Chiến Binh K Tuổi 20 Và Cú Lội Ngược Dòng Khi Bệnh Viện Trả Về

Trải qua một chặng đường chiến đấu với bệnh tật trong tinh thần của một chiến binh, sức khỏe Kiên đã ổn định trở lại. Chàng trai 20 tuổi mạnh mẽ và kiên cường tiếp tục thực hiện những giấc mơ dang dở.

bệnh nhân k vượt qua bệnh u lympho

Cả năm trời đi khắp các bệnh viện không tìm ra bệnh

Cũng như bao cô cậu học trò muốn kết thúc tuổi 18 bằng một chặng đường mới chinh phục cánh cổng Đại học, Bùi Tuấn Kiên (Hải Dương) thi đỗ Đại học Bách Khoa, Hà Nội. Khi em dần quen với môi trường mới, bạn bè mới thì biến cố xảy đến.Tháng 8/2020 Kiên sốt liên tục, men gan tăng, em đi khám các bệnh viện được chỉ định xét nghiệm nhưng mỗi viện lại đưa ra một kết quả. Tình trạng sốt không thuyên giảm, Kiên đang từ một nam thanh niên khỏe mạnh, cao ráo, năng động trở nên mệt mỏi, xanh xao.

tình trạng bệnh nhân mắc u lympho
Kiên được chẩn đoán u lympho Hodgkin sau thời gian dài đi khắp nơi không tìm ra bệnh.

hình ảnh bệnh nhân mắc u lympho

Thời điểm ấy mỗi ngày trôi qua là một thử thách lớn với Kiên và cả gia đình. Em nhớ lại: “2, 3 ngày em lại lên viện một lần mãi không tìm ra nguyên nhân. Lúc ấy em chưa học xong năm thứ nhất phải bảo lưu kết quả để điều trị”.

Đến tháng 4/2021 Kiên phát hiện cổ có hạch, được một người quen giới thiệu nên đến BVĐK Tâm Anh HN khám sau khi đã đi rất nhiều nơi. Tại đây, các bác sĩ khoa Ung bướu làm sinh thiết hạch, làm hóa mô miễn dịch để chẩn đoán. Kết quả đưa ra chẩn đoán xác định rất khó khăn mặc dù đã làm hóa mô miễn dịch. Các bác sĩ BVĐK Tâm Anh Hà Nội đã tiến hành hội chẩn với các chuyên gia ở Hoa Kỳ và Nhật Bản. Cuối cùng đã tìm ra nguyên nhân, Kiên mắc u lympho Hodgkin – căn bệnh ác tính hệ hạch bạch huyết.

Dù đã tìm ra bệnh nhưng kết quả lại chính là thử thách lớn đối với Kiên. Anh Quang, bố Kiên chia sẻ: “Gia đình nghe thấy ung thư thì hoang mang vô cùng vì luôn quan niệm ung thư là chỉ có chết. Cũng may là bác sĩ ở bệnh viện Tâm Anh đã phát hiện ra bệnh, giải thích và động viên tinh thần để cả nhà trấn tĩnh lại”.

bác sĩ chăm sóc bệnh nhân bị u lympho

ThS.BS Nguyễn Thành Trung – Khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh HN cho biết: “Bệnh nhân bắt đầu điều trị hóa chất từ tháng 6/2021 được 3 chu kỳ, 6 lần truyền, mỗi lần cách nhau 2 tuần. Khó khăn là trong tất cả các đợt điều trị men gan tăng rất cao, các chỉ số đều vài trăm U/L, trong khi đó men gan của người bình thường có các chỉ số như: ALT: 20 – 40 UI/L, AST: 20 – 40 UI/L, ALP: 30 – 110 UI/L, GGT: 20 – 40UI/L”.

Đợt điều trị của Kiên kết thúc vào tháng 9/2021. Các bác sĩ hội chẩn lại tiêu bản vẫn là u lympho Hodgkin tiến triển.

chẩn đoán bệnh bằng hình ảnh

Cả gia đình đau đớn đến tột cùng khi “bệnh viện trả về”

Từ khi biết bệnh tình tinh thần Kiên rất vững vàng và lạc quan: “Em luôn nghĩ mình bị ốm bình thường, cứ lên viện điều trị xong thì đi về. Dù lên mạng em cũng chỉ đọc những điều tích cực, không nạp thứ tiêu cực vào đầu. Các bác sĩ ở đây cũng luôn động viên, tiếp thêm niềm tin cho em”.

Nhưng mọi thứ dường như quá nghiệt ngã với chàng trai nhỏ bé khi gia đình cho em chuyển viện để truyền hóa chất liều cao và ghép tủy.

