Chia Sẻ Hiện Tượng Lóe Sáng - Tiên Kiếm

Đây là hiện tượng ánh sáng phản xạ trong lòng ống kính gây ra các hiệu ứng thừa trên ảnh. Lóe sáng sẽ làm giảm độ tương phản và gây mất chi tiết trên ảnh.

Lóe sáng hay chóe sáng (lens flare) là hiện tượng ánh sáng phản xạ trong lòng ống kính gây ra các hiệu ứng thừa trên ảnh, chẳng hạn những mảng tím đỏ hình vòng cung hay đa giác bao quanh nguồn phát sáng. Hiện tượng này xảy ra khi những tia sáng mạnh như ánh đèn hay ánh mặt trời chiếu xiên vào lòng ống kính. Lóe sáng có thể làm giảm độ tương phản và gây mất chi tiết trên ảnh. Trong một số trường hợp, lóe sáng lại giúp tăng tính nghệ thuật nhờ vào những đường tròn mờ ảo nhiều màu sắc kéo dọc đường truyền tia sáng.

Đối với những người ưa du lịch hoặc những nhiếp ảnh gia hay làm việc ngoài trời, lóe sáng gây nhiều phiền toái do hiệu ứng này rất khó loại bỏ bằng phần mềm chỉnh sửa ảnh. Hiểu rõ cơ chế hình thành và cách loại bỏ lóe sáng không cần thiết sẽ giúp bạn có được những bức ảnh ưng ý.

Cơ chế hình thành

Hiện-tượng-lóe-sáng

Những mảng ánh sáng giả được tạo ra do hiện tượng lens flare. Ảnh: Wikipedia.

Trong hình phóng to, khu vực này có dạng lục giác nhiều màu sắc đi kèm với những tia sáng dài gây rối hình và giảm đáng kể tương phản. Hình dạng của lóe sáng phụ thuộc vào cách sắp xếp các lá thép khẩu độ, chẳng hạn ống kính có 8 lá khẩu sẽ gây ra flare bát giác hay flare trên ống kính CCTV có dạng tròn hoàn hảo. Kích cỡ của lóe sáng phụ thuộc nhiều vào cấu tạo ống kính và hướng chiếu sáng, đôi khi chúng có thể lớn tới mức làm hỏng hoàn toàn bức ảnh.

Những ống kính dù là đơn giản nhất cũng chứa vài thành phần thấu kính. Lens flare được tạo thành khi ánh sáng không khúc xạ hoàn toàn qua các thành phần này để tới thẳng chip cảm quang mà phản xạ ngược trở lại nhiều lần trong lòng ống kính sau đó mới tới bộ phận nhận sáng của máy ảnh.

Thấu kính ngày nay hầu hết được phủ lớp vật liệu chống phản xạ nhằm hạn chế tối đa lóe sáng và hấp thụ được nhiều ánh sáng hơn. Tuy nhiên, không một ống kính nào có khả năng triệt tiêu hoàn toàn hiện tượng này. Các ống kính càng phức tạp thì flare càng nghiêm trọng. Điều này cũng giải thích vì sao ống zoom (đa tiêu cự) lại gây nhiều phiền toái hơn ống fix (một tiêu cự) khi chụp ngoài trời nắng.

Ánh sáng nhẹ cũng gây lóe sáng, tuy nhiên, rất khó nhận ra khi quan sát trên màn hình LCD máy ảnh. Hiệu ứng đáng kể nhất mà nó gây ra là làm giảm sự sắc nét và khiến ảnh không được trong. Những nguồn ánh sáng mạnh như mặt trời, đèn cao áp hay thậm chí cả mặt trăng có thể gây ra lóe sáng mạnh tới mức có thể nhận ra. Ngay cả khi những nguồn sáng này không xuất hiện trong ảnh thì các tia sáng chỉ chạm nhẹ vào mép thấu kính ngoài cùng cũng sẽ gây ra flare.

Sử dụng loa che ống kính

Hiện-tượng-lóe-sáng
Hiện-tượng-lóe-sáng

Loa che dạng cánh hoa và dạng tròn. Ảnh: Nikon USA.

Loa che nắng (lens hood) là bộ phận lắp ngoài cùng ống kính có tác dụng cản bớt ánh sáng thừa không thuộc trường nhìn tạo bởi ống kính. Tuy nhiên, một loa che dù được thiết kế tốt đến mấy cũng không thể khử hoàn toàn hiện tượng lóe sáng. Những máy ảnh SLR tiêu chuẩn thường gây nhiều lens flare hơn các máy crop vì kích cỡ cảm quang lớn dẫn đến việc trường nhìn phải mở rộng, kéo theo nhiều tia sáng thừa đi vào ống kính hơn. Ngoài ra, loa che cho ống zoom chỉ được thiết kế để khử lóe sáng khi đặt tiêu cự ngắn nhất (góc rộng nhất).

