Chiến Dịch Giải Phóng Quảng Trị Và Cuộc Chiến đấu 81 Ngày đêm ...

(Quanlynhanuoc.vn) – Cuộc tiến công chiến lược giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 diễn ra trong giai đoạn lịch sử đặc biệt, khi Hội nghị Pari bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đang đi tới giai đoạn quyết định bằng một giải pháp chính trị. Vì vậy, thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược Xuân – Hè 1972, giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã trở thành vấn đề chính trị trung tâm làm lung chuyển cả nước Mỹ, dập tắt ý đồ leo thang chiến tranh của các thế lực hiếu chiến, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải ngồi lại bàn đàm phán và ký kết hiệp định Pari.
Sông Thạch Hãn những năm 1972 đã từng được mệnh danh là “dòng sông chết”. Rất nhiều chiến sỹ đã mãi mãi nằm lại khi vượt con sông này. Ảnh: vtc.vn.
Chiến trường Quảng Trị năm 1972 – địa danh lịch sử cách mạng, nơi thử thách ngặt nghèo của lịch sử

Chiến tranh đã lùi xa, nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng không đâu như mảnh đất Quảng Trị, chiến trường ác liệt nhất trong 20 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta; chiến trường Quảng Trị năm 1972 – nơi đụng đầu lịch sử của dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ xâm lược và ngụy quân, ngụy quyền, đã chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn kẻ thù, đã từng chứng kiến sự chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng của biết bao đồng bào và chiến sĩ ta; xương máu, mồ hôi và nước mắt của cả một thế hệ đã thấm đẫm nơi đây. Trong số hơn 508 di tích lịch sử, danh thắng đã được kiểm kê đánh giá, có đến 431 di tích lịch sử chiến tranh cách mạng. Đáng chú ý là những di tích có giá trị lớn đối với sự hồi tưởng, hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội đang thu hút các nhà khoa học quân sự, các nhà nghiên cứu chính trị, nghiên cứu lịch sử và khách du lịch trong nước và nước ngoài. Đó là địa đạo Vịnh Mốc, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra, cồn Tiên, Dốc Miếu, Thành cổ Quảng Trị, Đường 9 – Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, đảo Cồn Cỏ, đường Hồ Chí Minh huyền thoại và các nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Đường 9… Có thể nói, Quảng Trị là một bảo tàng sinh động nhất về di tích chiến tranh cách mạng, tài sản tinh thần vô giá của cả nước.

Quảng Trị đã trở thành chiến tuyến đối đầu lịch sử giữa hai lực lượng cách mạng và phản cách mạng; nơi mà tất cả những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, những âm mưu thâm độc, những thủ đoạn tinh vi xảo quyệt nhất đều được Mỹ đem ra áp dụng. Với vị trí chiến lược ở đầu cầu giới tuyến, Quảng Trị là nơi đấu tranh giữa khát vọng thống nhất non sông của một dân tộc với dã tâm chia cắt lâu dài của bè lũ cướp nước và tay sai. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Trị là một chiến trường khốc liệt nhất của cả nước, luôn gồng mình gánh chịu sự ác liệt của chiến tranh với bao đau thương, tàn khốc.

Không có địa phương nào ở miền Bắc lại không có con em của mình trực tiếp chiến đấu ở mảnh đất này. Quảng Trị không còn là địa danh của một địa phương mà đã thành một biểu tượng chung, niềm tự hào chung về một thời hào hùng của một dân tộc anh hùng. Một vùng đất đẫm máu xương và nặng nghĩa ân tình với nhân dân cả nước. Quảng Trị – mảnh đất đau thương nhưng rất đỗi anh hùng. Để giữ vững Thành cổ Quảng Trị năm 1972, có tới hơn 1 vạn chiến sĩ ưu tú đã anh dũng hy sinh thân mình. Các liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Quảng Trị năm 1972 hầu như không có riêng cho mình một nấm mồ. Máu xương các anh đã thấm vào lòng đất mẹ, hòa cùng bao đồng đội để trở thành nấm mồ chung, nghĩa trang chung mà ngày nay, Thành cổ Quảng Trị đã trở thành một nghĩa trang đặc biệt có một không hai trên đất nước Việt Nam.