Vào tháng 12/2021, tình trạng sức khỏe của Kiên chuyển biến xấu, cơ thể teo tóp còn da bọc xương, da vàng ệch. Kiên chỉ nặng hơn 30kg không làm được gì, muốn nằm nghiêng cũng phải có người hỗ trợ.

Thời gian ấy với Kiên và gia đình như sống trong địa ngục. Mỗi ngày nhìn em đau đớn vẫn gồng lên cố gắng, bố mẹ cũng chỉ biết giấu nước mắt an ủi con trai. Nỗi đau thể xác chồng chất với nỗi đau tinh thần, không chỉ mình Kiên mà cả gia đình em đang phải chiến đấu với căn bệnh quái ác.

Một ngày cuối năm khi mọi người hối hả tất bật chuẩn bị đón Tết, bố mẹ Kiên ôm trọn sự tuyệt vọng, đau đớn đến tột cùng khi “bệnh viện trả về”. Kiên không biết, bố mẹ càng không để cho em biết vì cơ thể em quá yếu không chịu nổi cú sốc này. 

“Canh bạc” sinh tử khi chỉ còn 1/10 cơ hội 

Người ta bảo sự thất vọng không đau bằng việc không còn gì để hi vọng. Người làm cha làm mẹ sẽ không bao giờ buông tay con mình ngay cả khi họ biết đó là lần quyết định.

“Mình lại về Tâm Anh đi con, dù sao đây cũng là ngôi nhà thứ 2 của con, các bác sĩ hiểu con, con cũng quen với ngôi nhà ấy”, đó là lời anh Quang nói với Kiên. Họ luôn mang tâm thế của những chiến binh K đi tìm phép màu… 

Anh nghẹn ngào chia sẻ với bác sĩ: “Bây giờ Kiên đã rất yếu nhưng vẫn còn tỉnh táo, nếu đưa cháu về nhà, cháu càng suy sụp, thôi thì cứ đưa cháu về BVĐK Tâm Anh Hà Nội, đến khi cháu hôn mê không biết gì thì đưa cháu về cho cháu đỡ khổ”.

Về BVĐK Tâm Anh Hà Nội vào ngày cận Tết, bác sĩ Trung nhớ lại: “Bệnh nhân quay lại viện vào tháng 1/2022 với chuyển biến xấu, suy kiệt, da vàng, bụng chướng, sốt cao, bạch cầu xuống 0,1 G/L; huyết sắc tố 8,1 G/L; tiểu cầu 10. Bụng nhiều dịch, đau lở loét miệng uống nước cũng khó khăn”. 

bác sĩ khoa ung bướu chăm sóc bệnh nhân
Các bác sĩ khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh Hà Nội thăm khám cho Kiên

Trước đó Kiên đã chảy máu mũi, hậu môn, nôn ra máu, sốt cao, suy tủy, suy 3 dòng tế bào máu, albumin giảm, men gan tăng cao 1000 UI/ml, sắc tố mật (bilirubin trên 100), suy gan nặng và tiên lượng khó qua khỏi. Các bác sĩ đã phải điều trị tích cực, truyền dịch, truyền máu, trợ gan, dùng thuốc tăng bạch cầu liên tục, tuy nhiên tình trạng vẫn không cải thiện được nhiều.

Là một trong những người tiến hành điều trị miễn dịch đầu tiên tại Việt Nam cho bệnh nhân ung thư, Tiến sĩ Vũ Hữu Khiêm trưởng khoa cùng các bác sĩ khoa Ung bướu, BVĐK Tâm Anh Hà Nội đã cân nhắc đến thể trạng, giai đoạn bệnh của Kiên ở thời điểm ấy và quyết định: Nếu cứ để nguyên thì bệnh sẽ càng ngày càng nặng, tử vong là rất gần vì bệnh tiến triển suy các cơ quan không hồi phục, còn nếu sử dụng thuốc miễn dịch dù rất thấp nhưng còn chút hy vọng. 

Dù khả năng thành công chỉ là 1/10 nhưng không còn cách nào khác. Đây như một canh bạc lớn của các y bác sĩ và gia đình bệnh nhân. Nhớ lại mốc thời gian có quá nhiều cảm xúc, anh Quang tâm sự: “Lúc men gan cao, mọi thứ đều tiên lượng xấu tôi vẫn hy vọng còn nước còn tát. Vào thời khắc sinh tử, các bác sĩ mà đứng đầu là TS.BS. Khiêm đã có quyết định cân não rất sáng suốt là điều trị miễn dịch. Bác sĩ khoa Ung bướu BVĐK Tâm Anh như tái sinh con tôi một lần nữa. Tôi rất mừng vì ở viện được trang bị các thiết bị hiện đại, không khí thoải mái không khác gì ở nhà. Vì thế mà tâm lý, tinh thần người bệnh cũng phấn chấn hơn”.

