Chiến Dịch Điện Biên Phủ Lịch Sử, Mốc Son Chói Lọi Trong Lịch Sử Việt ...

Ngày 20/11/1953, Quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng thành tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất ở chiến trường Đông Dương.

Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, phương châm tác chiến là “đánh chắc, tiến chắc”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trực tiếp làm Tư lệnh chiến dịch.

Chiều 7-5-1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ngày 13/3/1954 quân ta mở đợt tiến công thứ nhất vào cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau 5 ngày chiến đấu, tiêu điểm hai cứ điểm Him Lam và Độc Lập.

Ngày 30/3/1954, quân ta mở đợt tấn công thứ hai, đánh đồng loạt các ngọn đồi phía đông của phân khu trung tâm, tiêu diệt 2.500 tên địch, chiếm lĩnh phần lớn các ngọn đồi phía đông.

Ngày 01/5/1954, ta mở đợt tấn thứ ba đánh chiếm những cứ điểm còn lại làm tiền đề để tiêu diệt nốt đồi A1 và C2.

Ngày 07/5/1954, bộ đội ta phất cao cờ chiến thắng, tướng Đờ Cáttơri và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm bị bắt sống.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu, ta tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, thu 28 khẩu pháo, 5.915 khẩu súng, 3 xe tăng, 64 ô tô, 43 tấn dụng cụ thông tin, bắn rơi 62 máy bay các loại.

68 năm đã trôi qua với biết bao sự kiện trọng đại đã diễn ra trên đất nước ta. Nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn in đậm trong tâm khảm các thế hệ người Việt Nam và nhân loại, đã làm “chấn động địa cầu”, giáng đòn quyết định, mở đầu sự sụp đổ của chế độ thực dân cũ, cổ vũ mạnh mẽ các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đứng lên giành độc lập, tự do.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những chiến công chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta, đã ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa trong thế kỷ XX, mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta. Đó là di sản tinh thần quý báu, là động lực to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn Dân và toàn Quân ta trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. (Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng).

Thanh Hóa là một tỉnh nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nhất là trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954).

Với vị thế cửa ngõ của vùng tự do, phía Bắc giáp với chiến trường chính Bắc Bộ, trên hành lang chiến lược nối liền vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh với Tây Bắc và thủ đô kháng chiến.Trong kháng chiến chống Pháp,Thanh Hóa luôn là một căn cứ địa quan trọng, là hậu phương lớn của cuộc kháng chiến, đã không ngừng cung cấp sức người, sức của, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước.

Đoàn dân công xe đạp thồ Thanh Hóa vận chuyển lương thực tiếp vận chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954.

Năm 1953, Thanh Hóa vẫn là vùng tự do nhưng nằm trong thế bị bao vây, phong tỏa. Quân và dân Thanh Hóa phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, gian khổ trong chiến cục Đông Xuân 1953 - 1954. Chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã khẩn trương thực hiện những nhiệm vụ do Trung ương Đảng và Chính phủ giao là phải huy động cao nhất mọi khả năng để phục vụ bộ đội. Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV (1952) đã đề ra nhiệm vụ: Phát triển sản xuất, thực hiện dân chủ, cải thiện dân sinh, đẩy mạnh kháng chiến. Tích cực phục vụ tiền tuyến, bảo vệ hậu phương, củng cố khối đoàn kết toàn dân…Tỉnh chủ trương tích cực đẩy mạnh, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, tăng diện tích, sản lượng cây trồng để tự túc lương thực cung cấp cho kháng chiến, đạt và vượt mọi chỉ tiêu, kế hoạch Trung ương giao. Tỉnh đã thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận, đề ra kế hoạch cụ thể xây dựng hệ thống kho, trạm, sửa chữa đường nhằm nhanh chóng huy động nhân tài, vật lực cho chiến dịch.Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”,Thanh Hóa đã huy động tối đa sức người, sức của phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Thanh niên Thanh Hóa nô nức tòng quân, tham gia thanh niên xung phong, hàng ngàn dân công được huy động lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Để chuẩn bị tốt công tác hậu cần, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy Khu IV và Tỉnh ủy Thanh Hóa, toàn bộ lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu từ khắp nơi trong tỉnh được tập trung về kho Cẩm Thủy và kho Lược (Thọ Xuân) để chuyển ra mặt trận. Liên khu còn huy động Thanh niên xung phong xây dựng hệ thống trạm trên tuyến vận tải tiền phương, sửa chữa cầu đường cho bộ đội và dân công ra tuyến trước.

