Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Năm 2021 Của Nga: Thích ứng Với Một ...

Trong Chiến lược an ninh quốc gia năm 2021, Nga xác định thế giới đương đại đang phải trải qua thời kỳ chuyển biến với sự gia tăng các trung tâm phát triển kinh tế và chính trị của thế giới. Việc các quốc gia hàng đầu trên thế giới và khu vực đẩy mạnh củng cố vị thế quốc gia dẫn tới sự thay đổi và hình thành cấu trúc trật tự thế giới mới với các quy tắc, nguyên tắc mới. Tình trạng bất ổn chính trị cùng sự gia tăng mạnh mẽ của các tư tưởng cấp tiến và cực đoan có thể dẫn đến việc các nước nỗ lực giải quyết mâu thuẫn bằng cách tìm kiếm “đối thủ chính trị” từ cả bên trong lẫn bên ngoài, khiến nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng, các giá trị truyền thống bị suy giảm, các quyền cơ bản và tự do của con người chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể:

Về nguy cơ an ninh - chính trị, Nga xác định thế giới đang tồn tại sự gia tăng bất ổn và xung đột địa - chính trị, gia tăng mâu thuẫn giữa các nước đi kèm sự gia tăng nguy cơ sử dụng vũ lực. Sự suy yếu các chuẩn mực và nguyên tắc được luật pháp quốc tế thừa nhận, sự suy yếu và xói mòn các thể chế luật pháp quốc tế hiện có, việc liên tục loại bỏ hệ thống các hiệp ước và thỏa thuận kiểm soát vũ khí dẫn đến gia tăng căng thẳng và làm trầm trọng hơn tình hình quân sự - chính trị, nhất là ở các khu vực giáp biên giới với Nga. Một số nước nhắm đến việc thúc đẩy quá trình tan rã của Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), chia rẽ quan hệ của Nga với các đồng minh truyền thống. Một số nước coi Nga là “cường quốc đối thủ”, thậm chí là “mối đe dọa an ninh”. Nguy cơ xung đột vũ trang leo thang thành các cuộc chiến tranh cục bộ và khu vực, trong đó có cả sự tham gia của không ít cường quốc hạt nhân. Không gian vũ trụ và thông tin ngày càng được sử dụng như những lĩnh vực hoạt động quân sự mới. Việc “mong muốn cô lập Nga” và việc sử dụng các “tiêu chuẩn kép” trong hệ thống chính trị quốc tế, cản trở tính hiệu quả của hợp tác đa phương trên các lĩnh vực quan trọng, như bảo đảm an ninh bình đẳng, an ninh thông tin quốc tế, giải quyết các cuộc xung đột, chống khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, buôn bán ma túy, tội phạm có tổ chức, lây lan các bệnh truyền nhiễm, giải quyết các vấn đề môi trường...

Đối với nguy cơ an ninh thông tin, Nga cho rằng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ - thông tin và truyền thông làm gia tăng các mối đe dọa đối với an ninh của người dân, xã hội và Nhà nước Nga. Việc sử dụng công nghệ - thông tin và truyền thông để can thiệp công việc nội bộ của các nước, phá hoại chủ quyền và xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế ngày càng tăng. Các sáng kiến của Nga trong lĩnh vực bảo đảm an ninh thông tin quốc tế đang vấp phải sự phản đối của các nước muốn tìm cách thống trị không gian thông tin toàn cầu.

Về nguy cơ an ninh kinh tế, Nga nhận định nền kinh tế thế giới đang trải qua giai đoạn suy thoái sâu. Sự bất ổn trên thị trường và hệ thống tài chính quốc tế đang ngày càng tăng, đồng thời khoảng cách giữa các nền kinh tế ảo cũng ngày càng lớn. Trong bối cảnh kinh tế các quốc gia và khu vực trên thế giới vẫn phụ thuộc rất lớn vào nhau, quá trình hình thành các chuỗi cung ứng quốc tế mới đang chậm lại và dòng vốn đầu tư sụt giảm. Vai trò của các quốc gia và các hiệp định khu vực về kinh tế - thương mại ngày càng tăng. Quá trình chuyển đổi sang phát triển bền vững bị cản trở bởi các vấn đề kinh tế - xã hội tích tụ, sự mất cân đối về phát triển giữa các quốc gia và sự kém hiệu quả của các công cụ kích thích kinh tế trước đây đã sử dụng. Sự bất ổn về triển vọng của các nền kinh tế trên thế giới ngày càng lớn do hệ thống điều tiết các quan hệ kinh tế quốc tế suy yếu; sự chính trị hóa các vấn đề hợp tác kinh tế; sự thiếu tin cậy giữa các nước; việc đơn phương sử dụng những biện pháp hạn chế và chủ nghĩa bảo hộ phát triển. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục tái cấu trúc, gắn với sự thay đổi nền tảng công nghệ phát triển kinh tế, tiềm năng con người và môi trường sinh thái ngày càng trở nên quan trọng. Sự chuyển đổi các thị trường truyền thống về hàng hóa, vốn, công nghệ và lao động, sự xuất hiện các ngành kinh tế mới đi kèm với việc phân bổ lại vai trò, tiềm năng của từng quốc gia và khu vực trên thế giới, đã góp phần hình thành các trung tâm ảnh hưởng kinh tế mới.

Đối với nguy cơ về an ninh môi trường và việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, Nga nhấn mạnh, trong những thập niên gần đây, hoạt động sản xuất và tiêu dùng trên thế giới được thúc đẩy mạnh mẽ đã làm gia tăng áp lực của con người lên môi trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp kéo theo chất lượng cuộc sống của con người ngày càng giảm sút. Nhiều quốc gia đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn tài nguyên thiên nhiên. Sự gia tăng cạnh tranh trong tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên là một trong những yếu tố làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ quốc tế và nảy sinh xung đột giữa các quốc gia. Biến đổi khí hậu ngày càng có những tác động tiêu cực đến đời sống con người, tần suất xuất hiện các hiện tượng thiên tai nguy hiểm cũng ngày càng cao. Phát triển kinh tế xanh và carbon thấp đang trở thành một trong những nội dung chính của các chương trình nghị sự quốc tế.

Từ khóa » Chiến Lược An Ninh Quốc Gia Của Việt Nam