Chiến Dịch Giải Phóng Huế “một Ngày Bằng 20 Năm” - Báo Quân Khu 4

Quân giải phóng tiến vào cổng Ngọ Môn Huế.Ảnh tư liệu

Gần 46 năm trôi qua, ông Nguyễn Huy Ngọc, nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế không thể nào quên một thời oanh liệt.

Sinh ra và lớn lên ở xã Hương Thái, nay là xã Hương Chữ, thị xã Hương Trà, ông Ngọc theo cách mạng năm lên 18 tuổi. Đến năm 20 tuổi, ông là xã đội trưởng xã Hương Thái, phụ trách đánh địch ở vùng ven thành phố Huế.

Ông Ngọc nhớ lại, năm 1971, ông được cấp trên rút về làm chính trị viên đội biệt động trực thuộc Thành đội Huế, chuyên phụ trách quận Thành Nội. Để vào thành Huế, ông Ngọc và đồng đội phải băng rừng lội suối, nằm giữa lùm cây, đồng lúa, ngâm mình trong sình lầy, đọ súng với địch. Trong chiến dịch giải phóng Huế, đội biệt động của ông Ngọc được giao nhiệm vụ đánh mở đường đưa bộ đội tiến vào thành phố Huế. Thời điểm đó, địch tập trung quân, lập thành một phòng tuyến dày đặc hành lang phía Tây Huế, từ Hòn Vượn đến chân núi Kim Phụng, với ý đồ chặn hết tất cả các tuyến đường về Huế. Đơn vị biệt động của ông và các lực lượng của ta ngày đêm căng sức tìm mọi cách tiêu diệt địch, mở đường về giải phóng thành phố Huế.

Ông Nguyễn Huy Ngọc, nhớ lại, khó khăn lớn nhất trong giải phóng thành phố Huế, đánh từ ngày 5/3 đến 8/3 là phối hợp. Các ngày đó là các ngày chiến trường ác liệt nhất, ngày nào cũng có bộ đội hy sinh, đêm nào đi cũng gặp phục kích. Vì vậy, khi bóc được tuyến ngoài rồi thì khi đó địch vỡ địch chạy thì chúng ta gặp thuận lợi. Còn những ngày đầu năm 1975 cho đến ngày 22, 23, 24 tháng 3 là những ngày căng thẳng nhất.

Không thể quên thời gian ấy! Ông Nguyễn Trung Chính, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chính ủy Quân khu Trị Thiên, phụ trách cánh Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế năm 1975, hào hứng kể: Từ ngày 8/3/1975, quân ta bắt đầu tấn công đợt một ở nông thôn, đồng bằng. Quân đoàn II, bắt đầu đánh chiếm các cứ điểm địch trên tuyến đường 14, khu vực Mỏ Tàu, vành đai của địch bảo vệ căn cứ Phú Bài, tuyến giao thông Huế- Đà Nẵng, mở màn chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Ở cánh Bắc, quân ta đánh sập cầu An Lỗ cắt tuyến chi viện của địch từ Huế ra tuyến phía bắc, chiếm căn cứ Phổ Lại, huyện Phong Điền; chiếm căn cứ huyện Hương Trà...

Ông Chính nhớ lại kể từ đó, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế nổi dậy khắp nơi, đồng loạt tiến công địch, thu nhiều thắng lợi quan trọng: “Trước diễn biến tình hình, tác động của Chiến dịch Buôn Mê Thuột, Bộ Chính trị mới quyết định bắt đầu từ 21/3 mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng để dốc toàn bộ lực lượng Quân khu, Quân đoàn 2 nhằm giải phóng Huế, tiến hành Chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Yêu cầu chính là phải cắt cho được Huế và Đà Nẵng, không cho địch chạy ra phía biển, ngăn chặn tiêu diệt không cho chúng co cụm lại với nhau”.

Ông Nguyễn Huy Ngọc tại Bảo tàng Lịch sử cách mạng Thừa Thiên Huế.

5h sáng ngày 21/3/1975, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công đợt hai, giải phóng Thừa Thiên Huế. Với tinh thần “Một ngày bằng 20 năm” quân ta dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc tấn công, quần chúng Nhân dân nổi dậy khắp nơi. Từ nhiều hướng, quân ta đánh vỡ tuyến phòng ngự của địch, tạo vòng vây kẹp chặt địch ở thành phố Huế và cửa Thuận An. Lúc này, quân, dân các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà nổi dậy chiếm các quận lỵ, nắm chính quyền.

Ông Hoàng Thế Đoàn, nguyên Phó Ban An ninh huyện Hương Trà năm 1975 cho biết, nhờ lực lượng quần chúng nổi dậy và quân sự tấn công mạnh nên quân đội của chế độ Sài Gòn tan rã nhanh: “Ý thức của quần chúng trông chờ Cách mạng nên khi mình vào thì có nơi họ đã thành lập Ban Quân quản, có nơi mình thành lập nhưng có nơi chỉ tiếp quản thôi. Ngày 26/3 mình đã tiếp quản được một thành phố tương đối nguyên vẹn, không có đổ nát, không có thương vong, không có đổ máu”.

Sau 18 ngày đêm chiến đấu, đến 26/3/1975, quân và dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn toàn giải phóng quê hương, đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía Bắc, góp phần quyết định vào thắng lợi Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, tạo đà chiến thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

VOV.VN

Từ khóa » Chiến Dịch Thừa Thiên Huế