Chiến Thắng Mtao Mxây (Trích Đăm Săn - Củng Cố Kiến Thức

I. Tiểu dẫn

- Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam có một kho tàng sử thi dân gian đồ sộ gồm sử thi thần thoại (Đẻ đất đẻ nước, Ẩm ệt luông, Cây nêu thần) với nội dung kể về sự hình thành thế giới, sự ra đời muôn loài… sử thi anh hùng (Đăm Săn, Đăm Di, Đăm Noi) kể về cuộc đời và sự nghiệp của các anh hùng.

- Đăm Săn là sử thi của dân tộc Ê-đê (Tây Nguyên) nội dung kể về chiến công của người anh hùng Đăm Săn, một tù trưởng hùng mạnh (trong tiếng Ê-đê, Đăm nghĩ là chàng).

- Nội dung của đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây kể về cuộc chiến của Đăm Săn với Mtao Mxây, Mtao Mxây là một trong những tù trưởng giàu mạnh, y đã cướp vợ của Đăm Săn. Trong cuộc chiến với tù trưởng Đăm Săn, y đã thất bại vì không có sức mạnh và trí thông minh bằng Đăm Săn, y cũng không được ông Trời ủng hộ (người Ê- đê thời xưa cho rằng, người anh hùng luôn được Trời giúp đỡ).

II. Văn bản (SGK)

1. Tóm tắt diễn biến trận đánh để so sánh tài năng và phẩm chất của hai tù trưởng.

a). Đam Săn đến nhà Mtao Mxây khiêu chiến nhưng Mtao Mxây còn bỡn cợt chàng mà chưa chịu giao chiến ngay.

b). Bước vào cuộc chiến.

- Hiệp đấu thứ nhất:

+ Hai bên lần lượt múa khiên.

+ Mtao Mxây múa trước nhưng tỏ ra yếu ớt và kém cỏi.

+ Đam Săn múa khiên chứng tỏ sức mạnh, trí thông minh.

+ Kết quả hiệp đấu: Mtao Mxây chạy khắp nơi để tránh đường khiến Đam Săn múa.

- Hiệp đấu thứ hai:

+ Đam Săn múa khiên với sức mạnh như gió bão, cây giáo đâm liên tiếp Mtao Mxây nhưng không thủng.

+ Kết quả: Đam Săn nhờ sự giúp đỡ của ông Trời đã cắt được đầu của Mtao Mxây và dân làng Mtao Mxây nhất loạt theo Đam Săn về ngôi làng mới.

2. Những câu nói và hành động của đông đảo dân làng đối với việc thắng thua của hai tù trưởng chỉ ra thái độ và tình cảm của cộng đồng Ê-đê đối với mục đích của cuộc chiến và người anh hùng sử thi.

- Khi Đăm Săn gõ cửa từng nhà gọi “ơ tất cả tôi tớ này! Các người có đi với ta không?”, dân làng nói ’’Không đi sao được! Tù trưởng chúng tôi đã chết, lúa chúng tôi đã mục, chúng tôi còn ở với ai?”, “Không đi sao được! Làng chúng tôi phía Bắc đã mc cỏ gấu, phía Nam đã mọc cà hoang. Người nhà giàu cầm đầu chúng tôi nay đã không còn nữa”.

+ Nô lệ của Mtao Mxây “đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến như mối đi theo Đăm Săn”. Tôi tớ của Mtao Mxây mang của cải về nhà Đăm Săn “nhiều như ong đi chuyển nước, như vò vẽ đi chuyển hoa, như bầy trai gái đi giếng làng cõng nước”...

+ Tôi tớ của Đăm Săn thì đánh chiêng, tiếp khách, tiệc tùng linh đình ăn mừng chiến thắng của Đăm Săn.

- Những lời nói và hành động của tôi tớ hai bên chứng tỏ thái độ tán thành, hưởng ứng của họ đối với những cuộc chiến sáp nhập các bộ lạc, bộ tộc. Đó là con đường hình thành các dân tộc, trong đó, vai trò của các tù trưởng anh hùng như Đăm Săn có ý nghĩa quyết định.

- Đòi lại vợ là cái cớ dẫn đến chiến tranh mở rộng bờ cõi, làm nổi uy danh của cộng đồng, đây là ý nghĩa của sử thi Đăm Săn. Vì vậy chiến thắng hay thất bại của người tù trưởng sẽ quyết định tất cả. Cho nên dân làng Mtao Mxây đều tình nguyện đi với Đăm Săn và trong sử thi cũng không nói nhiều về chết chóc mà lựa chọn chi tiết ăn mừng.

3. Việc lựa chọn cảnh ăn mừng cuối đoạn trích là cách nhìn nhận của tác giả về ý nghĩa thời đại của cuộc chiến tranh bộ tộc và về tầm vóc lịch sử của người anh hùng trong sự phát triển của cộng đồng.

- Đoạn trích không miêu tả cảnh chết chóc của cuộc chiến (chỉ có tù trưởng là Mtao Mxây bị giết chết, bêu đầu) mà tập trung miêu tả cảnh ăn mừng chiến thắng của dân làng Đăm Săn và việc tự nguyện đi theo chàng của dân làng Mtao Mxây.

- Thái độ và cách nhìn nhận, đánh giá của tác giả dân gian đã bênh vực người anh hùng Đăm Săn, cũng như coi trọng xu thế tất yếu lịch sử phát triển cộng đồng.

4. Giá trị miêu tả và biếu cảm của những câu văn có lối so sánh, phóng đại khi miêu tả nhân vật, khung cảnh diễn ra sự việc.

- Trí tưởng tượng và cách nói phóng đại là nghệ thuật tiêu biểu cho sử thi.

- Miêu tả hành động của Đăm Săn bằng cách so sánh:

+ Múa trên cao như gió bão...

+ Múa dưới thấp như lốc...

- Những câu văn phóng đại:

+ Khi chàng múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, ba đồi tranh bật rễ bay tung.

+ Một lần xốc tới chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa chàng vượt một đồi lồ ô. Chàng chạy vun vút qua phía Đông, vun vút qua phía Tây...

- Những câu văn có sử dụng các biện pháp tu từ góp phần tạo nên âm hưởng hùng tráng, vẻ đẹp rực rỡ trong nghệ thuật miêu tả chân dung nhân vật anh hùng và nghệ thuật tạo dựng khung cảnh hoành tráng trong sử thi.

+ Làm sống lại quá khứ anh hùng của người Ê-đê Tây Nguyên thời Cổ đại.

+ Bộc lộ niềm tự hào của người Tây Nguyên về tổ tiên. Người Tây Nguyên tự hào có những anh hùng như Đăm Săn, Xinh Nhã, Khinh Dú...

Từ khóa » đăm Săn Múa Khiên