Chiến Tranh 6 Ngày: Trung Đông Rung Chuyển, Israel Chớp Nhoáng ...
Có thể bạn quan tâm
Chiến thắng chớp nhoáng của Israel trước các nước Ả Rập trong Chiến tranh 6 ngày năm 1967 đã khiến cả thế giới sửng sốt và ngay cả chính người Israel cũng phải ngạc nhiên.
Hầu hết các nhà phân tích đồng ý rằng cuộc chiến đã biến đổi mãi mãi cục diện xung đột Ả Rập-Israel và tình hình ở Trung Đông.
Nguyên nhân bùng nổ chiến tranh 6 ngày Israel-Ả Rập
Một loạt các tranh chấp biên giới là nguyên nhân chính cho Chiến tranh 6 ngày. Vào giữa những năm 1960, quân du kích Palestine do Syria hậu thuẫn đã bắt đầu tổ chức các cuộc tấn công qua biên giới Israel, dẫn tới các cuộc không kích trả đũa của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF).
Tháng 11/1966, Israel tấn công vào một ngôi làng ở Bờ Tây sông Jordan. Tháng 4/1967, Không quân Israel đã bắn hạ 6 máy bay chiến đấu của Syria.
Thêm vào đó, các báo cáo tình báo của Liên Xô công bố hồi tháng 5/1967 cho rằng Israel đang lên kế hoạch chuyển quân đến biên giới phía bắc giáp với Syria để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược toàn diện. Mặc dù thông tin được cho là không chính xác, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser vẫn hành động: Cho các lực lượng Ai Cập tiến vào Bán đảo Sinai; Trục xuất Lực lượng Khẩn cấp của Liên hợp quốc (UNEF) đã đóng trên Bán đảo Sinai 10 năm; Đóng cửa eo biển Tiran; Ký hiệp ước phòng thủ với Jordan.
Xe chở các binh sĩ Ai Cập bị bắt làm tù binh đi qua đoàn xe chở quân của Israel ở sa mạc Sinai ngày 8/6/1967 (Ảnh: Rolls Press/Popperfoto/Getty Images)
Chính hành động đóng cửa eo biển Tiran – một dải biển hẹp giữa Bán đảo Sinai và Bán đảo Ả Rập, cửa ngõ vào Vịnh Aqaba, là điểm tiếp cận duy nhất của Israel với Biển Đỏ và xa hơn nữa – là tia lửa làm bùng lên cuộc chiến tranh ác liệt này.
Phía Israel đã tuyên bố rằng việc đóng cửa eo biển giống như một "hành động chiến tranh". Nasser cũng tuyên bố: "Chúng tôi biết rằng việc đóng cửa Vịnh Aqaba có nghĩa là chiến tranh với Israel... Nếu chiến tranh xảy ra, đó sẽ một cuộc chiến toàn diện, và mục tiêu sẽ là hủy diệt Israel."
Có vẻ như Israel đã bắt đầu cuộc chiến vì sự tồn tại của chính mình. Sáng sớm ngày 5/6, Israel tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu vào lực lượng không quân của Ai Cập, mở màn cho cuộc "Chiến tranh 6 ngày".
Israel diệt 2/3 không quân Ai Cập trong ngày đầu
Vào ngày 5/6, trên mặt trận với Ai Cập, chỉ trong 4 tiếng đồng hồ, Israel đã tiêu diệt 2/3 lực lượng không quân Ai Cập, lực lượng lớn nhất trong thế giới Ả Rập lúc bấy giờ.
Mặt trận phía đông được mở khi các lực lượng Jordan bắt đầu pháo kích vào Tây Jerusalem – bất chấp lời cảnh báo của Israel đối với Vua Hussein để giữ Jordan không tham chiến.
Hàng nghìn quả đạn cối dội xuống các khu vực của người Do Thái ở Jerusalem. Kiểm soát vùng cao nguyên ở Bờ Tây, Jordan dễ dàng nã pháo vào các mục tiêu dân sự trên khắp các nẻo đường đến Tel Aviv và thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các thành phố ven biển Netanya và Kfar Saba.
Syria và Iraq cũng tham chiến. Mục tiêu nhắm tới là các nhà máy lọc dầu ở Haifa, thành phố lớn thứ ba ở Israel, và cộng đồng người Do Thái bên dưới Cao nguyên Golan do Syria kiểm soát.
Đáp lại, Israel tấn công các căn cứ không quân của Jordan, Syria và Iraq.
Ngay từ khi mở màn, Israel đã bị kéo căng trên ba mặt trận: Ai Cập ở phía Nam, Jordan ở phía Đông và Syria ở phía Bắc.
