Chiến Lược “A2/AD” Của Trung Quốc Và Cách Hóa Giải Của Người Mỹ

Mỹ diễn tập hóa giải trận pháp của Trung Quốc

Chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực có nghĩa là lực lượng pháo binh có căn cứ ở ven biển, không quân và hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể đẩy lùi một cuộc dàn quân nhanh của các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột. Tuy nhiên, chính xác thì người Mỹ lo ngại như thế nào về chiến lược này của Trung Quốc? Cuộc tập trận của Mỹ diễn ra hồi tháng 4 vừa qua mang tên "Chiến dịch Chimichanga" đã đưa ra một số câu trả lời cho câu hỏi này.

Theo báo The Diplomat, đối với Bộ Quốc phòng Mỹ, học thuyết Tác chiến Không - Biển (ASB) được coi là hy vọng lớn nhất để Washington đối phó với chiến lược A2/AD của Trung Quốc. Tháng 11/2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã thông qua khái niệm ASB và Lầu Năm Góc nhanh chóng triển khai ứng dụng học thuyết này vào thực tế.

Tướng Norton A.Schwartz, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ và Đô đốc Jonathan W.Greenert, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, cho biết nỗ lực này nhằm giúp quân đội Mỹ tổ chức, huấn luyện và tự trang bị tốt. Nhờ đó, các bộ tư lệnh tác chiến của quân đội Mỹ có đủ khả năng duy trì tiếp cận hoạt động tại những khu vực đang bị đối phương thực thi chiến lược A2/AD. Điều này ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng ở khu vực Tây Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang xây dựng chiến lược A2/AD nhằm đẩy lực lượng Mỹ khỏi vùng biển này.

Tuy nhiên, nếu không có hai nhà báo David Axe và Noah Shachtman, sẽ ít ai chú ý đến cuộc tập trận "Chiến dịch Chimichanga" ngoài quân đội Mỹ. Trong một bài viết đăng trên tạp chí Wired của Mỹ, hai nhà báo này đã miêu tả khá kỹ lưỡng về cuộc tập trận của Không quân Mỹ diễn ra ở Alaska, thuộc Tây Thái Bình Dương.

Khi các lực lượng do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu nhận nhiệm vụ tấn công các mục tiêu của chế độ Muammar Gaddafi ở Libya năm 2011, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng NATO vẫn không ngại bằng chứng là họ đã tiêu diệt được ông Gaddafi, giải phóng Libya, mà không gặp nhiều phản ứng từ quân đội Libya. Điều duy nhất khiến họ phải lo lắng chính là chiến lược A2/AD.

Trong trường hợp (chưa chắc chắn) nếu xảy ra một cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Trung Quốc, thì mọi chuyện sẽ không đơn giản như vậy. 15 năm đã trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton ra lệnh cho hai cụm tàu sân bay USS Independence và USS Nimitz tiến vào eo biển Đài Loan, nằm ngay cửa ngõ Trung Quốc, nhằm ngăn chặn Trung Quốc xâm nhập hòn đảo này, một cuộc triển khai lực lượng như vậy sẽ không xảy ra lần nữa.

Do PLA đã bị Bill Clinton làm cho bẽ mặt vào giữa những năm 90, nên họ đã dùi mài học thuyết A2/AD đến độ gần như hoàn hảo, với sự lựa chọn vũ khí hàng đầu là tên lửa Đông Phong 21D (DF-21D), một loại tên lửa đạn đạo chống tàu chiến được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay", cùng với hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu, từ cuối thập kỷ này sẽ cung cấp cho lực lượng tên lửa chiến lược của PLA khả năng tấn công chính xác mục tiêu, cộng với vô vàn hệ thống vũ khí khác, tên lửa DF-21D sẽ được sử dụng để bảo vệ Trung Quốc và những khu vực rộng lớn mà nước này tuyên bố chủ quyền, từ Tây Tạng và Tân Cương cho tới eo biển Đài Loan...

