Chi Tiết Khu Dân Cư Ngoài Bãi Sông Hồng được Bảo Tồn Và Di Dời

Khu dân cư ngoài bãi 4 quận nội đô lịch sử được tồn tại

Theo quy hoạch phân khu, các khu vực dân cư hiện có (theo Phụ lục III Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ) gồm: Thượng Cát, Liên Mạc, Nhật Tân, Tứ Liên, Hoàng Mai, Thanh Trì 1, Thanh Trì 2, Chu Phan, Tráng Việt, Tàm Xá, Ngọc Thụy, Long Biên - Cự Khối, Đông Dư - Bát Tràng được tồn tại, bảo vệ.

Các khu này được cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất; được sử dụng thêm một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân cư nằm rải rác gần khu vực, với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có.

Đối với các khu vực dân cư này, quy hoạch chỉ rõ, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý ngành nông nghiệp xác định ranh giới cụ thể làm cơ sở để quản lý đất đai, quy hoạch và đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật hiện hành, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ngoài ra, những khu vực dân cư hiện có ở bãi sông thuộc các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng (trừ một số khu dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn) sẽ được tồn tại, bảo vệ. Các khu này chưa được nêu tại Phụ lục III Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên đã được Bộ NN&PTNT thống nhất và phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Các khu vực này sẽ được cải tạo, xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy hoạch xây dựng, đô thị, quy hoạch sử dụng đất; được sử dụng thêm một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân cư nằm rải rác gần khu vực, với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có. Trong đó, TP Hà Nội yêu cầu UBND các cấp ở địa phương và hộ dân phải có phương án chủ động đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra lũ lớn.

Các khu vực bãi sông (nơi chưa có công trình xây dựng) Đông Dư – Bát Tràng, Kim Lan – Văn Đức, Hoàng Mai – Thanh Trì có thể nghiên cứu để khai thác sử dụng cho phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng công trình, nhà ở mới theo quy định tại Khoản 3 Điều 26 Luật Đê điều; diện tích xây dựng không được vượt quá 5% diện tích bãi sông.

Các khu vực Võng La – Hải Bối, Bát Tràng, Bắc Cầu, Bồ Đề, Đông Ngàn, Yên Viên, Thượng Thanh và một số khu dân cư khác có số hộ dân thuộc diện phải di dời sẽ thực hiện quản lý theo đúng quy định tại Luật Đê điều.

Trường hợp khi Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong các quy hoạch chuyên ngành phòng chống lũ, đê điều có thay đổi, điều chỉnh (được tồn tại hoặc tồn tại một phần) sẽ được cập nhật phù hợp điều chỉnh vào quy hoạch phân khu để quản lý theo quy hoạch xây dựng, đô thị.

Phân bổ quỹ đất xây dựng tại 6 bãi sông

Ngoài việc đưa ra định hướng đối với các khu dân cư, quy hoạch cũng phân bổ quỹ đất xây dựng tại khu vực 6 bãi sông.

Tại các bãi này được nghiên cứu xây dựng mới với tỷ lệ 5%, cụ thể: Bãi Tàm Xá - Xuân Canh, khu vực dân cư tập trung có diện tích 34,06ha. Đây là khu vực được quy hoạch xây dựng đô thị về phía tuyến đê hiện tại, diện tích xây dựng mới không được vượt quá 61,2ha;

Bãi Thượng Cát - Liên Mạc, khu vực dân cư tập trung có diện tích 36,46ha, có thể nghiên cứu xây dựng mới với diện tích tối đa 3,45ha;

Bãi Hoàng Mai - Thanh Trì, khu vực dân cư tập trung diện tích 425,04ha, có thể nghiên cứu xây dựng mới với diện tích tối đa 53,15ha;

Bãi Chu Phan - Tráng Việt, khu vực dân cư tập trung với 220ha, có thể nghiên cứu xây dựng mới với diện tích tối đa 12,7ha;

Bãi Đông Dư - Bát Tràng, khu vực dân cư tập trung có diện tích 103,96ha, có thể nghiên cứu xây dựng mới diện tích tối đa 3,15ha;

Bãi Kim Lan - Văn Đức, khu vực dân cư tập trung có 72ha, có thể nghiên cứu xây dựng mới diện tích tối đa 18,95ha.

Hiện đất các bãi sông này đa dạng về loại hình, có đất trống chưa sử dụng và đất trồng rau màu, hoa, cây cảnh. Những bãi sông này được đề xuất xây dựng các khu chức năng đô thị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, có mật độ xây dựng thấp phù hợp với định hướng là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm.

Các khu vực bãi sông còn lại và bãi giữa sông Hồng được định hướng phát triển không gian mở đa dạng. Tùy theo đặc điểm về địa hình địa chất và vị trí của các bãi sông để đề xuất phát triển không gian sinh thái nông nghiệp với mô hình nông nghiệp sạch, trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch hay xây dựng các công viên văn hóa, vui chơi giải trí, công viên chuyên đề, không gian quảng trường đô thị, bãi đỗ xe, các tuyến đường giao thông nội bộ dành cho xe cơ giới, xe đạp và đường đi bộ.

"Đây là bản Quy hoạch phân khu tốt nhất từ trước tới nay khi đã nêu được rất rõ về định hướng đối với các khu vực dân cư ngoài bãi sông Hồng. Đồng thời cũng không làm khó cho cả quy hoạch cấp dưới và quy hoạch cấp cấp trên trên khi quy hoạch này mở ra cơ hội cho việc rà soát Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ) tại một số ít khu dân cư" - Chánh Văn phòng Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội - KTS Lã Hồng Sơn

Từ khóa » Bản đồ Quy Hoạch Phố Bắc Cầu