Tuy nhiên, đến cuối ngày 5/6/1967, Không quân Israel đã giành được toàn quyền kiểm soát bầu trời Trung Đông.
Israel thắng thế, Hội đồng bảo an vào cuộc
Ngày thứ hai (6/6), xe tăng và bộ binh của Israel tràn qua biên giới và tiến vào Bán đảo Sinai và Dải Gaza. Nhận thấy mức độ tổn thất, quân Ai Cập rút lui. Bán đảo Sinai rơi vào tay của Israel. Israel chiếm Dải Gaza, Ras el Naqeb và Jebel Libni từ Ai Cập.
Syria củng cố lực lượng ở khu vực biên giới với Israel và bắt đầu nã pháo.
Quân đội Israel đóng trên đỉnh núi chiến lược Scopus ở Jerusalem, nhìn ra Thành phố Cổ lịch sử. Mặc dù Israel có thể tấn công quân Jordan bằng pháo, nhưng họ đã kiềm chế để bảo tồn thành phố có ý nghĩa quan trọng đối với người Do Thái.
Israel còn đánh chiếm Ramallah, Đông Bắc Jerusalem, Đồi Ammunition và Talpiot.
Trong ngày thứ ba của cuộc chiến (7/6), Israel đánh chiếm và giành quyền kiểm soát Sharm El-Sheikh từ tay Ai Cập. Điều này đồng nghĩa Israel có thể mở lại các tuyến đường biển mà Ai Cập đã chặn hai tuần trước đó.
Lính dù Israel tiến vào Jerusalem, không sử dụng pháo binh để bảo tồn Thành phố Cổ. Sau nhiều giờ chiến đấu, quân Israel đã thắng thế.
Đài phát thanh quân đội Israel đã phát đi thông điệp: "Núi Đền đã nằm trong tay chúng ta."
Một binh lính Israel áp giải binh sĩ Jordan bị bắt trên đường phố Bethlehem (Ảnh: Bettmann/Bettmann Archive)
Binh lính và quan chức quân đội Israel đã đến Thành phố Cổ để cầu nguyện tại Bức tường phía Tây (Western Wall), và treo cờ Israel trên Núi Đền.
Sau đó, quân đội Israel tiến vào các khu vực xung quanh Jerusalem, giành quyền kiểm soát Hebron và Bethlehem mà không gặp nhiều kháng cự, đánh bật quân Jordan ra khỏi phần lớn Bờ Tây.
Trận chiến ở mặt trận phía Đông với Jordan đã gần kết thúc. Nhưng ở phía Bắc chiến sự vẫn tiếp diễn.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) họp khẩn, kêu gọi ngừng bắn. Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser từ chối lệnh ngừng bắn. Jordan thì không phản hồi.
Chiến tranh 6 ngày kết thúc
Bước sang ngày thứ tư (8/6), một máy bay Israel đã tấn công nhầm tàu do thám USS Liberty của Mỹ đang hoạt động ngoài khơi. Mặc dù cuộc tấn công đã bị hoãn lại khi phát hiện ra sai sót, nhưng vẫn khiến 34 thủy thủ Mỹ thiệt mạng.
Lực lượng Israel củng cố quyền kiểm soát Bờ Tây.
Quân Israel áp sát Kênh đào Suez, buộc Ai Cập chấp nhận lệnh ngừng bắn. Giao tranh vẫn tiếp diễn giữa Israel và Syria trên Cao nguyên Golan.
Ngày thứ năm (9/6), sau khi đánh bại Ai Cập và Jordan, Israel dồn quân sang mặt trận phía Bắc với Syria.
Quân Israel tiến lên Cao nguyên Golan, giành quyền kiểm soát tất cả các con đường và các điểm tiếp cận cao nguyên chiến lược này. Nhưng cuộc chiến giành Cao nguyên Golan vẫn tiếp tục.
Israel chiếm Kuneitra và Mas'ade vào ngày 10/6. Syria chấp nhận ngừng bắn và chiến tranh kết thúc.
Trong vòng 6 ngày ngắn ngủi, Israel lần lượt đánh bại Ai Cập, Jordan, Syria, chiếm Bán đảo Sinai, Dải Gaza, Bờ Tây, Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan.
Theo ước tính, khoảng 20.000 lính Ả Rập và 800 lính Israel đã tử trận chỉ trong 132 giờ giao tranh.
Diễn biến sau cuộc chiến
Để thể hiện cam kết chung sống hòa bình và nỗ lực tránh bạo lực trong tương lai, Israel đã thực hiện một động thái chưa từng có và gây tranh cãi: Trao quyền kiểm soát Núi Đền (Temple Mount), thánh địa linh thiêng nhất của người Do Thái, cho Jordan, chỉ 10 ngày sau khi chiến sự kết thúc.
