Chiến Thắng Buôn Ma Thuột - Tạo Thời Cơ Chiến Lược Mở Chiến Dịch ...

Chiến thắng Buôn Ma Thuột - tạo thời cơ chiến lược mở Chiến dịch Hồ Chí Minh 15:43, 23/03/2022

Cuối năm 1974, cục diện chiến trường miền Nam chuyển biến mạnh mẽ, lực lượng cách mạng miền Nam liên tiếp giành nhiều thắng lợi, làm cho thế và lực của quân đội Sài Gòn ngày càng lúng túng và suy yếu.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột qua hồi ức của những người trong cuộc
Khánh thành Sa bàn Chiến thắng Buôn Ma Thuột
Bảo tàng Đắk Lắk trưng bày lưu động chuyên đề "Chiến thắng Buôn Ma Thuột 10-3"
Tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết, truyền thống anh hùng từ Chiến thắng Buôn Ma Thuột

Trong bối cảnh đó, từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị nhằm đánh giá tình hình địch, ta ở chiến trường miền Nam. Sau khi phân tích và nhận định thời cơ, Bộ Chính trị hạ quyết tâm “Nếu thời cơ đến vào đầu năm hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.

Chọn hướng tấn công

Cùng thời gian này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm hướng tấn công chủ yếu trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 (mang mật danh A 275).

Việc lấy Buôn Ma Thuột làm mục tiêu quyết chiến có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng. Buôn Ma Thuột là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk, có vị trí chiến lược không những đối với Tây Nguyên mà cả miền Nam. Giải phóng Buôn Ma Thuột sẽ tạo ra bàn đạp giải phóng toàn bộ Tây Nguyên và vùng đồng bằng duyên hải miền Trung, mở ra hướng tiến công quan trọng trong toàn chiến dịch.

Xe tăng 980 của Trung đoàn Tăng - Thiết giáp 273, Mặt trận Tây Nguyên húc đổ cổng sắt Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23, trong trận giải phóng Buôn Ma Thuột, ngày 11/3/1975. Ảnh tư liệu

Trong những ngày quân ta sắp nổ súng mở màn cho Chiến dịch Tây Nguyên, cả quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa đều cho rằng hướng tấn công chủ yếu của quân ta trong thời gian này là Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Nên để giữ Tây Nguyên, Tư lệnh vùng 2 chiến thuật quân đội Sài Gòn bố trí ở Buôn Ma Thuột một lực lượng binh lực tương đối đông và tinh nhuệ, nhưng lại có phần chủ quan và sơ hở hơn so với Pleiku và Kon Tum. Do đó, một trận đánh lớn ở Buôn Ma Thuột sẽ tạo sự rúng động mạnh về chiến lược, làm đảo lộn thế phòng thủ của địch ở Tây Nguyên, uy hiếp đồng bằng duyên hải miền Trung, mở ra hướng tiến công quan trọng vào Sài Gòn.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đầu năm 1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên được thành lập do đồng chí Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh và đồng chí Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm 5 sư đoàn (10, 320, 316, 3, 968) và 4 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn đặc công, 2 trung đoàn pháo binh, 1 trung đoàn tăng - thiết giáp, 3 trung đoàn pháo phòng không.

Để tạo bí mật, bất ngờ cho trận quyết chiến chiến lược ở Buôn Ma Thuột, từ đầu năm 1975, lực lượng bộ đội chủ lực của ta ở Tây Nguyên đã tiến hành một kế hoạch nghi binh, tổ chức một số trận đánh nhỏ lẻ ở Bắc Tây Nguyên nhằm vào Pleiku, Kon Tum, thu hút sự chú ý đối phó của địch. Như thế, quân lực Việt Nam Cộng hòa cho rằng, ta chỉ có thể đánh những trận quy mô nhỏ ở Bắc Tây Nguyên chứ không thể đánh lớn vào thị xã Buôn Ma Thuột, nơi có lực lượng phòng thủ mạnh.

Đòn đánh bất ngờ, choáng váng

Thực hiện nhiệm vụ nghi binh, tạo thế chiến dịch, ngay từ đầu tháng 3/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch sử dụng Sư đoàn 968 hoạt động nghi binh ở khu vực Bắc Tây Nguyên, buộc Sư đoàn 23 của địch phải chuyển một bộ phận lực lượng từ Buôn Ma Thuột sang Kon Tum, Pleiku để đối phó.

Ngày 4/3, bộ đội ta chính thức nổ súng mở màn Chiến dịch Tây Nguyên. Từ ngày 4 đến 9/3, quân ta đánh cắt tuyến giao thông trên các đường số 19, 21, cô lập Tây Nguyên, chia cắt đường số 14 để cô lập hai khu vực Bắc Tây Nguyên với Nam Tây Nguyên; lần lượt tiến công đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn (ngày 8/3), Đức Lập (ngày 9/3), cô lập triệt để thị xã Buôn Ma Thuột.

Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột. Ảnh tư liệu

Theo đúng ý đồ chiến lược của ta, vào lúc 2 giờ sáng ngày 10/3/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên phát lệnh nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Cũng thời điểm ấy, từ các hướng, quân ta nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Bộ đội đặc công đánh vào sân bay thị xã, đánh Tổng kho Mai Hắc Đế, một lực lượng đánh sân bay Hòa Bình; hỏa tiễn H12, ĐKB và các cụm pháo tập trung bắn vào Sư bộ 23 của địch. Sáng ngày 10/3, ở hướng Bắc, bộ binh ta có xe tăng phối hợp đánh vào Ngã Sáu và đánh chiếm Tiểu khu Buôn Ma Thuột. Hướng Tây Bắc, lực lượng ta tiêu diệt Sở chỉ huy Tổng kho Mai Hắc Đế, đánh chiếm các cứ điểm Cư Êbur, Cư Dluê… phá tan hệ thống cứ điểm án ngữ vòng ngoài thị xã. Ở hướng Tây, quân ta đánh chiếm doanh trại tiểu đoàn quân y và áp sát căn cứ Sư bộ 23. Ở hướng Nam, ta đánh vào khu hành chính, khu tiếp vận, Sở Thú y, Ty ngân khố, khu cư xá sĩ quan và đánh chiếm quận lỵ Hòa Bình. Ngày 11/3/1975, bộ binh, xe tăng và trọng pháo của ta tập trung đồng loạt đánh vào Sư bộ 23, địch chống trả quyết liệt nhưng đến 10 giờ sáng quân ta đã làm chủ các mục tiêu, chiếm lĩnh Sư bộ 23, bắt sống tên tỉnh trưởng Đắk Lắk và đại tá Sư đoàn phó Sư 23 của địch. Lực lượng ta đã giải phóng và làm chủ hoàn toàn thị xã.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã giáng đòn điểm huyệt choáng váng, buộc quân địch phải rút bỏ Tây Nguyên, lực lượng tàn quân tháo chạy cũng bị tiêu diệt gọn. Thất thủ ở Tây Nguyên, chính quyền Sài Gòn và cố vấn Mỹ bàng hoàng, sửng sốt, hoàn toàn bất ngờ và rơi vào thế bị động.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột là một trong những chiến thắng oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Từ đó, tạo thời cơ chiến lược mới để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngay trong mùa Xuân năm 1975.

Nguyễn Đình Dũng

Từ khóa » Chiến Dịch Tây Nguyên Năm 1975