Chiếc Ná Cao Su - Báo Tây Ninh Online

Gọi là thời trước, bởi cũng đã xa vài chục năm rồi. Và chỉ thời ấy ở ta mới còn loại ruột xe (đạp hoặc honda) bằng cao su có độ đàn hồi rất cao, màu vàng hay đỏ.

Ở ngoài Bắc những năm bao cấp chỉ có một loại ruột xe đạp duy nhất gọi là săm cao su Sao vàng. Mỗi cơ quan, đơn vị vài chục người chỉ được bán phân phối cho vài lượt mỗi năm, mỗi lần vài ba chiếc. Món này được coi là quý giá nhất, nên muốn được mua phải họp cơ quan để bình chọn.

Ai chứng minh được cái săm xe đạp của mình tã nát nhất thì may ra mới được hội nghị biểu quyết. Mà không chỉ người lớn, cả bọn trẻ cũng trông đợi vô cùng háo hức. Lúc nào ba mẹ thay cái ruột xe mới, chúng phải giành cho được cái ruột xe cũ, dù nó đã bị vá chằng vá đụp.

Rồi thế nào chúng cũng lựa được một khúc còn khá lành lặn, để cắt lọc ra một đôi sợi dây cao su làm ná (súng) cao su. Ôi chà! Vậy là chỉ cần tìm thêm một đoạn chạc cây nữa, tốt nhất là chạc cây ổi, thì sẽ có một cây súng bắn chim, hoặc bắn trái ổi, trái bàng.

Bắn ổi có khi còn bị chửi, vì cây ấy ở trong vườn có chủ. Còn chim với bàng thì cứ việc vô tư. Vì bàng mọc ở đường làng, thuộc về công cộng. Còn chim, thì đã có câu thành ngữ dân gian: “cá nước, chim trời”.

Sau này, đọc sách của các nhà văn Tây Ninh như Trần Vạn An, Nguyễn Ðức Thiện, tôi mới biết các bạn trẻ miền Nam cũng chơi súng cao su, mà gọi bằng chiếc ná. Cũng là bắn trái, bắn chim nhưng khi có giặc, các bạn nhỏ trong Ðội du kích thiếu nhi Cầu Khởi (Dương Minh Châu) lại còn dùng ná cao su sáng tạo ra nhiều cách thức để chống phá quân thù.

Hoà bình rồi, những chiếc ruột mít-sơ-lanh cực tốt đã mất dần đi, thay thế bằng những chiếc ruột xe màu đen, vẫn bền nhưng cứng quèo, không đàn hồi như trước. Các bạn nhỏ lại thay thế ngay bằng chùm sợi dây thun. Cái ná cao su năm xưa đã được thay bằng cái giàn thun.

Có một lần vào thăm vùng đầu mối kênh Ðông, tôi đã gặp một chị chăn trâu, cầm trên tay chiếc giàn thun ấy. Thế mới biết thêm người nông dân ở một số nơi thuộc Tây Ninh dùng giàn thun để điều khiển trâu, bò. Khi con nào có vi phạm vượt rào gì đấy thì người đi chăn nã cho một phát vào mông. Thế là trâu bò biết trở lại con đường được phép đi gặm cỏ.

Những người bán dạo ná cao su cũng bán cho mục đích này thì phải! Vì giá bán không nhỏ, từ 100 đến 150 ngàn một chiếc. Cao giá hơn là chiếc có chạc cây làm từ gỗ cẩm lai, vân bóng lưỡng. Loại rẻ hơn cũng là bằng gỗ căm xe, được bào chuốt khéo rất đẹp và vừa tay.

Quan trọng nhất là dây cao su, có màu vàng nhạt và rất đàn hồi. Họ giới thiệu đấy là loại cao su chỉ ở Thái Lan mới có. Hỏi sản xuất từ đâu? Họ bảo từ Campuchia, vì bên ấy nông dân nuôi rất nhiều trâu, nên nhu cầu cũng lắm. Vậy ra, cái ná cao su này cũng là hàng nhập khẩu, dĩ nhiên là qua cửa “tiểu ngạch” mà thôi.

Chợt nhớ vài năm trước, anh bạn đi du lịch Campuchia về cũng mua một chiếc ná cao su làm kỷ niệm. Nay cao su đã hư mục mất rồi, anh cho tôi cái chạc là loại gỗ cẩm lai đen vân đẹp tuyệt, được chạm khắc tinh tế thành ra một cái đầu trâu.

Ai từng đến Siem Reap rồi sẽ biết, rằng có hàng trăm món quà lưu niệm đặc sệt chất Khmer ở các khu du lịch Campuchia. Mà chỉ riêng cái đầu trâu chạc ná cao su này thôi, cũng đủ để ta học tập. Từ một món đồ chơi, hay công cụ sản xuất cực kỳ đơn giản đã trở thành một mặt hàng lưu niệm dễ thương có thể giữ lâu bền.

TP. Tây Ninh những ngày này đã ríu rít tiếng chim trong các nhà vườn, thậm chí các hàng cây dọc phố. Những công dân có cánh, tôi thường gặp nhất ngay hẻm nhà mình là chim cu đất, chích choè ruồi, chim sâu, chim xanh và cả một đôi chào mào bệ vệ.

Ở vườn chim tại khu phố 4, phường 3, các loại cò di trú cũng sắp về. Còn trong những tháng mùa khô luôn có từng bầy chim sáo, cò bản địa, chim cồng cộc (cốc) về cư trú.

Liệu những ai cầm ná cao su có nổi hứng bất thường mà nã đạn vào đôi chim cu đang gật gù ngoài ngõ kia không? Vậy thì bạn hãy kiềm chế và tự nhủ:- Ðất lành chim đậu! Ðất nhà mình, hẻm mình có yên lành thì chim mới đến. Bắn chúng thì chúng sợ mà bay đi. Liệu có ai muốn đất nhà mình, hẻm mình mang tiếng là đất ác hay không?

NGUYỄN

Từ khóa » Cái Ná Dịch