Chỉ Với Cốc Nước Lọc, Mẹ đã Dạy Con Bài Học Về Sự Kiên Nhẫn Và ...
Có thể bạn quan tâm
Tôi đã gọi con trai 5 tuổi của mình vào nhà bếp và chỉ cho con 3 đồ vật mà tôi bày sẵn trên bàn: 1 cốc nước trắng, hộp baking soda và chiếc muỗng. Ban đầu, mặt của thằng bé trông cực kỳ nghi ngờ, giống như là đang nghĩ "Mẹ lại bày trò gì để dụ con uống thuốc phải không?".
Tôi lập tức trấn an: "Đừng lo, mẹ không bắt con phải uống cái gì đâu. Mẹ chỉ muốn cho con xem một chút về cách mà cơ thể chúng ta làm việc đó".
Và ngay lập tức con trai của tôi bị thu hút bởi việc này. Đó chính là điểm khác nhau giữa trẻ sơ sinh và các bé chưa đi học với những bé từ 5 tới 6 tuổi trở lên như con trai tôi. Chúng đã có bắt đầu có sự chú ý tới sự vật xung quanh và cũng có khả năng học về những gì đang diễn ra trong suy nghĩ của chúng. Nhiều phụ huynh sẽ không biết rằng các bé cũng bắt đầu có những áp lực, lo lắng về những vấn đề trong cuộc sống như lớp học hôm nay thế nào, bạn bè ra sao hay bọn trẻ bắt nạt mà các bé gặp trong khu vui chơi. Các bé cũng có một thế giới cảm xúc riêng của chính mình, thế nhưng rất ai trong số người lớn chúng ta quan tâm tới việc giúp các bé hiểu hơn và kiểm soát thế giới của chúng.
Với 1 cốc nước trắng, hộp baking soda và chiếc muỗng, tôi sẽ dạy con bài học về cảm xúc (Ảnh: Internet)
Chính vì thế mà hôm nay tôi sẽ giúp cho con mình học về cảm xúc. Ngoài việc giúp con xác định những kiểu cảm xúc mà con đang trải qua, tôi còn giúp con hiểu tại sao mà những cảm xúc này xuất hiện. Như ví dụ như tại sao chúng ta lại thấy buồn? Và chúng ta phải làm thế nào khi cảm xúc rất thông thường nhưng cũng rất quan trọng này xuất hiện?
Nói một cách đơn giản, tôi đang giúp con "hiểu hơn về bản thân mình"
Như người lớn chúng ta cũng phải học về thế giới cảm xúc của mình. Ví dụ như việc cảm xúc lẫn tâm trạng là những thứ mang tính tạm thời và chúng ta thường đưa ra những quyết định không khôn ngoan khi bị những cảm xúc mạnh nhưng chỉ mang tính tạm thời chi phối. Việc nên làm là phải để bản thân bình tĩnh và chỉ đưa ra quyết định khi đã suy nghĩ thật thấu đáo. Nếu không, chúng ta dễ có xu hướng hành động hoặc nói những thứ sai lầm, gây tổn thương cho những người xung quanh.
Nhưng vẫn còn khía cạnh phức tạp hơn của cảm xúc mà chúng ta phải dạy cho trẻ con. Đó là việc cảm xúc có tính chi phối và tác động đến chúng ta rất cao và cực kỳ khó để bình tĩnh và suy nghĩ cẩn trọng khi chúng ta đã "lên cơn" tức giận.
Vì thế tôi quyết định dùng một bài tập mà tôi đã học được từ cuốn "The Mindful Child" [tạm dịch "Đứa trẻ suy tuy"] của Susan Kaiser Greenland. Đó là một quyển sách có nhiều bài tập lý thú giúp cho trẻ tăng sự tập trung của mình, ví dụ như thông qua việc kiểm soát hơi thở giúp bình tĩnh để giúp đưa ra những quyết định tử tế hơn trong cuộc sống. Tôi đã phát hiện ra bài tập về baking soda [muối nở] và cốc nước lọc sẽ giúp tôi minh họa rất dễ những kiến thức tôi muốn dạy cho con mình.
"Con có thấy cốc nước rất trong trẻo không?", tôi hỏi con trai mình. "Đó chính là bản thân chúng ta khi chúng ta bình tĩnh. Chúng ta suy nghĩ và nhìn nhận mọi thứ rất rõ ràng như cốc nước này".
Sau đó tôi đổ baking soda vào cốc và dùng muỗng khuấy lên.
"Và đây là những gì xảy ra khi chúng ta có những cảm xúc mạnh, ví dụ như là khi chúng ta tức giận. Con thấy cốc nước này bây giờ như thế nào?", tôi hỏi.
"Dạ, con thấy cốc nước bây giờ bị đục rồi".
"Con có còn nhìn xuyên qua cốc nước một cách rõ ràng như lúc nãy nữa được không?".
"Dạ không".
"Sự tức giận, buồn bã hay sợ hãi là những điều rất bình thường trong cuộc sống mà ai cũng sẽ trải qua. Nhưng chúng có thể khiến cho đầu óc của chúng ta trở nên không sáng suốt và rõ ràng, giống như một cốc nước bị đục như con vừa thấy. Nhưng con hãy xem chuyện gì xảy ra nếu chúng ta đợi thêm 1 chút nhé".
Sự tức giận, buồn bã hay sợ hãi là những điều rất bình thường trong cuộc sống mà ai cũng sẽ trải qua có thể khiến cho đầu óc của chúng ta trở nên không sáng suốt và rõ ràng, giống như một cốc nước bị đục (Ảnh: Internet)
Sau ít phút, baking soda đã chìm hết xuống đáy và cốc nước lại trong trẻo như trước.