Hội đồng Bảo an kêu gọi Israel rút quân khỏi tất cả các khu vực bị chiếm đóng. Tuy nhiên, Tel Aviv từ chối, tuyên bố sáp nhập vĩnh viễn Đông Jerusalem và thiết lập các cơ quan hành chính quân sự tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.
Israel cho biết rằng Gaza, Bờ Tây, Cao nguyên Golan và Sinai sẽ được trả lại để đổi lấy việc Ả Rập công nhận quyền tồn tại của Israel và đảm bảo chống lại cuộc tấn công trong tương lai. Các nhà lãnh đạo Ả Rập, sau thất bại cay đắng, đã gặp nhau vào tháng 8/1967 để thảo luận về tương lai của Trung Đông. Họ thống nhất đưa ra chính sách không hòa bình, không đàm phán và không công nhận Israel.
Các binh sĩ Syria đầu hàng trước xe tăng Israel ở cao nguyên Golan (Ảnh: Moshe Milner/AFP/Getty Images)
Tháng 11/1967, Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 242 kêu gọi Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ mà nước này đã chiếm được trong cuộc chiến để đổi lấy hòa bình lâu dài. Nghị quyết đã trở thành cơ sở cho các nỗ lực ngoại giao giữa Israel và các nước láng giềng, bao gồm Hiệp định Trại David được Ai Cập và Israel ký kết năm 1978 và thúc đẩy Giải pháp hai nhà nước với người Palestine.
Ý nghĩa của cuộc chiến
Trong vòng chưa đầy một tuần, lãnh thổ của Israel đã tăng hơn gấp ba lần. Cuộc chiến đã biến Israel từ một quốc gia tự nhận mình là chiến đấu để tồn tại thành một cường quốc quân sự trong khu vực.
Kể từ năm 1967, các vùng đất mà Israel chiếm giữ trong Chiến tranh 6 ngày là trung tâm của các nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột Ả Rập-Israel.
Israel trao trả bán đảo Sinai cho Ai Cập vào năm 1982 như một phần của hiệp ước hòa bình, rút khỏi Dải Gaza vào năm 2005. Tuy nhiên, tình trạng của Cao nguyên Golan và Bờ Tây vẫn tiếp tục là trở ngại trong các cuộc đàm phán hòa bình Ả Rập-Israel.
Theo Benny Morris, giáo sư thỉnh giảng nghiên cứu về Israel tại Đại học Georgetown (Mỹ), cuộc chiến vừa góp phần đưa Israel tiến tới hòa bình với người Ả Rập, đồng thời cũng phá hoại hòa bình giữa Israel và các nước Ả Rập.
Một mặt, cuộc chiến góp phần vào hòa bình vì nó cho các quốc gia Ả Rập thấy rằng Israel không thể bị đánh bại bằng quân sự, và nó cho Israel những lợi thế ở Sinai để đàm phán hòa bình với Ai Cập.
Mặt khác, sự hiện diện của Israel ở Bờ Tây trở thành một trở ngại lớn cho hòa bình.
(còn tiếp)
TheoMinh Đức/Soha
Từ khóa » Cuộc Chiến Tranh Israel
-
Chiến Tranh Ả Rập-Israel 1948 – Wikipedia Tiếng Việt
-
Cuộc Chiến Tranh 6 Ngày đã Thay đổi Hoàn Toàn Israel Như Thế Nào ...
-
Chiến Tranh Ả Rập-Israel 1967 (Bản Full) - YouTube
-
Chiến Tranh 6 Ngày - Khi Một Mình Israel “Cân” Cả Liên Minh Arab
-
Lịch Sử 100 Năm Xung đột Israel - Palestine - Báo Tuổi Trẻ
-
Israel - Palestine Bên Miệng Hố Chiến Tranh - Tuổi Trẻ Online
-
Israel-Gaza: Phân Tích Góc độ Pháp Lý Trong Chiến Tranh - BBC
-
Xung đột đẫm Máu Bùng Lên Giữa Israel Và Palestine Tại Dải Gaza - RFI
-
Lịch Sử Xung đột Giữa Israel Và Các Quốc Gia Ảrập - VnExpress
-
Nguy Cơ Chiến Tranh Toàn Diện Israel - Palestine - Báo Người Lao động
-
Tóm Tắt Lịch Sử, Nguyên Nhân Cuộc Chiến Israel Và Palestine
-
Lại Gia Tăng Căng Thẳng Giữa Palestine Và Israel - Báo Hậu Giang
-
Quan Chức Israel: Không Thể Tránh Một Cuộc Chiến Với Iran!