Là trụ cột gia đình, anh Quang phải gồng gánh làm chỗ dựa cho vợ con. Thế nhưng nghĩ lại những gì đã đi qua anh khâm phục chính con trai mình. 

“Có những lúc nhìn con đau đến mức cắn răng khi nuốt nước bọt, liên tục trong tình trạng sốt 40 độ nhưng không kêu ca, nén lại để bố mẹ không phải lo nghĩ. Tôi càng thương con hơn. Giờ bạn ấy trưởng thành lên nhiều lắm, biết quan tâm chăm sóc bố mẹ, em gái”.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Khiêm – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội: “Tôi đặt mình vào vị trí của bệnh nhân để đồng cảm và sẻ chia. Khi nghe tin mắc ung thư ai cũng sẽ sốc, cảm giác đầu tiên là suy sụp, hoang mang rồi dần rơi vào bất mãn. Trong quá trình chữa bệnh ung thư thì tinh thần là một trong những vũ khí quan trọng nhất, khi tinh thần tốt, sức khỏe tốt, hệ miễn dịch tốt đồng nghĩa quá trình điều trị có thể dễ dàng, thuận tiện”.

bác sĩ vũ hữu khiêm khoa ung bướu
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Hữu Khiêm – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Bí quyết chiến thắng “thần chết” của chiến binh K

Khi được hỏi có lúc nào mệt quá không muốn giả vờ mạnh mẽ nữa không, Kiên trả lời: “Nhiều lắm, có lúc em thấy bản thân không còn chút sức lực, khi em nhìn bạn bè đi chơi, đi học, khi em thấy mẹ không một đêm nào ngon giấc, khi bố trốn một góc khóc để em không buồn, khi đứa em gái lớp 8 của em phải ở nhà một mình tự lo mọi thứ…”. 

Kỳ lạ là trong tất cả những lý do ấy, không có lý do nào vì em đau hay bệnh tật hành hạ. Tết năm vừa rồi, khi cơ thể suy sụp nhất, sự đối lập cay đắng giữa chiếc giường bệnh và không khí ngoài đường khiến Kiên muốn sống thật với sự yếu đuối của mình một lần cho thỏa.

“Em gục xuống khóc, em hỏi mẹ tại sao cơ thể con không chịu được thuốc? Tại sao bạn bè ngoài kia được mạnh khỏe? Con có làm gì thất đức đâu mà phải gánh chịu đau đớn thế này? Lúc ấy mẹ em nói: ‘Bệnh tật là điều không ai mong muốn nhưng con luôn là niềm tự hào của mẹ’. Và đó là động lực giúp em vượt qua”, Kiên chia sẻ.

Với bệnh nhân ung thư, ăn uống đã là cả một sự cố gắng. Kiên được bác sĩ khoa dinh dưỡng BVĐK Tâm Anh Hà Nội điều chỉnh chế độ ăn liên tục phù hợp với từng giai đoạn bệnh.

bệnh nhân mắc u lympho đã khỏi bệnh
Kiên đã ổn định sức khỏe và đi học vào tháng 9 sắp tới

“Có lần họng em chảy máu, ăn thìa cháo cũng thấy đau. Bạn bố gửi đĩa thịt gà mà em thèm lắm. Mẹ xé từng miếng nhỏ đút cho ăn cảm thấy ngon hơn bất cứ sơn hào hải vị nào trên đời. Lúc ấy em mới nghĩ phải ăn, phải cố gắng khỏe thật nhanh để chiến thắng bệnh tật. 

Đợt gần Tết bác sĩ Khiêm với bác sĩ Trung còn giục nhắc em: ‘Phải khỏe nhanh lên còn về ăn ông Công ông Táo’. Năm vừa rồi là cái Tết rất đặc biệt với em”, Kiên nhớ lại.

ThS.BS Nguyễn Thành Trung cho biết tình trạng sức khỏe của Kiên hiện tại khá tốt, dù vẫn phải điều trị thêm nhưng em đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm. Đến tháng 9 này Kiên sẽ đi học trở lại, tiếp tục những dự định còn dang dở.

Hải Dương của những ngày cuối hè nắng như đổ lửa, nhưng có chàng sinh viên 20 tuổi, ôm cây đàn guitar ngân nga câu hát “Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người, còn cuộc đời ta cứ vui…”.

Để đặt lịch khám với các chuyên gia Ung bướu, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Từ khóa » Tổ Chức Lại Gia đình Không Thịt Không Vui