Chỉ Với Trái Tim Người Ta Mới Nhìn Thấy Rõ Thấy đúng! - Giuse Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Lm. Phêrô Nguyễn Đức Vinh, SVD
Họ tôn thờ những con số!
Xuất phát từ một hành tinh nào đó, Hoàng tử bé trong cuốn sách cùng tên của Antoine St. Exupéry ngao du khắp vũ trụ, đi từ hành tinh này sang hành tinh khác và gặp nhiều Very Important Persons (VIPs) trên các hành tinh của họ. Từ đó, cậu rút ra được nhận thức: Con người „tôn thờ những con số“ và chỉ nhìn thấy các giá trị bên ngoài. Trong khi „bí mật của sự sống“ thì như vậy: „Người ta chỉ nhìn thấy rõ ràng đúng đắn bằng trái tim. Cái cốt yếu thì con mắt không nhìn thấy.“
Các VIPs ông hoàng nhỏ gặp không bao giờ hài lòng với những gì mình có; họ không ngừng tìm đủ mọi cách vơ vét bồi đắp thêm. Hệ quả là họ không biết thưởng thức vì không có thì giờ; họ cũng không tỏ ra biết ơn cho một điều gì. Vùi đầu vào trong những việc được cho là hết sức quan trọng, các VIPs này trong thực tế không sáng tạo, mà „chỉ lặp lại những gì họ đã nghe“ và „thiếu hẳn óc tưởng tượng“. Vì thế những „người lớn“ này lúc nào cũng „cần phải có giải thích“, bởi „chẳng bao giờ tự họ hiểu được cái gì cả!“
Có VIP ngồi trên hành tinh bé tí tẹo của mình và cho rằng mình là vua toàn năng, trị vì trên tất cả và coi mọi người là thần dân của mình. Hay như một doanh nhân „đứng đắn“ không ngừng đếm và ghi lại con số các vì sao dù „chẳng biết là cái gì nữa“. Mơ ước sở hữu tất cả các vì sao trên bầu trời nên ông có quá nhiều việc, đến nỗi không có giờ châm điếu thuốc, tập thể dục, chơi bời hay để mơ màng. Rồi lại có kẻ khoác loác làm như cả thế giới được tạo thành là chỉ để ngưỡng mộ và khâm phục mình, bởi tự cho mình là con người đẹp nhất, ăn mặc sang nhất, giỏi nhất, giàu nhất hành tinh. Khoác loác thì không muốn nghe thấy gì khác ngoài những lời ca ngợi và chúc tụng. Hoàng tử bé cũng gặp một bợm nhậu; người này uống say để quên sự xấu hổ mà cái thói nhậu nhẹt của mình gây nên. Người này đúng là trốn vào một đường vòng không lối ra. Trên một hành tinh khác, cậu gặp một người thắp và tắt đèn theo một nhịp nhất định, như một điều lệnh. Một người chỉ „lo toan cho một cái gì khác, chứ không là bản thân ông ta“.
Tất cả những con người này không có cội rễ và liên hệ thân thiết với ai cả; đó là những gì không thể mua được. Họ chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, đến sở hữu và quyền lực hay sự bận bịu, và qua đó họ đẩy khuất xa các giá trị giữa con người với nhau. Họ sống không tương quan, không suy tư mơ mộng, vô hồn vô cảm. Tìm đủ mọi cách để tiết kiệm thời gian mà họ không biết để làm gì với nó. Lao chạy với tốc độ cao mà không biết mình tìm gì. Luôn tất bật vì „không bao giờ bằng lòng ở chỗ của mình cả!“ Họ có hết mà dường như thiếu hoàn toàn.
Chẳng lẽ đời ta mãi thế này?
