Chiến Dịch Huế - Đà Nẵng (21-3 đến 29-3-1975)

Chiến trường được phân thành hai khu vực: Trị Thiên - Huế và Quảng Nam - Đà Nẵng, trong đó mục tiêu chủ yếu là Huế - Đà Nẵng.

Trên cầu Trường Tiền (Huế) ngày 26-3-1975 (Ảnh tư liệu, BTLSQG)

Ngày 15-3, Bộ Tổng tham mưu ngụy Sài Gòn quyết định đưa Liên đoàn 14 biệt động quân từ Quảng Ngãi ra Quảng Trị thay thế Lữ đoàn 369 và đưa Lữ đoàn 258 lính thủy đánh bộ vào bảo vệ Quảng Nam - Đà Nẵng để rút Sư đoàn dù về bảo vệ Sài Gòn. Cuộc điều quân bố trí lại lực lượng này càng làm cho địch lâm vào thế dễ bị tan vỡ nếu bị tấn công. Ngày 18-3, Bộ Chính trị họp nhận định: Thắng lợi to lớn có ý nghĩa chiến lược của chiến dịch Tây Nguyên đánh dấu một bước rất mới trong cục diện chung, một bước suy sụp của Mỹ - ngụy. Địch đang thực hiện co cụm chiến lược, có thể co cụm ở Đà Nẵng và Cam Ranh… Bộ Chính trị hạ quyết tâm hoàn thành giải phóng miền Nam trong năm 1975; nhiệm vụ trước mắt là nhanh chóng tiêu diệt Quân đoàn I của địch, không cho chúng rút về Sài Gòn, giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh Trung Bộ.

Cờ giải phóng tung bay bên bờ sông Hương (Huế) ngày 26-3-1975 (Ảnh tư liệu, BTLSQG)

Ngày 21-3, chiến dịch Huế - Đà Nẵng được mở ra, nhằm tiêu diệt tập đoàn quân phòng ngự mạnh của quân ngụy ở Trị - Thiên, Huế, Đà Nẵng, giải phóng các tỉnh miền Trung; Bộ Quốc phòng mở chiến dịch tiến công các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Lực lượng địch trên địa bàn chiến dịch có Quân đoàn I - Quân khu 1; có 6 sư đoàn (2 sư đoàn thuộc lực lượng tổng dự bị, 4 sư đoàn biệt động quân); 24 tiểu đoàn và l0 đại đội bảo an, 21 tiểu đoàn pháo binh (418 khẩu), 4 thiết đoàn và 10 chi đoàn tăng - thiết giáp (trên 400 xe), 165 tàu hải quân, 1 sư đoàn không quân (96 máy bay chiến đấu) được bố trí thành 2 khu vực phòng ngự vững chắc: Bắc đèo Hải Vân (Quảng Trị - Thừa Thiên) và Nam đèo Hải Vân (Đà Nẵng - Quảng Ngãi).

Bộ binh và xe tăng ta vào TP Đà Nẵng ngày 29-3-1975 (Ảnh tư liệu, BTLSQG)

Chiến dịch này do Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy. Đồng chí Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh; Thượng tướng Chu Huy Mân làm Chính ủy. Chiến dịch thực hiện làm 2 đợt. Đợt 1, tác chiến từ ngày 21 đến 25-3 tiến công bao vây, chia cắt chiến lược, giải phóng Huế và toàn tỉnh Thừa Thiên, Quảng Ngãi. Đợt 2, tác chiến từ ngày 26 đến 29-3, ta tiến hành tổng công kích vào Đà Nẵng. Ngày 21-3-1975, từ các hướng Bắc, Tây, Nam, quân ta đồng loạt tiến công, hình thành nhiều mũi bao vây địch, mở màn cuộc tiến công Huế. Đến ngày 24-3, quân ta đã bao vây chặt toàn bộ tập đoàn phòng ngự của địch ở Huế; cũng trong ngày 24-3, quân ta đập tan tuyến phòng thủ của địch ở Tam Kỳ (Quảng Ngãi), xoá sổ Sư đoàn 2, Liên đoàn 12 biệt động quân nguỵ, giải phóng hoàn toàn thị xã Tam Kỳ.

Tam Kỳ (Quảng Nam) ngày giải phóng 29-3-1975 (Ảnh tư liệu, BTLSQG)

Sáng ngày 25-3-1975, Trung đoàn 101 Sư đoàn 325, Trung đoàn 3 Sư đoàn 324, các đơn vị của quân khu Trị-Thiên và các cánh quân của Quân đoàn 2 từ các hướng tiến về Huế. Quân ta vây kín cả 4 phía và thần tốc tiến vào trung tâm thành phố Huế. Đến 10 giờ 30 phút ngày 25-3-1975, quân giải phóng cắm cờ chiến thắng trên đỉnh Phu Văn Lâu, thành phố Huế được giải phóng. Đà Nẵng là một căn cứ quân sự liên hợp hải, lục, không quân hiện đại và mạnh vào bậc nhất ở miền Nam, mặc dù lực lượng còn rất lớn nhưng đã hoàn toàn bị cô lập. Sau khi mất Huế, lại mất Tam Kỳ (Quảng Nam), Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố "tử thủ" Đà Nẵng bằng mọi giá. Bộ Tổng tư lệnh với phương châm "nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất, nhưng chắc thắng" quyết định tập trung lực lượng tiến công vào Đà Nẵng. Sáng 29-3, các cánh quân đồng loạt tiến đánh Đà Nẵng. Đến 15 giờ ngày 29-3, quân ta chiếm lĩnh toàn bộ căn cứ liên hợp Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà; 17 giờ giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng. Chiến thắng Đà Nẵng đã kết thúc thắng lợi chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Kết thúc chiến dịch, ta loại khỏi vòng chiến đấu 120.000 tên địch, làm tan rã 130.000 phòng vệ dân sự, tiêu diệt và làm tan rã 3 sư đoàn bộ binh (Quân đoàn 1), sư đoàn thủy quân lục chiến (tổng dự bị), 4 liên đoàn biệt động quân, 4 thiết đoàn, 1 sư đoàn không quân; thu 129 máy bay, 179 xe tăng, 327 khẩu pháo, hơn 1.100 xe quân sự và tàu, xuồng; giải phóng 5 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Đà, Quảng Ngãi. Thắng lợi của chiến dịch này có ý nghĩa chiến lược quan trọng làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng về mặt chiến lược hoàn toàn có lợi cho ta; đập tan ý đồ co cụm chiến lược của địch, tạo điều kiện cho quân ta đẩy mạnh tốc độ tiến công giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam./.

Minh Vượng (tổng hợp)

Từ khóa » đà Nẵng Năm 1975