Chiếc Tù Và - Báo Cần Thơ Online
Có thể bạn quan tâm
Sau khi nghỉ hưu, do hoàn cảnh gia đình, ông Tư Hòa không về quê, mà cư trú ở một vùng căn cứ cũ đã được xây dựng thành một thị trấn nhỏ. Tình làng nghĩa xóm đã thôi thúc ông trở về thăm lại nơi ông đã được sinh ra và đã trải qua những ngày nước sôi lửa bỏng trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.
Đến thăm nhiều gia đình trong xóm cũ, ông Tư thật sự buồn vì ngỡ ngàng, không ai biết ai là ai, chỉ chào nhau một tiếng cho phải phép, rồi tất tả đi làm việc khác, không có chuyện gì để nói. Ông Tư tự trách mình lâu nay đi đánh giặc ở quê xa, còn với quê nhà thì ông thiếu gắn bó... Ông Tư định thăm cho hết xóm rồi về trong ngày, và sau này sẽ tiếp tục về thăm. Nhưng khi đến nhà thằng Thi, cháu nội ông Hai Đăng, thì ông không đi được nữa, không phải do ông bị bệnh hay bị một sự cố gì, mà do... một chiếc tù và!
Ông về lần này, tuy cảnh cũ có nhiều đổi thay trong những năm đổi mới, nhưng vẫn còn đâu đó những dấu vết ngày xưa. Mấy cây cầu khỉ đã được xây lại thành cầu xi măng cốt thép tại vị trí cũ nối hai bờ kinh với những con lộ đá thẳng tắp... Ông Tư còn nhớ rõ nơi những người bạn đã nằm xuống năm nào, như chỉ mới đây thôi, mà đã gần hai phần ba thế kỷ. Nhìn cảnh cũ, ông chạnh nhớ bạn bè nay chỉ còn thưa thớt như những chiếc lá vàng trên một cành cây. Nhiều ông đã lẫn rồi, nói chuyện nọ thành chuyện kia. Ông Tư cũng quên đi nhiều con người và sự việc ở địa phương này. Nhưng khi nhìn thấy chiếc tù và trên bàn thờ ông Hai Đăng, ông Tư bỗng nhiên nhớ lại rất nhiều điều trong một thời niên thiếu. Tự nhiên, nước mắt trào ra. Chân ông không bước được. Ông nhờ thằng Thi lấy cho ông xem chiếc tù và. Ngày xưa, ông và ông Hai là đôi bạn chí cốt, cùng lao động sản xuất trên những cánh đồng, cùng chiến đấu trong đội du kích, cùng thoát ly gia đình vào đơn vị chủ lực của Quân khu. Hai bàn tay run run, ông Tư nâng niu chiếc tù và, quan sát tỉ mỉ như nhìn xem một bảo vật. Thằng Thi cũng lấy làm lạ. Mấy chục năm nay, chiếc tù và nằm yên trên bàn thờ, nó thường lau chùi, mà có thấy gì là lạ đâu! Chỉ là đầu nhọn của một cái sừng trâu, dài khoảng hơn một gang tay, được khoét lỗ cho thông suốt khi thổi hơi vào. Thằng Thi biết vậy nhưng chưa hề thổi thử, và từ khi lớn lên, nó cũng chưa từng nghe được tiếng tù và! Nó ước thầm: Giá mà chiếc tù và này được làm bằng con tê giác thì đời nó được lên hương ngay khi các “đại gia” của thời kinh tế thị trường đánh hơi thấy mùi vàng phát ra từ cái vật tưởng chừng như một món đồ phế thải của các ông đồng nát.
* * *
Dường như không thể không nói ra những điều đang nung nấu trong lòng. Sẵn dịp có một số bạn bè của thằng Thi đến chơi, ông Tư mua trà bánh cúng ông Hai, và mời các bạn trẻ cùng vui. Cuộc giao lưu rất là thoải mái khi mọi người đã biết nhau. Người muốn nói, người muốn nghe về chiếc tù và nên không khí thêm cởi mở. Sau một lúc trầm ngâm như để nhớ lại, ông Tư uống mấy hớp trà rồi chậm rãi kể như nói với cháu con những chuyện tâm tình...
