CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

V/v Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng

          Qua 6 năm (1997-2003) triển khai thực hiện Chỉ thị 286 và 287/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng và truy quét các cá nhân, tổ chức phá hoại rừng, toàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định : Hoàn thành việc phân định ranh giới đất nông nghiệp, lâm nghiệp; giao, cho thuê và xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các chủ rừng đạt 96,7% diện tích đất lâm nghiệp; giao khoán 40% diện tích rừng cho các hộ gia đình, quản lý bảo vệ; giao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng cho cấp xã đạt 94% diện tích rừng và đất lâm nghiệp; cơ bản chấm dứt được nạn khai thác nhựa thông, khai thác và buôn bán gỗ tròn cắt ngắn trái phép; buôn bán và trưng bày công khai các sản phẩm từ động vật hoang dã; hạn chế sử dụng củi, than khai thác từ rừng làm chất đốt cho sản xuất. Đã liên tục thực hiện các đợt truy quét, xử lý kiên quyết, nghiêm minh theo pháp luật đối với tổ chức, cá nhân xâm hại tài nguyên rừng...

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số hạn chế, tồn tại : ở một số khu vực giáp ranh trong và ngoài tỉnh rừng vẫn bị chặt phá mạnh; hiện tượng săn bắt, buôn bán và kinh doanh các sản phẩm từ động vật hoang dã, buôn bán lâm sản và các loại gỗ vẫn xảy ra ở nhiều nơi; ở một số nơi, đồng bào dân tộc tại chỗ và dân di tự do vẫn phá rừng làm rẫy, lấy đất ở; việc xử lý vi phạm trong quản lý bảo vệ rừng còn nhiều lúng túng, chưa ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm phá rừng và lấn chiếm đất rừng.

          Quán triệt Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg ngày 16/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng, và căn cứ tình hình thực tiễn địa phương, UBND tỉnh chỉ thị các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt thực hiện tốt các nội dung sau :

1/-Tổ chức tuyên truyền, kiểm tra truy quét:

          1.1/-UBND các huyện, thị, thành và ngành chức năng phải tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị 12/2003/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện và kịp thời phản ảnh các trường hợp khẩn cấp với cấp ủy địa phương để cấp ủy thống nhất chỉ đạo giải quyết ngay từ khi phát sinh tình hình .

          1.2/-UBND các huyện, thị, thành và ngành chức năng chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan báo, đài tổ chức tuyên truyền với nhiều loại hình đến mọi đối tượng và tầng lớp nhân dân (tập trung vào vùng đồng bào dân tộc, cư dân sống gần rừng ) về công tác bảo vệ rừng, gồm nội dung Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các Quyết định, Chỉ thị của UBND tỉnh liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua. Tiếp tục đẩy mạnh vận động các cộng đồng dân cư xây dựng, thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng, ký cam kết bảo vệ rừng đến hộ gia đình, cá nhân; thống kê các đối tượng chuyên hoạt động nghề rừng trái phép để giáo dục cá biệt.

          1.3/-Tổ chức Ban chỉ đạo và lực lượng kiểm tra truy quét:

          a-Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 12/2003/CT-TTg trên cơ sở kiện toàn Ban chỉ đạo 287/TTg các cấp trước đây, thành phần gồm Chủ tịch UBND làm trưởng ban, lãnh đạo Kiểm lâm làm phó ban trực, đại diện các cơ quan Công an, Quân sự, Nông nghiệp-Địa chính là thành viên; mời tham gia Ban chỉ đạo có đại diện cơ quan Kiểm sát, Tư pháp, Tài chính.

          Ban chỉ đạo phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để chủ động thực hiện, đối với các vụ việc khẩn cấp các thành viên trong phạm vi trách nhiệm được phân công phải báo cáo về trưởng ban hoặc phó ban trực để kịp thời xử lý. Định kỳ hàng tháng phải kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện, chỉ đạo hoạt động tháng tiếp theo và báo cáo kết quả hoạt động lên Ban chỉ đạo cấp trên.

          b-Thành lập Đội thường trực kiểm tra truy quét thực hiện Chỉ thị 12/2003/CT-TTg trên cơ sở củng cố tổ chức Đội thường trực kiểm tra, truy quét 287-TTg cấp huyện, tỉnh. Thành phần chủ yếu gồm lực lượng Kiểm lâm, Quân đội, Công an. Tùy theo từng vụ việc cụ thể cần thiết, mời các ngành chức năng cùng tham gia. Đội có nhiệm vụ tập trung thực hiện kiểm tra, truy quét triệt phá lâm tặc (ngoài các hoạt động kiểm tra bình thường của lực lượng Kiểm lâm và chủ rừng thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ); đảm bảo thường trực, cơ động theo yêu cầu công việc, không phụ thuộc vào giờ hành chính. Các ngành cử cán bộ, chiến sĩ tham gia Đội theo chế độ biệt phái và tập trung trong suốt thời gian hoạt động kiểm tra truy quét.