Các loa dạng bông hoa (xẻ cánh sen) có tác dụng bảo vệ tốt hơn so với dạng tròn. Điều này có thể lý giải do kích thước các chiều của chip cảm quang khác nhau (thường theo tỉ lệ 3/2) nên trường nhìn theo các chiều này cũng khác nhau. Khi lắp vào ống kính, các loa dạng bông hoa, do độ dài các “cánh” khác nhau, nên khử được lens flare theo các chiều tương đối như nhau. Các loa dạng tròn chỉ khử lens flare tốt nhất theo bề rộng trường nhìn. Ngoài ra, nhiều người cũng ưa dùng loa dạng bông hoa vì trông chuyên nghiệp mặc dù giá cả cũng đắt hơn đa số loa dạng tròn.

Việc chọn loa che thường tương đối phức tạp vì hầu hết người dùng không có khả năng tính toán khả năng loại bỏ ánh sáng thừa với các ống kính. Nếu lắp một loa che bất kỳ lên mà không xét đến các thông số có thể làm đen 4 góc ảnh do che mất quá nhiều ánh sáng hoặc chẳng có tác dụng giảm lóe sáng gì hết. Do đó, bạn nên mua theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc tốt nhất là dùng loa bán kèm ống kính (nếu có). Lưu ý, loa che cho ống zoom dù đắt cũng chỉ có tác dụng tốt đối với một tiêu cự nhất định mà không thể bao quát toàn bộ dải tiêu cự của ống. Nói chung, không có biện pháp nào giúp giảm lens flare hoàn toàn.

Chọn ống kính phù hợp

Hiện-tượng-lóe-sáng

Hiện tượng lóe sáng rất ít khi xảy ra trên các ống kính mắt cá. Ảnh: Davidfenwick.

Ống một tiêu cự thường ít bị lóe sáng hơn các ống đa tiêu cự do có ít thành phần thấu kính hơn. Bạn có thể loại bỏ flare trên các ống zoom bằng cách chuyển sang một tiêu cự khác trong quá trình chụp. Các ống trường rộng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất do thường được sử dụng chụp phong cảnh với nhiều nguồn ánh sáng mạnh và phức tạp. Rất may, các nhà sản xuất đã tính đến trường hợp này trong quá trình nghiên cứu nên đã thiết kế các ống góc rộng với khả năng khử flare tương đối ổn. Các ống mắt cá (fish eye) cho ra rất ít các mảng lóe sáng hoặc nếu có, hiệu ứng này trông cũng rất bắt mắt!

Ống kính hiện nay đa phần đều được phủ lớp chống phản xạ, nên bạn cũng không phải lo lắng nhiều nếu chụp trong bóng râm. Những ống kính đời cũ do Leica và Hasselblad sản xuất thường gây lóe sáng nghiêm trọng cả trong ánh sáng yếu do không có lớp phủ bề mặt.

Tái bố cục hình ảnh

Hiện-tượng-lóe-sáng

Bố cục lại hình ảnh bằng cách đặt tán lá vào trước nguồn sáng mạnh có thể giúp loại bỏ lóe sáng. Ảnh: Cambrigdeincolour.

Cách tốt nhất để loại bỏ lóe sáng mà không làm mất nhiều thời gian là tái bố cục hình ảnh. Bạn sẽ không bao giờ thu được một bức ảnh hoàn hảo nếu cứ chăm chú đặt mặt trời vào khung hình với một mớ lens flare xấu xí. Hãy cố gắng di chuyển để thay đổi hướng nguồn sáng trong ảnh. Luôn luôn kiểm tra hiệu ứng ánh sáng gây ra bằng chức năng Live view hoặc qua ống ngắm của máy kết hợp với phím xem trước độ sâu trường ảnh.

Bạn cũng có thể sử dụng các yếu tố có sẵn trong cảnh để khử lóe sáng một cách tương đối hiệu quả. Chẳng hạn, nên đặt một thân cây, một tán lá, một tòa nhà… vào giữa nguồn sáng mạnh và ống kính.

Một vài chú ý

Hiện-tượng-lóe-sáng

Lóe sáng có tác dụng tích cực trong một vài trường hợp đặc biệt. Ảnh: Webshots.

Kính lọc là nguyên nhân gây ra những mảng lóe sáng rất xấu trong đa số trường hợp. Do đó, bạn nên chọn kính có phủ lớp chống phản xạ để loại bỏ lens flare khi cần chụp nhiều ngoài trời.

Có thể sử dụng chính bàn tay của mình để làm loa che tạm thời cho ống kính trong trường hợp bất đắc dĩ nhất.

Nếu lóe sáng là điều không thể tránh được, hãy cố gắng làm việc với nó. Có thể phải chụp nhiều kiểu để chọn ra bức có độ tương phản và sắc nét tốt nhất. Thậm chí nếu chọn đúng vị trí và thời điểm, lóe sáng sẽ đem lại tác dụng nghệ thuật rất tốt cho tác phẩm của bạn.

Từ khóa » Hiệu ứng Loé Sáng