nền tảng của cuộc sống con người, không phát triển kinh tế, nâng cao văn minh vật chất thì không nói đến hạnh phúc của con người. Nói một cách tổng thể, GDP là một chỉ tiêu quan trọng để đo lường tốc độ tăng trưởng kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân. GDP bình quân đầu người của một quốc gia hoặc khu vực càng cao thì mức độ hạnh phúc của người dân nhìn chung càng cao. Nếu không có sự phát triển kinh tế, tăng của cải vật chất và tăng thu nhập khả dụng của người dân thì sẽ khó đạt được mức tăng hạnh phúc quốc gia và tăng CSHP. Vì vậy, phải thực hiện đúng kỳ vọng mới của Nhân dân các dân tộc về cuộc sống tốt đẹp hơn, lấy phát triển là ưu tiên hàng đầu, giữ vững trọng tâm xây dựng kinh tế, phấn đấu phát triển kinh tế nhanh, ổn định lâu dài, không ngừng nâng cao sức mạnh kinh tế và tăng nguồn của cải, vật chất.

(2) Chú trọng phát triển xã hội thông qua tập trung vào cải thiện dân sinh. Đây là mắt xích chính để cải thiện CSHP quốc gia. Sự thay đổi trong CSHP quốc gia có thể phản ánh từ khía cạnh sự hài lòng của người dân đối với sự phát triển kinh tế – xã hội cũng như điều kiện sống của chính họ. Tương tự, nỗ lực bảo vệ và cải thiện sinh kế của người dân có thể làm tăng CSHP quốc gia một cách hữu hình. Cần lưu ý rằng vấn đề mất cân đối, thiếu đồng bộ, thiếu bền vững trong phát triển nước ta hiện nay đang còn nhiều bất cập. Vấn đề môi trường đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của người dân. Vì vậy, trong khi phát triển mạnh mẽ nền kinh tế, chúng ta phải bám sát mục tiêu xây dựng không gian xanh cùng với đẩy mạnh chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế là chủ đạo.

Đẩy mạnh xây dựng xã hội với nâng cao dân sinh là trọng tâm, giải quyết có hiệu quả giáo dục, y tế. Đối với các vấn đề sinh kế như nhà ở, việc làm, an sinh xã hội và phân phối thu nhập, nước ta cố gắng bảo đảm sự phát triển là vì người dân, sự phát triển phụ thuộc vào người dân và thành quả của sự phát triển được chia sẻ bởi người dân.

(3) Môi trường bền vững. Đây là một trong những chỉ tiêu được coi trọng trong CSHP hành tinh (HPI). Nếu quốc gia đánh đổi nhiều tài nguyên để có “một đồng tăng trưởng” sẽ khiến cho GDP tăng trưởng nhưng người dân cảm thấy không hạnh phúc bởi khói bụi công nghiệp, chất thải, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe  và sự cảm nhận về hạnh phúc của người dân.

Như vậy, CSHP quốc gia hướng đến mục đích khuyến cáo cho các chính phủ: cần phát triển kinh tế bền vững song song với việc  quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam phải lấy mục tiêu phát triển bền vững để xây dựng và bảo vệ đất nước. Mục tiêu này phải được thực hiện thông qua các giải pháp quản lý phát triển xã hội hiệu quả để giải quyết hài hòa quan hệ xã hội, bảo đảm sự ổn định và phát triển xã hội bền vững, kiểm soát và xử lý rủi ro, bảo đảm người dân đều được tự do, bình đẳng cơ hội và điều kiện phát triển toàn diện.

Chú thích: 1. Việt Nam xếp 94 trong bảng xếp hạng hạnh phúc gồm 156 quốc gia. https://vnexpress.vn, ngày 20/3/2019. 2. John F. Helliwell, Richard Layard and Jeffrey D. Sachs, World Happiness Report, 2019. 3. Dương Ngọc Hồng. Nghiên cứu về Báo cáo hạnh phúc – Bài học kinh nghiệm từ những quốc gia trên thế giới. Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, 2020. 4. Healthy Relationship: Định nghĩa và dấu hiệu nhận biết. https://anhdao, ngày 18/7/2018. 5. “Ngân sách hạnh phúc” của New Zealand. https://nhandan.vn, ngày 24/6/2019. 6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 202. Tài liệu tham khảo: 1. United Nations – Sustainable Development Solutions Network, Defining a New Economic Paradigm: The Report of the High-Level Meeting on Wellbeing and Happiness, 2012.
TS. Nguyễn Thị Ngọc Mai Trường Đại học Nội vụ Hà NộiThS. Nguyễn Phan Diệu Linh Trường Đại học Luật Hà Nội

Từ khóa » Chỉ Số Hạnh Phúc