Chiêm Ngưỡng Những Tổ Ong Khoái Khổng Lồ Bám đầy Vách Núi đá ở ...

Xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng thuộc Công viên địa chất non nước Cao Bằng. Xóm chủ yếu là người Dao Tiền với hai dòng họ chính là họ Lý và họ Chu.

Đến Hoài Khao du khách được đắm chìm trong làn điệu Páo dung, những bộ trang phục được thêu một cách cầu kỳ, được thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Đặc biệt, đây là nơi đất lành, con người hiền hòa với thiên nhiên nên cứ vào mùa xuân hàng năm có những đàn ong khoái đến làm tổ ở 2 hang động quanh xóm.

Chiêm ngưỡng những tổ ong khoái khổng lồ bám đầy vách núi đá ở Cao Bằng - 1
Ong khoái làm tổ chi chít trên vách núi đá.
Chiêm ngưỡng những tổ ong khoái khổng lồ bám đầy vách núi đá ở Cao Bằng - 2
Những sáp ong khổng lồ được người dân chọc rơi xuống.
Chiêm ngưỡng những tổ ong khoái khổng lồ bám đầy vách núi đá ở Cao Bằng - 3

Cứ vào khoảng đầu tháng 7 âm lịch, người dân sẽ đi thu hoạch sáp ong khoái.

Anh Phùng Văn Cầu, là luật sư hiện đang công tác ở Cao Bằng vừa có chuyến trải nghiệm cùng bà con dân tộc Dao Tiền vào rừng lấy sáp ong cho biết: "Đàn ong về làm tổ trên các vách đá được bà con bảo vệ an toàn. Đặc biệt có những tổ ong có đường kính to đến 1,5m. Mọi người trong xóm bảo nhau trông coi để không cho những người nơi khác, thợ rừng đến lấy mật, vì nếu bị lấy mật thì lập tức đàn ong sẽ bỏ đi".

Chiêm ngưỡng những tổ ong khoái khổng lồ bám đầy vách núi đá ở Cao Bằng - 4

Theo anh Cầu, trong xóm Hoài Khao có 2 địa điểm mà năm nào ong cũng về làm tổ đó là Tráng Vềnh và Tà Lạc.

Chiêm ngưỡng những tổ ong khoái khổng lồ bám đầy vách núi đá ở Cao Bằng - 5
Sáp ong khoái vàng ươm.

Đến đầu tháng 7 âm lịch khi quan sát thấy ong đã bỏ đi hết, chỉ còn lại những tổ ong khổng lồ treo lủng lẳng trên vách đá thì bà con trong xóm tổ chức đi lấy sáp ong. Ngày tổ chức lấy sáp ong sẽ được thầy mo chọn ngày đẹp. Ngày hôm đó thầy mo sẽ tổ chức lễ cúng thần rừng, thần ong nhằm xin đấng thần linh cho phép người dân lấy sáp ong được an toàn, và cầu cho sang năm ong sẽ quay về nhiều hơn.

Anh Vũ Khắc Chung, nhiếp ảnh gia ở Cao Bằng bày tỏ ngạc nhiên khi lần đầu được tận mắt nhìn thấy những tổ ong khoái khổng lồ: "Chụp rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên, con người của Cao Bằng nhưng đây là lần đầu tôi được chứng kiến nhiều sáp ong và to đến vậy. Tôi được ghi lại tất cả các hoạt động từ chọc sáp đến nấu sáp của người dân, một trải nghiệm rất nhiều cảm xúc".

Anh Phùng Văn Cầu cho biết thêm: "Để lấy được sáp, người dân làm những chiếc bậc thang từ cây tre, buộc chắc chắn bằng dây thừng và dây rừng. Còn một chiếc sào được nối lại với nhau cho dài thêm, ở đầu được gắn một mảnh gỗ dài, dẹt hơi sắc trông như một con dao để chọc xác tổ ong rơi xuống.

Những người đàn ông khỏe mạnh, tỉnh táo thường được chọn để trèo lên vách đá chọc xác tổ ong. Các mẹ, các cô, các em gái thường là những người nhặt toàn bộ phần tổ rơi xuống".

Chiêm ngưỡng những tổ ong khoái khổng lồ bám đầy vách núi đá ở Cao Bằng - 6

Sáp sau khi lấy về sẽ được xử lý qua các công đoạn như bẻ nhỏ rồi đun cho chảy ra.

Chiêm ngưỡng những tổ ong khoái khổng lồ bám đầy vách núi đá ở Cao Bằng - 7
Lọc bỏ các tạp chất, chỉ giữ lại những phần tinh khiết để cô đặc thành sáp rồi đem cắt ra thành từng phần bằng nhau, chia cho các hộ trong xóm.
Chiêm ngưỡng những tổ ong khoái khổng lồ bám đầy vách núi đá ở Cao Bằng - 8
Có năm mỗi hộ trong xóm được chia tới 1,4kg sáp ong để dùng trong gia đình.

Người Dao Tiền nơi đây có phương pháp thêu và in hoa văn bằng sáp ong rất độc đáo. Tất cả phụ nữ đều thành thạo kỹ thuật in họa tiết hình học, cỏ cây, hoa lá, chim, thú bằng sáp ong trên vải để làm ra những bộ trang phục cầu kỳ của người phụ nữ Dao Tiền.

Chính nét văn hóa đặc sắc cùng hoạt động của người dân trong gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đã giúp Hoài Khao trở thành điểm hẹn của rất nhiều du khách, là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng theo hướng hiệu quả, bền vững.

Chiêm ngưỡng những tổ ong khoái khổng lồ bám đầy vách núi đá ở Cao Bằng - 9
Những người phụ nữ dân tộc Dao Tiền trong trang phục được in họa tiết bằng sáp ong.

Đến Hoài Khao vào những mùa khác nhau, du khách đều có những trải nghiệm khó quên với mảnh đất giàu bản sắc. Mùa hè, du khách được cảm nhận không khí trong lành của miền sơn cước, phóng tầm mắt cùng cánh đồng lúa xanh mướt. Mùa thu, Hoài Khao khoác lên mình diện mạo rực rỡ với thung lũng lúa vàng nặng trĩu bông.

Từ khóa » Tổ Ong Trên Vách Núi