Câu chuyện của Hoàng tử bé phản ảnh văn hóa sống của con người trong thế giới ngày nay. Tác giả và phi công người Pháp nhìn xuyên qua lớp áo sinh hoạt hàng ngày để ghi nhận một thực tế rằng: Chúng ta tự hạ thấp giá trị của mình hàng ngày, khi biến mình (và người khác) thành những công cụ phục vụ các mục đích nằm ngoài mình; khi đo giá trị con người chỉ nơi sức lao động, thời gian làm việc, khả năng sản xuất, sự vâng phục máy móc hay nơi khả năng tiêu thụ. Hay khi đo nhân phẩm bằng thước thành tích, ngoại hình hoặc độ lớn của gia sản. Sự hạ giá và hạ nhục con người xảy ra một cách kinh khủng nhất, khi quả quyết rằng con người chỉ là vật chất, không có tương quan với Thần Thánh, và như thế trình bày nó chỉ như là một giống khỉ đặc biệt trong lịch sử thế giới.
Ở một đoạn khác, khi kể về liên hệ giữa Hoàng tử bé với bông hồng, người phi công này cũng chỉ cho thấy: chúng ta hạ thấp nhân phẩm của mình, khi phải bằng lòng sống như những bông hồng trong vườn. Nghĩa là một bông như mọi bông khác; giống nhau cả. Ai cũng như ai, từ cách suy đến cách ăn mặc và cách ứng xử – theo một khuôn phép được cho là phải như thế. Cho nên nếu có mất có thiếu đi một ai thì cũng không sao. Không có anh thì chợ vẫn đông!
Mức hạ giá trị thấp nhất có thể nhưng ít được nhận ra, là khi phá hủy niềm tin giữa con người với nhau. Đây là hậu quả kinh khủng nhất mà các cơ chế độc tài gây nên. Trong đó, vì sợ hãi mà người ta phải mang mặt nạ để tồn tại; sống không thật với mình với nhau. Tâm hồn còm cõi èo ọt, không thể phát triển khi cứ phải chối sự thật trong mình, và nhất là khi hồn được nuôi bằng những khẩu hiệu đầy thù hận, dạy phân biệt ta và địch. Nghĩa là được dạy suy nhìn con người và cuộc đời trong khung trắng đen hạn hẹp. Bởi vậy, dù tồn tại trong đám đông chật chặt rộn ràng, nhưng không ai có hiểu biết thực sự về người bên cạnh, bởi tất cả chỉ diễn vai của mình cho phải phép. Để tồn tại!
Thiếu chất sống nó cần, là sự thật và tình yêu vô điều kiện và vô biên, tâm hồn chỉ có thể sống còn ở một khung nhỏ bé chật chội; và cuộc sống chung là một vở kịch vô tận. Những gian dối nhỏ to, những lợi dụng lạm dụng cũng làm con tim đóng kín, mất đi sự chia sẻ vô tư chân thành. Thất vọng và cay đắng cũng góp phần làm co hẹp tâm hồn. Không ngạc nhiên là con tim trở nên chai sạn như đá cuội, không còn thể chữa trị. Cần thay tim mới, bằng thịt (Ed 11,19). Đây là một việc mà bệnh nhân không thể tự làm cho mình. Biến chết thành sống không nằm trong thẩm quyền và khả năng người bịnh, mà phải được thực hiện từ bên ngoài. Cần ai đó đứng ngoài, có khoảng cách với thế giới của chúng ta và có một con tim to rộng đủ, để có thể nhận ra thực trạng và chỉ cho hướng đi.
Nếu cậu vui lòng, hãy cảm hóa tớ đi!
Đó là yêu cầu của con cáo cho Hoàng tử bé trong cùng câu chuyện. Vì chỉ khi được cảm hóa, nó mới trở nên một sinh vật biết nhớ nhung, chờ đợi, vui mừng hân hoan và buồn bã, vì trở nên duy nhất trong mắt Hoàng tử. Nhờ đó, đời nó sẽ rực nắng và sẽ biết phân biệt sự khác biệt bước chân người nó yêu giữa mọi bước chân khác. Những gì cho tới đó chỉ là vô dụng, chẳng có gì khêu gợi, chỉ là buồn chán với nó, như đồng lúa vàng chẳng hạn, sẽ trở thành dấu vết kỷ niệm, bởi vì „cậu có mái tóc mầu vàng kim“ như màu lúa „và tớ sẽ yêu tiếng gió reo trong lúa mì…“
Sau giải thích đó, con cáo dạy cho hoàng tử bé nghệ thuật cảm hóa và là logic của sự sống thật, của tình yêu. Để thực hiện việc cảm hóa, người ta cần thì giờ, kiên nhẫn và các nghi thức. Chính các nghi thức, theo lời con cáo, giúp làm nên sự khác biệt giữa giờ này với giờ khác, ngày này với ngày khác. Qua đó, một ngày không còn như mọi ngày, mà có một nhịp điệu riêng tạo nên sự háo hức chờ đợi và niềm vui gặp gỡ, và nỗi buồn lúc chia tay. Một cây hoa, một con cáo khi được cảm hóa bởi một con người thì trở nên duy nhất trong mắt người ấy.
