Chiếc Cầu Ao Quê Nhà | Văn Hóa Xã Hội - Thời Báo Ngân Hàng
Có thể bạn quan tâm
Ảnh minh họa |
Ở các làng quê Việt Nam nói chung và các làng quê thuộc vùng Đồng bằng Bắc bộ nói riêng, đều có rất nhiều ao, trong đó phải kể tới là ao làng, ao xóm và ao nhà. Nếu như ao của làng, của xóm thường rất to, rộng và cả làng chỉ có vài ba cái ao như thế thôi, thì ao nhà là rất nhiều, khi hầu hết các hộ dân trong làng đều có đào ao trong khoảng diện tích đất nhà mình.
Đất ở làng quê đều rộng rãi, mỗi nhà thường sở hữu cả một vài sào, thậm chí có hộ lên tới nửa mẫu, nên việc dành ra mấy trăm mét vuông đất để đào một cái ao, mang lại nhiều lợi ích là chẳng đáng kể gì. Nói về lợi ích của cái ao thì nhiều lắm, nào thì ao cung cấp nước để tưới vườn tược cây cối; nào thì ao là chỗ giặt giũ quần áo chăn mền, nuôi thả bèo dùng trong việc chăn nuôi lợn gà.
Ao nhà còn là chỗ để thả cá dùng trong việc cải thiện cho bữa cơm sinh hoạt của các gia đình thêm tươm tất, đủ chất dinh dưỡng. Rồi nữa, cái ao cũng là chốn gắn bó thân thiết với những đứa trẻ khi những trưa mùa hè oi ả, trốn mẹ cha ra tắm mát...
Vâng, lợi ích của cái ao nhiều là vậy, thiết thực với đời sống sinh hoạt của hết thảy người dân quê là vậy, song “chiếc cầu nối” giữa ao nhà và đời sống sinh hoạt của mọi thành viên trong gia đình, chúng ta không thể không kể tới đó là: chiếc cầu ao! Đúng vậy, cầu ao quả là quan trọng và thân thuộc như “chiếc cổng” vào nhà, khi mọi người đến với ao, ra ao luôn cần phải có chiếc cầu ao.
Chẳng vậy mà đã có ao là nhất thiết phải có cầu ao, cho dù cầu ao được thiết kế xây gạch hiện đại kiên cố, hay chỉ là các cây tre, miếng ván gỗ ghép lại với nhau thôi... Thường là với ao xóm, ao của làng thì cầu ao được xây bằng gạch theo bậc giật tam cấp, với chiều ngang khá rộng rãi, bởi nơi đây luôn dành cho các hộ dân vì đất hẹp không có ao riêng nên phải ra đây để múc nước tưới vườn, hay giặt đồ.
Còn với ao nhà, chỉ rất ít gia đình có điều kiện về kinh tế thì họ mới xây cầu ao kiên cố theo kiểu ao của làng, của xóm, còn đại đa số các hộ dân đều làm cầu ao đơn giản bằng các vật dụng sẵn có như tre, gỗ. Cầu ao nhà thường có chiều rộng chừng 30-40cm, dài khoảng vài mét.
Tấm tre, gỗ dùng làm cầu ao đó được định vị một đầu ở trên bờ ao, còn một đầu tấm ghép đó hướng ra phía ngoài của ao, gác lên hai chiếc cọc bắt chéo nhau, đóng sâu, chắc chắn xuống đáy ao. Khi gác tấm ghép lên rồi, cầu ao được chằng buộc bằng dây thép, hoặc bắt vít ốc sao cho thật chắc chắn, khi vài ba người đứng lên mặt cầu ao cũng không bị bập bênh, không bị lật nhào xuống ao là đạt yêu cầu...
Nhà tôi có một cái ao được đào từ thuở ông nội tôi còn trẻ. Ông từng bảo rằng, suốt cả đời ông cầu ao đã được làm mới đến cả chục lần, bởi cứ sau một thời gian khoảng dăm, bảy năm gì đó là những cây tre, mảnh gỗ ghép làm cầu ao lại mục nát và khi đó lại phải thay mới để cầu ao chắc chắn hơn.
