Chiến Dịch Mậu Thân Và Sự Thất Bại Của Tình Báo Mỹ

Ðể bảo vệ thành quả Cách mạng tháng Tám, thống nhất đất nước..., quân và dân Việt Nam đã thực hiện những chiến dịch mang tính bước ngoặt, trong đó có chiến dịch Mậu Thân. Trước Xuân 1968, tình báo Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đã có thông tin ban đầu về chiến dịch Mậu Thân, nhưng họ không thể hiểu hết ý chí quyết chiến quyết thắng, đỉnh cao trí tuệ, sức mạnh sáng tạo… của quân và dân Việt Nam. Trong đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, quân giải phóng chiếm lĩnh nhiều cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu.

Cuối năm 1967, các báo cáo tình báo bắt đầu xuất hiện trên bàn của lãnh đạo Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam. Theo đó, có khoảng 130.000 quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), 160.000 quân Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam và 33.000 quân hỗ trợ ở miền nam Việt Nam. Tin tình báo không thực chất Cuối năm 1967, tình báo của liên minh (Việt Nam Cộng hòa, Mỹ, Hàn Quốc, New Zealand, Úc) tiếp tục phân tích dữ liệu hé lộ có sự thay đổi lớn trong việc lập kế hoạch chiến lược của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Giữa tháng 12/1967, dữ liệu này thuyết phục được nhiều nhân vật ở Washington và Sài Gòn tin rằng, có chuyện gì đó quan trọng đang diễn ra. Từ tháng 10 đến tháng 12/1967, các đơn vị tình báo liên minh quan sát dấu hiệu Quân đội Nhân dân Việt Nam tập trung quân, tăng cường di chuyển xe tải dọc đường mòn Hồ Chí Minh… Trước những báo cáo như vậy, ngày 20/12/1967, tướng Mỹ William Westmoreland gửi điện về Washington cho rằng, những người cộng sản có thể sẽ có “một nỗ lực tăng cường trên phạm vi toàn quốc, có lẽ là một nỗ lực tối đa, trong một giai đoạn tương đối ngắn”. Tuy nhiên, khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 nổ ra, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa vẫn bị bất ngờ. Phía Quân lực Việt Nam Cộng hòa đổ lỗi cho tình báo Mỹ. Nhiều sĩ quan cho rằng, tin tình báo không thực chất, chỉ tập trung tìm hiểu năng lực quân sự của Quân đội Nhân dân Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam, mà không đoán được ý định của họ. Tóm lại, trước đó, Mỹ tin rằng, một cuộc tấn công quy mô lớn như vậy là điên rồ, Quân đội Nhân dân Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam chắc chắn sẽ không thực hiện. Các nhà phân tích thông tin tình báo của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa lầm tưởng rằng, đối phương không có đủ nguồn lực để phát động một cuộc tổng tiến công giàu tham vọng như vậy. Một lý do nữa khiến tình báo liên minh thất bại là sự phối hợp lỏng lẻo, bất đồng giữa các nhóm thu thập thông tin của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa. Các nhà phân tích của Cục Tình báo Trung ương Mỹ và của Quân lực Việt Nam Cộng hòa liên tục bất đồng ý kiến, chỉ chăm chăm cho rằng mình đúng. Các trận đánh nghi binh Từ tháng 4 đến tháng 10/1967, giới chóp bu Mỹ ở Sài Gòn đau đầu với vô số các cuộc tấn công dường như không liên quan tới nhau, do Quân đội Nhân dân Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam thực hiện ở khu vực ranh giới. Ngày 24/4/1967, một nhóm tuần tra, trinh sát của quân đoàn thủy quân lục chiến Mỹ tình cờ vấp phải một lực lượng lớn của Quân đội Nhân dân Việt Nam đang chuẩn bị tấn công đường băng và căn cứ chiến đấu ở Khe Sanh - vị trí phòng thủ phía tây của lính thủy đánh bộ tại tỉnh Quảng Trị. Đến khi lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam rút đi (ngày 9/5/1967), tổng cộng 155 lính thủy đánh bộ Mỹ tử trận. Sau đó, từ tháng 9 đến tháng 10/1967, các đơn vị pháo binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam mỗi ngày bắn khoảng 100-150 phát vào tiền đồn thủy quân lục chiến ở căn cứ Cồn Tiên gần khu phi quân sự. Điều này dẫn tới việc tướng Westmoreland phát động chiến dịch ném bom quy mô lớn, thực hiện 4.000 chuyến bay xuất kích, thả bom vào các vị trí của pháo binh Quân đội Nhân dân Việt Nam ngay phía bắc khu phi quân sự. Sau này nhìn lại, phía Mỹ mới thấy đây là chiến thuật nghi binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam để chuẩn bị cho một chiến dịch quan trọng. Ngày 27/10/1967, một trung đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam tấn công tiểu đoàn Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Sông Bé. Hai ngày sau, một trung đoàn khác của Quân đội Nhân dân Việt Nam tấn công tiền đồn của lực lượng đặc biệt Mỹ ở Lộc Ninh. Lần tấn công này khởi đầu một trận đánh kéo dài 10 ngày, với sự tham chiến của Sư đoàn số 18 rất thiện chiến của Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Sư đoàn Bộ binh số 1 của Mỹ. Trận đánh ác liệt nhất bắt đầu vào đầu tháng 11/1967, tại tỉnh Kon Tum. Lần này, Quân đội Nhân dân Việt Nam cử 4 trung đoàn thuộc Sư đoàn số 1, Mỹ cử Sư đoàn bộ binh số 4 và Lữ đoàn không vận 173. Các đơn vị bộ binh và không vận của Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng tham gia trận đánh kéo dài 22 ngày này. Cuối cùng, phía Mỹ có 262 lính tử trận, phía Quân đội Nhân dân Việt Nam thiệt hại nặng nề hơn nhiều. Khi tướng Westmoreland hỏi các chuyên gia tình báo của mình rằng, tất cả những điều trên có nghĩa gì, không ai trả lời được. Tình báo Mỹ không hiểu tại sao Quân đội Nhân dân Việt Nam lại tổ chức các trận đánh quy mô lớn ở những khu vực hẻo lánh - nơi mà hỏa lực và ưu thế trên không của Mỹ có thể dễ dàng đẩy lui mọi cuộc tấn công. Theo các nhà phân tích của Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ tại Việt Nam, những trận đánh đó của Quân đội Nhân dân Việt Nam không có ý nghĩa về mặt chiến thuật cũng như chiến lược. Sau này xét lại mới thấy, đó là bước đầu tiên trong kế hoạch hành động cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thu hút sự chú ý của Mỹ vào khu vực biên giới, khiến đông đảo các lực lượng Mỹ rời khỏi khu vực thành phố và vùng đất thấp ven biển đông dân. Tướng Mỹ gặp may

