Chỉ Số Nasdaq Phá Ngưỡng 15.000 điểm, Liệu Dow Jones Có “nối Gót”?

Zalo Facebook Twitter Lưu bài viết Bản in Copy link Chỉ số Nasdaq phá ngưỡng 15.000 điểm, liệu Dow Jones có “nối gót”? ảnh 1(Nguồn: marketwatch.com)

Dường như không gì có thể ngăn cản thị trường chứng khoán “thăng hoa” trong bối cảnh chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lần đầu tiên vượt ngưỡng 15.000 điểm hôm 24/8 nhờ sự tiếp sức mạnh mẽ từ các mã cổ phiếu công nghệ như Microsof, Nvidia và Googl thuộc sở hữu Alphabet.

Đây là một mức tăng đáng kinh ngạc đối với chỉ số Nasdaq kể từ khi thị trường chứng khoán chạm đáy hồi cuối tháng 3/2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã gây ra một đợt bán tháo trong thời gian ngắn.

Chỉ số S&P 500 đã tăng khoảng 0,2% và cũng ghi nhận mức cao kỷ lục mới. Chỉ số này đang áp sát mốc 4.500 điểm. Và sau đó là chỉ số công nghiệp Dow Jones, chỉ số được quan tâm nhiều nhất trên Phố Wall, được cấu thành bởi cổ phiếu của các doanh nghiệp nổi tiếng như Apple, Coca-Cola, Disney, Johnson & Johnson, Walmart và 25 gã khổng lồ khác của ngành công nghiệp Mỹ.

Trong phiên 24/8 chỉ số này đã tăng hơn 30 điểm (0,1%) và áp sát cao kỷ lục mới. Chỉ số này cũng đang tiến đến một cột mốc đáng chú ý, một cột mốc đã hình thành hơn 20 năm qua.

[Chỉ số Nasdaq cao kỷ lục trước diễn biến mới tại Afghanistan]

Chỉ số Dow Jones hiện còn cách mức “đỉnh” 36.000 điểm khoảng hơn 600 điểm. Dow Jones chỉ cần tăng khoảng 2% để chạm đến mốc này.

Tại sao con số 36.000 điểm lại có ý nghĩa? Bởi đây là dự đoán của nhà báo James Glassman và nhà kinh tế học Kevin Hassett, người sau này nổi tiếng với tư cách là cố vấn kinh tế cấp cao của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Chỉ số Nasdaq phá ngưỡng 15.000 điểm, liệu Dow Jones có “nối gót”? ảnh 2Giao dịch viên tại Sàn giao dịch Chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vào thời điểm cuốn sách có tựa đề ''Dow 36.000 điểm: Chiến lược mới để thu lợi nhuận từ sự trỗi dậy sắp tới trên thị trường chứng khoán'' của các tác giả Hassett và Glassman được xuất bản, chỉ số Dow Jones chỉ dao động trên mốc 10.000 điểm trong tháng 10/1999. Chỉ số này đã đạt “đỉnh” trên 11.400 điểm vào đầu năm 2000. Hai ông Hassett và Glassman từng dự đoán rằng chỉ số Dow Jones có thể đạt 36.000 điểm vào năm 2005.

Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Thị trường chứng khoán đã giảm mạnh trong những tháng cuối năm 2000 khi bong bóng dot-com vỡ, tiếp đó chứng kiến đà sụt giảm một lần nữa sau vụ khủng bố 11/9 dẫn đến suy thoái kinh tế. Tâm lý nhà đầu tư càng thêm suy sụp bởi các vụ bê bối kế toán tại Enron, Worldcom và Tyco, vốn được coi là những nhà dẫn đầu thị trường. Chỉ số Dow Jones đã chạm mức thấp nhất khoảng 7.200 điểm trong năm 2002.

Thi trường chứng khoán đã không trở lại mức trước khi bong bóng vỡ cho đến năm 2006. Không lâu sau đó, thị trường đã đạt đỉnh trở lại vào tháng 10/2007 khi thị trường nhà ở bắt đầu được tháo gỡ. Tiếp theo đó là sự sụp đổ của Lehman Brothers, một trong những ngân hàng đầu tư lớn của Mỹ, năm 2008 và cuộc đại suy thoái. Chỉ số Dow Jones giảm xuống còn 6.470 điểm trong tháng 3/2009 trước khi chạm đáy.

Với sự bấp bênh đó, nếu chỉ số Dow Jones tiếp tục tăng và cuối cùng ứng nghiệm với dự đoán của các tác giả Glassman và Hassett, thị trường cho rằng việc chạm vào mốc 36.000 điểm đến muộn còn hơn không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Từ khóa » Goo.gl Là Gì