          1.4/-Giao trách nhiệm tổ chức truy quét các khu vực trọng điểm:

          a-Các khu vực giáp ranh các huyện trong tỉnh : Giao các huyện trong vùng giáp ranh chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra triệt phá dứt điểm trong năm 2003, cụ thể như sau :

-Khu vực cầu DarLe-Tam Bố, giao 2 huyện Đức Trọng, Di Linh .

-Khu vực Lộc Tân-Đại Lào, giao huyện Bảo Lâm, thị xã Bảo Lộc.

-Khu vực Suối lạnh-Đambri chân đèo Bảo Lộc, giao huyện Đạ Huoai.

-Khu vực Tân Thượng-Đan Phượng, giao 2 huyện Di Linh, Lâm Hà.

Ngoài các khu vực trên, các huyện, thị, thành chủ động tổ chức kiểm tra truy quét các tụ điểm khai thác, mua bán lâm sản trái phép; săn bắt, kinh doanh chế biến động vật hoang dã trái phép trong phạm vi, địa bàn quản lý.

Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo các ngành chức năng và cấp xã phối hợp điều tra thống kê những đối tượng cầm đầu, chủ mưu khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản, động vật hoang dã  trái phép; những đối tượng chuyên vào rừng khai thác lâm sản trái phép để có biện pháp đấu tranh, răn đe, giáo dục cụ thể. Hàng tháng phải báo cáo về kết quả theo dõi hoạt động và xử lý vi phạm đối với các đối tượng này với chủ tịch UBND cấp huyện.

b-Các khu vực giáp ranh tỉnh ngoài : Giao cho Đội thường trực kiểm tra truy quét của tỉnh do Chi cục Kiểm lâm chủ trì tổ chức lực lượng, Công an tỉnh trực tiếp chỉ huy; phối hợp với lực lượng 287 thường trực của tỉnh bạn để kiểm tra truy quét triệt phá ngay trong năm 2003 tại các khu vực trọng điểm sau :

-Khu vực Ya hoa-Đơn Dương-Lâm Đồng giáp ranh với Ninh Sơn-Ninh Thuận.

-Khu vực Di Linh và Đức trọng-Lâm Đồng giáp ranh với Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc -Bình Thuận.

Ngoài ra, đội thường trực kiểm tra truy quét của tỉnh còn có trách nhiệm hỗ trợ các huyện trong tỉnh khi có yêu cầu.

Bộ chỉ huy quân sự tỉnh lập kế hoạch tổ chức hành quân dã ngoại, kết hợp với việc truy quét lâm tặc vùng giáp ranh.

Sở Thương mại-Du lịch phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các đơn vị chủ rừng tăng cường kiểm tra đôn đốc các đơn vị, cá nhân nhận rừng kinh doanh du lịch thực hiện việc tuần tra bảo vệ rừng ; đồng thời chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường kết hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt kiểm tra các nhà hàng, quán ăn để xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh đặc sản động vật hoang dã .

1.5/-Xử lý vi phạm : Các cơ quan điều tra, xét xử căn cứ vào kế hoạch phối hợp UBND tỉnh đã ban hành, thông báo phối hợp liên ngành đã ký kết, tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, ngành Lâm nghiệp kịp thời tiến hành điều tra và đưa ra xét xử nghiêm các đối tượng vi phạm trong lãnh vực bảo vệ và phát triển rừng.

a-Đối với lâm tặc, những đối tượng tiếp tay, bao che, dung túng cho các hoạt động khai thác, buôn bán lâm sản trái phép; hủy hoại rừng; săn bắt, buôn bán, kinh doanh động vật hoang dã trái phép: Phải xử phạt nghiêm khắc theo mức độ vi phạm và áp dụng các hình thức phạt bổ sung, các biện pháp khác; nếu vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

b-Đối với vi phạm phá rừng để lấy đất làm vườn rẫy, đất ở :

-Đối tượng là dân tại chỗ: Xử lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại công văn số 1571/UB ngày 26/5/2003 về việc tiếp tục ngăn chặn, xử lý vi phạm trong phát rừng làm rẫy trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

-Đối với dân di cư tự do : Phải có biện pháp đưa vào các khu quy hoạch định canh định cư. Trường hợp không chấp hành, tổ chức cưỡng chế theo điểm b mục 1 Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg ngày 16/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

-Đối với các đối tượng cầm đầu tổ chức hoặc xúi dục phá rừng, cố ý phá rừng để mua bán đất, phải xét xử lý nghiêm minh theo pháp luật hiện hành.

c-Thu hồi giấy phép lái xe của những lái xe trực tiếp tham gia vận chuyển lâm sản trái phép; kiểm tra, xử lý thu hồi giấy phép kinh doanh của các cơ sở chế biến lâm sản mua bán, chế biến lâm sản trái phép và các cửa hàng ăn uống, quán ăn, điểm du lịch buôn bán, chế biến từ thịt các loại động vật hoang dã, quý hiếm.

