Chiếc Gùi Trong đời Sống Của Dân Tộc K'Ho ở Di Linh – Lâm Đồng

Trong đời sống của người K’Ho nói riêng và đồng bào các DTTS ở dãy Trường Sơn Tây Nguyên nói chung, từ bao đời nay chiếc gùi đã trở thành một vật dụng rất gần gũi, gắn bó và không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày và trở thành một nét đẹp văn hóa của người K’Ho. Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập về những chiếc gùi của đồng bào K’Ho ở cao nguyên Di Linh cách thành phố Đà Lạt khoản 70km.

Trước đây, cũng như các DTTS khác trên dãy Trường Sơn Tây Nguyên, người K’Ho sống bằng nghề trồng lúa nước và làm nương rẫy. Để đấu tranh sinh tồn, những ông bà tổ tiên của người K’Ho đã sáng chế ra nhiều loại vật dụng, công cụ sản xuất như rìu, dao, xà gạc rồi đến cái nong nia… và chiếc gùi.

Để làm nên chiếc gùi đẹp và bền chắc

Theo già làng K’Tếu (ở thôn Duệ, xã Đinh Lạc): “Trong một năm không phải lúc nào người ta cũng có thể vào rừng chặt nứa để mà đan gùi được. Theo kinh nghiệm đã được đúc kết từ bao đời nay của ông bà tổ tiên người K’Ho, muốn đan một chiếc gùi đẹp, bền chắc thường thì vào tháng 6, tháng 7, họ vào rừng sâu để chặt nứa (tre). Vì sau những trận mưa đầu mùa, cây cối tiếp tục mọc lên, những cây mới mọc trong năm, thì thời điểm này đi chặt nứa đan gùi, nia… là thích hợp nhất. Vì lúc đó, cây nứa không quá non và cũng không quá già, nên chọn những cây mắt dài, thân thẳng và có ngọn cong vút. Từ khi chặt mang về phơi nắng cỡ một tuần là có thể đan được”.

Chiếc gùi dân tộc thiểu số

Chiếc gùi của đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho – Tây Nguyên

Bên cạnh việc lựa chọn cây nứa thì con dao gọt cũng không kém phần quan trọng. Dao nhỏ có đầu nhọn hoắt và sắc bén, cộng với sự tỉ mẩn của con người là yếu tố quyết định để tạo ra một chiếc gùi đẹp. Để hoàn thành một sản phẩm phải mất khá nhiều thời gian và trải qua từng công đoạn: Tìm nguyên liệu, chẻ và vót nứa, đan thân gùi, dây gùi và làm đế gùi. Do đó, mỗi công đoạn có phần quan trọng khác nhau, nhưng quan trọng hơn cả là phần chẻ và vót nứa làm thân gùi và dây gùi. Vì nó chiếm nhiều thời gian và đòi hỏi sự tỉ mỉ của người làm.

Chiếc gùi trong đời sống người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Gùi không chỉ là vật dụng dùng đựng các đồ dùng từ chiêng đến thóc, gạo… mà nó còn là những sản phẩm khá kỳ công thể hiện qua bàn tay khéo léo, sự sáng tạo trong việc trang trí tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ đặc trưng của người chế tác.

Gùi của người K’Ho phổ biến nhất, gồm: “Sah sơn (rơn noas), sah dà (sớ dà), sớ nùng và sớ bơnơr. Với mỗi loại gùi người ta thường dùng vào những mục đích và công dụng khác nhau. Sah sơn là chiếc gùi to, có công dụng đo lượng. Một chiếc gùi có thể đựng được 50kg thóc. Còn sớ dà được đan thành nhiều kích cỡ khác nhau dùng để gùi nước, củi, lúa gạo và mang lên nương rẫy… Riêng sớ bơnơr chủ yếu dùng để đi hội, đi chợ. Vì chiếc gùi này nhỏ gọn, được đan công phu hơn và được trang trí với nhiều hoa văn, họa tiết đẹp mắt nhằm tô thêm vẻ đẹp lộng lẫy của người phụ nữ vùng sơn cước” – Ông K’Brêm (thôn Duệ, xã Đinh Lạc) nói.

Bà Ka Hơn (ở Tổ dân phố K’Ming, thị trấn Di Linh) cho biết: Trước đây, trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của người K’Ho, hình ảnh chiếc gùi, xà gạc đã trở thành nét đặc trưng vốn có không chỉ riêng với đồng bào DTTS ở Lâm Đồng mà cả các DTTS ở dãy Trường Sơn Tây Nguyên.

Gùi không chỉ là vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người K’Ho mà nó còn giữ vai trò rất quan trọng trong các dịp tổ chức lễ hội của dân tộc, như: Lễ cúng Yàng, Mừng lúa mới… Và khi con cái họ lập gia đình, thì chiếc gùi cũng là vật dụng để ban tặng (phan pơndăp bau) cho con cháu về ở rể bên gia đình nhà vợ.

Hình ảnh chiếc gùi ngày một bị mai một

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện nhiều chủ trương chính sách trong việc đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS. Nhờ vậy, hiện nay đời sống của đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh tế phát triển ổn định đã góp phần giải phóng được sức lao động cho nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS. Khi cuộc sống thay đổi, ngoài việc xây dựng nhà cửa khang trang, người dân đã đầu tư mua sắm các nông cụ phục vụ sản xuất hiện đại để thay thế con người vận chuyển các mặt hàng nông sản, nên đồng bào không còn thường xuyên dùng gùi như trước đây nữa. Vì vậy, chiếc gùi dần trở nên mờ nhạt trong đời sống của đồng bào, nhất là đối với các thế hệ trẻ. Họ không còn mặn mà với nghề truyền thống “đan gùi” của ông bà tổ tiên vốn đã tồn tại nhiều đời nay. Và, đồng nghĩa với việc những chiếc gùi, nét đẹp văn hóa của đồng bào DTTS đã không được thế hệ trẻ chú trọng, gìn giữ và phát huy.

Ndong Brừm

5/5 - (1 bình chọn)
  • Nhấn vào chia sẻ trên Facebook (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ trên Pinterest (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ trên Twitter (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ lên LinkedIn (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ trên Tumblr (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để chia sẻ lên Reddit (Mở trong cửa sổ mới)
  • Bấm để in ra (Mở trong cửa sổ mới)

dân tộc thiểu số

Từ khóa » Gùi Dân Tộc