Chi Tiết Cảng Hiệp Phước Nhà Bè Và Tiềm Năng Khai Thác Kinh Tế

Cuối những năm 1990, hệ thống giao thông trong nội đô khá phức tạp khiến các xe tải lớn vận chuyển hàng hóa khó tiếp cận các cảng biển thuộc hệ thống cảng Sài Gòn, gây trở ngại trong việc giao thương hàng hóa. Từ đó, thành phố đề xuất kế hoạch phải xây dựng các cảng mới, trong đó có cảng Hiệp Phước. Từ đó, Cảng Hiệp Phước Nhà Bè là một trong những cảng nổi tiếng tại TP.HCM. Với sự phát triển không ngừng, cảng Hiệp Phước được đưa vào quy hoạch đô thị, trở thành cửa ngõ giao thương trung chuyển hàng hóa quan trọng của khu vực phía Nam.

Vậy Cảng Hiệp Phước Nhà Bè ở đâu, Quy hoạch như thế nào? Tiềm năng khai thác và thúc đẩy phát triển kinh tế ra sao? chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết chi tiết bên dưới:

Cảng Hiệp Phước nằm ở đâu?

Là một cảng thuộc cụm cảng Sài Gòn, tân cảng Hiệp Phước nằm trên sông Soài Rạp, huyện Nhà Bè, TP.HCM, phục vụ cho hoạt động vận chuyển hàng hóa khu vực TP.HCM và miền Tây Nam Bộ.

Cảng Hiệp Phước Nhà Bè.

Hiện nay, cảng Hiệp Phước được coi là một trong những đặc khu cảng biển lớn nhất khu vực Đông Nam Á và trở thành 1 trong 3 chân kiềng vững chãi của khu Nam Sài Gòn, cùng với khu chiết xuất Tân Thuận và khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Quy hoạch cụm cảng Hiệp Phước được điều chỉnh ra sao?

Khu công nghiệp Cảng Hiệp Phước vừa được UBND TP điều chỉnh quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000, tổng diện tích của khu công nghiệp khoảng 1.740,66 ha, dân số có quy mô là 95.000-120.000. Theo kế hoạch điều chỉnh, quy mô cảng Hiệp phước được cho là rất lớn với đa dạng ngành nghề, sản phẩm và đặc biệt cảng và vân tải đường thủy. Quy hoạch cụm cảng Hiệp Phước bao gồm các khu chức năng: Khu nhà máy, các xí nghiệp sản xuất, khu cảng và công trình dịch vụ cảng, logistics; kho tàng theo dạng phân lo, Hệ thống các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, các công trình hành chính quản lý dịch vụ và khuôn viên cây xanh, công viên, hạ tầng giao thông.

Quy mô cảng Hiệp Phước được chia làm 4 khu chính (3 giai đoạn và khu cảng hạ lưu):

Khu 1 ( quy mô 311,4 ha thuộc giai đoạn 1) đây là khu dành cho các khu công nghiệp có lượng khí thải lớn, ảnh hưởng tới khí hậu của thành phố, và có nhu cầu sử dụng diện tích đất lớn. Các loại hình công nghiệp tại khu 1 gồm có: kho cảng vận chuyển bằng đường thủy, công nghiệp dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp và công nghiệp phụ trợ.

Khu 2 (Giai đoạn 2 với quy mô 651,66 ha) là khu công nghiệp có nhu cầu sử dụng diện tích đất lớn và có điều kiện tập trung để xử lý chất thải (khói, bụi, nước), chủ yếu bao gồm: công nghiệp gắn liền với vận tải thủy (kho, cảng) và công nghiệp đóng, sửa chữa tàu thuyền phục vụ ngành đường biển có quy mô lớn.

Quy Hoạch Cảng Hiệp Phước Nhà Bè

Khu 3 (quy mô 392,89 ha thuộc giai đoạn 3): là khu tập trung các ngành công nghiệp-dịch vụ cảng logistics, các ngành đòi hỏi công nghệ kỹ thuật tiên tiến, sử dụng lượng chất xám cao, công nghệ cao, công nghệ sạch. Khu 3 là khu vực công nghệ không làm ảnh hưởng tới môi trường, liên quan tới vận tải đường thủy, các hoạt động cảng cũng như các loại hình dịch vụ cảng Logistics.