"Ô, phần đục chìm hết rồi. Giờ cốc nước đã sạch trở lại", con tôi thích thú nói.
"Đúng rồi! Tất cả những gì chúng ta phải làm là chờ đợi. Đôi khi chúng ta sẽ phải mất một lúc để đầu óc sáng suốt trở lại. Nếu như con cần mẹ giúp con bình tĩnh lại thì mẹ sẽ chỉ con một số cách. Nhưng bí quyết ở đây đó chính là sự kiên nhẫn chờ đợi. Dần dần mọi thứ sẽ trở nên sáng tỏ và con có thể đưa ra những quyết định đúng đắn cho mình", tôi giải thích cho bé.
Điều tuyệt vời của bài học này đó chính là tôi có thể minh họa dễ dàng cho bé thấy bằng những đồ vật gần gũi cũng như để bé có thể hiểu rằng cảm xúc là thứ nhất thời và sẽ qua đi. Tôi đã giúp bé nhớ đến hình ảnh về cốc nước trong, về sự vẩn đục của nó cũng như việc chờ đợi baking soda chìm xuống. Hi vọng rằng một lúc nào đó khi con tôi gặp vấn đề, bé sẽ nhớ rằng nên đợi cho "cốc nước" trong trẻo trở lại.
Khi dạy trẻ về sự tập trung để kiểm soát cảm xúc của mình, tác giả Susan Kaiser Greenland đã khuyên độc giả 2 vấn đề:
- Sự tập trung rất quan trọng, thông qua việc giúp trẻ có khả năng tập trung và xây dựng sự tập trung thì chúng ta đã giúp trẻ biết cách kiểm soát bản thân mình.
- Khi trẻ cảm thấy cực kỳ buồn bã hay cực kỳ phấn khích, hãy khuyên trẻ nên dừng lại và thay vì nghĩ về vấn đề đang khiến trẻ phiền lòng, hãy đặt sự tập trung vào những cảm xúc vật lý của cơ thể - ví dụ như việc hít thở.
Hãy khuyến khích trẻ nghĩ về những cảm xúc vật lý của cơ thể ví dụ như cảm thấy chân đang chạm trên sàn nhà, cảm nhận hơi thở của bản thân... Những việc này có tác dụng giúp cho bản thân ổn định bằng cách chuyển sự chú ý của bản thân từ việc "suy nghĩ và phân tích" sang "cảm xúc và cảm giác". Và khi đã bình tĩnh lại thì trẻ sẽ có khả năng suy nghĩ mọi việc sáng suốt.
Khi đã bình tĩnh lại thì trẻ sẽ có khả năng suy nghĩ mọi việc sáng suốt. (Ảnh: Internet)
Mặc dù tôi không phải là một chuyên gia nhưng đây là 1 số bài học tôi đã dạy con về kiểm soát những cảm xúc mạnh của bản thân.
- Dạy con hãy tin tưởng cơ thể mình và hãy chú ý đến 5 giác quan của bản thân.
- Dạy con bài tập về hơi thở. Tôi đã dạy con thở bằng bụng bằng cách yêu cầu con đặt bàn tay lên bụng mình và hít thở như thế nào để bàn tay có thể cảm nhận được sự lên xuống của bụng.
- Luôn nói với con rằng: "Con có thể cảm thấy như thế nào cũng được. Nhưng con không thể cư xử như thế nào cũng được".
- Hãy cho con cảm thấy dễ dàng trong việc chia sẻ những cảm xúc của mình với cha mẹ cũng như khuyến khích con nói ra hướng giải quyết mà con muốn.
- Ngừng phán xét và nói với con rằng những cảm xúc mà con đang thấy là đúng hay sai, là nên hay không.
Cuối cùng, các chuyên gia đều xác nhận rằng việc luyện tập sự tập trung và kiểm soát cảm xúc của bản thân tốt nhất là nên được luyện tập thường xuyên, tự mỗi người nên trải nghiệm. Hãy cố gắng khiến những bài tập bạn dành cho trẻ là tự nhiên và dễ hiểu nhất.
(Nguồn: bable)
Từ khóa » Hình ảnh Cốc Nước đổ đi
-
Khi Một Cốc Nước đổ đi… - Tâm Sự - Việt Giải Trí
-
Ly Nước đã đổ, Hốt Sao Cho đầy… - Báo Tuổi Trẻ
-
200.000+ ảnh đẹp Nhất Về Ly Nước - Pexels
-
Nước đổ đi, Làm Sao Hốt Lại? - Báo Phụ Nữ - Phunuonline
-
Khám Phá Video Phổ Biến Của Hình ảnh Cốc Nước Lọc | TikTok
-
Làm Sao Hốt Nước đã đổ đi? | 招洋
-
Làm Người, Cần Phải Ghi Nhớ Bài Học “nước đổ Khó Hốt” - Tinh Hoa
-
Câu Chuyện Về Cốc Nước Và Cách Quẳng Gánh Lo đi Mà Sống - Kenh14
-
[HOT] Cốc Nước, Ly Uống Nước Hình Máy Ảnh, Sống Ảo Cực Đẹp
-
Tư Duy:"Ly Nước Vẫn Còn Một Nửa" - Van Hoa EVN
-
In ảnh Lên Cốc đổ Nước Sôi Hiện Ra Hình
-
Cốc Nước Tinh Khiết Và Giọt Mực đen - Tỉnh ủy Khánh Hòa
-
Mẹ Dặn "lấy 2 Cốc Nước đun Sôi để Nấu Cháo", Con Làm Theo Y Chang ...