... Mấy cháu thân mến. Mấy cháu nghe ông kể những chuyện này như chuyện đời xưa, mà đều là chuyện thật ở quê mình mấy mươi năm trước đây, và trong thời kháng chiến. Đây là cây tù và, một di tích lịch sử. Có lẽ sau này, người ta không còn làm ra nó để làm gì, vì có những thứ khác hiện đại hơn có thể làm thay chức năng của nó. Chức năng của nó là gì? Là thông tin, là báo động cho xóm làng hay về một việc gì đó để bà con cùng hợp tác giải quyết theo sự phân công đã được qui ước trước với nhau. Ở nông thôn trước đây, người ta thường tổ chức ra vạn phát, vạn cấy..., có vạn lên tới vài chục người. Ngày nào làm việc ở đâu thì các vạn viên được thông báo trước để tập hợp đúng giờ tại nơi qui định, chuẩn bị mọi thứ, rồi cùng kéo nhau ra đồng, giải quyết công việc có tập thể. Vì sợ có người chậm trễ nên cần có tiếng tù và để thúc giục. Vạn nào cũng có tù và. Người thổi tù và phải thật khỏe mạnh mới đủ sức đưa hơi vào cái sừng trâu và là cho nó phát ra thành tiếng, nếu không thì nó không kêu. Có người còn biết luyến láy cho tiếng tù và ngân nga, kéo dài thành một “giai điệu” mà người ta nhại lại thành một câu ngộ nghĩnh là,... “Vượn hú... vượn hú, cu kêu... vượn hú, cu kêu... cu kêu, vượn hú...”. Đến ngày mùa, cứ khoảng bốn giờ sáng thì xóm nào cũng có tiếng “vượn hú, cu kêu. Mỗi “nghệ sĩ tù và” đều có cách thổi riêng nên người nghe không lẫn lộn dù có hai ba tiếng tù và cùng nổi lên một lúc. Khi ra đồng, nếu có việc gì cần tập hợp nhau lại, người vạn trưởng cũng nhờ đến tiếng tù và. Ví như có người bỗng nhiên bị bệnh không thể làm xong phần việc của mình, thì khi nghe tiếng tù và, ai đã xong trước đều xúm lại chỗ người đang bệnh, cùng nhau dứt điểm những việc bị “ cù”rồi kéo nhau về. Vì vậy, tiếng tù và là niềm vui trong lao động, là giờ giấc, là hiệu lệnh, kỷ cương. Tiếng tù và đã làm cho thôn xóm thêm rộn rã, vui tươi. Nhiều người “nghiện” tiếng “vượn hú, cu kêu”, vắng nó thì thấy nhớ, không ra đồng là không chịu được!
Nghe đến đây, mấy anh thanh niên cầm chiếc tù và, xin phép thổi thử. Anh nào cũng lấy hơi, phùng mang, trợn mắt, mà thổi không kêu, chỉ làm phát ra những tiếng “khò khò” từ cổ họng! Ai nấy cười vang. Và càng cười, càng không sao thổi được! Ông Tư cầm cây tù và. Mọi người tưởng đâu ông thổi. Nhưng ông nói ngay:
- Không, ông bây giờ thở còn không kịp, thổi làm sao nổi! Nhìn cây tù và này, ông nhớ ông Hai Đăng, ông nội thằng Thi. Hồi còn thanh niên chưa đầy hai mươi tuổi, ông Hai đã làm ra nó, và tiếng tù và của ông nghe hay nhứt làng. Ông đã dạy cho nhiều người thổi, nhưng không ai tạo ra được những tiếng “cu kêu, vượn hú” như ông. Vì vậy, vạn phát mà ông tham gia thường thu hút được nhiều trai tráng.
Ngừng một lát uống vài hớp nước, ông Tư lại tiếp:
- Đến hồi kháng chiến chống Pháp. Ông với ông Hai đều vào du kích. Chiếc tù và này vẫn luôn luôn bên mình ông Hai như một vật “bất ly thân”.
- Để làm gì vậy, ông Tư? Một thanh niên hỏi. Nó làm vũ khí được sao? Như được gãi đúng vào chỗ ngứa, ông Tư nheo mắt, trả lời:
- Đúng vậy! Dân nghèo mình đáng giặc, cái gì cũng có thể trở thành vũ khí. Cái tù và này cũng vậy!