Trong đợt huy động lần thứ nhất, Thanh Hóa đã vượt chỉ tiêu kế hoạch 150%. Hơn 8.000 tấn lương thực, 2.000 tấn thực phẩm khô đã được lực lượng dân công Thanh Hóa và Bắc Nghệ An vận chuyển an toàn về nơi tập kết ở Vạn Mai, Mộc Châu và Yên Châu. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, nhiều anh, chị em dân công Thanh Hóa đã xung phong tình nguyện ở lại phục vụ bộ đội chiến đấu.

Trong đợt vận chuyển lần thứ hai, do được hậu phương quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần, được Đảng bộ và nhân dân gửi 28.000 lá thư thăm hỏi, động viên… Đó là nguồn động lựcquý báu, thúc đẩy đoàn dân công Thanh Hóa hoàn thành trước thời gian trên giao 3 ngày.

Do yêu cầu của việc chi viện cho cuộc kháng chiến ngày càng trở nên cấp bách, với quyết tâm “Tất cả cho chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng”, Trung ương Đảng yêu cầu các địa phương phát huy cao hơn nữa khả năng cung cấp, phục vụ cho chiến dịch. Ngày 15/4/1954, Thanh Hóa được giao thêm nhiệm vụ trong vòng 20 ngày phải huy động thêm 2000 tấn gạo, 147 tấn thực phẩm và muối cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Để có đủ số lương thực, thực phẩm Trung ương giao cho, nhân dân Thanh Hóa đã phải ăn ngô, khoai non, dành gạo cho chiến sỹ ngoài mặt trận. Nông dân phải ra đồng tỉa từng bông lúa vừa chín và dốc những hạt gạo cuối cùng để đóng góp cho chiến dịch. Trong đợt vận chuyển lần thứ ba, số lượng dân công Thanh Hóa huy động lên tới mức kỷ lục là 120.000 người (trong đó có 25.000 dân công nữ) chiếm 80% tổng số dân công trên toàn tuyến và 10.075 xe đạp thồ.

Tính chung cả ba đợt, Thanh Hóa đã huy động 30% người trong độ tuổi lao động tham gia dân công tuyến lửa(dài hạn và ngắn hạn) với tổng số dân công lên đến 178.924 người, huy động 3.530 xe đạp thồ với 16.000 lượt chiếc, 1.126 thuyền, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa, 3 thớt voi. Thanh Hóa đã cung cấp hậu cần cho quân đội, chiếm tới 56% (9000 tấn gạo/16.000 tấn), số lương thực, thực phẩm chiếm 40% (450 tấn cá khô, 2.000 con lợn, 1.300 con bò, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu, 20.000 chai, lọ nước mắm cùng hàng trăm tấn rau các loại), đảm bảo lương thực phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều con em dân công Thanh Hóa trở thành kiện tướng vận chuyển như: Ma văn Kháng, Cao Văn Tỵ, Trịnh Ngọc…

Đó là những đóng góp vô cùng to lớn của quân và dân Thanh Hóa cho chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Vì vậy trong dịp về thăm Thanh Hóa lần thứ hai (ngày 13/6/1957), khi đánh giá về công lao của nhân dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen ngợi “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. 

Thời gian đã lùi xa, nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử và mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam Anh hùng.

 

 

Từ khóa » Chiến Dịch Lịch Sử điện Biên Phủ 1954