Khu 4 (Khu cảng hạ lưu Hiệp Phước với quy mô 384,71 ha) là khu cảng phục vụ cho công tác di dời các cảng ở nội thành ra khu vực Hiệp Phước, được quy hoạch với quy mô lớn, hiện đại, làm đầu mối trung chuyển phục vụ khu vực thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long. Gắn kết chặt chẽ với khu công nghiệp Hiệp Phước, với tính chất là khu logistics, hỗ trợ các dịch vụ cảng Logistics.

Tiềm năng khai thác kinh tế của cảng Hiệp Phước

Nâng cấp, cải tạo hàng loạt dự án giao thông quanh khu vực cảng Hiệp Phước

Một trong những vấn đề được ưu tiên giải quyết trong quá trình xây dựng cảng Hiệp phước là nạo vét lòng sông Soài Rạp. Sau khi dự án nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2 được hoàn tất, lòng sông Soài Rạp có độ sâu 9m, có thể đón được tàu tải trọng 50.000 tấn (giảm tải). Dự kiến trong tương lai, sông sẽ được nạo sâu đến 12m để có thể đón tàu 70.000 tấn vào cảng. Đồng thời, cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông đường bộ dẫn đến cảng Hiệp Phước, trong đó có tuyến đường Nguyễn Văn Tạo - chạy thẳng xuống khu đô thị Long Hậu, cảng Hiệp Phước. Đường Nguyễn Văn Tạo sẽ mở rộng lên 6-8 làn xe, trải qua cầu Bà Chiêm, đại lộ Nguyễn Văn Linh, kết nối cầu Kênh Tẻ tới đường Nguyễn Hữu Thọ nên có tiềm năng phát triển rất lớn. Có thể nói, mạng lưới giao thông phát triển từ cảng Hiệp Phước khá thuận tiện, tạo điều kiện cho giao thương hàng hóa dễ dàng hơn.

Ngoài ra, nhiều dự án giao thông trọng điểm gần cảng đều được quan tâm như dự án trục Bắc – Nam với tổng số vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng. Tuyến đường này kéo từ cầu Kênh Tẻ đến cảng Hiệp Phước, rộng 40m. Hay tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Tạo được nâng cấp lên 6 làn xe. Đáng chú ý nhất là tuyến metro số 4 kết nối quận 12 với khu đô thị Hiệp Phước, tuyến đường Lê Văn Lương giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Cần Giuộc (Long An) về trung tâm TP.HCM.

Khu kinh tế trọng điểm của Nam Sài Gòn

Tân cảng Hiệp Phước không đơn thuần là địa điểm phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa mà còn là nơi tập trung dịch vụ logistic hoàn hảo và trở thành khu kinh tế trọng điểm phía Nam của thành phố. Các hoạt động thương mại, dịch vụ tại cảng khá đa dạng, bao gồm:

• Bốc xếp, đóng gói hàng hoá

• Dịch vụ giao nhận kho bãi

• Cho thuê phương tiện thiết bị

• Dịch vụ cung ứng tàu biển

• Dịch vụ logistics

Cảng Hiệp Phước là nơi tập trung dịch vụ logistic kinh tế trọng điểm phía Nam

Quy hoạch Đô thị cảng Hiệp Phước

Cảng Hiệp Phước được đưa vào quy hoạch đô thị, thuộc Khu đô thị cảng Hiệp phước với tổng với quy mô 3.900ha. Dự án bao gồm khu công nghiệp (1.300ha), khu đô thị (1.354ha) và khu cảng (384,71ha). Đây sẽ là khu đô thị gắn với cảng biển, tạo động lực mở rộng không gian đô thị TP.HCM ra biển dựa trên nguyên tắc là thích ứng với dự báo biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng nhằm mục tiêu phát triển bền vững. Dựa trên nguyên tắc này, hàng loạt các giải pháp cụ thể được đưa ra như hạn chế tối đa việc san lấp kênh rạch, tạo hồ nước, xây dựng đô thị tập trung, làm đê bao, đảm bảo diện tích cây xanh, mặt nước chiếm đến 34% diện tích đô thị.

Dự kiến, khu vực Hiệp Phước sẽ là nơi tập trung của 4 cảng lớn nhất Việt Nam, gồm: Cảng container quốc tế SPTC, Tân Cảng Hiệp Phước, Cảng Sài Gòn Hiệp Phước, Cảng quốc tế Long An, tất cả đều nằm dọc theo sông Soài Rạp. Đi kèm với đó là các ngành công nghiệp, kinh doanh kho bãi, dịch vụ cảng biển...