Ngày 1/2/1968 trên đường phố Sài Gòn, tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hòa, bắn thẳng vào đầu tù binh quân Giải phóng dịp Tết Mậu Thân. Bức ảnh đem lại giải Pulitzer cho tác giả Eddie Adams. Ảnh: AP. Chiến thuật nghi binh đáng kể nhất bắt đầu vào ngày 21/1/1968, tại căn cứ thủy quân lục chiến ở Khe Sanh. Khoảng 40.000 quân của Quân đội Nhân dân Việt Nam tấn công, bao vây lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ trong một thời gian dài. Tướng Westmoreland và các quan chức tình báo của Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ chắc mẩm rằng, Quân đội Nhân dân Việt Nam tập trung tàn phá căn cứ để giành quyền kiểm soát hai tỉnh cực bắc của miền nam Việt Nam. Hằn sâu suy nghĩ này trong đầu, tướng Westmoreland cử 250.000 quân tới Vùng chiến thuật Quân đoàn 1. Chỉ huy Quân đoàn 3, tướng Frederick Weyand, cực kỳ quan ngại việc triển khai quân của tướng Westmoreland. Từng là sĩ quan tình báo nên có lẽ nhờ bản năng mách bảo, tướng Weyand không tin vào hành động trên thực địa của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tướng Weyand liên lạc tướng Westmoreland để bày tỏ mối quan ngại của mình và thúc giục ông Westmoreland thay đổi việc tái bố trí quá nhiều quân như vậy. Rất may cho phía Mỹ, tướng Westmoreland đồng ý với tướng Weyand và chỉ đạo thuộc cấp rút 15 tiểu đoàn ở gần biên giới Campuchia về ngoại ô Sài Gòn. Việc rút quân về ngoại ô Sài Gòn, chứ không phải nơi khác, chỉ mang tính tình cờ, nhưng sau đó 27 tiểu đoàn của phe liên minh đã đụng độ với lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam trong thành phố và khu vực phụ cận. Đầu tháng 1/1968, Mỹ có 331.098 lính bộ binh và 78.013 lính thủy đánh bộ thuộc 9 sư đoàn, 1 trung đoàn thiết giáp và 2 lữ đoàn ở miền nam Việt Nam. Cùng phe còn có Lực lượng đặc nhiệm Úc số 1, Trung đoàn Thái Lan số 1, 2 sư đoàn bộ binh Hàn Quốc và 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến Hàn Quốc. Quân lực Việt Nam Cộng hòa có 350.000 binh sĩ thuộc lực lượng Lục quân, Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến. Ngoài ra còn có 151.000 quân thuộc lực lượng dân quân khu vực và 149.000 quân thuộc lực lượng dân quân địa phương. Dù có quân số hùng hậu như vậy lại kèm theo sự phân tích sắc sảo của tướng Weyand, nhưng lực lượng liên minh vẫn không chuẩn bị kỹ trước Tết Mậu Thân. Giới chức miền nam Việt Nam cho gần một nửa số quân nghỉ Tết. Ngày 28/1/1968, lính tuần tra của Quân lực Việt Nam Cộng hòa bắt được 11 cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam ở thành phố Quy Nhơn. Cán bộ mang theo băng đài ghi sẵn lời kêu gọi người dân Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng đứng dậy chống lại chế độ bù nhìn. Chiều hôm sau, Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa, tướng Cao Văn Viên, chỉ đạo các chỉ huy của 4 quân đoàn ra lệnh cho binh sĩ cảnh giác cao độ. Dù vậy, không có ai, kể cả tướng Westmoreland hành động khẩn trương. Có lẽ điều tồi tệ nhất là tướng Westmoreland đã không cảnh báo đúng mức cho giới chóp bu ở Washington về các động thái của Quân đội Nhân dân Việt Nam… Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân có vai trò, hệ quả mang tính bước ngoặt trong Chiến tranh Việt Nam, làm phá sản chiến lược Chiến tranh Cục bộ của Mỹ, buộc Mỹ đơn phương xuống thang, ngừng ném bom miền Bắc, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán hòa bình ở Paris…

Thu Loan (theo Virginia Review of Asian Studies) Nguồn: Tiền Phong

Từ khóa » Cục Tình Báo Của Việt Nam