Trong lịch sử chiến tranh cách mạng của dân tộc, sự cống hiến vô giá của quân và dân ta trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 là một trang sử vàng ghi lại cuộc chiến khốc liệt nhất, gian khổ nhất. Quân Mỹ – ngụy với hơn 300 nghìn tấn bom đạn đã trút xuống thị xã Quảng Trị và toàn bộ Thành cổ Quảng Trị. Bởi vậy, “Quảng Trị là một trong những nơi đụng đầu quyết liệt nhất giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng, là một trong những chiến trường khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, là nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt của đất nước ròng rã 20 năm….”1.

Đặc biệt là, từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, tỉnh Quảng Trị, thị xã Quảng Trị và Thành cổ đã trở thành nơi hành hương cho bao người hội tụ về đây để thắp hương, thả hoa trên dòng sông Thạch Hãn, tưởng nhớ hơn một vạn cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng đã anh dũng chiến đấu và nằm lại trên mảnh đất này, đỉnh điểm là 81 ngày đêm ở Thành cổ. Đó là những người con từ mọi miền đất nước theo tiếng gọi của Tổ quốc đã lên đường chiến đấu, bằng niềm tin quyết thắng đã khẳng định được sức mạnh kiên cường của con người trước bom đạn và những điều kiện sống ngặt nghèo nhất của chiến tranh.

Cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn khẳng định: “Chúng ta đã chịu đựng được không phải vì chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự – những con người Việt Nam, với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”2. Đánh giá về sự kiện lịch sử trọng đại này, Đảng ta khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”3.

Bức ảnh của nhà báo Đoàn Công Tính chụp tại thời điểm diễn ra 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Ảnh: Tư liệu.
Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 1972 – Điểm hội tụ những sáng tạo về sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành chiến tranh và nghệ thuật quân sự Việt Nam

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị được tiến hành trong bối cảnh ta vừa giành được thắng lợi lớn sau 2 đợt tiến công giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng Trị, nhưng không giành được thắng lợi trong đợt 3 tiến công vào phía Nam sông Mỹ Chánh vì không còn yếu tố bất ngờ, địch đã huy động ra Thừa Thiên-Huế lực lượng tổng dự bị chiến lược của địch. Trong khi đó đế quốc Mỹ đã “Mỹ hoá“ trở lại toàn bộ hoả lực trên chiến trường từ không quân đến hải quân với một quy mô và cường độ chưa từng có, nên đợt tiến công thứ 3 của ta từ ngày 20 đến 26/6/1972 đã không thành công, bị tổn thất lớn hơn 2 đợt tiến công trước.

Tác chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị là tiếp tục kết nối của chiến dịch tiến công Trị Thiên được tiến hành từ 30/3 đến 27/6/1972 với chiến dịch phòng ngự vững chắc, một cuộc chiến đấu kéo dài tới 308 ngày, trong đó có 34 ngày tiến công, giải phóng toàn bộ tỉnh Quảng trị, còn lại hơn 7 tháng ta phải chiến đấu phòng ngự, bao gồm 81 ngày đêm giữ thị xã Quảng Trị; đặc biệt là Thành cổ Quảng Trị và tiếp đó là chiến đấu chống lại các đợt “Sóng Thần” 9, 36, 45, 48 kéo dài từ 17/9/1972 đến cuối tháng 1/1973, để giữ được 85% đất đai của tỉnh Quảng Trị, trong điều kiện quân Nguỵ được quân đội Mỹ trở lại chi viện không quân, hải quân ở mức độ tối đa. Ta giữ được Thành cổ và thị xã Quảng Trị 81 ngày đêm trong điều kiện so sánh lực lượng và binh khí kỹ thuật giữa ta và địch rất chênh lệch và các điều kiện khác vô cùng khó khăn, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh chính trị trong thời điểm nhạy cảm về ngoại giao.

Di tích đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị.
Bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành chiến tranh, chiến lược sáng suốt của Đảng

Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược giải phóng tỉnh Quảng Trị và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 của quân và dân ta đã để lại nhiều bài học lịch sử vô giá về sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành chiến tranh của Đảng.