Khu đô thị Hiệp Phước được phát triển thành khu đô thị mới đa chức năng, mang đặc thù của đô thị ven cảng. Quy hoạch khu đô thị này được thực hiện theo hướng bền vững về các mặt: môi trường, thương mại và xã hội. Cụ thể, khu đô thị này có các phân khu chức năng chính gồm khu nhà ở, công trình công cộng, hệ thống công viên và cây xanh đô thị, công trình điểm nhấn, đường sắt đô thị, hệ thống đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật... Nơi đây sẽ phát triển bến tàu khách tiêu biểu nhằm phát triển du lịch đường biển và du lịch đường sông.

Quá trình xây dựng, phát triển khu đô thị Hiệp Phước gồm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 đầu tư vào các khu công nghiệp, giai đoạn 2 đầu tư hệ thống cảng đi kèm dịch vụ cảng, giai đoạn 3 phát triển khu đô thị quy mô dân số 200.000 người.

Khu đô thị cảng Hiệp Phước hoàn thành đem lại lợi ích gì ?

Thành Phố Hồ Chí Minh vốn đã là trung tâm kinh tế của cả nước, chính vì vậy TP luôn đẩy mạnh các hoạt động giúp tăng trưởng nền kinh tế trong đó không thể bỏ qua xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông và 3 con rồng kinh tế lớn mạnh tại phía Nam Sài Gòn: Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Khu chế xuất Tân Thuận và khu đô thị cảng quốc tế Hiệp Phước.

Khu đô thị cảng Hiệp Phước

Là một trong ba nên móng vững chắc của nền kinh tế Nam Sài Gòn, khu đô thị cảng Hiệp Phước được xây dựng với mật độ vừa phải, số tầng của các khu nhà, chung cư sẽ cao không quá 5 tầng, xen kẽ vào là một vài tòa nhà cao 10 tầng tạo điểm nhấn cho thiết kế, có tiêu chuẩn sống cao hơn khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng.

Theo chủ đầu tư, IPC đây sẽ là một khu đô thị chính với các con đường tạo thành trục giao thông chính và cách đường Nguyễn Văn Linh sầm uất chỉ 10 phút di chuyển. Khu đô thị ở gần bến cảng, các trục giao thông chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, cung cấp các dịch vụ phục vụ trực tiếp cho sản xuất… Trong các yếu tố này, vị trí của cảng biển là quan trọng nhất nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Thêm vào đó, ngoài viêc trở thành đặc khu kinh tế thì cảng quốc tế Hiệp Phước sẽ trở thành trung tâm cảng biển của thành phố và cả nước với đầy đủ các đặc điểm của một khu đô thị biển kết hợp địa hình đồng bằng, sông nước. Vị trí địa lý đặc biệt của nó giúp cho giao thông bằng cả đường bộ hay đường thủy đều thuận lợi.

Từ đó, phát triển du lịch trên sông của TP, thu hút các chuyên gia cao cấp, lao động phổ thông đến sinh sống và làm việc, nền kinh tế phát triển dẫn đến thị trường bất động sản nơi đây nói riêng và huyện Nhà Bè nói chung ngày càng tăng nhiệt. Đặc biệt là giá trị của những dự án, căn hộ chung cư liền kề ngày càng được nâng cao.

Tương lai của cảng Hiệp Phước Nhà Bè

Cảng Hiệp Phước Nhà Bè trong tương lai sẽ trở thành đặc khu kinh tế quan trọng của khu Nam thành phố nói riêng và của cả TP.HCM nói chung. Với quy mô được mở rộng, nâng cao khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn, Cảng Hiệp Phước là đầu mối trung chuyển vùng, có vai trò kết nối đường bộ, đường sắt và đường thủy với đường biển quốc tế.

Theo nhận định, khu vực cảng Hiệp Phước có tiềm năng phát triển to lớn, thu hút lượng lớn lao động trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, điều kiện giao thông kinh tế thuận lợi mà cảng Hiệp Phước cộng với "cú hích" về hạ tầng khiến cho nhiều dự án bất động sản tề tựu về khu vực này, từ dự án đất nền phân lô cho đến dự án căn hộ cao cấp.

Theo Khánh An (T.H)

Nguồn https://batdongsan.com.vn/

Từ khóa » Duyệt Quy Hoạch Khu đô Thị Cảng Hiệp Phước Nhà Be Tphcm