Một hôm, tổ du kích của ông do ông Hai làm tổ trưởng, được phân công đi nắm địch ngoài đồn, hễ chúng vào làng thì thổi tù và báo động để bà con di tản, bảo đảm an toàn cho ngày Tết. Lúc này, đội du kích chỉ có mã tấu và tầm vông vạt nhọn. Khi thấy địch qua cầu, ta biết là chúng chuẩn bị vào làng. Ông Hai vội lấy tù và, hướng vào xóm trong, lấy sức thổi. Nhưng khi ông vừa phát ra được mấy tiếng “cu kêu, vượn hú”, thì địch đã lia về phía ông một loạt mi-trai-dết. Ông Hai ngã xuống mương, nhưng còn cố sức thổi tiếp, nhưng ông đã bị thương ở ngực, không sao thổi được, chỉ làm kêu lên được mấy tiếng “te, te”, rồi im bặt. Cây tù và cũng bị thương. Anh em ta cõng nhau về, đi tới đâu phá cầu tới đó, không cho địch đi qua. Nhưng hôm sau mới biết: bọn địch cũng không dám vào làng, vì nghe tiếng tù và, chúng biết là đã bị lộ, sợ lọt vào ổ phục kích. Về phía ta, tiếng tù và bị gián đoạn, nhưng nhờ đó, bà con cũng đoán được rằng ông Hai đã bị thương nên không đủ sức thổi, chớ lâu nay, tiếng tù và của ông luôn vang xa, ấm áp, chớ đâu có bị gián đoạn bao giờ. Ba con đem xuồng ra đón, chở ông Hai về bệnh xá. Đây, vết thương của cây tù và còn đây! Một vết thương nhỏ nhưng mang đầy ý nghĩa.
Ông Tư chỉ vết sẹo trên cây tù và. Mọi người yên lặng như kính cẩn tưởng nhớ đến những “giọt máu” mà nó đã đổ. Thi nâng cây tù và lên, xoa xoa vết xẹo, xúc động nói:
- Vậy mà hồi nào tới giờ, cháu cứ tưởng đây là một chỗ bể do ai làm rớt. Không ngờ đây là một vết thương!
Thi nói thêm:
- Có lần dọn nhà, tưởng đâu nó bị lạc mất rồi. May mà tìm lại được.
- Ông còn nhớ nhiều việc nữa về cây tù và này. Ông Tư nói tiếp. Sau đó, ông và ông Hai cùng vào một đơn vị chủ lực. Trong một trận đánh giao thông trên quốc lộ 4, các cánh quân hiệp đồng, hễ nghe tiếng kèn đồng “tò le” bài “Vệ Quốc Đoàn tiến lên” thì đồng loạt xung phong. Cây kèn này là loại kèn nhà binh của Pháp do ta lấy được. Nó đã cũ, nhưng còn xài được. Rủi thay hôm đó, khi qua một con rạch, đồng chí “cai kèn” vô ý làm rớt xuống nước, nước vô đầy nhóc trong cây kèn không trút hết ra được. Khi có lệnh xung phong, chú “cai” đưa kèn lên thổi, nó chỉ kêu “khọt, khọt” như ông già ho lén. Kẹt quá, chú đành đưa tay lên miệng hô lớn “xung phong, xung phong” mà chẳng có cánh quân nào nghe. Lúc đó, ông và ông Hai đang phụ trách một khẩu trung liên. Thấy vậy, ông Hai đưa súng cho ông, rồi lấy tù và ra thổi. Tiếng “cu kêu, vượn hú” quen thuộc vang lên từ khu vực chỉ huy. Ai cũng đoán đó là lệnh. Vậy là các mũi đồng loạt ào lên giải quyết trận địa...
Tiếng cười vang lên trong nhà. Cây tù và như cũng muốn reo lên như thời còn oanh liệt. Ông Tư tuy đã thấm mệt vì những câu chuyện, nhưng ông hớp mấy ngụm nước rồi tiếp tục, như sợ quên mất những gì đang muốn nói. Ông tiếp:
- Trận sau đó, ta cũng đánh giao thông. Nhưng đoàn xe địch đông quá ta dứt điểm không gọn. Khi ta rút lui, địch cho quân tiếp viện đồng bọn. Pháo chúng bắn theo dữ dội. Lại còn có máy bay. Khi qua một con mương, ông Hai làm rớt cái tù và, không biết đâu mà mò. Về nhà, ông mất ăn, mất ngủ, xin phép trở lại chỗ cũ để tìm. Cấp chỉ huy thông cảm, cho ông cùng đi. Đến nơi, hai anh em mò mãi mà không gặp. Khi biết việc này, bà con trong xóm cử người mang chiếc tù và ra trả lại ông Hai. Thì ra hai hôm trước, lúc nước cạn, một bác nông dân phát hiện ra cây tù và nằm ở mé mương. Bác biết ngay là cây tù và đã lập công bữa trước còn vang tiếng đồn khắp các xã. Bác giao nó cho ông trưởng ấp để trả về cho chủ nó. Ông Hai cầm cây tù và rớt nước mắt, hôn lia lịa, rồi bỗng nhiên cắn nó một cái! Nó bị sứt một miếng vì cái “cưng” quá cỡ của ông Hai, và ông Hai cũng bị mẻ cái răng khểnh vì sự tỏ tình nẩy lửa ấy.