Một là, lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt tốt nhiệm vụ, tập trung xây dựng ý chí chiến đấu cao của cán bộ chiến sĩ, đáp ứng yêu cầu của sự thử thách khắc nghiệt giữa cái sống và cái chết. Quán triệt sâu sắc quyết tâm chiến lược của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương về tình hình nhiệm vụ của chiến dịch, nhiệm vụ của mỗi chiến trường, mỗi đơn vị, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ; Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đánh giá đúng tình hình địch, ta, nhận rõ thời cơ chiến đấu. Trên cơ sở đó, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ dù có hy sinh, vì sự toàn thắng của chiến dịch. Để khắc phục một số biểu hiện lệch lạc như: không thấy hết sức mạnh to lớn của ta, chừng mực nào đó còn đánh giá địch hơi cao, thiếu niềm tin vào thắng lợi, ngại ác liệt hy sinh trước giờ nổ súng giành chiến thắng…; công tác đảng, công tác chính trị đã làm cho mọi người thấy rõ quân nguỵ đã mất chỗ dựa là quân Mỹ, nên lực lượng tuy còn đông nhưng sức chiến đấu bị giảm sút rõ rệt. Chúng lại đang ở thế thua, thế bị động trên toàn chiến trường. Quân Mỹ-Nguỵ đang bị ta bao vây… tình hình trong nước không cho phép Mỹ đưa quân trở lại hay can thiệp bằng hoả lực.

Do hoàn cảnh chiến đấu khắc nghiệt, khẩn trương phải chuyển từ tiến công sang lâm thời phòng ngự giữ Thành cổ Quảng Trị, việc quán triệt nhiệm vụ, củng cố quyết tâm cũng không đơn vị nào kịp tiến hành một cách quy mô, bài bản. Chủ yếu là dùng hình thức cấp trên điện cho cấp dưới hoặc dùng mật ngữ nói qua điện thoại. Về phía ta, đây là thời cơ thuận lợi. Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị là sự tiếp nối của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên hướng chiến lược chủ yếu mà đã được quán triệt và hiểu rõ ý định của Bộ Tư lệnh chiến. Trong đó, yêu cầu gắn chặt nhiệm vụ tiêu diệt địch với giải phóng đất đai, giữ vững vùng giải phóng; gắn đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao đã được quán triệt tới từng cấp. Từ những yêu cầu đó, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh chiến dịch đã xác định trách nhiệm tới từng cán bộ, chiến sĩ của từng đơn vị.

Trong cuộc chiến đấu giải phóng tỉnh Quảng Trị và bảo vệ Thành cổ Quảng trị, công tác tư tưởng đã chú trọng với tất cả các đơn vị, các đối tượng, cả bộ binh và các đơn vị binh chủng, cả đơn vị phía trước và đơn vị phía sau, cả lực lượng chiến đấu và lực lượng phục vụ, bằng các nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo. Đặc biệt, trong chiến dịch lịch sử này, công tác đảng, công tác chính trị đã giáo dục cho các lực lượng tham gia quán triệt sâu sắc ý nghĩa to lớn của chiến dịch này. Đó là chiến dịch quyết định sự toàn thắng của ta, khi Hội nghị Pari bàn về chấm rứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam đang đi tới giai đoạn quyết định bằng giải pháp chính trị. Vì vậy, trên chiến trường trọng điểm Quảng Trị đã diễn ra cuộc đọ sức hết sức quyết liệt giữa quân và dân ta với quân đội xâm lược Mỹ-Nguỵ nhằm thay đổi cục diện chiến trường; thấy rõ những thuận lợi cơ bản của ta để phát huy, những khó khăn để vượt qua.

Hai là, phán đoán sớm, nhận định đúng hướng tiến công của địch, coi trọng lãnh đạo tổ chức chuẩn bị chiến dịch, giải quyết tốt những vấn đề mấu chốt về hiệp đồng tác chiến chiến dịch để giành thắng lợi trọn vẹn. Nghệ thuật quân sự Việt Nam xem việc nắm chắc địch và phán đoán đúng ý đồ của địch là yêu cầu hàng đầu. Trong Chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, đối với các đơn vị của Sư đoàn 320B yêu cầu đó lại càng quan trọng, đặc biệt là đoán đúng hướng tiến công của địch, các lực lượng địch có mặt trên chiến tuyến. Nắm chắc địch và phán đoán đúng ý đồ của địch là cơ sở để tiến hành mọi công tác chuẩn bị sớm cho trận đánh được chu đáo, toàn diện. Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng trị, công tác lãnh đạo tổ chức chuẩn bị và hiệp đồng chiến dịch rất phức tạp, để giành thắng lợi, công tác đảng, công tác chính trị chiến dịch đã đặc biệt quan tâm đến ba vấn đề mấu chốt nhất trong tổ chức hiệp đồng tác chiến, đó là:

Công tác tổ chức chuẩn bị chiến dịch phải tiến hành sớm, chặt chẽ, chu đáo. Để từng thành phần lực lượng tham gia chiến dịch thực hiện kế hoạch tác chiến chiến dịch phát huy được sở trường, cách đánh…, tạo thành sức mạnh tổng hợp tiến công trên các hướng, mũi nhịp nhàng, ăn ý, phát triển thuận lợi và giành được thắng lợi, công tác đảng, công tác chính trị đã làm tốt xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu và tổ chức hiệp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng, nhưng không dàn đều, tập trung vào: động viên cơ quan tham mưu nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc lập kế hoạch hiệp đồng tác chiến chiến dịch cụ thể, chặt chẽ, được tính toán kỹ càng, chu đáo; thực hiện tốt quân sự dân chủ, làm cho các cấp khi nhận nhiệm vụ và hiệp đồng tác chiến chiến dịch tích cực, chủ động đóng góp ý kiến và nêu ra những điểm cần bàn bạc giải quyết trong tác chiến, tạo được sự thống nhất ý chí và hành động trước khi nổ súng, cũng như trong suốt quá trình tác chiến chiến dịch.

Chú trọng tăng cường chỉ đạo hoạt động bảo đảm tác chiến chiến dịch. Bảo đảm chiến dịch là vấn đề rất quan trọng trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng quy mô lớn; bởi vì, chỉ một hướng, mũi có một khâu bảo đảm không chu đáo là hướng, mũi đó gặp khó khăn, thậm chí không hoàn thành nhiệm vụ, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển và thắng lợi của chiến dịch. Công tác đảng, công tác chính trị chiến dịch đã bám sát và tăng cường chỉ đạo hoạt động bảo đảm cơ động, bảo đảm thông tin liên lạc, bảo đảm vật chất hậu cần-kỹ thuật… và được coi trọng đúng mức. Công tác đảng, công tác chính trị đã động viên, giáo dục ý thức trách nhiệm trong xây dựng kế hoạch bảo đảm của các binh chủng, ngành và công tác tổ chức, điều hành thực hiện nhiệm vụ bảo đảm cụ thể…, tạo điều kiện cho các lực lượng tham gia chiến dịch thực hiện tốt nhiệm vụ tác chiến theo kế hoạch.

Ba là, nghệ thuật chỉ đạo tổ chức kết hợp tác chiến phòng ngự với liên tục phản kích, lấy chủ động đánh địch trên diện rộng để giữ vững trọng điểm. Đây là nét độc đáo, sáng tạo về nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chỉ đạo tổ chức kết hợp tác chiến phòng ngự với liên tục tiến công phản kích địch trên hướng trọng điểm. Chấp hành mệnh lệnh bảo vệ Thành cổ Quảng Trị với yêu cầu không cho địch tái chiếm thị xã, thế đứng chân của các đơn vị ta mặc nhiên đã hình thành thế trận phòng ngự trận địa gắn với phòng ngự khu vực trong phạm vi thị xã và các đơn vị bạn tác chiến ở vùng ngoại vi thị xã. Hướng phòng ngự chủ yếu là hướng Nam – Đông Nam, hướng phối hợp là hướng Bắc – Đông Bắc. Hướng Nam có Trung đoàn Bộ binh 88 của Sư đoàn 308 chiến đấu ở khu vực cầu Quảng Trị. Các đơn vị thuộc Trung đoàn Bộ binh 36, 102 của Sư đoàn 308 đánh địch ở La Vang, Tích Tường và khu Đệ Ngũ.