2/-Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng:

          2.1/-Tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp ở các cấp, các ngành :

          a-Từ năm 2003, để bảo đảm thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của tỉnh Lâm Đồng đã được Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị, thành không lập thủ tục điều chỉnh phân định ranh giới đất lâm nghiệp-đất nông nghiệp ( trừ trường hợp đặc biệt ). Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm tra hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh để có kế hoạch, biện pháp chỉ đạo tổ chức lại sản xuất; tập trung đầu tư máy móc, thiết bị để tăng năng lực chế biến tinh từ nguyên liệu gỗ tạp, gỗ lá rộng các loại; đồng thời có chính sách khuyến khích đầu tư, chế biến, tiêu thụ gỗ rừng trồng thay thế gỗ rừng tự nhiên.

          b-Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Địa Chính và UBND cấp huyện tiến hành rà soát lại việc phân cấp quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho cấp xã. Nơi nào chưa có quyết định giao hoặc đã có quyết định giao cho cấp xã quản lý nhưng chưa có hồ sơ, bản đồ thì phải thực hiện hoàn chỉnh trong năm 2003. Đối với 20 xã mới chia, tách thành lập mới cũng phải nhanh chóng khảo sát lập hoàn chỉnh hồ sơ, bản đồ để giao quản lý theo phân cấp.

          c-Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn theo quy định tại quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh về công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn. Hàng tháng phải báo cáo chủ tịch UBND tỉnh về toàn bộ hoạt động quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý của cấp huyện.

          2.2/-Nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp :

          a-Sở Địa chính tiếp tục rà soát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các chủ rừng với diện tích rừng và đất lâm nghiệp còn lại là  110.828 ha nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ rừng và địa phương thực hiện việc quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng hiệu quả.

          b-UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc phải tổ chức thực hiện việc đóng mốc phân định ranh giới đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp trên địa bàn và thông báo rộng rãi cho dân cư trong vùng biết để thực hiện .

          2.3/-Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát việc thực hiện giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh; tổ chức rút kinh nghiệm và tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị chủ rừng rà soát lại các hợp đồng khoán bảo vệ rừng để thanh lý, ký kết hợp đồng phù hợp và mang lại hiệu quả thiết thực; đồng thời chỉ đạo khoán bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng giao khoán cho cộng đồng dân cư thôn, bản, khu phố để hình thành các tổ đội quản lý bảo vệ rừng. Bảo đảm chủ rừng và người nhận khoán phải là người đầu tiên ngăn chặn phát hiện các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Chủ rừng nào để rừng bị phá, bị cháy mà không ngăn chặn và báo cáo kịp thời thì tùy theo mức độ sẽ bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định.

          2.4/-Chi cục Kiểm lâm tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ cấp xã, thôn về công tác quản lý bảo vệ rừng để nâng cao kiến thức trong  thực hiện và vận động nhân dân trên địa bàn cùng thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn UBND cấp huyện, các đơn vị chủ rừng triển khai thực hiện tốt các nội dung tại thông báo số 84/TB-VPCP ngày 17/6/2003 của Văn phòng Chính phủ về ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị triển khai Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

          2.5/-Giao giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm quy định hình thức xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Kiên quyết xử lý nghiêm minh những cán bộ, đơn vị thiếu tinh thần trách nhiệm để rừng bị phá, bị khai thác trái phép; gỗ, lâm sản bị buôn bán, vận chuyển trái phép thuộc phạm vi trách nhiệm của mình mà không phát hiện, xử lý hoặc không báo cáo cấp thẩm quyền để chỉ đạo, xử lý kịp thời.

          2.6/-Sở Tài chính-Vật giá chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối đảm bảo kinh phí cho các ngành, địa phương tổ chức thực hiện Chỉ thị.

UBND Tỉnh yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể, chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc, thành phố Đà Lạt triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Giao Chi cục Kiểm lâm thường xuyên theo dõi, đôn đốc và định kỳ hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện về UBND Tỉnh./-

Từ khóa » đà Lạt áp Dụng Chỉ Thị 16