Trung Quốc cũng có kho vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, một cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Trung Quốc chỉ có thể thực hiện được nếu như cuộc tấn công đó vượt ra ngoài tầm với của PLA ở các nơi như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Australia. Rất ít khả năng lãnh đạo Trung Quốc sẽ chọn cách bấm nút đỏ để thực hiện một chiến dịch như vậy của PLA.

Trong bài báo về "Chiến dịch Chimichanga", hai nhà báo Axe và Shachtman đã giải thích rõ những vấn đề Mỹ sẽ gặp phải khi chiến đấu với các vũ khí thông thường của Trung Quốc. Họ viết: "Trong khi cuộc thử nghiệm ở Alaska dường như chứng minh rằng đội máy bay chiến đấu tàng hình có thể đánh bại hoàn toàn các lực lượng của kẻ thù ở phạm vi xa, nó cũng khẳng định khả năng dễ bị tổn thương của Mỹ đối với sự phát triển nhanh chóng của quân đội Trung Quốc. Chiến dịch đó sử dụng những máy bay chiến đấu tàng hình tối tân nhất và những máy bay ném bom được nâng cấp bay thành một đội để tấn công Trung Quốc. Do vậy Mỹ còn rất nhiều điều phải làm với những chiếc máy bay này".

Hai nhà báo này viết thêm rằng trong khi Không quân Mỹ có khoảng 150 máy bay ném bom, chỉ có nhóm máy bay B-2 là có đầy đủ tính năng tàng hình. Điều đó khiến cho một phần lực lượng ném bom của Không quân Mỹ dễ bị tổn thương trước hàng nghìn vị trí phòng không của Trung Quốc. Về mặt lý thuyết, các máy bay chiến đấu F-22 hay máy bay tiêm kích tàng hình F-35 có thể hạ gục những điểm phòng không đó, nhưng Mỹ có chưa tới 200 máy bay F-22 để dùng cho các chiến dịch, và sẽ khó có đủ, trong khi loại máy bay F-35 vốn bị chậm kế hoạch, thậm chí còn chưa được sản xuất.

Sơ đồ mô tả chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập của Trung Quốc.

A2/AD - Lá chắn không thể bị xuyên thủng?

Tuy nhiên, các chuyên gia được báo Asia Times Online phỏng vấn đều tin rằng lợi thế mà Mỹ luôn có đối với Trung Quốc vẫn chưa hết. Theo Oliver Braeuner, một chuyên gia về Trung Quốc và an ninh thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), quan điểm cho rằng những khu vực được bảo vệ bởi chiến lược A2/AD của Trung Quốc đã trở thành những khu vực phòng thủ không thể chọc thủng, là cường điệu quá mức. Chuyên gia này nhấn mạnh: "Mỹ vẫn duy trì sức mạnh cường quốc quân sự số một thế giới và vẫn chiếm khoảng 41% chi tiêu quốc phòng toàn cầu trong năm 2011".

Ông nói thêm rằng các đồng minh của Mỹ trong khu vực có thể tiếp quản một phần công việc nặng nhọc của Mỹ. Theo ông, "với tuyên bố gần đây rằng Mỹ sẽ bám trụ tại châu Á, Washington đã tái khẳng định cam kết của họ đối với an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không phụ thuộc vào một mình sức mạnh Mỹ. Điều đó có lẽ sẽ có nghĩa là trong tương lai các đồng minh của Mỹ ở châu Á cũng phải chịu trách nhiệm an ninh của bản thân nhiều hơn".

Steve Tsang, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh đã sai lầm trong việc đánh giá khả năng của chiến lược A2/AD của PLA. Ông nói: "Việc sở hữu một loại tên lửa đạn đạo chống tàu luôn sẵn sàng hoạt động (DF-21D) trên thực tế sẽ không mang ý nghĩa quyết định nhiều như suy nghĩ của Bắc Kinh. Hải quân và Không quân Mỹ sẽ chịu nhiều tổn thất lớn hơn nếu Mỹ bị lôi vào một cuộc đối đầu quân sự với một đối thủ ở gần".