Hướng Bắc có Sư đoàn 320B đánh địch ở vùng Chợ Sãi, Nại Cửu; Trung đoàn Bộ binh 101 (của Sư đoàn 325) đánh ở vùng Bích La, Tài Lương; Sư đoàn 304 có Trung đoàn 66, Trung đoàn 24 có nhiệm vụ chốt giữ mạn Phú Long, tỉnh đội Quảng Trị. Ngoài ra, còn có hai tiểu đoàn bộ đội địa phương (Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 8) trực tiếp tác chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, đã huy động các lực lượng địa phương của huyện Hải Lăng và một phần huyện Triệu Phong thường xuyên đánh địch từ phía sau lưng… Tất cả đã hình thành một khu vực phòng ngự trên diện rộng lấy Thành Cổ Quảng Trị làm hạt nhân. Đây là điểm hội tụ những sáng tạo và phối hợp tác chiến nhịp nhàng khiến cho Thành cổ Quảng Trị tuy ít quân mà vẫn hiên ngang đối chọi với các lực lượng chủ lực cơ động vào loại mạnh nhất của quân Mỹ, Ngụy Sài Gòn, dưới hỏa lực dày đặc của Mỹ mà vẫn giữ được trận địa dài ngày, gây cho địch những thiệt hại nặng nề rồi dẫn đến thất bại.

Bốn là, nét độc đáo, sáng tạo về nghệ thuật kết hợp chặt chẽ giữa tiến công giải phóng đất đai với tổ chức phòng ngự giữ vững vùng giải phóng; vận dụng linh hoạt các hình thức tác chiến tiến công, phản công và phòng ngự vững chắc. Trong chiến dịch giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị là một tình huống xảy ra ngoài dự kiến, do yêu cầu của đấu tranh ngoại giao và đấu tranh chính trị đưa đến. Với những điểm thiếu sót như đánh giá thấp âm mưu, thủ đoạn của địch, bị bất ngờ trước hoả lực mạnh, dày đặc của Mỹ và quân ngụy Sài Gòn quyết ngăn chặn sự sụp đổ của chế độ tay sai, thiếu nhất quán, rành mạch về tư tưởng chỉ đạo tác chiến trong tổ chức chỉ huy, bảo đảm hậu cần-kỹ thuật (như trong đánh giá của Tư lệnh chiến dịch trong cuộc tập huấn quân sự năm 1973).

Với nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong tác chiến chiến dịch, ta giữ được Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm, đã làm thất bại “Chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ-Nguỵ. Ta quán triệt sâu sắc nhiệm vụ chính trị của một chiến trường trọng điểm trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, trong đó yêu cầu tiêu diệt sinh lực địch gắn chặt với yêu cầu giải phóng đất đai, yêu cầu phối hợp ba mặt trận đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, khi quân đội viễn chinh Mỹ đang rút khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam.

Chiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972 mang ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, góp phần làm thay đổi cục diện trên chiến trường toàn miền Nam và Đông Dương. Bằng các đòn tiến công mạnh mẽ, quân giải phóng cùng bộ đội địa phương và nhân dân ta đã phá tan hệ thống phòng ngự kiên cố, giáng một đòn chí mạng vào quân đội Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Quảng Trị được giải phóng đã làm thất bại âm mưu “đàm phán trên thế mạnh” tại Hội nghị Pa-ri mà giới cầm quyền Mỹ cố tạo ra trên chiến trường miền Nam. Chiến thắng trên chiến trường Quảng Trị năm 1972 cùng với thắng lợi của chiến dịch “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

Ngày nay, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi phải xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân tinh, gọn, mạnh có sức cơ động cao; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc. Cần chủ động phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế”4; Đồng thời, “tiếp tục nghiên cứu phát triển lý luận về quốc phòng, an ninh, nghệ thuật quân sự, nghệ thuật bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh xã hội trong tình hình mới. Nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”5.

Chú thích: 1. Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị. Hội thảo khoa học “Du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội”. 2. Trích bài viết của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Bảo tàng Thành Cổ. 3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV. H. NXB Chính trị quốc gia,1998, tr. 472. 4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia, 2021, tr.156-157. 5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021, tr.159.
Thượng tướng Võ Minh Lương Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Quân uỷ Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Từ khóa » Chiến Dịch Quảng Trị Năm 1972