Ông Tư cầm cây tù và đưa lên xem, và cười lớn, bảo:
- Đây nè, chỗ sứt còn đây! Dấu răng của ông Hai đó! Ở các vùng đóng quân lúc ấy, nói đến tên Hai Đăng thì còn nhiều người chưa biết, chớ nói tới “anh lính tù và mẻ răng” thì hầu như ai cũng quen, nhứt là trẻ con! Nhờ vậy mà anh Hai làm dân vận rất có hiệu quả.
* * *
Câu chuyện ngày xưa cứ kéo dài. Nhà thằng Thi khách càng đông, không đủ ghế để ngồi. Không khí mỗi lúc thêm ấm áp. Một người nói:
- Nhà thằng Thi có một vật quí như vậy mà nó không biết! Và cũng không ai biết! Bây giờ biết rồi thì coi chừng, nó giữ không nổi!
Thi lên tiếng, xúc động:
- Đúng là sau khi về hưu do vết thương tái phát, nội tôi chưa kịp nói gì về cái tù và. Tôi cứ coi nó như một vật bình thường, giữ chơi làm kỷ niệm. Nay nhờ có ông Tư mà tôi mới biết đó là một vật đã gắn liền với cuộc sống và chiến đấu của nội tôi. Nó đã chứng kiến nhiều sự kiện vui, buồn của một thời kháng chiến. Nếu tôi giữ nó trong nhà thì chỉ có gia đình tôi biết. Tôi muốn nhân dịp này, nhờ ông Tư liên hệ với các cơ quan, tặng cái tù và cho Nhà Bảo Tàng, và viết kèm theo những sự việc và con người có liên quan đến nó để giáo dục cho các bạn trẻ. Như vậy, nó sẽ có tác dụng nhiều hơn. Và như vậy, chắc nội tôi sẽ vui hơn là để nó trên bàn thờ!
Nghe tới đó, trong nhà có nhiều tiếng: “Phải đó, phải đó”, “hoan hô, hoan hô”... Ông Tư rất vui, vỗ vai Thi, bảo:
- Làm vậy là hay đó! Ông sẵn sàng cùng cháu làm mọi việc cho tới khi cái tù và này được nằm ở một vị trí trang trọng trong Nhà Bảo Tàng của tỉnh, hay của Quân khu. Ngày nào ông còn khỏe mạnh, ông sẽ còn tới đó thăm nó, thăm anh Hai, thăm bè bạn ngày trước. Ông sẽ nghe lại trong ký ức của mình tiếng gọi ân tình “vượn hú, cu kêu”...
Ông Tư cười, mà nước mắt rơi. Trên bàn thờ, trong tấm ảnh đã mờ, nụ cười của ông Hai như thêm phần vui tươi, rạng rỡ, tưởng chừng như ông muốn cầm cái tù và tặng mấy cái hôn, và cắn nó thêm một cái.
Từ khóa » Cây Tù Và
-
Thực Vật độc đáo: Cây Tù Và, Cây Hát, Cây Cười - BVNGroup
-
Lạ Lẫm Tòa Tháp Thông Gió Hình “cây Tù Và” - CafeLand.Vn
-
Cây Từ Bi: Đặc điểm, Phân Bố Và Tác Dụng Chữa Bệnh Thận Yếu
-
Cây Từ Bi Trị Bệnh Gì? - Vinmec
-
Hạt é Là Gì? Hạt é Từ Cây Gì Và Cách Phân Biệt Hạt é Và Hạt Chia
-
Công Dụng Tuyệt Vời Của Lá Từ Bi Chữa Sỏi Thận ít Ai Biết
-
Găng Tu Hú: Cây Thuốc Mọc Hoang Ven Rừng Chữa Nhiều Bệnh
-
Top 7 Bài Thuốc Dùng Cây Từ Bi Chữa Sỏi Thận Hiệu Quả Nhất
-
Cây Cúc Tần Và Các Bài Thuốc Chữa Bệnh Từ Cây Cúc Tần
-
Thể Loại:Cây – Wikipedia Tiếng Việt
-
Thân Cây – Wikipedia Tiếng Việt
-
Cây 'tù Tội' ở Pakistan - VnExpress Du Lịch
-
Những Lợi ích Bất Ngờ đến Từ Cây Long Não