Theo chuyên gia này, khả năng xảy ra một cuộc chiến với nhiều tàu chiến lớn, như tàu sân bay, bị hư hại nặng nề hoặc thậm chí bị phá hủy, sẽ không hiệu quả trong việc ngăn chặn các lực lượng Mỹ thực thi mệnh lệnh từ ban lãnh đạo chính trị của họ. Ông Tsang cho rằng Mỹ đã có những kế hoạch đối phó với những năng lực tiềm tàng của A2/AD, mà hiệu quả nhất hiện nay là các tàu ngầm của PLA. Theo chuyên gia này, Trung Quốc và Mỹ đang chơi trò "mèo vờn chuột", và trò chơi này sẽ tiếp tục phát triển và biến hóa do sự tiến bộ của các công nghệ kỹ thuật.

Ông nhấn mạnh, "một bên thay đổi trò chơi không đồng nghĩa với việc chấm dứt trò chơi. Điều này có nghĩa là khi PLA có thể chứng tỏ rằng các tên lửa đạn đạo chống tàu của họ là chính xác, hiệu quả và luôn sẵn sàng hoạt động, Mỹ sẽ chỉ phản ứng theo cách tối thiểu hóa những nguy cơ đối với tài sản của họ và sử dụng những chiến thuật cùng hệ thống vũ khí khác".

James Holmes, Phó giáo sư làm việc tại Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ cho rằng việc hoạt động trong các "vùng cấm" của Trung Quốc, mặc dù nguy hiểm, nhưng chưa phải là sứ mệnh tự sát đối với các lực lượng Mỹ. Phó giáo sư Holmes coi đây là một thách thức nghiêm trọng "không phải bởi vì Trung Quốc hay Iran có thể ngăn chặn quân đội Mỹ tiến vào những khu vực trên bản đồ, mà bởi vì họ có thể áp đặt cái giá cho những ai dám xâm nhập những khu vực như vậy. Trừ khi những người Mỹ quyết định sẵn sàng chấp nhận trả giá, họ có lẽ sẽ không triển khai các lực lượng theo cách nguy hiểm khi xảy ra xung đột. Trung Quốc - nước đóng vai trò bên tham gia "chống tiếp cận" chính, đang đặt cược rằng Washington đánh giá Đài Loan ít giá trị hơn so với Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ".

Ông Holmes sau đó giảng giải về quan điểm gọi là "cân bằng ngoài khơi". Theo ông, quan điểm này có nghĩa là Mỹ có thể rũ bỏ những cam kết ở châu Âu và châu Á, giao phó những cam kết đó cho các nước để cân bằng với bất kỳ cường quốc nào tìm cách thống trị khu vực, và chỉ trở lại khi nào các cường quốc khu vực không thể kiềm chế kẻ sẽ trở thành bá chủ. Điều đó có nghĩa là trang bị vũ khí cho các đồng minh của Mỹ. Nhưng trang bị những gói vũ khí cụ thể nào thì điều đó lại là một vấn đề khác. Phó giáo sư Holmes kết luận: Chúng ta đang làm việc với nhiều vấn đề và với nhiều học thuyết cũng như chiến thuật, để vượt qua thách thức từ chiến lược A2/AD, và để trả một cái giá cho việc xâm nhập theo mức độ có thể chấp nhận được đối với chúng ta".

Trong khi đó, John Pike, giám đốc mạng GlobalSecurity.org, cho rằng, "một trong những hàng rào phòng thủ chủ chốt chống những tên lửa hành trình chống tàu chính là hệ thống súng CIWS Goalkeeper (được bắn từ các con tàu để chống lại những tên lửa và đạn pháo đang bay đến). Chuyên gia này cho rằng nếu lo ngại về khả năng bị tấn công dồn dập, quân đội Mỹ có thể tăng cường thêm nhiều hệ thống súng CIWS Goalkeeper cho mỗi con tàu và khi đó những con tàu sẽ được bảo vệ bằng lớp vỏ bọc súng phòng không.

Tuy nhiên, nếu quan hệ Trung - Mỹ xuất hiện tình huống mất kiểm soát, cái giá phải trả cho cả hai bên, cả về kinh tế và chính trị, đều khổng lồ. Cho nên, một cuộc chiến Trung - Mỹ không phải là mục tiêu mà chiến lược Mỹ thực sự theo đuổi

Từ khóa » Chiến Lược A2/ad