Và con người khi được cảm hóa cũng không khác: người đó nhận ra giá trị duy nhất của mình giữa đám đông: không còn là một người như mọi người, mà độc đáo và kỳ diệu. Được cảm hóa, cái đẹp của bông hồng không còn trống rỗng, bởi có ai đó đã bỏ công sức và thời gian để chăm sóc bảo vệ, và qua đó làm cho nó trở nên giá trị và duy nhất. Đây là một lí do mạnh đủ để người đó sẵn sàng chết cho nàng hoa. Nó không còn là hàng mua, mà đã trở thành một người bạn. Còn người cảm hóa nó trở nên một kẻ si tình, mang hình ảnh bông hồng của mình ở khắp mọi nơi. Người đó nhìn mọi sự trong liên hệ với bóng hồng của mình: „Các ngôi sao đẹp, là do ở đó có một bông hoa mà người ta không nhìn thấy. Khi [ta] yêu một bông hoa ở trên một ngôi sao, thật là êm đềm, ban đêm, khi [ta] nhìn trời. Tất cả các ngôi sao đều nở hoa.“
Bí mật căn cốt của của sự sống không được nắm bắt bằng lí trí hay bằng các thống kê. Các con số không nói về cốt chất của con người. Điều đó không mua được, không thiết kế được, lại càng không phân cách hay phá hủy được. Điều căn cốt thì không nhìn thấy được bằng đôi mắt, mà cũng không nghe được bằng đôi tai. Không đo được bằng những phương tiện kỹ thuật, phản bác bởi các giả thuyết, hay chứng minh bằng các lí thuyết khoa học. Bí mật thì đơn giản: „Người ta chỉ nhìn thấy được đúng đắn rõ ràng với con tim!“
Thiên Chúa nhìn con người bằng con tim
Cuộc thay „tim thiêng liêng“ không được thực hiện bằng một lần phẩu thuật, mà qua một thay đổi cách nhìn con người, nhìn Thiên Chúa và các đồng tạo vật. Và theo hướng dẫn của con cáo trao cho Hoàng tử bé thì cần chút thời gian và nhiều kiên nhẫn. „Ban đầu cậu hãy ngồi hơi xa tớ một tí, như thế, ở trong cỏ. Tớ đưa mắt liếc nhìn cậu, và cậu chẳng nói gì cả. Ngôn ngữ là nguồn gốc của ngộ nhận. Nhưng mỗi ngày, cậu có thể ngồi gần một tí…“ Một liên hệ thực thật cần thời gian để hình thành, chứ không thể qua sự vồ vập chiếm đoạt theo lối mì ăn liền.
Lịch sử cứu độ của Thiên Chúa cũng xảy ra theo „logic của tình yêu“ như được mô tả. Từng bước một và qua „nhiều lần nhiều cách“ (Dt 1,1) Thiên Chúa thiết lập tương quan thân thiết với con người, trong sự tôn trọng các phong tục tập quán và quy luật sống của họ.