Khi tôi còn nhỏ, chiếc cầu ao bằng tre, bằng gỗ vẫn còn khá tốt, vẫn chắc chắn, nhưng bố tôi đã nhờ một người thợ cơ khí ở làng bên thiết kế cho một chiếc cầu ao bằng khung thép cực kỳ bền chắc để thay thế chiếc cầu ao cũ cứ mấy năm lại phải làm mới đó. Bố tôi nói, dù tốn một lần thôi nhưng cầu ao sẽ có tuổi thọ rất lâu, không những vậy nó còn cực kỳ vững chãi.
Có cầu ao mới, ngày đó tôi hãnh diện lắm với mấy đứa bạn cùng xóm và những khi bố mẹ vắng nhà ra đồng làm việc, tôi hay rủ mấy bạn sang đứng chơi ở cầu ao để mắc cần câu đòng đong, cân cấn, hay câu cua.
Dẫu tôi không tắm ao, nhưng có lần, bất thình lình bố về bắt gặp chúng tôi đứng ở cầu ao câu như vậy, ông đã bắt vào nhà đánh đòn và dặn không được ra ao như thế, lỡ không may rơi xuống sẽ không có ai cứu. Dẫu sợ, dẫu bị đòn đau và khóc thét lên, nhưng chỉ một thời gian sau là tôi lại quên lời bố dặn, nên vẫn cứ lảng vảng ra cầu ao chơi mỗi khi ông vắng nhà.
Khi tôi lớn thêm, lúc này do đã biết bơi nên bố mẹ không cấm đoán việc ra cầu ao chơi, thậm chí cả lội xuống ao để tắm mát nữa. Chẳng vậy mà những hôm trời nắng nóng, khi không phải tới trường học là tôi lại ra ao để tắm và mò ốc. Quần áo cởi ra bỏ hết lên mặt cầu ao, sau đó từ cầu ao nhảy ùm xuống rồi bơi ra xa, thậm chí là cả sang bờ bên kia, rồi lại bơi quay lại chỗ cầu ao.
Quãng thời gian ấu thơ của tôi, cũng như nhiều đứa trẻ quê khác đều gắn liền với chiếc cầu ao rất thân thuộc. Không chỉ con trẻ, mà mọi người lớn, trong cuộc sống cũng đều không thể tách rời với chiếc cầu ao hàng ngày. Cầu ao nhà là nơi mẹ tôi thường mang chăn, mền ra giặt, hay múc nước tưới rau trong vườn. Cầu ao là nơi bố thường đứng cất vó, giăng lưới bắt cá cải thiện cho gia đình...
Cho tới khi tôi rời quê lên thành phố học tập, chiếc cầu ao quê nhà mà bố làm khi tôi còn nhỏ ấy vẫn nguyên hình vững chãi. Xa quê, với biết bao hình ảnh để nhớ để thương, để vấn vương trong vô vàn kỷ niệm ấy, thì có lẽ hình ảnh về chiếc cầu ao thân thương luôn đậm nét trong ngăn ký ức tuổi thơ tôi...
Từ khóa » Cầu Ao Quê
-
Cầu Ao Quê Nhà - Báo Quân đội Nhân Dân
-
Ký ức Ao Quê - Báo Quảng Bình điện Tử
-
Thương Nhớ Cầu Ao - Báo Nam Định điện Tử
-
Chiếc Cầu Ao Nho Nhỏ! - Dân Việt
-
Cầu Ao - Văn Nghệ Tiền Giang Online
-
Thương Nhịp Cầu Ao - Báo Đắk Lắk điện Tử
-
Ao Quê Góc Nhớ
-
Mạch Nguồn Trong Trẻo: Ao Quê, Giếng Làng - Reatimes
-
Cầu Ao Quê Em :))) - YouTube
-
Có Ai Về Tắm Ao Quê
-
Ao Làng, Một Mảnh Hồn Quê! - Báo Hà Tĩnh
-
Ao Làng - Miền Ký ức Yên Bình