Trước hết, Người xuất hiện dưới vô số hình hài trong lịch sử tôn giáo, làm như ngồi xa xa để con người chỉ có thể liếc trộm nhìn Người từ khóe mắt. Người thinh lặng không nói một lời. Rồi sau đó khi đã đến thời, Người xích đến gần hơn để làm quen và trở nên thân thiện hơn với con người. Người nhờ các ngôn sứ „mai mối“; nhờ họ nói dùm cho con người ý muốn của Người. Ở bước cuối, chính Thiên Chúa đã trở nên một con người như mọi người, để trực tiếp gặp gỡ và để không còn ai phải sợ hãi. Tình yêu của Thiên Chúa với con người được phơi bày trọn vẹn nơi Đức Giêsu.
Thiên Chúa đi tìm kiếm từng con người một (Lc 15,4tt), gọi mỗi người với tên riêng của mình đã được „ghi khắc trong lòng bàn tay“ Chúa (Is 49,1.16). Nhờ vậy, con người cảm nhận được sự độc nhất vô nhị của mình trong mắt Thiên Chúa, nhận biết mình là „con yêu dấu của Cha“ (Mc 1,11). Nhưng đó là kết quả của một đoạn đường dài phải đi. Về phía mình, con người cùng phải tập thực hiện „bí quyết của tình yêu“; tức là cần đầu tư nhiều kiên nhẫn và thời gian để khám phá Tình Chúa. Không có lối đi thẳng tắp trơn tru, mà là một con đường lắm lúc thật khó đi với những gián đoạn. Bởi thế, Thiên Chúa và con người cứ phải bắt đầu lại để tìm nhau, cho đến khi mỗi người có thể nói „Chúa của tôi“ sau nhiều thăng trầm của đường đời.
Đích là khám phá được „bí mật của sự sống, của tình yêu“, tin rằng Thiên Chúa, Đấng bỏ nhiều thời gian đeo đuổi con người với một sự kiên nhẫn của thiên thần để cảm hóa chúng ta, thì Người cũng sẽ „mãi mãi có trách nhiệm“ với con người được cảm hóa, với chúng ta. Thiên Chúa nhìn con người chúng ta bằng con tim: Người thấy mọi sự Người tạo dựng nên „rất tốt đẹp“ (St 1,31). Và vì „chính Thiên Chúa đã trở nên một con người và ở lại trong vĩnh cữu, nên con người không được phép nghĩ ít ỏi thấp kém về mình, bởi vì như thế [có nghĩa là] con người nghĩ thấp kém về Thiên Chúa“ (Karl Rahner).
Từ khóa » Em Hiểu Thấy Rõ Với Trái Tim Nghĩa Là Gì
-
Em Hiểu Thấy Rõ Với Trái Tim Nghĩa Là Gì
-
Em Hiểu Thấy Rõ Với Trái Tim Nghĩa Là Gì - Haylamdo
-
Em Hiểu Thấy Rõ Với Trái Tim Nghĩa Là Gì Vậy? Vì Sao Mắt Trần Lại Ko Thể ...
-
Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống | Sách Bài Tập Ngữ Văn 6
-
Em Hiểu Thấy Rõ Với Trái Tim Nghĩa Là Gì Vì Sao Mắt Trần Lại Không Thể ...
-
Không Chép đáp án Không Chép Mạng.
-
Ý Nghĩa Của Câu Văn “Người Ta Chỉ Thấy Rõ Với Trái Tim. Điều Cốt
-
Người Ta Chỉ Thấy Rõ Với Trái Tim. Điều Cốt Lõi Vô Hìn...
-
Ý Nghĩa Của Câu Văn “Người Ta Chỉ Thấy Rõ Với Trái Tim. Điều Cốt Lõi Vô ...
-
Soạn Bài Nếu Cậu Muốn Có Một Người Bạn Ngắn Gọn (Kết Nối Tri Thức)
-
Giải Kết Nối Tri Thức SBT Ngữ Văn 6 Bài 1: Tôi Và Các Bạn (Đọc Hiểu ...
-
Hoàng Tử Bé – Khi Những điều Thật Sự Chỉ được Nhìn Thấu Bằng Trái Tim
-
[KNTT] Giải SBT Ngữ Văn 6 Bài 1: Tôi Và Các Bạn (Đọc Hiểu Và Thực ...
-
Hoàng Tử Bé - Hoang Tu Be